woensdag 10 december 2014

Cựu ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang bị bắt

Thứ bảy, 6/12/2014 | 07:01 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ bảy, 6/12/2014 | 07:01 GMT+7

Cựu ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang bị bắt

Truyền thông Trung Quốc hôm nay cho biết cựu ủy viên Thường trực Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang đã bị bắt và đang được chuyển sang cơ quan tư pháp, sau khi ông bị khai trừ khỏi đảng.
79544149-c3d519c0-f966-44c1-8c-1421-7746
Ông Chu Vĩnh Khang. Ảnh: EPA.
Cựu ủy viên thường trực Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang đã "làm rò rỉ bí mật của đảng và quốc gia", Xinhua cho hay. Ông Chu còn "nhận nhiều khoản tiền lớn và tài sản trực tiếp hoặc thông qua gia đình".
Theo báo cáo từ Bộ Chính trị Trung Quốc, Chu "lợi dụng quyền lực để giúp người thân, tình nhân và bạn bè thu những khoản lợi lớn từ hoạt động kinh doanh, gây tổn thất nặng nề đối với các tài sản của nhà nước". Ông này cũng "thừa nhận có quan hệ tình cảm với nhiều phụ nữ, trao đổi quyền lực lấy tình dục và tiền".
"Những việc ông Chu làm hoàn toàn lệch khỏi bản chất cũng như sứ mệnh của đảng, vi phạm kỷ luật đảng nghiêm trọng", thông báo Bộ Chính trị Trung Quốc cho biết. "Hành vi của Chu hủy hoại uy tín đảng, gây tổn hại lớn đến sự nghiệp của đảng và nhân dân, mang đến hậu quả nghiêm trọng".
Ngoại tình không phải là bất hợp pháp ở Trung Quốc. Tuy nhiên, trong những năm qua có nhiều thông tin đảng viên nước này có nhiều tình nhân, gây mất uy tín của đảng. Bắc Kinh hồi tháng 6 tuyên bố các quan chức phạm tội liên quan đến chuyện tình cảm "có thể bị cách chức hoặc khai trừ đảng".
Ông Chu hiện là thành viên cấp cao nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc bị điều tra kể từ sau khi  "Bè lũ bốn tên", trong đó có vợ của Mao Trạch Đông, bị xét xử năm 1980. Thông báo chính thức mở đường cho điều tra hình sự, thường dẫn đến phán quyết có tội và sau đó là một án tù.
chu-vinh-khang-2829-1417838138.jpg
Phạm vi ảnh hưởng rộng lớn của ông Chu Vĩnh Khang. Danh sách những người từng có đầy quyền lực quanh ông Chu. Đồ họa: BBC.
Ông Chu từng là người đứng đầu tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) trong những năm 1990 và giữ chức bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên năm 1999 - 2002, sau đó làm bộ trưởng công an trước khi được bầu vào Bộ Chính trị. Ông về hưu trong một cuộc chuyển giao quyền lực năm 2012.
Khi còn đương nhiệm, ông Chu có mối quan hệ rộng rãi trong ngành dầu khí và công an. Cả hai lĩnh vực này đều đang là mục tiêu điều tra của đảng Cộng sản Trung Quốc. Cựu ủy viên Bộ Chính trị không xuất hiện trước công chúng trong nhiều tháng qua kể từ cuối năm 2012. Các nguồn tin khi đó cho rằng ông đang bị chính quyền điều tra tội danh tham nhũng và bị quản thúc tại gia.
Như Tâm

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/cuu-uy-vien-bo-chinh-tri-trung-quoc-chu-vinh-khang-bi-bat-3116842.html

Thứ hai, 8/12/2014 | 11:11 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ hai, 8/12/2014 | 11:11 GMT+7

Chu Vĩnh Khang thời trai trẻ

Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, Chu Vĩnh Khang từng được đánh giá là một học sinh gương mẫu, một cán bộ dầu khí trẻ mẫn cán, liêm khiết.
Chu Vĩnh Khang sinh năm 1942, tại thôn Tây Tiền Đầu, thị trấn Hậu Kiều, huyện Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Tên khai sinh của Chu là Chu Nguyên Căn, là anh cả trong một gia đình nhà nông nghèo có ba anh em. 
1393924801875958-1417835859-66-4966-2297
Căn biệt thự của gia tộc Chu Vĩnh Khang tại quê nhà, thôn Tây Tiền Đầu. Ảnh: Xinhua
Những năm tháng ở quê
Theo Caixin, trong ấn tượng của bà con láng giềng, bố mẹ của Chu, ông Chu Nghĩa Sinh và bà Chu Tú Kim, đều là người tốt. Bà Chu Tú Kim còn từng làm chủ nhiệm đội sản xuất nữ của thôn.
Năm 1956, Chu Nguyên Căn thi đỗ vào trường trung học Học Hải, một trong hai trường điểm của huyện. Do trong lớp có bạn học cùng tên với Chu, nên cô giáo chủ nhiệm Châu Mộng Chu đổi tên cho trùm an ninh tương lai của Trung Quốc thành Chu Vĩnh Khang. 
Trong ấn tượng của bạn học thời bấy giờ, Chu Vĩnh Khang là học sinh gương mẫu, biết tiết kiệm cho gia đình. "Thời cấp hai, Chu Vĩnh Khang rất lịch sự, hay cười, thậm chí còn bị các bạn khác bắt nạt", ông Châu Nguyên Khánh, bạn học cấp hai của Chu, nhớ lại. Ông cũng cho biết, trường học ở xa nhà, trong khi tiền thuê phòng ký túc thì đắt, nên Chu cùng một số bạn thuê nhà ngay ở thị trấn cho rẻ.
Thiếu niên Chu Vĩnh Khang có gia cảnh bần hàn, nên rất chịu khó học, đạt thành tích cao trong lớp. "Hồi đó, giáo viên rất nghiêm khắc, nên để có kết quả cao không dễ dàng gì", ông Chu Căn Sinh, một người bạn học khác, kể lại. Năm 1958, Chu Vĩnh Khang thi đỗ vào trường cấp ba Tô Châu, trường trọng điểm của tỉnh Giang Tô với hàng trăm năm lịch sử.
Tại đây, Chu Vĩnh Khang vẫn được đánh giá là học sinh gương mẫu, học hành chăm chỉ. Mỗi khi nghỉ hè về quê, Chu đều tham gia hoạt động đoàn thể của địa phương, được bầu làm tổ trưởng tuyên truyền, tổ chức hoạt động xóa mù chữ ở thôn.
55 năm sau, khi Chu về thăm trường cũ, trường cấp ba Tô Châu từng đánh giá rằng: "Chính bầu không khí học tập tại mảnh đất này đã khơi gợi niềm hứng thú học tập của ông, đã có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của ông".
Năm 1961, Chu Vĩnh Khang thi đỗ vào Học viện Dầu khí Bắc Kinh, là một trong số ít các học sinh đỗ đại học của thị trấn Hậu Kiều và được coi là niềm tự hào của thôn Tây Tiền Đầu. Cũng từ đó, Chu rời xa quê hương, bước chân vào con đường hoạn lộ.
Khởi nghiệp từ dầu mỏ
chu1-8597-1418011719.jpg
Chu (bìa trái)  trò chuyện với sinh viên Đại học Dầu khí Tây An vào thời điểm ông còn giữ chức phó tổng giám đốc của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNCP). Ảnh: Sina
Mùa hè năm 1966, Chu Vĩnh Khang tốt nghiệp đại học, chờ được tổ chức phân công công tác. Nhưng năm đó, Trung Quốc nổ ra cuộc Đại cách mạng văn hóa, Chu và các bạn học cùng khóa bị giữ lại trường đợi phân công suốt một năm.
Năm 1967, Chu được phân công về đội khảo sát địa chất tại xưởng 673, thuộc mỏ dầu Đại Khánh, tỉnh Liêu Ninh. Đây là đơn vị mới thành lập, có nhiệm vụ khảo sát khai thác mỏ dầu Liêu Hà.
Năm 1970, khi mỏ Liêu Hà chính thức đi vào khai thác, kỹ thuật viên Chu Vĩnh Khang được điều qua phòng khu vực, đoàn địa chất thuộc Bộ chỉ huy mỏ Liêu Hà. Trong ba năm sau đó, Chu có những bước thăng tiến đầu tiên trong sự nghiệp, từ một nhân viên bình thường được bầu làm bí thư chi bộ, rồi thăng lên đại đội trưởng.
Trong ký ức của đồng nghiệp, Chu Vĩnh Khang là người tốt, biết đồng cam cộng khổ với anh em. Kỹ sư cao cấp Trương Quốc Thành, người từng làm việc với Chu tại đoàn địa chất, kể lại rằng, có lần cả đoàn đi khảo sát ở vùng xa, khi về đại đội trưởng Chu Vĩnh Khang không ngồi chung xe tải với anh em, mà tự mua vé tàu hỏa về. Khi được hỏi lý do, Chu nói anh em chắc chắn sẽ để mình ngồi trong khoang lái, mà cả đoàn phải ngồi ở khoang tải trong trời mùa đông lạnh cắm. Chu không đành lòng.
Năm 1973, đoàn địa chất được nâng cấp bậc thành phòng khảo sát địa chất, thuộc Cục khảo sát dầu khí Liêu Hà. "Mặc dù được thăng chức, Chu không có gì thay đổi, vẫn tích cực làm việc, không tỏ vẻ lãnh đạo với anh em", ông Trương Quốc Thành cho biết.
Do tính chất công việc, phòng khảo sát địa chất không ngừng được mở rộng, với hơn 2300 nhân viên chia thành 10 phân đội. "Cứ đến mùa đông là chúng tôi phải đi thực địa, có khi ngay cả Tết cũng không được về nhà", ông Ninh Quảng Vận, cấp phó của Chu lúc ấy, nhớ lại. "Mỗi dịp lễ tết, trưởng phòng Chu Vĩnh Khang lại thường xuyên đi thăm anh em".
Năm 1976, Chu Vĩnh Khang được đề bạt làm phó chủ nhiệm chính trị của cục khảo sát dầu khí Liêu Hà. Ba năm sau, Chu được thăng lên cục phó kiêm bí thư đảng ủy bộ chỉ huy khoan dầu.
Đội khoan dầu là đơn vị trực thuộc lớn nhất của mỏ dầu Liêu Hà lúc đó. Tại đây, cấp trên và đồng nghiệp đánh gia rất cao năng lực công tác của Chu Vĩnh Khang. Nhưng do chuyên ngành đào tào thời đại học là khảo sát, nên lãnh đạo bộ Dầu khí trực tiếp yêu cầu chuyển Chu sang làm bí thư đảng ủy kiêm tổng chỉ huy đội khảo sát địa chất.  
Đây cũng là giai đoạn Trung Quốc bắt đầu công cuộc cải cách mở cửa. Giới lãnh đạo tại Bắc Kinh mà đứng đầu là Đặng Tiểu Bình quyết định trẻ hóa đội ngũ quan chức. Năm 1983, Chu Vĩnh Khang được đề bạt làm cục trưởng cục khảo sát dầu khí Liêu Hà. Năm đó, Chu mới chỉ ngoài 40, là nhân tố nổi trội trong hàng ngũ lãnh đạo cục. Một năm sau, Chu kiêm nhiệm chức thị trưởng, phó bí thư thành ủy thành phố Bàn Cẩm.
Cuộc hôn nhân đầu tiên
vuongthuhoa-1417836457-660x0-5552-141800
Người vợ đầu của Chu Vĩnh Khang tên là Vương Thục Hoa, chết vì tai nạn xe hơi năm 2000, không lâu sau khi ly dị chồng. Ảnh: News.163
Trong thời gian công tác tại Liêu Hà, Chu Vĩnh Khang quen và kết hôn với người vợ đầu tiên là bà Vương Thục Hoa. Theo lời kể lại của vợ chồng ông Tống Điện Thần, người làm mối cho Chu, Vương Thục Hoa là công nhân thuộc đoàn địa chất do Chu lãnh đạo. Vương quê ở tỉnh Hà Bắc, xuất thân từ gia đình nông dân. "Vương Thục Hoa dáng người gầy, da ngăm đen, rất chất phác", vợ của ông Tống cho biết. "Việc gia đình một tay cô ấy làm hết, là một người vợ tốt". 
Trong ấn tượng của đồng nghiệp cũ, cuộc hôn nhân giữa Chu và Vương rất hạnh phúc. Vì vậy, họ bán tín bán nghi trước những tin đồn xung quanh cái chết của Vương Thục Hoa. Năm 2000, bà Vương qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi. Không lâu sau, Chu tái hôn với Giả Hiểu Diệp, một ngôi sao truyền hình của CCTV, kém ông 28 tuổi. Chu bị dư luận nghi vấn là có liên quan đến cái chết của người vợ đầu.
Khi Chu được đề bạt làm cục trưởng, Vương được chuyển về công tác tại văn phòng cục, phụ trách công việc văn thư. Sau khi Chu được điều về bộ Dầu khí, Vương theo chồng lên Bắc Kinh, nhưng vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm người quen cũ.
Chu Vĩnh Khang và Vương Thục Hoa có với nhau hai người con trai, là Chu Bân và Chu Hàm. Sau này, người con cả Chu Bân cùng vợ là Vương Uyển đều bị bắt và điều tra với các cáo buộc phạm pháp trong lĩnh vực mà Chu Vĩnh Khang từng phụ trách. Riêng Chu Hàm do bất hòa với bố sau cái chết của mẹ, đã sớm đoạt tuyệt quan hệ với gia đình.
Trong thời gian công tác tại Liêu Hà, gia đình Chu Vĩnh Khang được đánh giá là thanh liêm, không hay nhận quà của cấp dưới. Ngay cả khi không thể từ chối, Chu cũng sẽ có quà đáp lại. Tuy nhiên, một số đồng nghiệp cũ lại cho rằng Chu không thể không tham, chẳng qua hành vi tham nhũng ở Liêu Hà là việc rất bình thương nên không ai để ý.
"Hồi đó, dầu khí còn theo cơ chế phân phối kế hoạch, chuyện con em trong ngành tích trữ, bán chác dầu khí là rất bình thường. Việc nhờ lãnh đạo ký giấy phê chuẩn là chuyện làm ăn một vốn bốn lời", một đồng nghiệp cũ của Chu cho biết.
Năm 1985, Chu Vĩnh Khang rời Liêu Hà, lên Bắc Kinh đảm nhận chức thứ trưởng bộ Dầu khí. Con đường thăng tiến nhanh chóng của Chu bắt đầu từ đây. Năm 1999, Chu được thăng chức bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên, rồi được bổ nhiệm làm bộ trưởng Công an năm 2002. Năm 2007, Chu được bầu vào thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyết sách tối cao của Trung Quốc.
Sau khi về hưu, Chu Vĩnh Khang quay trở lại thăm đơn vị cũ Liêu Hà vào tháng 12/2012. Đây cũng là lần cuối cùng Chu quay trở lại đây. "Ông ấy nhớ hết những đồng nghiệp cũ, còn bắt tay hỏi thăm tôi", ông Trương Quốc Thành nhớ lại. "Ông ấy nói giờ đã về hưu rồi, đây là lần cuối về thăm đơn vị cũ".
Nửa năm sau, Ủy ban Kỷ luật và Kiểm tra Trung ương quyết định điều tra Chu Vĩnh Khang. Ngày 6/12, Chu chính thức bị bắt và đang được chuyển sang cơ quan tư pháp, với một loạt cáo buộc trong đó có tham nhũng, làm lộ bí mật quốc gia, quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ.
Đức Dương (theo Caixin

58
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+ Email cho bạn bè
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/chu-vinh-khang-thoi-trai-tre-3117363.html

Chủ nhật, 30/3/2014 | 19:49 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Chủ nhật, 30/3/2014 | 19:49 GMT+7

Tịch thu gần 15 tỷ USD của người thân cựu trùm an ninh Trung Quốc

Hãng Reuters dẫn nguồn tin độc quyền cho hay Trung Quốc vừa tịch thu khối tài sản trị giá khoảng 15 tỷ USD của các thành viên gia đình và người thân cận của cựu uỷ viên thường trực Bộ Chính trị phụ trách an ninh Chu Vĩnh Khang. 
chu-vinh-khang-5063-1396179818.jpg
Cựu bí thư Uỷ ban chính trị pháp luật của đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang. Ảnh: Reuters
Hai nguồn tin am hiểu cuộc điều tra hôm nay cho biết khối tài sản bị tịch thu của thành viên gia đình và những người thân cận với ông Chu trị giá ít nhất 90 tỷ nhân dân tệ (14,5 tỷ USD).
Hai nguồn tin cho biết các công tố viên và cơ quan chống tham nhũng của đảng phong tỏa các tài khoản ngân hàng với khoản tiền gửi tổng cộng là 37 tỷ nhân dân tệ. Họ cũng tịch thu cổ phần, trái phiếu trong và ngoài nước, tổng trị giá lên tới 51 tỷ nhân dân tệ, sau khi đột kích các ngôi nhà ở thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải và 5 tỉnh. 
Các nhà điều tra tịch thu khoảng 300 căn hộ và biệt thự trị giá khoảng 1,7 tỷ nhân dân tệ, đồ cổ, tranh đương đại với giá trị thị trường khoảng một tỷ nhân dân tệ và hơn 60 xe cộ, nguồn tin nói thêm. Những vật dụng khác bao gồm rượu đắt tiền, vàng, bạc, nhân dân tệ và ngoại tệ. 
Hơn 300 người thân cận của ông Chu cũng bị giam hoặc thẩm vấn trong vòng 4 tháng qua, nguồn tin nói. Những tài sản bị tịch thu thuộc về người bị giam, nguồn tin cho hay, nhưng không nói có tổng cộng bao nhiêu người bị bắt và bao nhiêu người chỉ bị thẩm vấn. Hầu hết số tài sản không đứng tên ông Chu, họ nói thêm. 
Ông Chu, 71 tuổi, là cựu ủy viên thường trực Bộ Chính trị, cựu bí thư Ủy ban Chính pháp Trung Quốc. Tháng 12/2013, tờ New York Times từng dẫn nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh mở cuộc điều tra đối với ông này. Tuy nhiên, thông tin trên đến nay chưa được giới chức Trung Quốc xác nhận.
Trung Quốc đang đẩy mạnh phong trào chống tham nhũng trong năm 2014. Trong một cuộc họp của Ủy ban Kỷ luật và Kiểm tra hồi đầu tháng một, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng cuộc chiến chống tham nhũng của nước này rất khốc liệt và phức tạp, nhưng nó sẽ được giải quyết nhanh bằng "liều thuốc mạnh".
Trọng Giáp

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tich-thu-gan-15-ty-usd-cua-nguoi-than-cuu-trum-an-ninh-trung-quoc-2971033.html

Thứ hai, 11/8/2014 | 05:27 GMT+7

Đế chế kinh doanh của gia tộc Chu Vĩnh Khang

Là người có quyền lực cực kỳ to lớn, ảnh hưởng của cựu ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang giống như cái ô chắc chắn, giúp cho con cái và họ hàng giành các hợp đồng béo bở và xây nên đế chế kinh doanh được cho là trị giá nhiều tỷ USD.
2-1509-1407562829.jpg
Chu Vĩnh Khang (thứ ba từ phải sang) từng thâu tóm nhiều quyền lực khi còn đương chức, hôm 29/7 chính thức bị điều tra vì bị cáo buộc có liên quan đến hành vi tham nhũng. Ảnh: AFP
Cuộc điều tra tham nhũng chưa từng có nhắm vào Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị (PBSC), quan chức cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc khiến nhiều người đặt câu hỏi: với quyền lực của mình, ông Chu vơ vét được bao nhiêu và sở hữu khối tài sản lớn đến mức nào?
Nhiều khả năng Chu Vĩnh Khang không liên quan trực tiếp tới số tài sản bị điều tra. Là người đứng đầu gia đình, Chu không trực tiếp tham gia các phi vụ làm ăn. Ông tạo cho mình nhiều lớp ngăn cách với các hoạt động kinh doanh mờ ám, nhằm bảo vệ danh tiếng cũng như địa vị.
Gia đình họ Chu sở hữu hoặc có mối liên kết với ít nhất 37 công ty, tại nhiều nơi ở Trung Quốc và trên thế giới, vươn xa đến cả Bắc Mỹ, theo tài liệu nghiên cứu từ tờ SCMP, Trung Quốc. Chuỗi kinh doanh bao gồm nhiều ngành nghề như: sản xuất dầu mỏ, phát triển bất động sản, thủy điện...
Reuters trước đây từng có báo cáo cho rằng tổng tài sản nhà họ Chu nắm giữ có giá trị khoảng 90 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 14,5 tỷ USD. Nhiều người vẫn nghi hoặc con số có thể còn cao hơn thế.
"Nếu đây là sự thật thì nó quá khủng khiếp. Người ta nói lâu nay rằng thu nhập không minh bạch và nguồn tiền từ tham nhũng chiếm hơn 30% tổng thu nhập quốc dân (GDP) của Trung Quốc, nhưng con số kia vẫn là quá nhiều", ông Hu Xingdou, nhà bình luận chính trị từ Viện Công nghệ Bắc Kinh nói.
Cái tên "Chu Vĩnh Khang" không bao giờ xuất hiện trong hàng nghìn tài liệu cơ quan chức năng nghiên cứu và thu thập được. Thay vào đó, Chu Bân, 42 tuổi, con trai của Chu Vĩnh Khang, là đầu mối chủ chốt trong đế chế kinh doanh của gia đình. Mẹ vợ Chu Bân, bà Chiêm Mẫn Lợi cũng đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra còn có những cái tên khác như Chu Phong, cháu trai của Chu Vĩnh Khang cùng chị vợ của anh này, là những thành viên không thể thiếu. Gia đình họ Chu chèo lái đế chế kinh doanh dựa vào mối quan hệ về chính trị cũng như kinh tế của đầu tàu Chu Vĩnh Khang.
Bà Chiêm, 72 tuổi là cổ đông chủ chốt trong ít nhất 9 công ty của dòng họ Chu. Bà kết hôn với Hoàng Vũ Sinh, con trai một nhà địa chất học nổi tiếng, người đóng góp đáng kể trong việc phát hiện mỏ dầu Đại Khánh những năm 1950. Đây được biết đến như mỏ dầu lớn nhất Trung Quốc và biểu tượng của thành tựu vẻ vang.
Chu Bân, nay đã bị bắt, chủ yếu nhờ gia đình thông gia, đối tác, bạn bè...điều hành doanh nghiệp của mình. Anh này cố gắng giấu tung tích sâu nhất có thể trong bóng tối. Những người biết Chu Bân thường không mấy ấn tượng kỹ năng kinh doanh của anh và cho rằng anh này không có phong thái lãnh đạo như cha mình. Nhưng chỉ trong khoảng 10 năm, Chu Bân đã xây dựng doanh nghiệp của mình từ công ty vô danh, đăng ký trụ sở tại một căn hộ dân sinh, thành tập đoàn trị giá hàng trăm triệu nhân dân tệ.
1-5976-1407562830.jpg
Biệt thự của Chu Vĩnh Khang ở quê. Con kênh quanh nhà trước đây là một mương chết nhưng được cải tạo với lý do phong thủy. Ảnh: Ifeng
Chu Bân trở về Trung Quốc vào đầu những năm 2000 với tấm bằng thạc sĩ quản lý quốc tế từ trường Đại học Texas, Dallas, Mỹ. Năm 2003, Chu Bân thành lập Công ty Công nghệ Năng lượng Ánh dương Zhongxu.
Một năm sau, bà Chiêm, mẹ vợ Chu Bân đầu tư 4 triệu nhân dân tệ để thành lập một công ty khác, trong đó Zhongxu chiếm 80% cổ phần. Công ty mới trở thành phương tiện kinh doanh chính của Chu Bân. Một thời gian ngắn sau, công ty bắt tay cộng tác với Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), nơi Chu Vĩnh Khang làm lãnh đạo trong một thời gian dài.
Theo các phương tiện truyền thông đại lục, dự án đầu tư với CNPC bao gồm việc nâng cấp hệ thống quản lý bán lẻ của 8000 trạm xăng tại nhiều tỉnh thành trên toàn Trung Quốc. Tuy nhiên, không hồ sơ đấu thầu nào được tìm thấy.
Nhiều nguồn tin cho biết chiến lược kinh doanh của Chu Bân là kiếm những dự án nhà nước với giá rẻ sau đó bán lại với giá cao gấp nhiều lần. Nước đi này chỉ có thể thành công nhờ vào sức ảnh hưởng của người cha Chu Vĩnh Khang.
Theo báo cáo từ tạp chí Caixin, trong năm 2007 và 2008, Chu Bân thu hơn 500 triệu nhân dân tệ lợi nhuân từ việc bán lại dự án mỏ dầu Changyin và Changqing ở tỉnh Thiểm Tây. "Không ai có thể đánh bại Chu Bân trong việc tận dụng nền tảng gia đình để giành lấy những thương vụ kinh doanh", Caixin trích dẫn một nguồn tin từng cạnh tranh với Chu Bân nói.
Năm 2011, Công ty Công nghệ Năng lượng Ánh dương Zhongxu của Chu Bân có tổng tài sản đạt 139 triệu nhân dân tệ với lợi nhuận hàng năm đạt 32,9 triệu nhân dân tệ, theo báo cáo tài chính của công ty.
Ở Tứ Xuyên, nơi Chu Vĩnh Khang từng làm bí thư từ năm 2000 đến năm 2002, Chu Bân còn tích cực tham gia vào ngành công nghiệp thủy điện cũng như phát triển bất động sản và du lịch.
Chu Bân và mẹ vợ từng đầu tư vào hai nhà máy thủy điện trên sông Đại Đô. Thu nhập hàng năm từ việc kinh doanh điện của một trong hai trạm này đạt tới 900 triệu nhân dân tệ.
Chu Bân cũng có mối quan hệ làm ăn với Lưu Hán, tài phiệt ngành khai mỏ. Lưu Hán sau đó bị kết án tử hình vì tội giết người, tổ chức đánh bạc, điều hành băng đảng mafia và buôn bán vũ khí trái phép.
Vương Uyển Thanh, vợ Chu Bân, cũng giữ một vị thế lớn trong đế chế gia đình. Vương đặc biệt hứng thú trong sản xuất phim và chương trình truyền hình. Vì thế năm 2009, một công ty sản xuất phim được thành lập với số vốn 50 triệu nhân dân tệ dưới tên của bà Chiêm Mẫn Lợi, theo một báo cáo gửi tới chính phủ. Năm 2011, công ty này đổi tên và có tổng tài sản đạt 128 triệu nhân dân tệ.
Với sự giúp đỡ của bạn bè và đối tác, Chu Bân không ngại dấn thân vào các ngành nghề khác như tư vấn, kinh doanh thiết bị, khí thiên nhiên... Nhưng kinh doanh dầu mỏ vẫn luôn là mảng chủ chốt.
Chu Bân không phải thành viên duy nhất trong gia đình lợi dụng quyền lực của Chu Vĩnh Khang để tư lợi. Hai người anh em trai của Chu Vĩnh Khang vơ vét được lượng tài sản không nhỏ nhờ dựa dẫm danh tiếng của ông.
Tại địa phương, anh trai Chu Nguyên Hưng và em trai Chu Nguyên Thanh lợi dụng quyền lực của Chu Vĩnh Khang trong bộ máy nhà nước để tiến hành các phi vụ móc nối, mua bán chức quyền, tạp chí Caixin tiết lộ.
Tuy nhiên, vợ và con trai Chu Nguyên Thanh mới là những người kiếm được món hời. Năm 2007, bà này cùng con trai đầu tư 50 triệu nhân dân tệ thành lập Công ty Đầu tư Honghan Bắc Kinh. Công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, quản lý đầu tư và phát triển công nghệ với quy mô không ngừng mở rộng. Tập đoàn Honghan nắm quyền kiểm soát khoảng 20 công ty. Tổng lượng đầu tư đạt 400 triệu nhân dân tệ.
Vợ Chu Nguyên Thanh còn đầu tư 19 triệu nhân dân tệ xây dựng đại lý xe Audi duy nhất ở Giang Tô. Theo báo cáo tài chính, doanh thu của đại lý đạt 659 triệu nhân dân tệ năm 2012.
"Nếu không có những bằng chứng rõ ràng về mối liên kết của Chu Vĩnh Khang với tiền bạc của gia đình, rất có thể khối tài sản sẽ được liệt vào danh sách 'tài sản không rõ nguồn gốc'", Hu Xingdou, nhà bình luận chính trị, nói. "Nhưng không vấn đề gì cả, công chúng sẽ hỗ trợ trong việc ra quyết định điều tra".
Vũ Hoàng (theo SCMP)

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/de-che-kinh-doanh-cua-gia-toc-chu-vinh-khang-3028810.html

Thứ năm, 31/7/2014 | 12:25 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ năm, 31/7/2014 | 12:25 GMT+7

Chu Vĩnh Khang - bước rơi từ đỉnh cao quyền lực

Từng là người đầy quyền thế trong ngành dầu mỏ và công an Trung Quốc, ông Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường trực Bộ Chính trị, đang bị điều tra về tội danh tham nhũng sau cú hạ cánh tưởng là an toàn năm 2012.
c3-1174-1406710422.jpg
Chu Vĩnh Khang (thứ ba từ phải sang) từng thâu tóm nhiều quyền lực trong tay khi là bộ trưởng công an Trung Quốc. Ảnh: AFP
Trong gần một thập kỷ, Chu Vĩnh Khang, con trai của một gia đình nghèo ở nông thôn tỉnh Giang Tô, là một trong những người đàn ông quyền lực hạng nhất Trung Quốc. Nhưng hôm qua, người đàn ông 71 tuổi này không còn là nhà lãnh đạo được nể trọng nữa, mà là đối tượng bị cơ quan chống hối lộ của đảng Cộng sản Trung Quốc giam giữ để điều tra. 
Tờ South China Morning Post dẫn các nguồn tin trước đó cho biết thực tế ông Chu cùng vợ là bà Giả Hiểu Diệp đã bị bắt từ tháng 12 năm ngoái tại Bắc Kinh.
Là con trai cả của một gia đình ở làng Tây Tiền Thủ, Vô Tích, Giang Tô, Chu Vĩnh Khang thoát khỏi sự khắc nghiệt và nghèo đói của cuộc sống nhà nông, với tấm bằng khá ở trường trung học và thi đỗ vào đại học. Kết thúc khóa học tại trường trung học Tô Châu năm 1958, ông Chu thi vào Học viện Xăng dầu Bắc Kinh, nay là Đại học Xăng dầu Trung Quốc.
Chu Vĩnh Khang bắt đầu sự nghiệp là một thợ máy ở mỏ dầu Đại Khánh ở Hắc Long Giang. Khu này, chỉ mới hoạt động vài năm trước khi ông Chu đến, giờ đây là khu lọc dầu lớn nhất Trung Quốc. Ông Chu sau đó làm việc tại mỏ dầu Liễu Hà và từ đó thăng tiến trong ngành công nghiệp này.
Một người có các mối quan hệ thân cận trong ngành này nói: "Ông Chu lao mình vào công việc với niềm hăng say lớn. Ông là một người lãnh đạo thiên bẩm. Mùa đông ở đông bắc Trung Quốc kéo dài và lạnh, nhưng ông luôn đi đầu và không bao giờ bỏ cấp dưới đơn độc".
Ông Chu nổi danh là một công nhân khỏe mạnh và bạo gan, nhưng cũng rất hào phóng. Trong điều kiện sống nghèo khổ lúc đó, các công nhân không có đủ đồ ăn, ông Chu cũng nghèo nhưng thường đem bánh bao nóng ở nhà đến cho các đồng nghiệp, người này kể.
Dần dần, Chu Vĩnh Khang trở thành người đứng đầu của ngành dầu mỏ Liễu Hà và có mối quan hệ với cựu phó chủ tịch Tăng Khánh Hồng, lúc đó có tên trong Ủy ban Năng lượng quốc gia. Năm 1996, ông Chu là lãnh đạo của tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), hiện là nhà sản xuất dầu lớn nhất Trung Quốc.
Năm 1999, Chu Vĩnh Khang trở thành bí thư của tỉnh giàu tài nguyên Tứ Xuyên và tiếp tục bước đường công danh sự nghiệp. Khi đó ông Chu tạo dựng danh tiếng là một người kiên định lập trường. Ông là một nhân vật trung tâm trong mạng lưới những chính trị gia có ảnh hưởng và có mối liên hệ với ngành công nghiệp dầu mỏ nhiều lợi nhuận và quyền thế. Đôi khi ông Chu được miêu tả là Dick Cheney của Trung Quốc. Cheney là phó tổng thống Mỹ nổi danh về sức ảnh hưởng về các vấn đề an ninh và quốc phòng Mỹ dưới thời cựu tổng thống George W. Bush.
Năm 2002, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công an và 5 năm sau có tên trong danh sách 9 thành viên của Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc, cơ quan đưa ra quyết sách cao nhất, sánh vai cùng Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình, Ôn Gia Bảo và Lý Khắc Cường.
Ông trở thành người đứng đầu Ủy ban Chính trị và Luật pháp trung ương (CPLC), chịu trách nhiệm về an ninh nội địa của cả Trung Quốc, bao gồm cảnh sát, tòa án, nhà tù và giám sát an ninh nội địa. Ông để lại dấu ấn ở các cuộc trấn áp những vụ bất ổn ở Tây Tạng và Tân Cương.
Theo báo cáo của bộ tài chính Trung Quốc, năm 2013 ngân sách chính thức do CPLC quản lý vượt ngân sách quốc phòng trong năm thứ tư liên tiếp, với 124 tỷ USD dùng cho an ninh nội địa so với 123 tỷ USD chi tiêu cho quân đội.
"Duy trì ổn định là khai niệm rất, rất mơ hồ, và có nhiều kẽ hở cho tham nhũng", Joseph Cheng, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học thành phố Hong Kong, nói với AFP.
"Khi có nhiều kẽ hở cho tham nhũng, có rất nhiều cách để chi tiêu, bạn có rất nhiều nguồn lực để xây dựng mạng lưới quan hệ của mình. Đó là lý do tại sao ông ta trở nên quá quyền lực như vậy", Cheng nói.
Việc gây dựng quyền lực và nguồn lực, mạng lưới người thân cận và bè cánh trong đội ngũ lãnh đạo đảng, là một phần khiến ông Chu lợi dụng quyền lực chính trị. Việc ông Chu chịu trách nhiệm về bộ máy an ninh, mạng lưới ngày càng lớn mạnh dần và trở nên quá quyền lực, khiến giới lãnh đạo thấy không thoải mái, Cheng nói thêm.
c1-5610-1406710422.jpg
Ông Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai (cùng mặc áo đen) trong một lễ kỷ niệm. Ảnh: SCMP
Sa lưới
Theo South China Morning Post, hồi tháng 8 năm ngoái, các lãnh đạo Trung Quốc đạt được đồng thuận trong việc điều tra ông Chu. Những chi tiết cáo buộc với ông hiện vẫn chưa rõ, nhưng các nhà quan sát cho rằng ông Chu có thể trở thành người có địa vị cao nhất bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng không khoan nhượng của  chủ tịch Tập Cận Bình. Nỗ lực của ông Tập sẽ phá vỡ một luật bất thành văn lâu nay, tiến tới trừng phạt một trong những "tinh hoa" cao nhất vì phạm tội kinh tế.
Trong lần xuất hiện trước công chúng cuối cùng vào đầu tháng 10 năm ngoái, ông Chu dành cả buổi sáng ở trường trung học Tô Châu khi trường này kỷ niệm 60 ngày thành lập. Ông phát biểu với những lời lẽ ủng hộ mạnh mẽ Chủ tịch Tập Cận Bình, thúc giục giáo viên và sinh viên ủng hộ đảng.
Nhưng nỗ lực đó có thể quá nhỏ và quá muộn. Ông Chu là người đỡ đầu của Bạc Hy Lai, người bị tuyên án tù vào tháng 9 năm ngoái vì tội tham nhũng và lạm quyền. Vụ án của ông Bạc là bê bối chính trị chấn động nhất Trung Quốc từ sau Cách mạng Văn hóa. Việc ông Chu bị điều tra sau vụ án của Bạc Hy Lai được nhận định là không thể tránh được. 
"Trong mắt Tập Cận Bình và các lãnh đạo khác, tội danh của Chu Vĩnh Khang là hỗ trợ Bạc Hy Lai", Willy Lam, chuyên gia chính trị tại Đại học Trung Quốc Hong Kong, nói.
"Bạc Hy Lai đã hình thành nên một liên minh bí mật, một bè cánh thiết lập quyền lực, và Chu Vĩnh Khang là một trong những người thân thiết nhất của Bạc Hy Lai, vì thế ông Chu bị điều tra". 
Chiếc lưới tiếp tục siết chặt quanh ông Chu vào cuối năm ngoái, khi Lý Đông Sinh, cựu thứ trưởng an ninh và là người thân cận của ông Chu bị bắt. Không lâu sau, người đứng đầu cơ quan do thám của Trung Quốc, ông Lương Khắc, bị bắt và mất chức do bị nghi ngờ về tham nhũng. Có một số nguồn tin cho rằng Lương hỗ trợ Lý và ông Chu kiểm soát các cuộc điện thoại của các lãnh đạo cao cấp trong đảng.
Hầu hết những trợ lý thân cận của ông Chu trong ngành dầu khí cũng mới bị bắt giữ, gồm Lý Hoa Lâm, phó tổng giám đốc CNPC và là cựu thư ký riêng của ông Chu. Một số người họ hàng của ông Chu cũng bị điều tra vì những giao dịch trái phép liên quan đến CNPC, gồm con trai cả Chu Bân, con dâu Vương Uyển, em trai Chu Nguyên Thanh, em dâu Chu Linh Anh và cháu Chu Phong.
Ngoài ra, Tưởng Khiết Mẫn, cựu lãnh đạo CNPC và đồng thời là người thân cận của ông Chu, cũng bị Ủy ban Trung ương về thanh tra kỷ luật thẩm vấn. Tưởng bị tra hỏi năm 2012 vì những khoản chi cho các gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn Ferrari ở Bắc Kinh, để đổi lấy sự im lặng của họ. Tưởng Khiết Mẫn sau đó bị khai trừ khỏi đảng và đang bị điều tra.
Theo truyền thông Trung Quốc, đến nay có ít nhất 13 quan chức liên quan đến ông Chu bị điều tra. Có 5 người là cựu quan chức ở Tứ Xuyên, 4 quan chức CNPC, bao gồm chủ tịch và phó chủ tịch, một thứ trưởng bộ công an và ba người khác được coi là cánh tay phải của Chu. Một số báo cáo khác cho biết hơn 20 người thân cận của ông Chu cũng đang bị giam cầm. Khi ông Chu rời Ủy ban thường trực Bộ Chính trị, cũng là lúc số thành viên bị cắt từ 9 còn 7, không có chỗ cho Bộ trưởng Công an. 
Là cựu ủy viên Ủy ban thường trực Bộ Chính trị, ông Chu trở thành quan chức cao nhất "mắc lưới" trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình. Ông Tập từng tuyên bố nhắm tới quan tham ở tất cả các cấp, từ "hổ lớn" cho tới "ruồi bé".
Khánh Lynh

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/chu-vinh-khang-buoc-roi-tu-dinh-cao-quyen-luc-3024284.html


Geen opmerkingen:

Een reactie posten