zaterdag 13 december 2014

Trường Sa, Biển Đông : Chiến hạm Việt - Trung gờm nhau gần Đá Gạc Ma



Trường Sa : Chiến hạm Việt - Trung gờm nhau gần Đá Gạc Ma


mediaChiến hạm Đinh Tiên Hoàng của Việt Nam trên Biển Đông. Bắc Kinh biến đảo Gạc Ma thành tiền đồn của Trung Quốc tại Trường Sa - DR
    Theo tờ Vượng báo tại Đài Loan vào hôm nay, 13/12/2014, một bức ảnh vừa được một trang web Trung Quốc tiết lộ đã cho thấy rõ tình hình căng thẳng dai dẳng tại Biển Đông : Hai chiến hạm thuộc loại hiện đại của Việt Nam và Trung Quốc đã ở trong tư thế gờm nhau tại vùng biển gần Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), thuộc quần đảo Trường Sa.
    Theo trang web Anh ngữ Want China Times của tờ báo Đài Loan bằng Hoa Ngữ, một diễn đàn trên mạng ở Trung Quốc mang tên Diễn đàn Nghiên cứu Nam Hải (tên Trung Quốc gọi Biển Đông) ngày 11/12 vừa qua đã công bố bức ảnh cho thấy sự đối đầu giữa hai chiến hạm của Trung Quốc và Việt Nam : Phía Trung Quốc là một chiếc khu trục hạm lớp 053 có tên lửa dẫn đường, được cho là chiếc Thương Châu, còn phía Việt Nam là hộ tống hạm tên lửa tàng hình Đinh Tiên Hoàng thuộc lớp Gepard của Nga.
    Theo nguồn tin trên, chiếc Thương Châu đã được phái đến khu vực quanh bãi Gạc Ma để đối đầu với chiếc Đinh Tiên Hoàng của Việt Nam. Gạc Ma là một trong những đảo đá bị Trung Quốc chiếm từ tay Việt Nam vào năm 1988, và đang được rốt ráo cải tạo, bồi đắp, mở rộng để có thể biến thành một tiền đồn quân sự của Trung Quốc tại Trường Sa, với đường băng cho phi cơ quân sự và bến cảng cho các tàu chiến.
    Vào tháng trước, Việt Nam đã cử hai chiến hạm hiện đại nhất của mình là Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ đi thăm hữu nghị 3 nước Brunei, Indonesia và Philippines. Hai chiến hạm này cũng đã ghé đảo Song Tử Tây (Southwest Cay) thuộc Trường Sa đang do Việt Nam kiểm soát để thăm hỏi binh linh Việt Nam đồn trú tại đấy.
    Theo tờ báo Đài Loan, một số quan chức Việt Nam xác định rằng chuyến thăm đã không nhằm khiêu khích Trung Quốc, nhưng hình ảnh do Diễn đàn Nghiên cứu Nam Hải tiết lộ cho thấy là chiếc Đinh Tiên Hoàng đã được gửi đến khu vực Đá Gạc Ma để theo dõi các chương trình cải tạo địa hình của Trung Quốc trong khu vực. Chiếc Thương Châu như đã được phái đến nơi để bảo vệ nhân công Trung Quốc đang làm việc tại đấy.
    Tờ Vượng Báo nhắc lại : Một khi Trung Quốc xây dựng xong đường băng dài 2 km trên đá Gạc Ma, các chiến đấu cơ Su-30, J-10 và J-11 của Trung Quốc có xuất phát từ đấy đi tấn công mọi mục tiêu trong khu vực eo biển Malacca. Còn khi Trung Quốc hoàn tất các công trình cải tạo đất tại Gạc Ma cũng như là tại Đá Ga Ven (Gaven Reef), Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), và Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), tất cả sẽ tạo thành một căn cứ triển khai quân ra toàn khu vực.
    Tờ báo Đài Loan nói rõ : Căn cứ mới đó của Trung Quốc chỉ cách Thành phố Hồ Chí Minh 830 km, Manila 890 km, miền Tây Malaysia 490 km, Kuala Lumpur và eo biển Malacca 1.500 km.

    http://vi.rfi.fr/viet-nam/20141213-truong-sa-chien-ham-viet-trung-gom-nhau-gan-da-gac-ma/


    Biển Đông dậy sóng vì đảo nhân tạo Trung Quốc


    mediaĐá Chữ Thập mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử Tiều ( Yongshu Reef ) là đảo đầu tiên có đường băng cho máy bay cất cánh và hạ cánh - DR
      Việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo với sân bay tại quần đảo Trường Sa khiến sóng gió lại nổi lên ở Biển Đông, nhất là kể từ khi bộ Quốc phòng Mỹ lên tiếng về hành động này của Bắc Kinh.
      Theo một báo cáo do tuần báo quốc phòng của Mỹ IHS Jane’s Defence công bố ngày 21/11/2014, với các hình ảnh chụp từ vệ tinh, công trình xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc đã bắt đầu từ cách đây ba tháng trên Đá Chữ Thập, mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử ( Yongshu Reef ). Đảo nhân tạo này có chiều dài 3 km và chiều ngang từ 200 đến 300 mét. Đây là đảo nhân tạo đầu tiên của Trung Quốc có một sân bay nhỏ ở Trường Sa và đảo này cũng có một hải cảng có thể tiếp nhận các chiến hạm.
      Theo đánh giá của tạp chí IHS Jane’s Defence, dự án mới trên Đá Chữ Thập « dường như là được thiết kế để buộc các bên khác phải từ bỏ những đòi hỏi chủ quyền của họ, hay ít ra giúp cho Trung Quốc có một vị thế mạnh hơn nếu sau này có đàm phán về những tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa ».
      Thật ra thì ngay từ ngày 06/11, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã phản đối « các hoạt động cải tạo phi pháp» của Trung Quốc trên bãi Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa mà Hà Nội khẳng định là của Việt Nam. Ông Lê Hải Bình cho biết là ngày hôm đó, đại diện bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối về công trình này.
      Về phía Philippines, ngày 25/11/2014, Ngoại truởng Albert Del Rosario thông báo là bộ Ngoại giao nước này từ ngày 10/10 cũng đã gởi một công hàm đến Trung Quốc để phản đối việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo trên Đá Chữ Thập, mà Philippines gọi là Kagitingan Reef.
      Ngay cả Đài Loan lên tiếng phản đối công trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền « lịch sử » của Đài Bắc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phát ngôn của bộ Ngoại giao Đài Loan Cao An kêu gọi các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông không nên có bất cứ hành động đơn phương nào có thể gây phương hại đến hòa bình và ổn định trong vùng.
      Công trình xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa cũng đã khiến sóng gió lại nổi lên trong quan hệ Mỹ - Trung. Vào cuối tuần trước, phát ngôn viên Lầu Năm Góc đã yêu cầu Bắc Kinh đình chỉ dự án xây đảo nhân tạo nói trên. Hôm qua, 24/11/2014 phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã nhắc lại lập trường của Washington rằng các công trình xây dựng quy mô như vậy có thể « khiến tình hình thêm phức tạp hoặc leo thang ».
      Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngay lập tức lên án những chỉ trích nói trên của Mỹ là « vô trách nhiệm ». Phát ngôn viên bộ Ngoại giao nước này, bà Hoa Xuân Oánh khẳng định rẳng các hoạt động xây dựng chỉ là nhằm « cải thiện điều kiện sống và làm việc của nhân viên trên đảo, để họ có thể thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế về tìm kiếm, cứu hộ ».
      Giới quân sự Trung Quốc cũng đã lên tiếng bảo vệ dự án đảo nhân tạo ở Trường Sa. Trên tờ Hoàn cầu Thời báo số ra ngày 24/11/2014 tướng La Viên ( Lou Yuan ) cho rằng đây là một dự án « hoàn toàn chính đáng và xác đáng ». Theo viên tướng này, « Hoa Kỳ đã tỏ rõ sự thiên vị, bởi vì Philippines, Malaysia, Việt Nam đã xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự » trong vùng quần đảo Trường Sa. Tướng La Viên tuyên bố rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ chống lại mọi áp lực quốc tế để tiếp tục dự án này.

      http://vi.rfi.fr/phan-tich/20141125-bien-dong-day-song-vi-dao-nhan-tao-trung-quoc/


      Trung Quốc đã bồi đắp Đá Chữ Thập thành đảo lớn nhất Trường Sa


      mediaĐảo Đá Chữ Thập - Trường Sa.DR
        Theo tiết lộ của nhật báo Đài Loan Vượng báo (Want Daily) số ra đề ngày 21/10/2014, hoạt động cải tạo địa hình mà Trung Quốc rốt ráo tiến hành tại các bãi đá mà họ chiếm đóng ở Biển Đông đã biến Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thành « đảo » lớn nhất ở quần đảo Trường Sa. Mục tiêu là củng cố một vị trí chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông.
        Theo báo mạng bằng Anh ngữ Want China Times, lấy lại thông tin trên tờ báo Hoa ngữ Vượng báo, từ cuối năm ngoái, Quân đội Trung Quốc đã tiến hành một loạt công trình xây dựng mới và bồi đắp các bãi đá và rạn san hô ở vùng Trường Sa đang do Bắc Kinh chiếm đóng. Trong số này có Đá Chữ Thập (tên tiếng Hoa là Vĩnh Thử Tiều/Yongshu Reef), là đối tượng tranh chấp chủ quyền giữa Đài Loan, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam, nhưng đã bị Trung Quốc kiểm soát trong thực tế từ năm 1988.
        Không ảnh của khu vực được công bố ngày 25/09/2014 trên trang web của DigitalGlobe, một công ty ảnh vệ tinh thương mại của Mỹ, cho thấy là Trung Quốc đã gia tăng diện tích Đá Chữ Thập lên hơn 11 lần, từ 0,08 km vuông lên thành 0,96 km vuông, biến bãi đá nhỏ này thành một thực thể địa lý còn lớn hơn cả đảo Ba Bình (Itu Aba) mà Đài Loan đang chiếm đóng dưới tên gọi Thái Bình.
        Tính theo diện tích, Đá Chữ Thập đã trở thành đảo lớn thứ năm tại vùng Biển Đông, đứng sau đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), đảo Đông Sa (Pratas), đảo Linh Côn (Lincoln) và đảo Tri Tôn (Triton).
        Củng cố một vị trí chiến lược tại Trường Sa
        Tiến trình cải tạo và mở rộng Đá Chữ Thập đã được Trung Quốc khởi sự ngay từ năm 1988 khi họ ngăn chặn tàu Việt Nam tiến vào khu vực, và cho xây trên đó một cơ sở gọi là « Trạm quan sát biển của UNESCO ».
        Ý đồ biến Đá Chữ Thập thành một căn cứ quân sự ngay sau đó đã lộ rõ với việc xây dựng một bãi đáp trực thăng, một bến tàu, cùng một số tòa nhà trang bị ăng-ten radar. Theo ghi nhận của tờ Vượng báo, hiện có 200 bính sĩ Trung Quốc đóng quân trên thực thể địa lý này.
        Đá Chữ Thập được coi là có giá trị chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc do vị trí tương đối biệt lập, không gần bất kỳ nơi nào do các nước khác kiểm soát trong một bán kính 70 km, nhưng lại chỉ cách trung tâm chỉ huy lực lượng Việt Nam tại Trường Sa khoảng 110 km, và cách bộ chỉ huy của Philippines khoảng 225 km.
        Vấn đề là tham vọng bành trướng của Trung Quốc không giới hạn. Theo Want China Times, một chuyên gia quân sự trên trang web thông tin Người Quan sát (Guancha) tại Thượng Hải, cho biết, diện tích của Đá Chữ Thập có thể được tiếp tục mở rộng để tăng gấp đôi kích thước hiện tại. Bắc Kinh rất có thể sẽ tăng cường sự hiện diện chính trị và quân sự trên thực thể này.

        http://vi.rfi.fr/chau-a/20141021-trung-quoc-da-boi-dap-da-chu-thap-thanh-dao-lon-nhat-truong-sa/


        Chuyên gia Đài Loan : Việt Nam cố sức cải tạo địa hình Trường Sa


        mediaĐảo Đá Nam, thuộc cụm Song Tử, quần đảo Trường Sa.Wikipedia
          Trong một bản tin công bố hôm nay, 30/10/2014, báo mạng Anh ngữ Want China Times của Đài Loan đã khẳng định : Ảnh vệ tinh mà chính quyền Đài Bắc chụp được cho thấy Hà Nội đang thúc đẩy -« mạnh hơn » cả Trung Quốc - việc bồi đắp, cải tạo địa hình các thực thể địa lý mà Việt Nam đang kiểm soát ở vùng Trường Sa (Biển Đông).
          Tờ báo Đài Loan trích dẫn một phóng sự đăng trên nhật báo Mỹ The Christian Science Monitor ngày 23/09/2014, trong đó một chuyên gia phân tích ảnh vệ tinh làm việc tại Trung tâm Khảo sát Vệ tinh thuộc Cục Quản lý Đất đai (Bộ Nội vụ Đài Loan), đã nêu bật phát hiện này.
          Theo ông Vương Thành Cơ (Wang Cheng-gi) làm việc trong dự án sản xuất ảnh vệ tinh độ phân giải cao về vùng Biển Đông đang tranh chấp giữa Đài Loan với 5 nước khác trong vùng, ông đã rất ngạc nhiên khi nhận thấy rằng Việt Nam đang bồi đắp và mở rộng các rạn san hô và đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa.
          Chuyên gia này nêu bật ví dụ về một công trình trải rộng trên một diện tích tương đương với 11 sân bóng đá để tố cáo : « Mọi người đều nói đến (các hành động của) Trung Hoa Đại lục, nhưng Việt Nam cũng đang cố sức » làm điều này. Trong bài báo trên tờ Christian Science Monitor, chuyên gia này cho biết là hình ảnh vệ tinh của Đài Loan cho thấy là Việt Nam vừa lấp đầy các rạn san hô, vừa xây nhà trên một số đảo nhỏ.
          Khi cho thực hiện các bức ảnh vệ tinh với độ phân giải cao về Biển Đông, một trong những mục tiêu mà chính quyền Đài Loan nhắm vào là làm ra bản đồ các đảo có tranh chấp tại vùng Biển Đông để khẳng định thêm chủ quyền của Đài Bắc, vốn cũng dựa trên đường lưỡi bò mà Bắc Kinh đang sử dụng.
          Trong thời gian gần đây, cũng dựa trên các hình ảnh vệ tinh, Philippines đã liên tiếp tố cáo Trung Quốc cải tạo địa hình, bồi đắp các bãi đá mà họ chiếm được tại vùng Trường Sa, xây dựng trên đó hàng loạt cơ sở có thể dùng vào mục tiêu quân sự.
          Theo ông Hoàng Giới Chánh (Alexander Huang), giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Đạm Giang (Tamkang) ở Đài Bắc, các hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao còn là một nguồn tư liệu quý giá để giới học giả thẩm định giá trị của các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

          http://vi.rfi.fr/141030-dai-loan-vn//

          Trung Quốc khẳng định thực hiện chính sách ngoại giao nước lớn

          mediaChủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh chụp ngày 19/11/ 2014, nhân một diễn đàn tại Sydney, Úc.REUTERS/Jason Reed
            Tại Hội nghị Công tác Đối ngoại Trung ương Trung Quốc, được tổ chức ở Bắc Kinh trong hai ngày, 28 và 29/11/2014, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc « cần có nền ngoại giao nước lớn mang đặc sắc » của mình.
            Theo Tân Hoa Xã, Hội nghị này có nhiệm vụ đề ra « những đường hướng, nguyên tắc cơ bản, mục tiêu chiến lược và những nhiệm vụ chính của nền ngoại giao Trung Quốc trong thời kỳ mới ».
            Khi yêu cầu thực thi một chính sách đối ngoại nước lớn, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, nền ngoại giao này mang đậm « đặc sắc Trung Quốc, phong cách Trung Quốc và khí phách Trung Quốc ».
            Đây là lần đầu tiên kể từ 8 năm qua, Bắc Kinh tổ chức một hội nghị bàn về công tác đối ngoại ở tầm cỡ này, với sự tham dự của Tổng bí thư đảng Cộng sản Tập Cận Bình và 6 ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị. Năm 2006, ông Hồ Cẩm Đào cũng đã cho tổ chức một hội nghị như vậy.
            Theo giới quan sát, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình cho thấy Trung Quốc đã gạt bỏ châm ngôn chỉ đạo đường lối đối ngoại mà Đặng Tiểu Bình đưa ra cách nay hai thập niên là « giấu mình chờ thời ». Sau khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã liên tiếp công du Châu Á, Châu Âu và Châu Phi và gần đây, Bắc Kinh đón tiếp Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), cố gắng tạo dựng cho Trung Quốc một vai trò cường quốc về kinh tế, an ninh quan trọng, sau nhiều năm phải chấp nhận sự thống trị của Hoa Kỳ trong khu vực.
            Theo một giáo sư Trung Quốc về quan hệ quốc tế, thuộc đại học Bắc Kinh, được hãng tin Bloomberg trích dẫn, « rõ ràng là lãnh đạo hiện nay không muốn thực hiện châm ngôn này nữa »« đây là chỉ dấu rất quan trọng cho thấy sự thay đổi trong chính sách đối ngoại » của Trung Quốc.
            Dười thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đẩy mạnh hiện đại hóa bộ máy quân sự, tỏ thái độ hung hăng và quyết đoán hơn trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông, tăng cường đầu tư và trao đổi thương mại với các nước láng giềng. Thậm chí, lãnh đạo Trung Quốc đưa ra dự án Con đường tơ lụa mới thế kỷ 21, tăng cường mậu dịch với Châu Âu, để thực hiện « giấc mơ Trung Hoa », mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế, chính trị và văn hóa.
            Nếu so sánh với phương châm đối ngoại của Đặng Tiểu Bình « giấu mình chờ thời », ra đời trong bối cảnh Trung Quốc tập trung phát triển kinh tế và ổn định chính trị, thì quan niệm về ngoại giao của ông Tập Cận Bình hướng ra bên ngoài nhiều hơn và thể hiện phong cách cá nhân, một phong cách đầy tham vọng lớn.
            Chuyên gia Trương Bảo Huy (Zhang Bahui), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương, đại học Lĩnh Nam (Lingnan) Hồng Kông, nhận định : « Bài phát biểu (của ông Tập Cận Bình), khẳng định, Trung Quốc đã chuyển sang một bố cục khác – một bố cục mà Trung Quốc chủ động tạo ra môi trường riêng cho mình »« Trung Quốc không còn là một tác nhân thụ động như lời Đặng Tiểu Bình căn dặn ».
            Trong bài phát biểu, khi khẳng định « kiên quyết giữ gìn chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển, giữ gìn sự thống nhất đất nước », ông Tập Cận Bình lại nhắc nhở ngoại giao Trung Quốc phải « xử lý ổn thỏa vấn đề tranh chấp lãnh thổ biển đảo ». Theo giáo sư Joseph Fewsmith, thuộc đại học Boston, Hoa Kỳ, mặc dù bài diễn văn thể hiện một sự tự tin của Trung Quốc là cần phải chủ động trong ngoại giao, nhưng đồng thời cũng cho thấy ông Tập Cận Bình dường như muốn « gọt dũa » các góc cạnh thể hiện trong chính sách đối ngoại gần đây của Bắc Kinh, khi lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh phải tạo dựng được một « cộng đồng vận mệnh các nước xung quanh ».
            Về phần mình, giáo sư Trương nhận định, bài phát biểu phản ánh nỗ lực của Bắc Kinh muốn sử dụng sức mạnh kinh tế và gạt bỏ lo ngại của các nước láng giềng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chiến lược này cho phép khai thác các thế mạnh của Trung Quốc, bởi vì « các xung đột do tranh chấp lãnh thổ có thể đẩy các nước khác đi với Hoa Kỳ ».

            http://vi.rfi.fr/chau-a/20141201-trung-quoc-khang-dinh-thuc-hien-chinh-sach-ngoai-giao-nuoc-lon/

            Geen opmerkingen:

            Een reactie posten