Nạn nhân máy bay rơi ở Ô Kha không còn sợ hãi khi trở lại VN
Lần thứ ba đến Việt Nam, Annette Herfkens - hành khách sống sót duy nhất trên máy bay Yak 40 rơi ở Khánh Hòa 22 năm trước - cảm thấy bình thản, tự tin khi đi cùng cô con gái 17 tuổi.
Khoảng 8h sáng 11/8, Annette Herfkens cùng con gái xuất hiện ở ga quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM, trong sự chào đón của mọi người. Sau chuyến bay dài từ Paris đến Sài Gòn, nữ tác giả và con gái vẫn tươi tắn, rạng rỡ. Khuôn mặt Annette Herfkens còn in hằn dấu vết ở chiếc cằm bị méo từ tai nạn cách đây 22 năm. Nhưng khác với hình ảnh rời Việt Nam trên xe cứu thương và thân thể đầy thương tích, thần thái Annette giờ đầy tự tin và thoải mái. Bà vồn vã chào mọi người, đón nhận bó hoa tươi thắm từ ban tổ chức và luôn miệng nói: "Tôi vui và hạnh phúc quá. Quay lại Việt Nam lần này là một đặc ân!".
Annette và con gái Joosje tại sân bay Tân Sơn Nhất sáng 11/8.
|
Năm 2006, Annette từng một mình thực hiện chuyến trở về Việt Nam lần đầu tiên để quay lại địa điểm xảy ra tai nạn năm xưa. Bà nói, lần đầu tiên và lần thứ hai khi bà rời Việt Nam, mọi thứ trông không hiện đại như ngày hôm nay. Hai lần trước, cảm giác sợ hãi vẫn luôn thường trực trong Annette. Nhưng lần này bà không thấy sợ gì cả. Bà muốn dẫn con gái đến Việt Nam để thấy được sự khác biệt giữa hai khoảng thời gian lần đầu khi bà bị tai nạn và hôm nay. Con gái cũng là người giúp Annette viết cuốn sách 192 giờ - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh.
"Với vốn tiếng Anh khá hơn tôi, con bé đã giúp tôi hoàn thành cuốn sách. Con gái là người bạn thân lớn nhất trong cuộc đời tôi. Con bé muốn được cùng mẹ đến Việt Nam nói lời tri ân đến những người trong đội cứu hộ năm xưa", bà chia sẻ.
Joosje, con gái 17 tuổi của Annette Herfkens, có nụ cười ngọt ngào và nhất là ánh mắt cương nghị, mạnh mẽ như mẹ. Joosje chia sẻ với VnExpress: "Có thể với nhiều người, bị rơi vào hoàn cảnh của mẹ là một cơn ác mộng, nhưng mẹ tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi và sống sót. Mẹ tôi đã vượt qua tai nạn kinh hoàng giữa rừng già, nỗi sợ hãi và ám ảnh về sau để tự tin bước tiếp trong cuộc đời. Câu chuyện của mẹ ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Đó là một bài học sống động nhắc tôi về việc chế ngự nỗi sợ hãi và biết vươn lên trong cuộc sống. Ở tuổi teen, tôi học được nhiều từ nghị lực sống của mẹ".
Phải mất nhiều thời gian Annette mới lấy đủ can đảm viết lại những chuyện xảy ra với mình.
|
Joosje cho biết cô không thấy sợ khi ngồi chuyến bay dài đến Việt Nam, mà ngược lại, khi máy bay sắp hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, cô nhìn ra ngoài cửa sổ để ngắm cảnh tuyệt đẹp phía dưới, trong lòng đầy háo hức và mong muốn khám phá.
Thiếu nữ 17 tuổi kể mẹ cô từng không thích viết sách cũng như không thấy thoải mái để viết ra những nỗi ám ảnh. Nhưng khi có con gái đồng hành, Annette đã hoàn thành được quyển sách.
Ngày 13/8, Annette Herfkens sẽ dẫn con gái về thăm lại núi Ô Kha (xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa). Đây là nơi xảy ra tai nạn máy bay thảm khốc 22 năm trước. Tại đây, tác giả Annette cùng mọi người làm lễ tưởng niệm nạn nhân trên chuyến bay với mình. Sau đó, bà đi thăm một số gia đình và người thân của tổ bay Mi-8 (gồm 7 người) bị tử nạn trong quá trình thực hiện công tác cứu hộ chiếc Yak 40. Dự kiến, chuyến thăm lại núi Ô Kha của Herfkens còn có sự tham gia của ông Nguyễn Thành Chung - nguyên phó chỉ huy tham mưu trưởng cơ quan Quân sự huyện Khánh Sơn. Ông cũng là chỉ huy trực tiếp lực lượng tìm kiếm chiếc máy bay Yak 40 mang số hiệu VN474.
Hình ảnh tư liệu khi Annette được phát hiện và cứu khỏi đỉnh Ô Kha 22 năm về trước.
|
Ngoài ra, Annette Herfkens còn có nhiều buổi giao lưu với độc giả TP HCM trong vai trò là đại sứ chương trình "Hạt giống tâm hồn" để nói về thái độ, ý chí nghị lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Cuốn tự truyện 192 Hours (Turbulence: A Survival story) của tác giả Annette Herfkens ra mắt bản tiếng Anh hồi tháng 1. Qua sách, độc giả không chỉ nhận ra sự nhanh trí, ý chí kiên cường của Annette mà còn học được từ bà thái độ sống lạc quan để vượt qua nghịch cảnh. 8 ngày một mình giữa vùng rừng thiêng nước độc Ô Kha, bà phải nằm giữa các xác chết đang phân hủy và chịu sự đau đớn tột cùng của cơ thể đang bị thương. Thế nhưng, Annette vẫn cố gắng duy trì sự tỉnh táo và lạc quan bằng cách ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên xung quanh và tìm mọi cách để sống.
Thất Sơn
Video: Đức Huy
Video: Đức Huy
http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/nan-nhan-may-bay-roi-o-o-kha-khong-con-so-hai-khi-tro-lai-vn-3029440.html
Nạn nhân máy bay rơi tại VN dẫn con gái về lại Ô Kha
Annette Herfkens - hành khách sống sót duy nhất trên máy bay Yak 40 rơi ở Khánh Hòa 22 năm trước - sẽ dành thời gian thăm thân nhân của người tử nạn tại Ô Kha.
Ngày 11/8, Annette Herfkens - tác giả tự truyện 192 giờ - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh đến TP HCM giới thiệu ấn phẩm mới của chị. Đây là tự truyện kể về thảm họa hàng không xảy ra ở Việt Nam năm 1992.
Tác giả Annette (giữa) bên con trai và con gái.
|
Ngày 13/8, Annette Herfkens sẽ dẫn con gái về thăm lại núi Ô Kha (xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa). Đây là nơi xảy ra tai nạn máy bay thảm khốc 22 năm trước. Tại đây, tác giả Annette cùng mọi người làm lễ tưởng niệm nạn nhân trên chuyến bay với mình. Sau đó, chị đi thăm một số gia đình và người thân của tổ bay Mi-8 (gồm 7 người) bị tử nạn trong quá trình thực hiện công tác cứu hộ chiếc Yak 40. Dự kiến, chuyến thăm lại núi Ô Kha của Herfkens còn có sự tham gia của ông Nguyễn Thành Chung - nguyên phó chỉ huy tham mưu trưởng cơ quan Quân sự huyện Khánh Sơn. Ông cũng là chỉ huy trực tiếp lực lượng tìm kiếm chiếc máy bay Yak 40 mang số hiệu VN474.
Ngoài ra, Annette Herfkens còn có nhiều buổi giao lưu với độc giả TP HCM trong vai trò là đại sứ chương trình Hạt giống tâm hồn để nói về thái độ, ý chí nghị lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Dịch giả An Điền, người chuyển ngữ cuốn sách 192 giờ sang tiếng Việt chia sẻ:
"Không chỉ riêng tôi, bất cứ ai đọc cuốn sách này cũng cảm thấy khâm phục cô Annette. Đó là người phụ nữ kiên cường, vô cùng mạnh mẽ. Trong lúc thế giới đang có khá nhiều thảm họa hàng không thì với tôi, cuốn sách là một nguồn an ủi rất lớn. Khác với nhiều ấn phẩm, sức hấp dẫn của tự truyện này không đến từ kết cục mà đến từ diễn biến qua từng trang sách theo lối kể đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Đó là điều hấp dẫn và gây hồi hộp nhất cho người đọc".
"Không chỉ riêng tôi, bất cứ ai đọc cuốn sách này cũng cảm thấy khâm phục cô Annette. Đó là người phụ nữ kiên cường, vô cùng mạnh mẽ. Trong lúc thế giới đang có khá nhiều thảm họa hàng không thì với tôi, cuốn sách là một nguồn an ủi rất lớn. Khác với nhiều ấn phẩm, sức hấp dẫn của tự truyện này không đến từ kết cục mà đến từ diễn biến qua từng trang sách theo lối kể đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Đó là điều hấp dẫn và gây hồi hộp nhất cho người đọc".
Bìa sách "192 hours".
|
Cuốn tự truyện 192 Hours (Turbulence: A Survival story) của tác giả Annette Herfkens ra mắt bản tiếng Anh hồi tháng 1. Qua sách, độc giả không chỉ nhận ra sự nhanh trí, ý chí kiên cường của Annette mà còn học được từ cô thái độ sống lạc quan để vượt qua nghịch cảnh. 8 ngày một mình giữa vùng "rừng thiêng nước độc" Ô Kha, chị phải nằm giữa các xác chết đang phân hủy và chịu sự đau đớn tột cùng của cơ thể đang bị thương. Thế nhưng, Annette vẫn cố gắng duy trì sự tỉnh táo và lạc quan bằng cách ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên xung quanh và tìm mọi cách để sống.
Ngày 14/11/1992, Annette Herfkens và chồng sắp cưới Willem van der Pas cùng 31 hành khách khởi hành từ Sài Gòn đến Nha Trang trên chuyến bay mang số hiệu 474. Khi cách đích đến 19 dặm, và cách ngôi làng gần nhất 10 dặm, chiếc máy bay bất ngờ đâm vào đỉnh núi và rơi xuống núi Ô Kha. Willem van der Pas cùng các hành khách và phi hành đoàn đều qua đời, duy nhất Annette còn sống sót với thương tích đầy mình.
Thất Sơn
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/nan-nhan-may-bay-roi-tai-vn-dan-con-gai-ve-lai-o-kha-3028502.html
Hồi ký của nạn nhân máy bay rơi tại VN ra bản tiếng Việt
Ký ức kinh hoàng của Annette Herfkens - hành khách sống sót duy nhất trên chiếc máy bay Yak 40 rơi ở Khánh Hòa cách đây 22 năm - được kể lại trong tác phẩm vừa ra mắt tại Việt Nam.
Cuốn tự truyện 192 Hours (Turbulence: A Survival story) của tác giả Annette Herfkens từng nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả Mỹ khi ra mắt hồi tháng 1. Sách kể về sự sống sót kỳ diệu của Annette Herfkens sau tai nạn máy baythảm khốc vào năm 1992 tại núi Ô Kha, thuộc xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Ấn bản tiếng Việt do dịch giả An Điền thực hiện.
Sau tai nạn thảm khốc, Annette từng quay về Việt Nam vào năm 2006 để đi tìm lại những điều đã ám ảnh mình.
|
Sau tai nạn thảm khốc, Annette đã thực sự yêu Việt Nam và dành những tình cảm nồng nhiệt cho nơi đây. Cô chia sẻ với dịch giả cảm nhận về chuyến đến Việt Nam sắp tới: "Tôi rất hào hứng và hạnh phúc. Sau hơn 20 năm, tôi ngày càng nhận rõ mối kết nối của mình với Việt Nam, với vẻ đẹp và những con người kiên cường nơi đây".
Cách đây 22 năm, Annette Herfkens là cô gái Hà Lan chưa đầy 30 tuổi, xinh đẹp, giỏi giang. Cô có công việc tốt và một tình yêu trọn vẹn. Nhưng mọi việc đảo lộn vào ngày định mệnh - 14/11/1992. Đó là ngày Annette Herfkens và chồng sắp cưới Willem van der Pas cùng 31 hành khách bước lên chuyến bay số hiệu 474 của Vietnam Airlines, rời TP HCM đến Nha Trang. Chuyến đi được xem như kỳ trăng mật của hai người. Nhưng chiếc máy bay đâm vào đỉnh núi và rơi xuống ở Ô Kha, Khánh Hòa.
Annette và bạn trai.
|
Sau khi máy bay rơi, vẫn còn vài người sống sót. Nhưng dần dần, họ đều qua đời vì nhiều nguyên nhân. Riêng Annette thoát chết với thương tích đầy mình. "Đầu gối trái có một vết thương lớn và sâu. Đầu gối phải đầy máu. Da trên mắt cá chân thì hầu như bị xé toạc ra. Nhưng cảnh tượng hãi hùng nhất phải nằm ở ống chân: tôi nhìn thấy cả xương mình! Một tấc xương phơi lồ lộ ra qua nhiều thớ thịt", Annette kể lại.
Trong cuốn tự truyện, Annette kể lại cách thức để tồn tại trong tám ngày cô độc giữa thung lũng Ô Kha. Annette phải lấy những miếng xốp từ thân máy bay để tích nước làm nguồn thức ăn sống qua ngày cho đến khi đoàn cứu hộ đến và đưa cô tới bệnh viện cấp cứu.
Bìa cuốn "192 hours".
|
Độc giả sẽ tìm thấy trên trang sách những trải nghiệm cá nhân của một cô gái đầy dũng cảm, mạnh mẽ. Annette dùng trực giác, sự tập trung và hiểu biết để chỉ dẫn bản thân, vượt lên những cơn đau, sự mất mát để giành lại sự sống. Dù đối mặt với thảm họa, Annette chưa bao giờ nhìn cuộc sống với con mắt bi quan. Ngược lại, cô nhìn vào mặt tốt đẹp, tươi sáng để vượt lên thử thách.
Không đơn thuần kể lại tai nạn xảy ra với mình và cách tồn tại ra sao trong tám ngày thương tích giữa thung lũng Ô Kha, Annette còn mở rộng biên độ cuốn sách khi kể về đời cô sau khi được cứu sống, đoàn tụ với gia đình cũng như trở lại với công việc. Bên cạnh cuộc chiến đấu sống còn tại thung lũng Ô Kha, Annette phải chiến đấu với những thương tổn, mất mát, ám ảnh về tinh thần.
Bạch Tiên
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/hoi-ky-cua-nan-nhan-may-bay-roi-tai-vn-ra-ban-tieng-viet-3026631.html
Hồi ký của người sống sót trong tai nạn máy bay ở VN 1992
Trong 8 ngày trời, Annette Herfkens đơn độc, chống chọi với cái chết, khi những người bay cùng cô đều tử nạn trong vụ máy bay rơi gần Nha Trang 22 năm trước.
Ngày 14/11/1992, chuyến bay mang số hiệu 474 của Vietnam Airlines mang theo 33 người rời TP HCM bay tới Nha Trang. Hai hành khách - Annette Herfkens, người Hà Lan, và chồng sắp cưới Willem van der Pas - háo hức chờ đón kỳ trăng mật và không ngờ rằng khoảnh khắc định mệnh sau đó sẽ chia cắt họ vĩnh viễn. Chuyến bay đâm vào đỉnh núi và rơi xuống núi Ô Kha, Khánh Hòa. Willem van der Pas qua đời trong tai nạn. Các hành khách và phi hành đoàn, có người vẫn còn sống khi máy bay rơi, nhưng sau đó đều không qua khỏi do chấn thương.
Khi tỉnh dậy, việc đối mặt với cái chết của bạn trai, nghe những tiếng thở thoi thóp cuối cùng của những hành khách khác, cộng với cơ thể nhiều vết thương, giữa vùng thung lũng âm u rộng lớn... đối với Annette Herfkens là một sự hoảng loạn. Những gì xảy ra sau đó là cả một câu chuyện đáng kinh ngạc của sự sinh tồn, của điều kỳ diệu và ý chí đáng khâm phục.
Annette Herfkens sau khi bị tai nạn (ảnh trên) và khi trở lại Việt Nam. Bên trái là trang bìa cuốn sách của bà.
|
Sau tám ngày đơn độc trong rừng, uống nước mưa cầm sự sống, Annette Herfkens được phát hiện, cứu sống và trở thành người duy nhất sống sót trong vụ tai nạn. Trải qua 22 năm, Annette Herfkens giờ đã 53 tuổi, sống hạnh phúc cùng gia đình ở New York, Mỹ. Bà viết cuốn sách "Turbulence: A Survival Story" (Sự hỗn loạn: Một câu chuyện về sinh tồn) kể lại câu chuyện cuộc đời mình. Trong hồi ký, Annette Herfkens mô tả cách thức để tồn tại trong tám ngày cô độc giữa thung lũng vắng lặng của Việt Nam. Cuốn sách của Annette Herfkens mang đến cho người đọc hành trình của ý chí và tinh thần, khi mà cơ thể đầy vết thương và cận kề cái chết. Bà cũng kể lại chuyện được giải cứu ra sao, và làm thế nào tái dựng cuộc sống, gây dựng sự nghiệp và tìm lại tình yêu sau tai nạn kinh hoàng.
Trong phần hai của cuốn sách, Annette Herfkens kể về hành trình trở lại Việt Nam, leo lên đỉnh núi Ô Kha, nơi bà từng đối mặt cái chết. Chuyến đi thứ hai gợi nhắc quá khứ và cho bà cái nhìn bình thản hơn vào những gì đã xảy ra. Bằng tinh thần lạc quan, Annette cho thấy, cuộc sống có thể chứa đựng những điều kỳ diệu hơn tiểu thuyết.
Mary Sue Rosen, tác giả của cuốn “Africa Written Down”, nhận định: “Turbulence là một cuốn hồi ký về sự dũng cảm và tình yêu. Rất nhiều câu chuyện bên trong những câu chuyện". Cuốn sách của Annette Herfkens được cho là mang lại cảm hứng cho nhiều người trên thế giới về sự sống màu nhiệm và tinh thần sống bất diệt, đặc biệt là cho những người phụ nữ.
Annette Herfkens trong một lần xuất hiện trên truyền hình chia sẻ câu chuyện của mình.
|
Với "Turbulence", Annette đã phá vỡ giới hạn của chính mình. Cuốn sách giúp Annette cuối cùng có thể chia sẻ về trải nghiệm cá nhân và cách bà dùng trực giác, sự tập trung và hiểu biết để chỉ dẫn bản thân. Những bài học về sinh tồn mà Annette học được từ Việt Nam được bà áp dụng trong suốt phần còn lại của cuộc đời mình. Chín năm sau tai nạn tại Việt Nam, con trai bà bị chẩn đoán tự kỷ. Như khi còn ở trong cánh rừng, Annette không vì thế mà bi quan, bà nhìn vào mặt tốt đẹp của cuộc sống chứ không phải những điều mất mát, để sống mạnh mẽ với trái tim rộng mở và tình yêu vô điều kiện.
Annette Herfkens sinh ở Venezuela trong một gia đình người Hà Lan. Bà lớn lên ở Hà Lan, nơi bà nghiên cứu luật tại Đại học Leiden. Sau đó, bà làm việc trong lĩnh vực ngân hàng và đạt được vị trí cao. Annette trở lại công việc chỉ vài tháng sau vụ đâm máy bay và được giới thiệu vào vị trí giám đốc quản lý của một ngân hàng một năm sau đó.
"Turbulence, A Survival Story" được xuất bản tháng 1/2014.
* Đọc thêm: Chuyện cứu nạn chiếc máy bay rơi ở núi Ô Kha
Song Ngư
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/hoi-ky-cua-nguoi-song-sot-trong-tai-nan-may-bay-o-vn-1992-2963347.html
MH370 và chuyện Việt Nam hơn 20 năm trước
Thực sự tôi không muốn nói những chuyện thuộc về bí mật nghề nghiệp. Nhưng thấy sự hiểu biết của báo chí và cộng đồng về các hoạt động tìm kiếm cứu nạn hàng không có thể gây nên hiểu lầm nghiêm trọng, tôi đành phải chia sẻ chuyện này.
Hơn 20 năm trước, tôi là thành viên đội tìm kiếm cứu nạn trong vụ máy bay rơi ở gần Nha Trang khi chuẩn bị hạ cánh. Mặc dù biết máy bay bị mất liên lạc ở gần sân bay Nha Trang, nhưng không ai khẳng định được khu vực máy bay có thể rơi để khoanh vùng tìm kiếm. Vì vậy, công tác tìm kiếm cứu nạn đã được thực hiện theo tất cả mọi phân tích và nghi vấn, cả trên biển, trên núi và trên đồng bằng theo kế hoạch tìm kiếm của Chỉ huy sở.
Chúng tôi đi qua nhiều vùng dân cư và dò hỏi nhiều người dân. Hỏi họ có thấy máy bay nào bay qua vào ngày giờ này không? Họ có nghe tiếng máy bay hay tiếng nổ to nào vào ngày giờ này không? Họ có tình cờ nhìn thấy vật gì lạ ở đâu đó không...? Chúng tôi hỏi đủ thứ để tìm ra manh mối.
Khi chúng tôi gặp và hỏi, tất cả mọi người đều trả lời là họ không thấy gì, không nghe thấy gì. Tất cả đều trả lời "Không!", "Không!", "Không!". Nhưng rất nhanh sau khi chúng tôi đi qua một vùng dân cư, bắt đầu rộ lên thông tin "Có!", "Có!", "Có!".
Chúng tôi quay lại những vùng đó và gặp người dân. Người này cung cấp thông tin này. Người khác cung cấp thông tin khác. Có rất nhiều thông tin. Người này nhìn thấy cái này ở chỗ nọ. Người kia nghe thấy tiếng máy bay ở chỗ khác. Người nọ thấy vật gì đó lạ ở chỗ khác nữa...
Theo thông tin được người dân cung cấp, chúng tôi đã gọi trực thăng đến để tìm kiếm ở những vùng nghi vấn. Suốt cả tuần trôi qua, nhiều vùng trên một diện tích rộng lớn đã cày qua cày lại, nhưng không tìm thấy gì cả.
Sau đó thì manh mối đã xuất hiện từ một bà cụ sống đơn độc tận trên núi Ô Kha. Bà là nhân chứng duy nhất đã thực sự nhìn thấy máy bay. Nhưng bà sống đơn độc trên rẫy, không mấy khi tiếp xúc với ai. Bà không biết có máy bay rơi và một bộ máy hùng hậu đang đi tìm nó, cho đến khi bà có việc đi ra ủy ban và chúng tôi nhờ đó có thông tin để tìm đến gặp bà.
Khi chúng tôi đến, bà kể sáng hôm đó trời mưa, bà ngồi trong nhà. Đói bụng quá, bà đành đội mưa ra vườn để nhổ cây mì (sắn). Rồi bà thấy máy bay bay ngay trên đầu, chỉ cao gấp đôi cái cây trong vườn bà. Bà chỉ cho chúng tôi cái cây mà bà so sánh. Bà bảo rồi nó bay về hướng đó. Theo hướng bà chỉ là một cái "yên ngựa" với hai ngọn núi nằm hai bên. Bà bảo, trời mù thì nhìn thấy hai cái núi thôi, chứ hôm nào trời trong, sẽ thấy một cái núi cao nằm ở ngay đằng sau. Bà nói, bà nghe thấy một tiếng nổ to, nghĩ là máy bay vừa bay qua để ném bom.
Vâng, thế là rõ rồi!
Nhưng câu chuyện không chỉ có thế.
Ngay sau đó, tôi có việc gấp phải bay về Hà Nội. Chiếc trực thăng tìm kiếm cứu nạn bay từ sân bay Nha Trang lên núi tiếp tế và đón tôi về Nha Trang để nối chuyến bay ra Hà Nội buổi chiều.
Sáng hôm sau, chiếc trực thăng này lại bay chở đồ tiếp tế lên núi. Nhưng nó đã không đến nơi. Nó đã bị rơi không xa chiếc máy bay mà chúng tôi tìm kiếm. Những người đồng chí của tôi đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Những người ngay ngày hôm trước tôi còn ngồi ngay cạnh họ.
Nhiều ngày sau, chiếc trực thăng rơi cùng các đồng chí của tôi được tìm thấy, mặc dù đã biết rõ khu vực.
Tôi kể ra chuyện này chỉ với một mục đích: tìm kiếm cứu nạn hàng không là một việc hết sức phức tạp, vất vả và nguy hiểm, mọi người cần biết điều đó. Chiếc máy bay ở sân bay thì to, chứ giữa đại dương, giữa rừng nó chỉ nhỏ như cái kim. Rồi thông tin bị nhiễu bằng những lời đồn thổi, óc tưởng tượng của một số người. Mọi tình huống phải được đặt ra, cho đến khi biết chắc chắn máy bay ở đâu.
Nếu bạn nghĩ bạn là người hiểu biết và có trách nhiệm, hãy gạt những nghi ngờ, suy diễn ra khỏi đầu bạn.
Hãy nghĩ tới những nạn nhân và thân nhân của họ.
Hãy chia sẻ những khó khăn, thậm chí nguy hiểm của những người tham gia tìm kiếm, cứu nạn và cầu chúc cho họ những điều tốt lành.
Hãy đánh giá cao các nỗ lực tổ chức tìm kiếm của các nhà chức trách Việt Nam và các nước. Họ đã và đang làm tốt các công việc của họ. Họ không thể trả lời ngay được mọi câu hỏi, thắc mắc của bạn. Họ đang nỗ lực cùng nhau tìm chiếc máy bay với hy vọng cứu được hành khách, tổ bay. Chính họ cũng bị thiếu thông tin và đang tìm thông tin, manh mối trong một cuộc tìm kiếm rất khó khăn.
Hãy cảm thông với Malaysia Airlines trong tình hình khó khăn và rối ren do vụ việc chuyến bay MH370 ngày 8/3.
Đừng suy diễn, nghi ngờ thiếu hiểu biết và vô căn cứ.
Lương Hoài Nam
http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/mh370-va-chuyen-viet-nam-hon-20-nam-truoc-2962860.html
Và... chuyến bay định mệnh MH-17 của hãng hàng không Malaysia bị bắn rơi ở Ukraina ngày 17-7-2014, với 195 nạn nhân người Hòa Lan, trong số 298 hành khách và phi hành đoàn tử nạn, trong đó có 3 mẹ con bà Nguyễn Ngọc Minh, người gốc Việt cư ngụ ở Delf, trên đường về thăm Việt Nam .
Nguyện cầu cho các nạn nhân... chết oan ( ! ) được an nghỉ trong cõi Vĩnh Hằng !
TulipGarden9
Nguyện cầu cho các nạn nhân... chết oan ( ! ) được an nghỉ trong cõi Vĩnh Hằng !
TulipGarden9
Geen opmerkingen:
Een reactie posten