Ngoài những lý do xuất phát từ tình cảm và “duyên số”,
việc mưu cầu một môi trường sống tốt đẹp và một tương lai đảm bảo hơn là một
trong những lý do khiến phụ nữ Việt Nam càng có xu hướng tìm kiếm cho mình một
tấm chồng ngoại quốc.
Chuyện một bộ phận phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài là một đề tài
không hề mới mẻ gì. Ngay trong thời kỳ người Pháp cai trị Việt Nam cả trăm năm
trước, những “hạng phụ nữ đi lấy tây” (nguyên văn trích trong thiên phóng sự Kỹ
nghệ lấy tây viết năm 1934 của Vũ Trọng Phụng) đã bị cả xã hội miệt thị bằng tên
gọi “me tây”, và bị liệt vào những hạng phụ nữ mất phẩm giá.
Xã hội ngày nay không còn những thành kiến khắc nghiệt như những giai đoạn
quá khứ kể trên, nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ người Việt có cái nhìn chưa
hoàn toàn cởi mở với vấn đề phụ nữ lấy chồng ngoại.
Họ cho rằng chỉ những người thất bại trong việc tìm kiếm một tấm chồng đàng
hoàng người Việt, hoặc có vấn đề về nhân cách mới phải tìm kiếm một tấm chồng
ngoại quốc.
Dù muốn dù không, chúng ta vẫn phải thừa nhận một thực trạng hiển nhiên là
phụ nữ Việt ngày càng có xu hướng tìm kiếm bạn đời là người nước ngoài.
Tại những cơ quan hành chính chuyên về các thủ tục kết hôn ngoài nước như Sở
Tư Pháp, Sở Ngoại Vụ… bạn sẽ dễ dàng bắt gặp lúc nào cũng có hàng chục cặp đôi
vợ Việt chồng nước ngoài đang ngồi chờ làm các thủ tục.
Tại nhiều địa phương từ miền Bắc tới miền Tây, có khi chỉ trong một thôn nhỏ
đã có hàng trăm thôn nữ lấy chồng ngoại. Báo chí cũng nhắc nhiều tới sự hoạt
động rầm rộ của các tổ chức môi giới hôn nhân trong và ngoài nước. Bên cạnh đó,
mạng internet cũng là một kênh thông tin tiện dụng để các chị em người Việt tìm
kiếm người bạn đời nước ngoài của mình qua các trang web kết bạn.
Vì đâu?
Mặc dù truyền thông trong nước đã nói rất nhiều về những trường hợp một số
chị em phụ nữ Việt Nam bị chồng và gia đình chồng bạc đãi, có những người phải
tay trắng ôm con trốn về cố hương.
Tệ hơn, có những người vợ phải tự tìm đến cái chết để giải thoát… Nhưng không
vì thế mà số lượng chị em quyết tâm tìm kiếm một tấm chồng ngoại lại giảm đi.
Báo chí vẫn đăng tin đều đều về việc công an triệt phá, hoặc phát hiện những
đường dây “kén vợ” chui.
Nhiều thành phần lừa đảo vẫn giả danh người nước ngoài săn tìm chị em người
Việt có nhu cầu kiếm bạn trai nước ngoài trên các trang mạng để giăng bẫy.
Có rất nhiều phụ nữ Việt Nam kết hôn với người chồng nước ngoài sau khi có cả
quá trình yêu thương, tìm hiểu.
Nhưng không phải chị em nào cũng có điều kiện thuận lợi như vậy. Với những
chị em không có điều kiện tiếp xúc với người nước ngoài và khả năng ngoại ngữ
hạn chế, thì cách đơn giản nhất là nhờ mai mối.
"Tôi đã li dị chồng Việt và có con riêng, tôi
đồng ý tái hôn với chồng tây vì một gia đình người Việt sẽ rất khó chấp nhận
chuyện con mình phải cưu mang con riêng của người khác"
Một chị lấy chồng Đài Loan đã chia sẻ với tôi: “Lấy một người qua mai mối vẫn
biết là hên xui, nhưng cả trăm người hên thì cũng có vài ba người xui là cùng
chứ mấy."
"Lỡ mình có xui lấy phải người chồng không tốt thì cũng có chút đỉnh báo hiếu
cha mẹ khi lấy chồng, cũng có cơ hội được đi máy bay một lần trong đời... Lỡ
chồng có đánh thì mẹ cha ở xa cũng không phải đau lòng chứng kiến…”
Theo tôi, đó không phải là suy nghĩ cá biệt. Khi môi trường xung quanh các
chị ở đâu cũng bắt gặp cảnh người phụ nữ gồng vai gánh vác mọi gánh nặng gia
đình, nhưng vẫn phải oằn lưng gánh chịu những trận đòn của người chồng sáng say
chiều xỉn, hoặc khá hơn có nghề nghiệp thu nhập ổn định thì lại đam mê cờ bạc,
trai gái.
Bởi vậy các cô gái đã tìm tới việc kết hôn với người nước ngoài như tìm kiếm
một cơ may đổi đời.
Tôi đã gặp rất nhiều cô dâu người Việt đang sống tại các nước châu Âu Mỗi
người đều có những lý do riêng để giải thích về lựa chọn của họ khi kết hôn với
người nước ngoài. Đa số cho rằng họ chọn lấy chồng tây vì vị trí của người phụ
nữ trong quan niệm của người phương tây rất được coi trọng.
Đàn ông phương Tây thích chia sẻ công việc nội trợ với vợ ngay cả khi họ là
người kiếm tiền chính trong gia đình. Việc lấy chồng Tây để bản thân có được môi
trường sống tốt hơn, tương lai con cái đảm bảo hơn nhờ hệ thống an sinh xã hội
rất tốt cũng là một lý do thường được nhắc tới.
Một chị đang sống tại Thụy Sỹ chia sẻ: “Tôi đã li dị chồng Việt và có con
riêng, tôi đồng ý tái hôn với chồng Tây vì một gia đình người Việt sẽ rất khó
chấp nhận chuyện con mình phải cưu mang con riêng của người khác.
Hoa hậu Ngô Phương Lan, ca sĩ Thu Minh, Hồng Nhung kết hôn với
người nước ngoài
"Họ coi đó là việc đi đổ vỏ cho người ăn ốc. Đối với một gia đình người
phương Tây thì đây hoàn toàn không phải là chuyện đáng lưu tâm. Gia đình chồng
cũng không được phép tham gia vào việc riêng của vợ chồng tôi!”
Cần được nhìn nhận công bằng
"Phải chăng do môi trường sống tại Việt Nam
không đủ hấp dẫn để các cô dâu ngoại chọn làm bến đỗ? Hay do chính các ông chồng
Việt vốn mang tai tiếng vì thói gia trưởng không đủ sức hấp dẫn các cô gái ngoại
chọn làm “cây tùng, cây bách” cho cuộc đời mình?"
Không phải mọi cuộc hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam với chồng ngoại kiều đều
xây dựng trên nước mắt, càng không phải được trải thảm toàn hoa hồng.
Tôi đã nghe nhiều chia sẻ của chị em về những khó khăn gặp phải trong quá
trình hôn nhân xuất phát từ những khác biệt ngôn ngữ, thậm chí dẫn tới xung đột
văn hóa.
Đơn giản như chuyện nuôi dạy con cái. Ông bà nội phương Tây dù muốn mua một
món quà cho cháu cũng phải hỏi ý kiến các con trước, trong khi ông bà ngoại
người Việt lại luôn cho mình quyền tham gia vào mọi vấn đề được cho là riêng tư
cùa vợ chồng người con…
Nhưng rồi mọi sự sẽ được giải quyết ổn thỏa nếu cả hai vợ chồng đều ý thức
được chuyện kết hôn với một người nước ngoài đồng nghĩa với việc kết hôn với cả
một nền văn hóa ngoại.
Một ngịch lý cần ghi nhận, trong khi những người phụ nữ Việt được các đức ông
chồng ngoại đến từ khắp các nước giàu có hơn săn đón thì các quý ông người Việt
lại ở yếu thế hơn hẳn.
Rất hiếm nghe được những ví dụ thực tế về chuyện các cô dâu ngoại chấp nhận
lấy chồng Việt, và chọn cư trú tại Việt Nam.
Phải chăng do môi trường sống tại Việt Nam không đủ hấp dẫn để các cô dâu
ngoại chọn làm bến đỗ? Hay do chính các ông chồng Việt vốn mang tai tiếng vì
thói gia trưởng không đủ sức hấp dẫn các cô gái ngoại chọn làm “cây tùng, cây
bách” cho cuộc đời mình?
Dù xã hội vẫn còn tồn tại những cái nhìn không mấy thiện cảm về những người
phụ nữ lấy chồng ngoại, cũng không thể phủ nhận được vai trò của họ trong việc
truyền bá văn hóa Việt Nam ra cộng đồng quốc tế qua những câu chuyện trao đổi
với cư dân bản địa, qua những món ăn đậm chất Việt Nam.
Và họ cũng là một thành phần quan trọng trong việc đóng góp cho dòng kiều hối
gửi về quê nhà. Họ xứng đáng được xã hội nhìn nhận công bằng, và trọng thị
hơn.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, người đang
sống ở Thụy Sỹ.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten