'VN không có tiến bộ về tự do Internet'
- 6 tháng 12 2014
Báo cáo mới nhất cũng ghi nhận việc trang BBC tiếng Việt không thể truy cập được ở trong nước.
Phúc trình về tự do Internet của Freedom House đánh giá 65 quốc gia, sử dụng thang điểm từ 0 (tự do nhất) cho đến 100 (không hề có tự do).
Việt Nam bị hạ xuống 76 điểm trong đánh giá năm nay, so với 75 điểm hồi năm 2013.
"Tự do Internet không hề đạt được tiến bộ nào ... ngay cả khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hồi tháng 12 năm 2013", báo cáo viết.
"Đảng Cộng sản cầm quyền đã từ lâu lo sợ rằng internet và mạng xã hội có thể thách thức sự độc quyền về chính trị của mình".
"Mặc dù vẫn tiếp tục đầu tư vào công nghệ thông tin và truyền thông, chính quyền đã tăng gấp đôi số lượng người dùng mạng bị bắt giữ kể từ năm 2011. Tính đến năm 2014, Việt Nam đã bắt giữ nhiều blogger hơn bất cứ nước này trên thế giới, trừ Trung Quốc."
Cũng theo Freedom House, các nhà hoạt động tại Việt Nam đã trở thành mục tiêu cả các vụ tấn công mạng trong nhiều năm nay.
"Năm 2014, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng một nhóm hacker ủng hộ chính phủ, hoạt động từ năm 2008, đã nhắm vào ít nhất một tổ chức dân sự và một hãng tin viết về Việt Nam và các blogger người Việt ở nước ngoài".
"Loại mã độc được sử dụng trong các vụ tấn công có thể qua mặt các phần mềm chống virus thương mại hiện nay và được gửi đi từ các máy chủ trên khắp thế giới".
Kiểm duyệt thông qua nhà mạng
Phúc trình mới nhất cho biết ngoài các điều luật, nghị định hạn chế quyền tự do trên mạng như Nghị định 72, 174 và Điều 258 Bộ Luật Hình sự, chính quyền còn sử dụng các nhà mạng để kiểm duyệt thông tin trên Internet."Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam không có đủ nguồn lực để kiểm duyệt thông tin trên mạng như ở Trung Quốc, chính quyền cũng vẫn thiết lập một hệ thống kiểm duyệt hiệu quả", báo cáo viết.
"Việc kiểm duyệt được thực hiện thông qua các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) ... Các đường dẫn đến các trang web cụ thể bị chặn và đưa vào danh sách đen".
"Các nhà nghiên cứu cho biết các ISP ở Việt Nam không chặn các trang web có nội dung khiêu dâm", Freedom House cho biết.
"Các mục tiêu bị chặn chủ yếu là các trang bị cho là có nội dung đe dọa quyền lực chính trị của Đảng Cộng sản, trong đó có các trang bất đồng chính kiến, các trang về nhân quyền, dân chủ hoặc có bài viết chỉ trích phản ứng của chính quyền trước xung đột ở biên giới và trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam".
"Các trang quảng bá cho các nhóm tôn giáo như Phật giáo, Công giáo và Cao Đài cũng bị chặn, nhưng không nghiêm trọng bằng".
"Những trang có quan điểm chỉ trích chính quyền thường xuyên không truy cập được, dù là đặt máy chủ ở nước ngoài như Talawas, Dân Luận, Đàn Chim Việt, hay trong nước như Dân Làm Báo, Anh Ba Sàm, Diễn đàn Xã hội Dân sự".
Cũng theo Freedom House, chính sách kiểm duyệt chủ yếu nhắm vào các trang viết tiếng Việt.
"Trang New York Times hoặc Human Rights Watch thường vẫn truy cập được, trong khi RFA tiếng Việt thì không. Các trang của đài BBC tiếng Anh vẫn truy cập được, nhưng BBC tiếng Việt thì không".
Báo cáo dẫn số liệu từ Openet Initiative hồi năm 2012 cho biết Viettel là hãng chặn nhiều trang web nhất (160 trang), trong khi FPT chặn 121 trang và VNPT chặn 77 trang.
Tuy nhiên chính sự kiểm duyệt này đã khiến cho các 'báo lề dân' trở thành nguồn tin quan trong đối với nhiều người Việt Nam, Freedom House nhận định.
"Người dân giờ đây nhận thức được sự tồn tại song song giữa báo chí chính thống và một nền báo chí khác chỉ hoạt động trên mạng".
"Các trang web như Anh Ba Sàm, Quê Choa hay Bauxite Việt Nam thường phản ứng rất nhanh trước các sự kiện chính trị xã hội và có tầm ảnh hưởng lớn trong việc huy động các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội và TP. HCM".
Tin liên quan
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2014/12/141206_freedomhouse_vietnam
Geen opmerkingen:
Een reactie posten