dinsdag 4 november 2014

Ông Dũng 'Lò Vôi' đóng cửa khu du lịch Đại Nam nổi tiếng tại Bình Dương

Thứ tư, 5/11/2014 | 00:06 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ | Print
Thứ tư, 5/11/2014 | 00:06 GMT+7

Ông Dũng 'Lò Vôi' đóng cửa khu du lịch Đại Nam

Khu du lịch nổi tiếng tại Bình Dương sẽ ngừng hoạt động từ ngày 10/11 tới, đúng như tuyên bố trước đó của ông chủ Huỳnh Uy Dũng.
Ngày 4/11, website của khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến xuất hiện thông báo về việc ngưng phục vụ từ ngày 10/11 đến hết năm. Riêng khu Kim Điện sẽ mở cửa phục vụ khách miễn phí như bình thường. Trong vòng 6 ngày trước đó, đơn vị quản lý sẽ miễn phí vé vào cổng, các khu biển, vườn thú và các trò chơi. Riêng với một số trò chơi liên doanh của Đại Nam và đối tác, du khách sẽ được giảm 50% giá vé.
thong-bao-2-1273-1415114925.png
Thông báo chính thức trên website của khu du lịch Đại Nam.
“Với tư cách của một Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc thì ông Dũng hoàn toàn có thể ra quyết định việc tạm ngừng hoạt động khu du lịch. Nhưng ngừng vì lý do gì thì tôi không rõ”, một lãnh đạo khu du lịch Đại Nam nói.
Trao đổi với báo chí trước đó, ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam cho biết, sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận về việc ông này tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, công ty đã phải chịu đựng cách xử sự mà ông cho là "không giống ai" của chính quyền địa phương.
Cụ thể, trong vòng 51 ngày (từ 8/9 đến 28/10/2014), Công ty Đại Nam cho biết đã nhận được 12 văn bản từ tỉnh Bình Dương, liên quan tới việc thu hồi quyền sử dụng 61,4 ha đất ở của Công ty Đại Nam. Doanh nghiệp cũng bị thanh, kiểm tra thuế với mật độ dày đặc trong thời gian gần đây. 
Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương đã công bố thu hồi quyết định (được ban hành tháng 7/2008) về việc cho phép thay đổi thời hạn sử dụng “đất ở” trong khu công nghiệp Sóng Thần 3, từ 50 năm sang lâu dài đối với Công ty CP Đại Nam.
Việc thu hồi được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng và Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận xác minh việc tố cáo ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trong đó có một số nội dung liên quan đến diện tích đất này.
dainam-body-8286-1415114925.jpg
UBND tỉnh Bình Dương cho rằng việc xử lý khu công nghiệp Sóng Thần 3 không liên quan khu du lịch Đại Nam.
Trước ý kiến cho rằng, UBND tỉnh Bình Dương “chèn ép”, khiến ông Huỳnh Uy Dũng đóng cửa Khu du lịch Đại Nam, ông Trần Văn Nam - Phó chủ tịch Thường trực tỉnh Bình Dương cho biết: "Hiện nay, tất cả các cơ quan của tỉnh như UBND tỉnh, Cục thuế, Sở Tài nguyên môi trường… chỉ thực hiện các thủ tục để xử lý sai phạm tại khu công nghiệp Sóng Thần 3 theo chỉ đạo của Thủ tướng, chứ không liên quan tới hoạt động của Khu du lịch Đại Nam.
Vị Phó chủ tịch cũng bày tỏ, ngay từ khi tiến hành dự án xây dựng khu du lịch này tỉnh Bình Dương đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Các tuyến đường dẫn về khu du lịch cũng được tỉnh đầu tư để tạo điều kiện cho du khách đến tham quan. 
“Việc đóng cửa Đại Nam, tỉnh Bình Dương rất lấy làm tiếc vì người dân trong và ngoài tỉnh chịu ít nhiều thiệt thòi, ảnh hưởng đến việc tham quan, vui chơi giải trí của du khách. Tuy nhiên, việc tạm ngừng hoạt động đó cũng là quyết định của doanh nghiệp và luật không cấm điều này. Tỉnh Bình Dương không hề có những hoạt động gây khó khăn, bức xúc khiến Đại Nam phải ngừng hoạt động”, ông Trần Văn Nam chia sẻ.
Còn ông Lê Văn Trang, Cục trưởng Cục Thuế Bình Dương cũng cho biết, việc khu du lịch Đại Nam đóng cửa trong khoảng thời gian nêu trên hay lâu hơn nữa cũng không ảnh hưởng gì đến thu ngân sách của tỉnh. 
“Một khu du lịch hay một doanh nghiệp không thể so sánh với trên 15.000 đơn vị đang sản xuất kinh doanh ổn định ở Bình Dương. Hiện nay đang là mùa vắng khách nên cơ quan thuế chỉ thu được thuế giá trị gia tăng, còn thuế thu nhập doanh nghiệp thì không thu được”, Cục trưởng thuế tỉnh Bình Dương khẳng định.
Chiều 4/11, tại buổi cung cấp thông tin trước việc ông Huỳnh Uy Dũng tuyên bố “Thủ tướng đã yêu cầu phúc tra kết luận của Thanh tra Chính phủ về nội dung tố cáo của ông Huỳnh Uy Dũng đối với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung” và “đòi tỉnh Bình Dương bồi thường 1.800 tỷ đồng”, ông Nguyễn Minh Giao, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương cho biết các tuyên bố này là không có cơ sở.
Ông Nguyễn Minh Giao dẫn ra văn bản của Văn phòng Chính phủ ngày 18/6/2014, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng chỉ đạo xử lý kết quả xác minh nội dung tố cáo của ông Huỳnh Uy Dũng đối với ông Lê Thanh Cung.
“Trước khi Thanh tra Chính phủ ra kết luận xác minh tố cáo đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Việc ông Huỳnh Uy Dũng sau đó có đơn và Văn phòng Chính phủ có văn bản chuyển đơn yêu cầu Thanh tra Chính phủ xem xét là theo quy trình bình thường, khi có đơn thì phải chuyển để cơ quan có trách nhiệm xem xét, dù đơn đúng hay sai. Việc ông Huỳnh Uy Dũng tuyên bố Chính phủ đang yêu cầu “phúc tra” kết luận của Thủ tướng là hoàn toàn hiểu sai”, ông Nguyễn Minh Giao nói
Còn ông Trần Văn Nam cho hay, thực hiện chỉ đạo, UBND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định thu hồi việc xác định thời hạn sử dụng đất “khu ở” trong khu công nghiệp Sóng Thần 3 là “lâu dài” và thay bằng thời hạn “50 năm”, theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Do đó, UBND tỉnh Bình Dương chỉ thu hồi quyết định về thời hạn sử dụng đất khu ở trong khu công nghiệp Sóng Thần 3 chứ không hề có việc thu hồi đất của Công ty Đại Nam.
Được xây dựng năm 2007 trên diện tích 700ha tại thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương), Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến là một trong những khu du lịch lớn và nổi tiếng nhất tại miền Nam, với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 6.000 tỷ đồng.
Nguyệt Triều

http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/ong-dung-lo-voi-dong-cua-khu-du-lich-dai-nam-3102744.html

Ông Huỳnh Uy Dũng: “Họ đã dồn tôi đến bước đường cùng”

Trước tuyên bố khu du lịch Đại Nam sẽ đóng cửa, PV đã có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Uy Dũng qua điện thoại, khi ông đang nghĩ dưỡng ở Australia, sau thời gian quá căng thẳng do đối đầu với người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Dương.
Ông Huỳnh Uy Dũng: “Họ đã dồn tôi đến bước đường cùng”
Ông Huỳnh Uy Dũng.
Ngay sau khi báo chí  thông tin ông Huỳnh Uy Dũng – Tổng GĐ Cty cổ phần Đại Nam – tuyên bố sẽ đóng cửa Khu du lịch Đại Nam ở tỉnh Bình Dương (BD), rất nhiều bạn đọc đã thắc mắc, vì đâu mà ông chủ Khu du lịch Đại Nam lại có hành động phản kháng như vậy?
PV: Xin ông cho biết đâu là lý do sâu xa buộc ông ra tuyên bố đóng cửa Khu du lịch Đại Nam?
Ông Dũng: Chính quyền tỉnh BD đã dựa trên Kết luận số 1549/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ, kết luận về nội dung đơn tố cáo của tôi đối với ông Lê Thanh Cung – Chủ tịch UBND tỉnh BD – để ra các biện pháp xử lý DN của tôi suốt thời gian qua. Chưa nói đến nội dung kết luận dày đặc dấu hiệu bao che cho ông Cung, thì việc TTCP đứng ra công bố và kết luận vụ việc này đã sai phạm nghiêm trọng luật pháp. Theo Luật Tố cáo qui định tại khoản 7, điều 13: Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Tại khoản 1, điều 22 quy định: “Người giải quyết tố cáo (là Thủ tướng) tiến hành xác minh hoặc giao cho cơ quan thanh tra nhà nước, cá nhân có trách nhiệm xác minh nội dung tố cáo”. Và, ở điểm a, khoản 2, điều 23 quy định: “Tổng TTCP chỉ có trách nhiệm xác minh nội dung tố cáo, kết luận nội dung xác minh và kiến nghị biện pháp xử lý để Thủ tướng ban hành văn bản kết luận nội dung tố cáo”. Để giải quyết đơn tố cáo, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 9329/VPCP-V.I nêu rõ Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ Tướng Chính phủ kết quả.
Với các căn cứ trên, Luật Tố cáo không qui định Tổng TTCP có quyền ban hành văn bản kết luận nội dung xác minh. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng không giao quyền cho TTCP trực tiếp trả lời hoặc kết luận nội dung tố cáo. Nhưng ở đây, TTCP đã ban hành Kết luận số 1549/KL-TTCP và tự cho mình cái quyền kết luận nội dung tố cáo thay Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh BD xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức vi phạm. Chính việc làm sai Luật Tố cáo này, dẫn đến ông Cung, UBND và cơ quan chức năng tỉnh BD đã liên tục dồn ép tôi và DN của tôi đến bước đường cùng trong suốt thời gian qua.
Tôi đã có đơn gửi Thủ tướng và Thủ tướng đã chỉ đạo Tổng TTCP phải xem xét, giải quyết lại Kết luận 1549 nêu trên. Tuy nhiên, bất chấp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, họ đã không ngừng tấn công hòng “bức tử” Cty Đại Nam, với nhiều hành vi, qua 12 văn bản, trong 51 ngày, bình quân 4 ngày ra 1 văn bản yêu cầu Cty Đại Nam phải làm cái này, cung cấp cái kia…v.v…
Dai-Nam_VUDL
Một góc Khu du lịch Đại Nam.
PV: Trả lời báo chí những ngày gần đây, một cán bộ của chính quyền tỉnh Bình Dương cho rằng, ông chỉ “dọa” vậy thôi, chứ không thể đóng cửa Khu du lịch Đại Nam, vì đóng cửa chỉ DN bị thiệt hại nặng, chứ chính quyền … không hề, cùng làm không thu được thuế. Ông có nhận định gì về ý kiến này?
Ông Dũng: Tôi nói thật và sẽ làm thật, chứ không dọa dẫm gì. Bản tính con người tôi lâu nay, chưa bao giờ nói mà không làm. Tôi xin khẳng định một lần nữa, nếu chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh BD không thay đổi thái độ, cách hành xử với DN của tôi; chắc chắn tôi sẽ tính đến phương án đóng cửa Khu du lịch Đại Nam và một số hoạt động khác của Cty Đại Nam.
PV: Cụ thể đóng cửa Khu du lịch Đại Nam, ông sẽ làm gì? Liệu hệ lụy xảy ra từ việc đóng cửa này sẽ như thế nào, ông có tính trước được không?
Ông Dũng: Khoảng 10 ngày nữa tôi sẽ về VN và sẽ bàn phương án đóng cửa Khu du lịch Đại Nam từ bây giờ cho đến hết năm 2014, để chờ kết luận cuối cùng từ các cơ quan chức năng và sự thay đổi thái độ của chính quyền tỉnh BD. Tòan bộ gần 2.000 cán bộ, CNLĐ Cty Đại Nam sẽ được nghỉ chờ việc và hưởng nguyên lương cho đến khi có sự giải quyết của cơ quan chức năng, thì trở lại làm việc bình thường. Riêng khu vực đền thờ Đại Nam trong Khu du lịch Đại Nam được mở cửa miễn phí từ lâu nay, vẫn mở cửa, hoạt động bình thường cho khách vào tham quan, chiêm bái…
Tôi cũng cho thành lập một tổ, chuẩn bị đủ tiền mặt để chi trả đầy đủ vốn và lãi suất suốt thời gian qua cho các nhà đầu tư trước đây được Cty huy động vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng khu đất ở, nhưng vì lý do Chủ tịch tỉnh BD không giải quyết, nên bị động đến hôm nay. Tôi sẽ không để bất kỳ đối tác, khách hàng nào phải thua thiệt vì sự cố ngoài ý muốn này của Cty Đại Nam. Trái lại, tôi vô cùng cảm ơn họ đã tin tưởng, đồng hành cùng Cty Đại Nam suốt thời gian qua, dù gặp bao nhiêu khó khăn, trắc trở…v.v…
PV: Vào tháng 9.2014 vừa qua, ông đã công bố hiến tòan bộ lợi nhuận của Cty Đại Nam từ nay đến năm 2030, cho việc mổ tim miễn phí, thông qua Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM. Việc đóng cửa Khu du lịch Đại Nam có ảnh hưởng gì đến công tác từ thiện này hay không?
Ông Dũng: Phải nói đến hôm nay, tôi đã vô cùng mỏi mệt trước những gì mà họ đã đối xử với tôi. Hơn 30 năm lăn lộn trên thương trường, những gì tôi có được hôm nay, tôi nguyện hiến dâng hết cho xã hội. Cụ thể là tài trợ miễn phí cho hàng ngàn trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh, không đủ điều kiện cứu chữa.
Thời gian qua, Cty Đại Nam đã cùng Bệnh việc Đại học Y dược TP HCM đã và đang thực hiện rất tốt công việc này. Mỗi tuần, chúng tôi lại mổ tim miễn phí cho 2 – 4 trẻ, giúp các em lấy lại được sự sống… Tuy nhiên, việc họ cố tình dồn ép, “bức tử” chúng tôi như mọi người thấy, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chương trình hỗ trợ mổ tim cho hàng ngàn trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh đang cần cứu chữa. Song, trong thời gian từ nay đến hết năm 2014, chúng tôi đã rót đủ tiền để mổ tim miễn phí cho các em, nên sẽ không ảnh hưởng gì.
PV: Trước tình hình DN ông bị chính quyền tỉnh BD đối xử như vậy, ông có nhận xét gì, với tư cách là một doanh nhân thành danh, nổi tiếng trên thương trường nhiếu năm qua?
Ông Dũng: Tình cảnh của tôi, có lẽ ít nhiều phản ánh được phần nào nỗi khổ của một DN trong thời buổi này. Chính phủ, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ DN vượt qua các khó khăn. Luật pháp cũng quy định rất cụ thể những gì DN được làm và không được làm; chính quyền phải thực hành đúng quy định luật pháp, phải khách quan.v.v… Tuy nhiên, thực tế lâu này, hiện tượng “cái lệ” ở các địa phương luôn đè lên trên “cái luật”.
Vì vậy, mà có không ít DN như DN của tôi phải khốn đốn, bị “cái lệ” địa phương đè nặng suốt nhiều năm., không thể phát triển nổi. May mắn, DN của tôi có tiềm lực, không nợ nần, có thương hiệu; nên vẫn vượt qua mọi khó khăn. Khu đầt ở 61,4 ha đang tranh cãi, tôi bỏ tiền ra mua giùm cho tỉnh BD, theo lời mời của chính quyền và giúp tỉnh BD có tiền trả nợ Bộ Tài chính. Vậy mà 10 năm nay, chính quyền dùng đủ cách không cho tôi làm gì để lấy lại vốn. Giờ, còn giở trò “thu hồi sổ đỏ”?
Thử hỏi, nếu tôi vay mượn mua đất trên thì chỉ trả tiền lãi thôi, DN cũng đã phá sản từ lâu rồi. Sao lại đối xử với DN tệ như vậy? Chúng tôi bỏ tiền mua đất, phải kinh doanh mới phát triển và nộp thuế được chứ. Không ai bỏ hàng trăm tỷ đồng mua đất của chính quyền, để chính quyền làm khó, không cho kinh doanh gì hết, ngồi ngó đất bỏ hoang hóa… Hành xử đó khác nào “bức tử” DN?
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Lao động

http://www.datviet.com/ong-huynh-uy-dung-ho-da-don-toi-den-buoc-duong-cung/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten