zaterdag 20 oktober 2012

Giải Nobel Văn Chương cho Mạc Ngôn

October 13, 2012

Ngô Nhân Dụng



Tôi đọc bản tin nhà văn Mặc Ngôn được giả Nobel về văn chương tại một quán cà phê trước cửa giáo đường San Marco nổi tiếng. Tôi nhìn chung quanh để tìm một người chia sẻ tin vui này, thấy có hai người trẻ tuổi đi ngang qua, nói chuyện với nhau bằng tiếng Trung Hoa. Tôi chỉ lên bản tin tiếng Anh trước mặt, và nói: Nobel! Nobel! Họ nhìn các chữ viết, nhìn nhau, cùng lắc đầu. Tôi nhắc lại: Nobel! Họ hỏi: Nobel? Lại lắc đầu; rồi lễ phép chào. Thật đáng tiếc. Tôi nói: Xin lỗi, đừng để ý nữa! Ðáng lẽ tôi phải bảo họ: Thôi, không cần nói nữa.

Vì nhà văn Quản Mạc Nghiệp (Guan Moye), 57 tuổi, lấy bút hiệu Mạc Ngôn có nghĩa là “Không cần nói nữa!” Ông đã viết hàng trăm tác phẩm, xuất bản hơn mười cuốn truyện; trong số các sách đã được ngòi bút tài hoa của Trần Ðình Hiến dịch ra tiếng Việt có truyện Cao Lương Ðỏ, Báu Vật Của Ðời, Cây Tỏi Nổi Giận, Ðàn Hương Hình, và Ma Chiến Hữu. Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Sơn Ðông, Mạc Ngôn chuyên kể chuyện với những nhân vật miền quê hương ông quanh làng Bình An, huyện Cao Mật. Mạc Ngôn là tác giả thứ hai người Trung Hoa được giải Nobel Văn Chương, người thứ nhất vào năm 2000 là Cao Hành Kiện (Gao Xingjian) với tác phẩm “Linh Sơn,” gốc Trung Quốc nhưng mang quốc tịch Pháp, là một công dân Pháp. Ðọc “Linh Sơn” khó hơn Mạc Ngôn nhiều vì theo lối tiểu thuyết mới, không có cốt truyện. Chính quyền Bắc Kinh gần như bỏ qua Cao Hành Kiện, cũng như Lưu Hiểu Ba, năm ngoái được trao giải Nobel Hòa Bình; họ coi Mạc Ngôn là tác giả thứ nhất được giải Nobel về văn chương. Mạc Ngôn đã từng bị nhiều nhà văn Trung Hoa công kích vì không lên tiếng bảo vệ Lưu Hiểu Ba trong lúc Bắc Kinh đưa ông ra tòa và kết án. Chỉ sau khi được giải Nobel ông mới tự biện hộ, nói rằng ông vẫn mong Lưu Hiểu Ba được trả tự do, mà chính ông cũng có thể gặp nguy hiểm về chính trị khi viết về đời sống cực khổ của nông dân dưới các chế độ chính trị hà khắc, trong đó có chế độ cộng sản.

Nhưng việc trao giải Nobel Văn Chương cho Mạc Ngôn vẫn bị các nhà tranh đấu dân chủ tự do ở Trung Quốc phản bác. Họa sị Ai Vệ Vệ (Ai Weiwei) gọi Mạc Ngôn là một tay sai của chế độ và chế nhạo giới lãnh đạo Bắc Kinh đã hân hoan trước giải thưởng cho Mạc Ngôn mà trước đây thì chỉ trích việc trao giải Nobel Hòa Bình của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma và Lưu Hiểu Ba. Nhà tranh đấu dân chủ Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng) cũng chia sẻ cùng một ý kiến. Tuy ông Ngụy Kinh Sinh công nhận Mạc Ngôn là một nhà văn có biệt tài nhưng ông chê Mạc Ngôn đã đứng về phía chế độ độc tài, đã từng chép tay cả bài diễn văn của Mao Trạch Ðông trong một tuyển tập mới xuất bản gần đây; trong đó Mao yêu cầu văn nghệ phải phục vụ cho đảng Cộng Sản. Nhà văn Dư Kiệt (Yu Jie) cũng chỉ trích việc chép tay văn Mao Trạch Ðông của Mạc Ngôn; ông nói rằng việc trao giải văn chương cho một người ca ngợi Mao như vậy, là một xì căng đan văn nghệ; trong khi ai cũng biết Mao đã làm chết nhiều người Trung Hoa hơn cả số người bị Hitler và Stalin sát hại.

Tất nhiên chính quyền Bắc Kinh hoan nghênh Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển trong giải văn chương năm nay. Nhưng một dấu hiệu mà người Trung Hoa nào cũng có thể thấy là phần chính trong bản tin của chính quyền Trung Quốc không nói về Mạc Ngôn mà lại chú trọng đến ông Lý Trường Xuân (Li Changchun), ủy viên Bộ Chính Trị với danh hiệu đầy đủ nguyên văn “Trung Cộng Trung Ương Chính Trị Cục Thưởng Ủy” trước khi nhắc đến tên nhà văn Mặc Ngôn.

Nhà văn vốn có óc hài hước rất sâu, bén cũng có dịp nhìn thấy điểm tức cười trong bản tin của Tân Hoa Xã trong đó không giới thiệu một tác phẩm nào của Mạc Ngôn khiến ông được giải Nobel. Ngược lại, cả bản tin của nhà nước Trung Cộng chỉ nói tới nội dung lá thư đầy mầu sắc tuyên truyền chính trị! Họ Lý viết rằng giải thưởng trao cho Mạc Ngôn chứng tỏ Trung Quốc đã chứng tỏ sự thành công của cuộc đổi mới, hiện đại hóa, mở cửa, có sức mạnh gây ảnh hưởng, giúp cho văn chương sáng tạo bùng nổ. Họ Lý cũng ca ngợi các nhà văn nói chung đang hướng về đời sống của nhân dân và theo truyền thống dân tộc, vân vân.

Cuốn truyện của ông từng bị cấm không được lưu hành ở Trung Quốc là Cây Tỏi Nổi Giận (nguyên văn là Bài Ca Dao Tỏi, Ðại Toán đích ca dao), đã được dịch sang tiếng Anh thành The Garlic Ballads. Ðây là một tác phẩm được hoan nghênh nhất của ông, vì đoạn cuối mô tả một cuộc nổi dậy của nông dân chống các cán bộ tham nhũng, độc ác.

Truyện Cây Tỏi Nổi Giận mô tả một chuyện tình oan khuất, chàng trai họ Cao yêu cô gái họ Phương nhưng gia đình cô gái lại muốn gả cô cho người ông già, để đánh đổi cưới được cho đứa con trai tàn tật một cô dâu; và sau cùng đôi trai gái phải tự tử. Nhưng đằng sau câu chuyện tình, chuyện gia đình và tình bạn, là cả một xã hội làng quê với những cán bộ đầy uy quyền và những nông dân hoàn toàn bất lực trước cả thị trường, chỉ biết có tiền, lẫn guồng máy nhà nước, chỉ biết ra lệnh và hăm dọa. Dân một làng sống bằng nghề trồng tỏi bán đã thu hoạch được số tỏi quá nhiều, cao hơn hạn ngạch do nhà nước quy định là nạn nhân của các cán bộ dốt nát và không cần biết đến ý dân. Khi các cán bộ, vẫn quen thói nhất nhất vâng lệnh cấp trên, ra lệnh dân không được đem thêm tỏi ra bán, để mặc cho mùa màng bị bỏ hư thối; người dân phẫn uất đã nổi lên; hoặc đám công an đánh đập người dân oan như đánh súc vật. Những nhân vật của Mạc Ngôn là những người dân bình thường, có thiện và cũng có ác, không phải là những người mẫu phiến diện; ngòi bút Mạc Ngôn vẫn xuất sắc khi viết về nỗi thống khổ của người nông dân cùng khổ sống trên đe dưới búa; một xã hội Trung Quốc có người lái xe say rượu cán người rồi vin vào thế lực của chính quyền mà chạy tội, không khác gì những chuyện có thật đã được các báo đăng tải.

Văn của Mạc Ngôn luôn luôn kèm theo các điệu hát cổ làm nền cho các diễn biến (như trong Báu Vật Của Ðời), trong chuyện Tỏi này cũng có một nhân vật anh sẩm mù luôn luôn cất tiếng hát, làm biểu tượng cho các giá trị văn hóa cổ truyền, và làm màn đệm cho các tình tiết riêng và các biến động chung trong xã hội. Ba nhân vật chính trong chuyện đều bị tù, và đều liên can đến cảnh mùa màng ế ẩm và dân chúng bất mãn, phải nổi loạn. Chính quyền cũng can thiệp vào cuộc hôn nhân lỡ giở, đứng về phía gia đình cô gái, mặc dù việc ép hôn của họ trái ngược với cả luật pháp mà các nhân viên nhà nước đáng lẽ phải bảo vệ. Nói rằng Mạc Ngôn chỉ là một nhà văn công cụ của chế độ cộng sản thì thật là oan cho ông ta.

Chúng ta cũng không nên trách Mạc Ngôn như thể muốn rằng các nhà văn lúc nào cũng phải lên tiếng về các vấn đề chính trị; cho nên có thể thông cảm với nỗi khó khăn của Mạc Ngôn, một đảng viên cộng sản và một nhà văn trong quân đội. Với tư cách một nhà văn, ông đã chứng tỏ luôn luôn đứng về phía những người dân đau khổ. Ngay cả khi viết những chuyện đời xưa như Báu Vật Của Ðời (tên gốc là Vú To, Mông Nở) ông đã mỉa mai cả các nhân vật cán bộ cộng sản, một trong bảy người con rể của nhân vật chính, mà những người con rể khác lần lượt từng là sĩ quan Quốc Dân Ðảng, Nhật Bản, cả một người Mỹ.

Bản tin của nhật báo Ðài Bắc Thời Báo (Taipei Times) loan tin Mạc Ngôn được giải đã gọi ông với danh hiệu là “nhà văn chống đối”. Nói về mặt nội dung thì có lẽ Mạc Ngôn, cũng như của Trương Hiền Lượng (tiểu thuyết Một Nửa Ðàn Ông Là Ðàn Bà) phải được coi là một nhà văn phản kháng. Cũng giống Nguyễn Huy Thiệp, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Bình Phương ở nước ta; hay Dương Thu Hương ngay trước khi ra nước ngoài sống. Họ đã mô tả con người sống trong một xã hội mà họ bị chiếm đoạt hết các quyền làm người căn bản. Dù họ không hô lên một khẩu hiệu nào chống chế độ. Tuy nhiên, chỉ cần cho độc giả thấy những con người sống thật, đau khổ và sung sướng, hiền lương và độc ác, trong một xã hội không còn hồn tính người, các tác giả đã lên tiếng bênh vực cho quyền sống làm người của nhân dân chung quanh họ. Ngay một cuốn truyện lừng danh của Aleksandr Solzenicyn là “Một ngày trong đời của Ivan Denisovi” cũng không hề viết một lời nào công kích chế độ chính trị đã đem nhân vật chính này vào trại cải tạo ở Siberia. Bổn phận quan trọng nhất của một nhà văn là phải viết cho hay; giúp độc giả sống với những nhân vật sống thật. Mạc Ngôn được nhiều nhà phê bình Tây phương so sánh với William Faulkner và Gabriel Garcia Marquez; cho thấy ông quả thật xứng đáng lãnh giải Nobel. Giải thưởng văn chương này dành cho các cá nhân chứ không phải cho một giống dân. Chắc chắn không phải là quà tặng cho một chế độ độc tài tham nhũng mà chúng ta thấy trong văn chương Mạc Ngôn cũng thể hiện.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=156333&zoneid=7

Geen opmerkingen:

Een reactie posten