zaterdag 27 december 2014

Châu Á tưởng niệm các nạn nhân sóng thần

Châu ÁThiên taiSóng thầnXã hội

Châu Á tưởng niệm các nạn nhân sóng thần

mediaQuang cảnh bãi biển Marina, vùng Madras, miền nam Ấn Độ, sau trận sóng thần ngày 26/12/2004REUTERS
    Hôm nay, đúng mười năm sau trận sóng thần khủng khiếp ngày 26/12/2004 làm 226.000 người chết tại Đông Nam Á, hàng ngàn người ở các nước Châu Á đã tưởng niệm các nạn nhân bằng những buổi lễ đầy xúc động. Những bài kinh cầu, lời vinh danh được đọc lên, và cả những giọt nước mắt dành cho các hố chôn tập thể.
    Vào lúc 7 giờ 58 phút sáng hôm ấy, một trận động đất 9,3 độ Richter – cường độ lớn nhất trên thế giới kể từ năm 1960 – đã xảy ra tại Ấn Độ Dương ngoài khơi Indonesia, gây ra một cơn sóng thần khổng lồ tại vùng duyên hải Châu Á, từ Sri Lanka, Thái Lan sang tận Châu Phi, cuốn theo tất cả mọi thứ. Tổng cộng có 14 quốc gia Ấn Độ Dương bị ảnh hưởng.
    Người ta ước tính khi mảng kiến tạo Ấn và Andaman bị nứt ra, năng lượng phóng thích tương đương đến 30.000 quả bom đã thả xuống Hiroshima. Chấn động dữ dội cho đến nỗi mặt đất bị dịch chuyển từ 15 đến 20 mét, kèm theo rung chấn cảm nhận được trên toàn hành tinh. Tại tâm chấn ở Ấn Độ Dương, một cột nước có sức tàn phá khủng khiếp di chuyển về phía bờ biển với tốc độ kinh hoàng từ 500 đến 800 km/giờ. Khi đến nơi, những đợt sóng thần cao đến 35 mét hình thành, cuốn theo 226.000 nạn nhân.
    Indonesia gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất với 170.000 người chết và mất tích. Tại một công viên lớn ở Banda Aceh, thành phố gần trung tâm địa chấn nhất, đám đông 7.000 người cùng hát quốc ca, nhiều người đã khóc. Phó Tổng thống Indonesia, Jusuf Kalla tuyên bố : « Hàng ngàn xác chết đã nằm rải rác tại địa điểm này. Những giọt lệ rơi xuống vào thời đó là sự hoảng loạn, cú sốc, nỗi buồn, sợ hãi và đau khổ. Chúng ta đã cầu nguyện, kêu gọi giúp đỡ và đã nhận được sự trợ giúp tuyệt vời ».
    Tại Sri Lanka, nơi 31.000 người đã thiệt mạng trong trận sóng thần, những người sống sót và thân nhân của 1.000 hành khách trên chuyến xe lửa bị chết vì đoàn tàu bị bốc lên khỏi đường ray ở Colombo, đã tập hợp lại cầu nguyện.
    Ở Ấn Độ, quốc gia có 16.000 người chết, thân nhân các nạn nhân bang Tamil Nadu – nơi bị thiệt hại nhiều nhất, đã tổ chức các đêm cầu nguyện và những cuộc tuần hành kỷ niệm. Những vòng hoa được đặt tại đài tưởng niệm ở Kanyakumari, các ngư dân hôm nay không ra biển.
    Tại Thái Lan, lễ tưởng niệm chính thức bắt đầu vào cuối giờ chiều do Thủ tướng Thái chủ trì, diễn ra gần một chiếc tàu của cảnh sát. Bị sóng thần quăng vào đất liền cách đó hai cây số, nay chiếc tàu được dùng làm nơi kỷ niệm 5.400 nạn nhân trong đó phân nửa là du khách nước ngoài thuộc 37 quốc tịch khác nhau, chủ yếu đến từ Châu Âu.
    Thảm kịch này ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng quốc tế : trong số các du khách thiệt mạng ở Thái Lan, có 543 người Thụy Điển, 537 người Đức, các nước Phần Lan, Anh, Thụy Sĩ, Pháp, Na Uy mỗi nước có trên dưới 100 công dân bị chết vì sóng thần tại đây. Các buổi lễ tưởng niệm cũng được tổ chức tại nhiều nước Châu Âu, riêng tại Thụy Điển Hoàng gia cùng dự lễ với thân nhân các nạn nhân ở thánh đường lớn nhất Bắc Âu, gần Stockholm.
    Trận sóng thần kinh hoàng diễn ra ngay sau Noël đã gây xúc động trên toàn thế giới. Những món tiền trợ giúp của các mạnh thường quân được ào ạt gởi đến các nước Châu Á bị thiên tai. Tổng cộng trên 13,5 tỉ đô la từ thiện đã được huy động, trung bình 7.100 đô la cho mỗi nạn nhân sóng thần. Những năm gần đây, nhiều quốc gia Châu Á đã trang bị các hệ thống cảnh báo để có thể đối phó khi sóng thần hình thành.

    http://vi.rfi.fr/chau-a/20141226-chau-a-tuong-niem-cac-nan-nhan-song-than/

    Châu ÁThái LanThiên taiĐiểm báo

    Thái Lan mười năm sau sóng thần 2004

    mediaCảnh sát Thái Lan lưu giữ đồ dùng cá nhân của các nạn nhân sóng thần năm 2004. Ảnh chụp tại Phang Nga, 19/12/2014.REUTERS/Damir Sagolj
      Thế giới đang sống trong những ngày kỷ niệm 10 năm cơn sóng thần lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Sóng thần đã xảy đến sau cơn địa chấn lên đến 9,2 độ Richter bên bờ biển Indonesia vào ngày 26/12/2004, gây thiệt mạng hơn 200.000 người ở các nước dọc Ấn Độ Dương. Nhật báo Libération số ra hôm nay nhìn về một trong những nước chịu thiệt hại nặng nề hồi năm đó là Thái Lan, với bài phóng sự khá dài chạy tựa : « Thái Lan : Ở một ngôi làng của cơn sóng tâm hồn ».
      Ngôi làng mà tờ báo đề cập là làng Baan Nam Khem thuộc tỉnh Phang Nga bên bờ biển phía tây Thái Lan. Hồi năm 2004, làng này hứng chịu những cơn sóng cao đến 6-7m. Ngôi làng khi ấy có 5.000 người thì đã bị sóng thần cướp đi 800 người, chủ yếu là các ngư phủ nghèo khó. Baan Nam Khem từ đó trở thành « biểu tượng của thảm họa » hoặc bị gọi là « làng sóng thần » của Thái Lan.
      Sau thảm họa, con người ở đây tựa hồ mất hồn, không còn tha thiết gì với cuộc sống, bởi người thân không còn mà tài sản cũng mất hết. Nhiều người vì thế đã lũ lượt tìm đến định cư ở nơi khác, vừa để tránh nỗi đau quá khứ vừa để tránh những cơn sóng thần có thể xảy đến trong tương lai.
      Thế nhưng, tình thương yêu giữa con người đã dần giúp ngôi làng « hồi sinh ». Tờ báo đăng bức ảnh điêu tàn đổ nát của ngôi làng khi vừa hứng chịu sóng thần vào năm 2004, và ngôi làng có nhà cửa khang trang và cảnh buôn bán tấp nập trong hiện tại để chứng minh cho sự hồi sinh đó.
      Tờ báo nhấn mạnh đến sự đóng góp to lớn của các tổ chức thiện nguyện. Số là sau khi sóng thần xảy ra, nhiều tổ chức thiện nguyện quốc tế và địa phương đã thi nhau tìm đến giúp đỡ những người còn sống sót. Thế là trường học và bệnh viện được xây dựng, đường sá được sữa chữa và nâng cấp…Đến mức mà tờ báo cho biết đời sống của người dân được cải thiện hơn hẳn giai đoạn trước khi xảy ra sóng thần.
      Không chỉ có giúp đỡ về vật chất, mà đời sống tinh thần cũng được chú ý. Các nhà sư đã ra sức giảng giải về Phật giáo để những người còn sống sót hiểu được lẽ vô thường trong cuộc sống mà nhẹ bớt cõi lòng.
      Bên cạnh đó, nhiều tổ chức thiện nguyện Thiên Chúa giáo, mà chủ yếu là Tin Lành, đã tìm đến ngôi làng để cứu giúp những người cùng khổ. Ngay khi sóng thần xảy ra, một nhà thờ Tin Lành đã nhanh chóng được dựng lên cạnh hai chiếc tàu đánh cá bị sóng thần đánh văng lên hàng trăm mét trên đất liền. Hiện tại, trong ngôi làng đã có đến 3 nhà thờ Tin Lành, trong khi trước khi sóng thần xảy ra thì không hề có một nhà thờ Tin Lành nào.
      Trong một đất nước đa phần theo Phật Giáo như Thái Lan, thì dĩ nhiên sự hiện diện đột ngột và quá nhiều của các tổ chức Thiên Chúa Giáo thường làm dấy lên nhiều chỉ trích. Tờ báo cho biết, các tổ chức Tin Lành nói trên đã tham gia tích cực cứu giúp người bị nạn và đã đóng góp rất nhiều cho công cuộc tái thiết của ngôi làng để nó được khang trang như hiện tại. Thế nhưng, các tổ chức này cũng bị nhiều người cho rằng đã lợi dụng việc từ thiện để thu hút tín đồ, chẳng hạn như thu hút những người theo Phật Giáo địa phương để họ cải đạo thành tín đồ Tin Lành.

      http://vi.rfi.fr/chau-a/20141223-thai-lan-muoi-nam-sau-song-than-2004/

      Geen opmerkingen:

      Een reactie posten