maandag 26 mei 2014

Việt Nam : Cách mạng dân chủ dưới con mắt một kẻ cơ hội (Phần 1)

Cách mạng dân chủ dưới con mắt một kẻ cơ hội (Phần 1)

Bài 1: Những kẻ cơ hội đang đứng trước cơ hội chưa từng có

Kẻ cơ hội (Danlambao) - Nguyễn Tấn Dũng quả thật là một người tham lam, quỉ quyệt (đặc tính bình thường của con người). Một kẻ cơ hội rõ ràng, nhưng có vẻ là kẻ cơ hội biết thời thế.

Trong bài phát biểu tết 2014, thủ tướng đã gây một số ngạc nhiên cho phong trào dân chủ khi úp mở đề cập đến vấn đề cải cách theo hướng mở rộng dân chủ ở Việt Nam.

Mặc dù ít ai có thể tin vào điều ông nói sau tất cả những việc ông đã làm và thực tế dân chủ vẫn bị đàn áp sau các phát biểu đó, nhưng ít nhất, bài phát biểu cũng chứng tỏ ông ta nhận ra và biết rõ khát vọng của người dân về một xã hội tự do, dân chủ. Trong hoàn cảnh hiện tại, chỉ riêng điều đó đã là một điểm tiến bộ.

Hơn thế nữa, với một nền kinh tế đang trên đà suy sụp và ngày càng ít nhận được sự đầu tư từ bên ngoài, các thế lực cai trị cũng đang ở thế bất đắc dĩ buộc phải cơi nới một chút quyền tự do của người dân để đảm bảo lợi ích kinh tế của chính họ. Có lẽ đó là nguyên nhân đưa đến bài phát biểu trên.

Đó là quan điểm của cả một thế lực lợi ích chứ không đơn giản là ý kiến cá nhân ông thủ tướng.

Ngay cả khi xét trên phương diện cá nhân thủ tướng, sau tất cả tai tiếng gây ra, việc tiến hành cải cách, mở rộng dân chủ có thể mang lại lợi ích lớn cho chính bản thân ông ta.

Điều này không chỉ giúp ông thủ tướng bảo toàn được tài sản và tính mạng trong một nền dân chủ văn minh, nó còn giúp ông ta nhận được sự tha thứ và khoan dung của người dân.

Nếu ngay cả điều đó ông ta cũng không cần đến thì một chút danh tiếng và cơ hội chính trị tương lai cũng là điều khó bỏ qua để làm động lực cho việc cải cách.

Rủi ro với các thế lực lợi ích

Trong bộ máy cai trị của Việt Nam, không chỉ mình ông Dũng ở vào hoàn cảnh “éo le” như vậy.

Tất nhiên, thực tế môi trường chính trị hiện tại không cho phép cải cách diễn ra một cách nhanh chóng và lộ liễu.
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế
Việt Nam sẽ khiến cục diện chính trị có nhiều thay đổi?
Một mình cá nhân ông Dũng cho dù có hối hận và thực lòng muốn cải cách thì cũng khó mà tiến hành trên thực tế. Việc đó sẽ đụng chạm đến lợi ích của mọi thế lực cai trị vốn đang hưởng lợi dựa trên các chính sách độc đoán.

Một trong những lợi ích cụ thể là lợi ích từ việc khai thác và xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, nước Việt đã “không còn như trước”, sau ngày Trung Quốc đưa giàn khoan vào sâu trong hải phận.

Sắp tới, thế lực lợi ích Việt Nam có nguy cơ sẽ không thể đưa được một giọt dầu nào từ giàn khoan vào đất liền.

Lợi ích do chính sách độc đoán rõ ràng sẽ giảm sút nghiêm trọng, trong khi nguy cơ nhận lấy sự thù hận của nhân dân ngày càng tăng cao, những kẻ vốn lâu nay dùng tiền bán tài nguyên để thiết lập nên hệ thống an ninh kiểm soát dân chúng sẽ bị giảm “thu nhập”.

Những kẻ vốn đã ra sức bảo vệ kẻ độc tài, quay lưng lại với nhân dân sẽ không còn nhận thấy lợi ích khi bảo vệ chúng nữa. Bởi vì ngay cả chính sự an toàn của bản thân và gia đình những người này còn không được hệ thống cai trị đảm bảo.

Kẻ cơ hội vĩ đại

Trong hoàn cảnh hiện tại, nếu là một kẻ cơ hội biết thời thế (điểm rất quan trọng), bạn không thể không nhận ra cơ hội lớn đang mở ra trước mắt. Những kẻ độc tài khó mà tiếp tục "đi dây" được nữa.

Muốn giữ được lợi ích bản thân, chúng buộc phải đi theo xu thế của thời đại. Khả năng nhóm cai trị chạy theo ngoại bang để hưởng lợi là thấp hơn rất nhiều vì hoàn cảnh Việt Nam, với dân tộc chủ nghĩa vốn được truyền bá rộng rãi lâu nay, bây giờ lại không cho phép chúng làm điều đó.

Dường như có một kẻ “cơ hội nhanh trí” đã nhìn nhận ra được sự việc và đó không phải là người Việt Nam. Đó là nước Mỹ!

Sau khi đã quá mệt mỏi với gánh nặng chiến tranh ở Iraq, Afghanistan... nước Mỹ hiện nay thay vì các hoạt động có tính quân sự lại đang có xu hướng dùng cành ô liu (lợi ích kinh tế) để lôi kéo các thế lực độc tài đi theo hướng cải cách hoặc ít nhất kiềm chế các thế lực này trở nên tồi tệ hơn.

Khi các lợi ích này không đủ để cân bằng với lợi ích do sự cai trị độc đoán mang lại, người Mỹ sẽ thất bại (trường hợp điển hình của nước nga).

Nếu như tình hình ở Việt Nam cứ diễn ra như hiện nay, những kẻ cai trị muốn giữ được lợi ích bản thân thì phải cần đến sự trợ giúp của nước Mỹ.

Vốn là kẻ “hào hiệp”, nước Mỹ sẽ đáp ứng, nhưng không phải vô điều kiện.

May mắn thay, những điều kiện đó chắc chắn sẽ phải là những yêu sách mở rộng quyền tự do, dân chủ cho chính người dân Việt. Nước Mỹ quả là kẻ cơ hội vĩ đại.

Vỡ mộng tình hữu nghị 'anh em'

Trước kia, kẻ cai trị có thể khăng khăng khước từ các điều kiện này, nhưng nay, tình hình đã khác xa.

Việc chính phủ Việt Nam gần đây có các động thái tiến lại gần với nước Mỹ, Philipin... không chỉ là đòn để gây áp lực với sự xâm phạm lợi ích từ Trung Quốc, nó có thể “thật lòng” hơn thế rất nhiều vì các “đàn anh” bảo trợ xưa nay, một kẻ thì vào tận nhà “đàn em” ăn cướp, kẻ khác thì cũng vì lợi ích chính mình mà quên luôn chú em lâu nay vẫn hết lòng nịnh bợ.

Thực tế, nguồn lợi nhỏ nhoi của nước Nga trong việc hợp tác khai thác dầu với Việt Nam quá nhỏ so với lợi ích chiến lược khi hợp tác với Trung Quốc nhằm tận dụng thị trường năng lượng khổng lồ của nước này. Nhất là trong hoàn cảnh hiện tại, khi nước Nga cần Trung Quốc hơn bao giờ hết. Chính quyền Trung Quốc quả là quá khôn ngoan khi ra tay vào thời điểm này.

Còn hiển nhiên, tình anh em gắn bó cũng không là cái đinh gì so với nguồn lợi dầu khí tiềm năng ở Biển Đông, chưa nói tới các lợi ích chiến lược khác.

Việc nhà cầm quyền Việt Nam rơi vào thế bị động như hiện nay có lẽ do họ đã tự đặt mình vào vị trí quá cao và thiếu sự chuẩn bị cần thiết. Cứ tự lừa dối mình rằng, ít nhất, người anh to xác cũng sẽ vì các lợi ích chiến lược mà để yên cho “chú em” thoải mái khoan dầu hưởng thụ. Rõ ràng, Trung Quốc quá to lớn để cần thêm anh em hay bạn bè.


Nước Việt 'không còn như trước'

Mặc dù sắp tới, các cải cách dù diễn ra cũng không thể quá nhanh chóng và dễ dàng, nhưng vẫn là cơ hội lớn mà phong trào dân chủ không thể không nắm lấy.

Ít nhất, thế lực cai trị cũng không dám hành xử quá mạnh tay với những nhà hoạt động (điểm tối quan trọng).

Còn tất nhiên, kẻ cơ hội, biết thời thế sẽ chắc chắn không bỏ qua “tiềm năng không nhỏ” phía trước.

Khi mà những kẻ cơ hội bước ra ánh sáng và hành động, mọi thứ có thể diễn biến nhanh đến mức khó tưởng tượng.

Bài viết này không chỉ viết cho phong trào dân chủ Việt Nam. Những “kẻ cai trị” cũng có thể tham khảo vài quan điểm cá nhân trên đây để suy ngẫm về các đối sách sắp tới của mình để không phải đến nỗi rơi vào hoàn cảnh bi đát như Yanukovych như vừa qua.

Dù thế nào đi nữa, nước Việt cũng đã “không còn như trước”. 

Việt Nam, ngày 25/05/2014



http://danlambaovn.blogspot.nl/2014/05/cach-mang-dan-chu-duoi-con-mat-mot-ke_26.html#more

Geen opmerkingen:

Een reactie posten