Công thức tìm kiếm hạnh phúc
- 5 tháng 12 2014
Một vài năm trước, Chade-Meng Tan, một trong các kỹ sư đầu tiên của Google tại Mountain View, nhận ra nhiều đồng nghiệp của mình bị căng thẳng, mệt mỏi ở công sở, và ông đã tìm cách để giải quyết vấn đề này.
Ông đã thuyết phục lãnh đạo để cho mình mở một khóa học những kỹ năng nhằm giúp các nhân viên nâng cao hiểu biết về cảm xúc và giữ gìn sức khỏe.
Ông đã gọi khóa học là "Tìm kiếm từ chính mình"
Tại liên hoan của SXSW ở Austin, Texas năm nay, tôi đã khá tò mò trước buổi diễn thuyết của Meng, với chủ đề: "Biến bạn trở thành người hạnh phúc nhất hành tinh".
Và dưới đây là 3 bước chính trong phương pháp của Meng nhằm tìm đến hạnh phúc:
Bước 1: Giữ cho đầu óc bình thản
Meng đã hướng dẫn cho các khán giả ở SXSW một bài tập thở để làm dịu thần kinh.Ông cũng nói chúng ta cần có những thời điểm thư giãn vào mỗi ngày và chú ý vào việc hít thở.
Cuốn sách của ông nêu một cách chi tiết hơn về định nghĩa của thiền định và cách thức thực hiện.
Dẫn một nghiên cứu từ Jon Kabat-Zinn ở Đại học Y Massachusetts, sách của Meng nói những bài tập như vậy sẽ làm giảm cảm giác lo âu.
Thế nhưng liệu điều này có mang lại kết quả? Một số bằng chứng cho thấy việc luyện tập như thế này có thể giúp ích cho thần kinh và loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực.
Một báo cáo gần đây dựa trên 209 kết quả nghiên cứu cho thấy bài tập này giúp giảm trầm cảm, lo âu và căng thẳng.
Bước 2: "Ghi nhận những khoảnh khắc vui vẻ"
Điều này có nghĩa là hãy tự nhủ với mình rằng "mình đang cảm thấy vui", mỗi khi bạn đang uống một cốc espresso ngon, bật cười trước trò đùa của bạn bè hoặc mua một chiếc áo sơ mi mà mình thích.Khi những điều tiêu cực xảy ra, chúng ta thường tập trung quá nhiều vào chúng, trong khi những thứ tốt đẹp khác nhanh chóng biến mất.
Vì vậy, bằng việc ghi nhận những điều tích cực, chúng ta có nhiều cơ hội để kết luận rằng mình đã có một ngày tốt.
Tuy nhiên nhiều người trong chúng ta đều từng rơi vào hoàn cảnh khi một điều tiêu cực, dù khá ngắn ngủi, cũng đủ để làm một ngày trở nên không vui. Trong khi điều ngược lại hiếm khi xảy ra.
Một nghiên cứu gần đây của nhà tâm lý học Barbara Fredrickson cho thấy tỷ lệ những điều tích cực cần cao gấp 3 lần những điều tiêu cực để chúng ta có thể không suy nghĩ tiêu cực.
Mặc dù vậy, một nghiên cứu hồi năm 2006 cũng cho thấy những người viết xuống những điều tích cực vào nhật ký mỗi ngày thường có cảm giác bằng lòng hơn với cuộc sống và điều này có thể duy trì tác động tích cực trong hai tuần sau đó.
Bước 3: Mong muốn người khác được hạnh phúc
Theo Meng, chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi cho đi, nhiều hơn lúc được nhận."Sự tốt bụng là nguồn mang lại hạnh phúc lâu dài," ông nói.
Trong cuốn sách "Hạnh phúc: Một đoạn giới thiệu rất ngắn", triết gia Daniel Haybron đã ủng hộ lập luận này của Meng.
Haybron đã dẫn lại nhiều kết quả nghiên cứu, trong đó có của nhà tâm lý học Michael Argyle, người cho rằng việc làm tình nguyện và từ thiện khiến chúng ta hạnh phúc chỉ thua việc nhảy nhót.
Fredrickson cũng nghiên cứu lợi ích của việc nghĩ tốt cho người khác.
Bà đã yêu cầu nhiều người thử phương pháp này vài phút mỗi ngày, trong vòng nhiều tuần.
Kết quả là nhiều người nói họ đã cảm thấy vui vẻ và nhiều hy vọng hơn trước đây.
Bản gốc của bài viết đã được đăng trên BBC Future
Tin Văn hóa Xã hội khác
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture_social/2014/12/141205_googles_algorithm_for_happiness_vert_fut
Geen opmerkingen:
Een reactie posten