zondag 4 mei 2014

Tokyo xét lại lịch sử, chủ nghĩa dân tộc cực đoan có đất trỗi dậy

Thứ bảy 03 Tháng Năm 2014

Tokyo xét lại lịch sử, chủ nghĩa dân tộc cực đoan có đất trỗi dậy

Tổ chức Ganbare Nippon (Nhật Bản, Hãy kiên định), theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, trong cuộc  biểu dương lực lượng tại Tokyo ngày 15/8/2013 nhân kỷ niệm 68 năm Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh.
Tổ chức Ganbare Nippon (Nhật Bản, Hãy kiên định), theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, trong cuộc biểu dương lực lượng tại Tokyo ngày 15/8/2013 nhân kỷ niệm 68 năm Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh.
REUTERS/Issei Kato

Anh Vũ
Chính phủ hiện nay tại Nhật Bản của thủ tướng Shinzo Abe không che giấu tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, khơi gợi lại quá khứ của một nước Nhật Bản quân phiệt và làm trỗi dậy những tư tưởng dân tộc cực đoan. Điều này khiến các nước láng giềng của Nhật không khỏi e ngại. Đề cập đến hiện trạng này ở Nhật Bản, tuần san L’Express có bài phóng sự dài với tiêu đề :« Nếu Tokyo xét lại lịch sử của mình... »

Mở đầu bài phóng sự L’Express ghi nhận một thực tế có thể thấy trên quần đảo Nhật Bản trong thời gian qua, đó là những khó khăn về kinh tế cùng căng thẳng với các nước láng giềng bùng phát đang nuôi dưỡng tâm lý phẫn nộ, phủ nhận quá khứ và bài ngoại ở một bộ phận ngày càng lớn trong người Nhật. Tư tưởng tiếc nuối quá khứ quân phiệt đang nhen nhóm còn làm cho ngay cả các đối tác của Tokyo cũng bắt đầu thấy lo ngại.
Theo tác giả bài báo, có lẽ mọi việc bắt đầu từ hôm 26/12/2013, nhân kỷ niệm một năm lên nắm quyền, Thủ tướng Shinzo Abe đã dẫn một đoàn tuỳ tùng đến viếng đền Yasukuni, nơi thờ tự các linh hồn tử sĩ đã ngã xuống vì nước Nhật mà trong đó có 14 tội phạm chiến tranh đã bị Toà án Quốc tế kết án sau Thế chiến thứ 2.
Tại đền thờ, ông Abe đã có tuyên bố về ý nghĩa của việc thăm đền của ông là đển khẳng định quyết tâm không để một ai sẽ phải chịu đau khổ vì chiến tranh nữa. Thế nhưng đó là những lời nói không mấy thuyết phục, nhất là khi mà tiếp sau hành động đó, ông Shinzo Abe lại liên tục có những động thái được xem là nhằm phủ nhận quá khứ quân phiệt của nước Nhật.
Ông chủ trương sửa lại sách giáo khoa lịch sử đề cao tinh thần ái quốc của quân đội Thiên Hoàng, xem xét sửa đổi bản Hiến pháp hiếu hoà, được thông qua năm 1947 dưới sự áp đặt của Hoa Kỳ và Đồng minh, theo đó Nhật Bản không được phép chủ động chuẩn bị hay tham gia bất kỳ các cuộc chiến tranh nào.
L’Express điểm lại, gần 70 năm sau Thế chiến thứ 2, giữa Nhật Bản và hai láng giềng Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn tồn tại những hiềm khích nặng nề bắt nguồn từ những sự kiện trong thời kỳ Nhật chiếm đóng. Đó là vụ thảm sát Nam Kinh năm 1938, hồ sơ « phụ nữ giải sầu » cho quân đội Nhật...
« Cuộc chiến hồi ức » với các nước láng giềng từ vài năm nay lại được đổ thêm xúc tác bởi các tranh chấp chủ quyền biển đảo, với Trung Quốc là quần đảo Senkaku- Điếu Ngư, còn với Hàn Quốc là đảo Takeshima – Dokdo.
Có thể những căng thẳng với các nước láng giềng có lẽ đã dịu hơn nếu như ông Shinzo Abe không bác bỏ hai tuyên bố xin lỗi chính thức từ Tokyo hồi năm 1993 và năm 1995 về các tội ác mà quân đội Thiên Hoàng đã gây ra cho các nước bị Nhật chiếm đóng hồi Thế chiến thứ 2.
Theo tờ báo, chính những lập trường không rõ ràng về lịch sử của Thủ tướng Nhật đã làm dấy lên những tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở các giới chính trị cũng như xã hội ở trong nước. Những đầu óc dân tộc cực đoan ở Nhật giờ đây công khai phủ nhận nước Nhật đã không làm gì xấu trong quá khứ vậy thì tại sao lại phải xin lỗi ? Và rằng trong Thế chiến thứ 2 nước Nhật đã tham chiến đề tự vệ vì an ninh bị đe doạ...
Nguy hiểm hơn từ tư tưởng cực đoan đó đã dẫn đến thái độ bài ngoại cũng có cơ hội trỗi dậy mạnh mẽ. Nhiều tổ chức cực đoan công khai truyền bá trên các phương tiện truyền thông những tư tưởng mang tính hận thù dân tộc, đặc biệt nhằm vào Trung Quốc. Điều nguy hại nữa là trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn của Nhật, những tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan lại càng dễ dàng ngấm vào đầu giới trẻ, những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp khi kinh tế đi xuống.
Theo L’Express, chiếc phanh duy nhất có thể hãm lại bước trượt của Nhật Bản có lẽ là Washington. Chính quyền Obama đã tỏ thái độ nhưng dường như chưa thấy tác dụng. Theo các chuyên gia phân tích thì « ông Abe dường như vẫn ưu tiên cho quá khứ và không cần biết đến tương lai ». Đây là một lập trường đáng lo ngại nhưng dường như lại có lợi cho ông và cũng vì thế mà ông được bầu lên nắm quyền ở Nhật Bản. 

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140503-tokyo-xet-lai-lich-su-chu-nghia-dan-toc-cuc-doan-co-dat-troi-day

Geen opmerkingen:

Een reactie posten