Bộ trưởng Pháp đích thân ra tận sân bay đón du khách !
Về nước Pháp, La Croix hôm nay chú ý đến một sư kiện cho thấy Paris rất chú trọng đến du lịch, đó là Ngoại trưởng Pháp, Laurent Fabius và Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazenave, thứ Hai, 28/04, vừa qua đã ra tận sân bay Roisy, Paris, để đón du khách !
‘ Bienvenue en France !’: Đây là, theo bài báo, những lời mà hai bộ trưởng đón chào các du khách đầu tiên trong ngày đến tù chuyến bay từ Bắc Kinh. Hai vị bộ trưởng đi thị sát phi trường quốc tế Pháp.
Trong quan điểm của Paris hiện nay, theo La Croix, cần phải có sự đón tiếp tốt ngay từ phi trường để thu hút du khách. Phi trường là cuộc tiếp xúc đầu tiên với đất nước mà người ta đến viếng.
Tờ báo trich lời ngoại trưởng Fabius, cũng đang đặc trách về du lịch, cho biết : "Có gần 100 triệu người đến và đi từ sân bay này hàng năm, và một phần không ít lần đầu tiên tiếp xúc với nước Pháp. Cho nên việc đón tiếp đàng hoàng rất là quan trọng."
Trong việc đón tiếp này các khâu từ bản hướng dẫn, thông tin cho hành khách, cho đến thời gian làm thủ tục hải quan, cửa khẩu, lấy hành lý, đều được xem xét tỉ mỉ. Ngoại trưởng Pháp còn muốn ấn định giá cả taxi để hành khách biết trước, tránh bị lạm dụng.
Ngành du lịch hiên nay, theo La Croix, tạo ra 7% công việc làm ở Pháp, cho nên mong muốn của Pháp là đưa du khách đến các vùng chứ không chỉ Paris
Quân báo Nga GRU tại miền Đông Ukraina
Về tình hình miền đông Ukraina, Le Figaro và Libération chú ý đến lực lượng thân Nga, "ngày càng tiến công thắng lợi" – như tít của Libération. Họ ngày càng kiểm soát thêm cơ sở chính quyền, hầu như không gặp một sự kháng cự mạnh mẽ nào.
Le Figaro nêu bật nhân vật chỉ huy lực lượng ly khai ở Ukraina : Đại tá Nga Strelkov, mà trong một thời gian dài, cơ quan an ninh Ukraina chỉ có một chân dung vẽ mà thôi. Đại tá Strelkov thật ra thuộc cơ quan gọi tắt là GRU. Theo Le Figaro, đây là cơ quan bí mật nhất của Nga, bí mật hơn cả FSB –KGB cũ. Không lạ, vì GRU là cơ quan quân báo Nga.
Rốt cuộc viên đại tá kỳ bí này đã xuất hiện và trả lời báo chí cuối tuần qua ở Slaviansk, và ông đã tuyên bố lạnh lùng : "Không ai gây ra một cuộc chiến thế giới thứ 3 vì Slaviansk, vì Ukraina."
Le Figaro cho là đến giờ này, Nga vẫn phủ nhận các hoạt động của cơ quan GRU ở miền đông và nam Ukraina.
Châu Âu nhút nhát trong việc trừng phạt Nga
Ngoài ra Le Figaro, cũng như Le Monde và Les Echos rất chú ý đến các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây – phong tỏa tài sản, cấm thị thực nhập cảnh thêm một số người - mà như tựa của Le Monde nêu bật - "đang áp sát giới thân cận của Putin", nhắm vào những người, như le Figaro giải thích, "có vai trò trục tiếp trong những diễn biến ở Đông Ukraina, và trong đó, theo tờ báo, có hai lãnh đạo của GRU.
Les Echos nhìn trừng phạt của Châu Âu và chỉ trích rằng đấy chỉ là các biện pháp trừng phạt tối thiểu. Tờ báo tỏ vẻ bất bình, cho là Châu Âu chỉ trừng phạt một nhóm nhân vật thứ yếu.
Trong danh sách 15 người mà Bruxelles thông báo hôm qua, 29/04, có thể bị phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh châu Âu, tờ báo công nhận là có một vài nhân vật nặng ký : Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nga Valery Gerasimov, hay hai phó chủ tịch Hạ viện. Tuy nhiên, tiếc là không có các lãnh đạo tập đoàn hay nhân vật chính trị có ảnh hưởng.
Nguyên nhân sự nhút nhát này của Châu Âu, theo Les Echos, là vì EU muốn bảo vệ quyền lợi của mình ở Nga, nhất là khi Châu Âu còn lệ thuộc vào khí đốt của Nga.
Nhưng bên cạnh vấn đề khí đốt này, tờ báo còn nhìn thấy quyền lợi riêng từng nước, dẫn đến bất đồng trong việc trừng phạt Matxcơva : nếu các nước Baltic, Ba Lan, Thụy Điển, vốn rất nghi kỵ Nga, hay Pháp và Anh, sẵn sàng trừng phạt đích đáng Nga, thì ngược lại nước Đức lại là một đầu tàu thì không mấy sốt sắng, vì Đức là nước đầu tư chính vào Nga.
Một dấu hiệu khác cho thấy Châu Âu rất dè dặt là thông báo về các biện pháp trừng phạt mới, chỉ được đưa ra sau cuộc họp cấp đại sứ chứ không phải là cấp bộ trưởng ngoại giao.
Và Matxcơva, theo Les Echos, đã thấy rõ vấn đề cho nên đã không đe dọa trả đũa Châu Âu, mà chỉ đánh giá là các quốc gia Châu Âu ‘theo lệnh’của Mỹ. Ngược lại Nga nêu bật ý chí trả đũa Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Merkel đi Mỹ trong bối cảnh hai bên có nhiều bất đồng
Cũng trên bình diện quan hệ, Les Echos chú ý đến chuyến đi Mỹ vào thứ Sáu tới đây của Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong bối cảnh quan hệ giũa hai đồng minh đã mất đi phần nào sự đằm thắm. Cho nên tờ báo đã chạy tựa ở trang quốc tế : "Merkel và Obama sẽ cố giải quyết các mối bất đồng".
Les Echos nhắc lại bối cảnh : Chuyến đi Washington của bà Merkel diễn ra sáu tháng sau khi bà phát hiện điện thoại di động của bà bị tình báo Mỹ nghe lén. Cho nên trong cuộc tiếp xúc với ông Onama, nếu Ukraina, và việc trừng phạt Nga là chủ đề trọng tâm, thì nổ lực chính của hai người là làm sao đưa quan hệ giữa hai nước đồng minh thân thiết này trở lại thắm thiết như xưa.
Tờ báo phân tích : Về phía Đức, vụ xì căn đan theo dõi, nghe lén của cơ quan tình báo Mỹ NSA đã để lại dấu vết nghiêm trọng, người Đức không đùa với việc bảo vệ dữ liệu, việc theo dõi nghe lén, gợi lại cho họ các chế độ trước, Quốc xã và Cộng sản.
Bà Merkel cũng biết là bà sẽ không đạt được thỏa thuận "không theo dõi lẫn nhau" – như Anh và Úc đã đạt - nhưng ít ra bà sẽ đòi phía Mỹ xóa đi ‘hồ sơ’ của bà trong phần dữ liệu liên quan đến các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ.
Les Echos cho là trong chờ đợi thì bà Merkel sẽ bộc lộ thái độ bất bình bằng cách đến phát biểu, vào thứ Sáu, ở Phòng Thuơng mại, nơi ông Obama bị chống đối trên nhiều hồ sơ, như hồ sơ cải cách y tế hay lương tối thiểu. Ngược lại bà Merkel đã từ chối lời mời của một trung tâm tham vấn thân cận với đảng Dân Chủ.
Đấy là về phía Đức. còn phía Mỹ, thì Washington không vui trước việc Berlin muốn đặt trọng tâm chuyến đi của Thủ tướng Đức trên các vấn đề kinh tế, nhất là trên thỏa thuận đối tác kinh tế Mỹ Châu Âu TTIP.
Ngược lại trong bối cảnh khủng hoảng tại Ukraina hiện nay, Washington muốn Đức gánh vác một vai trò ngoại giao quan trọng hơn, muốn Đức trùng phạt mạnh mẽ hơn Matxcơva, nếu Nga gia tăng sức ép hay không giảm sức ép đối với Ukraina.
Có điểu theo Les Echos, yêu cầu đó không dễ gì được bà Merkel chấp nhận, vì dư luận Đức không thấy cần thiết là phải trừng phạt Nga nặng nề hơn. Theo một cuộc thăm dò mới đây thì một nửa (hơn 49%) người Đức muốn Berlin đóng vai trò trung gian giữa NATO, Liên Hiệp Châu Âu và Nga.
Tuy nhiên, Les Echos nhận định là hai lãnh đạo Đức Mỹ không thể phơi bày bất đồng, cho nên Tổng thống Mỹ sẽ tiếp đón bà Markel một cách trịnh trọng, dành cho Thủ tướng Đức một cuộc gặp 4 tiếng đồng hồ, một cử chỉ thân thiện mà Berlin đánh giá cao.
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20140430-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep-toan-cau-dang-hut-hoi
Geen opmerkingen:
Een reactie posten