Việc cởi trói cho báo chí được tự do bày tỏ quan điểm của mình ‘chỉ có lợi’ cho chính quyền chứ ‘không làm mất chế độ’, ông Nguyễn Công Khế, cựu tổng biên tập báo Thanh Niên, nói với BBC trong cuộc phỏng vấn hôm 20/11.
Ông Khế cho biết trước khi ông đăng bài trên New York Times, ông đã đề đạt ý kiến ‘báo chí tự do’ với ‘nhiều cán bộ cao cấp của Việt Nam, kể cả những người trong Ban Tuyên giáo trung ương’.
“Cách nay ba bốn ngày tôi có trao đổi với hai lãnh đạo Tuyên giáo. Tôi nói rằng một nền báo chí mà chỉ cho những tờ báo lá cải câu view những chuyện bậy bạ đã vô hình chung phát triển theo hướng đó,” ông nói.
Ông cho rằng khi nền báo chí tự do ‘nói những vấn đề, phản biện hàng ngày’ thì các lãnh đạo Đảng, Nhà nước ‘có thể lắng nghe để sửa chữa hoàn thiện cho tốt’.
Ông Khế cũng bác bỏ việc tự do báo chí ‘sẽ làm mất chế độ’. “Sau Đại hội 6 của Đảng khi báo chí nói nhiều chuyện nhất và khi nền kinh tế phát triển tốt nhất thì người dân có niềm tin vào tương lai đất nước nhất,” ông phân tích.
“Phải cho nhân dân có tiếng nói. Khi phát huy dân chủ, phát huy tự do ngôn luận có phản biện nhiều chiều thì xã hội sáng tỏ thôi,” ông nói thêm.
Theo ông Khế thì trong nền báo chí một chiều bị kiểm soát chặt chẽ hiện nay ‘thiệt hại lớn nhất là của Nhà nước’.
Trong một bài viết mới trên mục Ý kiến của báo Mỹ New York Times (NYT), nhà báo Nguyễn Công Khế, cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên, kêu gọi chính phủ Việt Nam cho phép báo chí được hoạt động tự do.
Bài viết với lời lẽ thẳng thắn hiếm thấy phân tích rằng tự do báo chí là "điều kiện tối cần thiết cho tiến trình mở cửa kinh tế và chính trị của Việt Nam, cũng như cho Đảng CSVN giành thêm ủng hộ của người dân vì sự tồn vong của chính mình".
Ông Nguyễn Công Khế, nhà báo kỳ cựu xuất thân từ phong trào thanh niên, cho rằng Đảng CSVN đã đánh mất khá nhiều sự kiểm soát đối với nền báo chí đã thay đổi mạnh mẽ trong 5 năm qua, và điều này gây ra các hậu quả nghiêm trọng.
Chính phủ Việt Nam ngày càng mở rộng thêm các chủ đề mà họ cho là nhạy cảm, như quan hệ với Trung Quốc, tranh chấp đất đai, sức khỏe các lãnh đạo... cấm báo chí đưa tin và do vậy nhiều tờ báo chỉ đăng chủ yếu là tin vô thưởng vô phạt. Điều này dẫn tới sự ra đi của độc giả, nhất là độc giả trẻ.
Theo ông Khế, thu nhập từ quảng cáo của hai tờ nhật báo lớn nhất Việt Nam là Tuổi Trẻ và Thanh Niên đã giảm gần 2/3 kể từ 2008.
Thay vào báo chí chính thống do nhà nước kiểm soát, người đọc quay sang các nguồn tin nước ngoài trên mạng internet.
Các mạng xã hội cũng phát triển nhanh chóng, cộng thêm các trang blog của giới trí thức, cựu đảng viên và người chỉ trích chế độ.
Việt Nam có tỷ lệ tiếp cậ́n internet thuộc loại cao nhất thế giới nếu tính tương quan với thu nhập đầu người.
Bất cập của các nguồn tin thay thế
Ông Nguyễn Công Khế cho rằng các nguồn tin thay thế cho báo chí chính thống cũng có điểm bất cập vì không phải luôn luôn đáng tin cậy.
Tâm lý nghi ngờ, bất tín hiện đang tràn lan, với nhiều sự kiện trong quá khứ nay được mang ra mổ xẻ, từ xuất xứ của Đảng Cộng sản tới trận Điện Biên Phủ tới thân thế Chủ tịch Hồ Chí Minh; và nhiều cáo buộc được đưa ra.
"Đảng và chính quyền dường như không bác bỏ các cáo buộc đó... Điều này cho thấy sự thiếu tự tin của họ, gây ảnh hưởng tới uy tín của Đảng, kể cả trong các lĩnh vực liên quan quyền lợi quốc gia như đấu tranh chống tham nhũng và kiềm chế tham vọng của Trung Quốc ở khu vực."
Ông Khế đưa ra nhiều thí dụ cho thấy sự cấm đoán trên báo chí chính thống đã tạo sân chơi cho các nguồn tin nhiều khi không có cơ sở và kết luận rằng "các nguồn thông tin thay thế không thể là giải pháp cho sự kiểm soát của nhà nước đối với báo chí".
"Chúng đáng hoan nghênh, nhưng không thể dựa hoàn toàn vào chúng."
"Đặc biệt là trong cuộc đấu tranh sống còn của Việt Nam chống lại tham nhũng và Trung Quốc, báo chí chính thống cần được đưa tin kịp thời và công bằng."
Bài viết trên NYT kết luận: "Hiến pháp Việt Nam đã bảo đảm tự do báo chí, điều này cần được thực hiện".
"Mở cửa cho báo chí sẽ giúp lãnh đạo Việt Nam giành lại niềm tin của người dân, điều mà họ cần có nếu muốn thúc đẩy các mục tiêu chính yếu của đất nước."
"Tự do báo chí là điều tốt đẹp cho đất nước và tốt đẹp cho cả chế độ".
Trả lời BBC, quyền Tổng biên tập Sài Gòn Tiếp Thị sắp bị chuyển chủ, ông Nguyễn Xuân Minh nói về số phận tờ báo có tính cách và kể lại các giai đoạn thăng trầm của báo.
Tin báo Sài Gòn Tiếp thị (SGTT) sẽ ngưng hoạt động và chính thức sáp nhập vào Thời báo Kinh tế Sài Gòn kể từ ngày 1/3 năm sau, theo quyết định của các cơ quan chức năng vẫn khiến làng báo Việt Nam xôn xao.
Ông Nguyễn Xuân Minh giải thích với BBC về quá trình gọi là 'sáp nhập với cơ quan chủ quản mới' theo các tin đưa ra. Ông Nguyễn Xuân Minh: Đây là một quyết định cũng làm cho đội ngũ của tôi trăn trở.
Tờ báo sẽ chấm dứt hoạt động và chuyển giao về Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Bên đó sẽ mở một ấn phẩm phụ mang tên Sài Gòn Tiếp thị.
Mình không thể bê nguyên đội ngũ cũ qua mà sẽ có một sự sàng lọc nhất định. Họ phải đảm bảo những yếu tố giúp họ tồn tại và phát triển vì bên kia cũng đang ở trong một giai đoạn rất khó khăn.
Điều đó cũng bình thường nhưng mà đúng là người lao động bức xúc vì người ta đã giúp xây dựng thương hiệu này rất nhiều năm rồi, giờ thì sau Tết họ lại có thể mất công ăn việc làm.
Đây là điều mà mình làm một tờ báo thì phải chấp hành BBC: Những nguyên nhân nào khiến tờ báo phải ngưng hoạt động thưa ông? Ông Nguyễn Xuân Minh: Thực ra thì tờ báo từ rất lâu đã có lỗ.
Đỉnh điểm của khó khăn về mặt tài chính đó là vào năm 2011, nền kinh tế khủng hoảng đến mức lãi suất lúc đó lên đến hơn 23%, toàn bộ tiền bạc chúng tôi làm ra phải trả lãi vay cho ngân hàng.
Thành phố cũng đã quyết định cho chúng tôi bán trụ sở của mình mà khi trước sắm bằng tiền của đội ngũ tập thể ở đây để thanh toán nợ. BBC: Báo trong nước nói là bản thân trụ sở của SGTT có giá trị cao hơn gấp nhiều lần so với khoản nợ mà tờ báo đang đối mặt hiện nay và nếu bán trụ sở này thì SGTT hoàn toàn có thể chi trả nợ và tiếp tục hoạt động. Vậy ông nghĩ nguyên nhân sâu xa dẫn đến quyết định của cơ quan chức năng trong việc buộc tờ báo chuyển chủ và sung số tài sản dôi ra vào công quỹ có bắt nguồn từ vấn đề nào nằm ngoài vấn đề tài chính hay không?
Thực ra thì nếu chúng tôi bán nhà thì ủy ban thành phố có quyết định rằng chúng tôi sẽ hưởng toàn bộ khoản đó chứ không phải nộp ngân sách. Không phải vì lý do tài chính mà chúng tôi khó khăn.
Tôi vừa làm việc với một đơn vị và khả năng là tiền thu từ việc bán nhà là cao hơn rất nhiều lần so với số nợ mà chúng tôi đang có.
Có lẽ có những vấn đề sâu xa mà chúng tôi không hiểu được. BBC: Tờ báo đã từng viết khá nhiều về chủ đề chính trị, xã hội, ông có cho rằng đây là một trong những vấn đề khiến tờ báo gặp rắc rối hay không?
Ông Nguyễn Xuân Minh: Theo tôi đó là thời gian trước đây. Sau này chúng tôi cũng đã cố gắng điều chỉnh khi anh Chánh đột ngột đổi tổng biên tập.
Điều đó cho thấy rằng chúng tôi tự tìm hiểu lý do của nó và hiểu rằng mình phải điều chỉnh nội dung tờ báo theo tôn chỉ, mục đích của tờ báo trên giấy phép.
Chính những vấn đề này đã dẫn đến những sự xáo trộn trong bộ máy quản lý của tờ báo.
Chúng tôi đã thay đổi rất nhiều nội dung và thậm chí nhiều người nói là tờ báo bị ‘hèn đi’.
Nhưng thú thật là chúng tôi phải trở lại với con đường của mình đó là một tờ báo hàng hóa, tiêu dùng, thị trường và những vấn đề khác thì cũng đề cập có liều lượng. Trước đây mình sa vào những vấn đề vĩ mô quá thì cũng mang lại nhiều bất lợi. BBC: Năm 2009 SGTT đã cho thôi việc nhà báo Huy Đức vì bài “Bức tường Berlin” trên blog riêng của tác giả. Các hãng thông tấn quốc tế nói Ban Tuyên giáo Trung ương đã ‘than phiền’ về các bài blog và bài báo của ông Huy Đức. Phải chăng việc cho thôi việc nhà báo Huy Đức là để tránh cho tờ báo khỏi những rắc rối nằm ngoài vấn đề tài chính? Ông Nguyễn Xuân Minh: Ở đây có yếu tố nhạy cảm, như bản lĩnh về mặt chính trị để xử lý vấn đề đó.
Cũng đã rất nhiều lần chúng tôi bị bên tuyên giáo phê bình và cũng cần nói rõ không ai ép buộc anh Huy Đức nghỉ.
Chính ban biên tập lúc đó có thảo luận với anh Huy Đức là tình hình rất gay go và chúng tôi có đề nghị với anh Huy Đức là mình chia tay với nhau để tờ báo khỏi có những chuyện căng thẳng, và sau này có những bài vở nào thì anh có thể tiếp tục cộng tác.
Sau đó thì anh Huy Đức cũng vui vẻ, không có vấn đề gì. BBC: Phía bên Thời báo Kinh tế Sài Gòn họ có cho biết là sẽ nhận vào bao nhiêu nhân sự từ SGTT hay không? Tâm lý cán bộ và phóng viên SGTT hiện nay ra sao và mọi người đã lên kế hoạch gì cho thời gian sắp tới? Ông Nguyễn Xuân Minh: Tôi đã làm việc với các anh chị bên ban biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Người ta phải cân nhắc để thu gọn bộ máy nhằm phát huy hiệu quả cao nhất. Tất nhiên họ phải sàng lọc đội ngũ của SGTT mà bộ máy của tôi hiện nay là 107 người.
Việc đó cũng bình thường, nếu là tôi thì tôi cũng sẽ làm vậy thôi, để đảm bảo hiệu quả cao nhất.
Hiện nay hai bên đang làm việc nội bộ theo tinh thần đó chứ không có vấn đề gì như là nộp đơn thi tuyển lại hay gì khác.
Xin nói thẳng là họ cũng không vui vẻ gì khi nhận SGTT vì họ đang có một nhóm báo với nhiều ấn phẩm khác nhau.
Với người lao động thì chúng tôi sẽ có nhiệm vụ giới thiệu một số người cho báo Thời báo kinh tế sài Gòn để họ gặp gỡ và thỏa thuận.
Tất nhiên có những người khác mà những vấn đề như chế độ làm việc hay lương hướng mà người ta không vui vẻ thì lại muốn đi tìm một tờ báo tốt hơn.
Khi nhận về thì Sài gòn tiếp thị mới sẽ vận hành theo cách mới chứ không thể vận hành theo cách lâu nay. BBC: Sau khi chuyển sang cơ quan chủ quản mới, ông sẽ nhớ gì về SGTT những ngày cũ? Ông Nguyễn Xuân Minh: Tôi nhớ về thời hoàng kim của SGTT.
Tôi cũng chưa phải là người đã ở đây lâu lắm.Tôi biết có những anh chị gắn bó với tờ báo từ ngày khai sinh, khi đó vẫn còn là ấn phẩm phụ của Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Lúc đó cả đội ngũ phóng viên, biên tập viên phải lao đi làm Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, cho đến giờ đã là một hội chợ lừng danh cả nước.
Giờ thì báo đã phát triển chính quy hơn và các phóng viên có thể làm việc chuyên môn của mình và chuyện làm hội chợ để một đội ngũ khác.
Theo tôi nghĩ là phong trào người Việt dùng hàng Việt cũng là ý tưởng do chúng tôi bền bỉ nuôi dưỡng từ chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao từ năm 1996, khi hàng ngoại tràn ngập thị trường.
Đó là dấu ấn lớn nhất trong đội ngũ của chúng tôi.
Một điều nữa, đó là không khí làm việc của tờ báo. Tình cảm gắn bó của anh em ở đây mà dẫn đến cả sự bức xúc lúc này, là do không gian hành nghề của SGTT là rất đáng quý và dù có đi đây đi đó thì cũng sẽ nhớ về không gian đó nhiều nhất.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten