zondag 28 oktober 2012

Khủng hoảng Nhật-Trung về Senkaku và chiến lược của Mỹ tại CA-TBD

Chủ nhật 21 Tháng Mười 2012

Khủng hoảng Nhật-Trung về Senkaku và chiến lược của Mỹ tại CA-TBD

Tàu tuần duyên Nhật Bản (trên) chặn tàu hải giám Trung Quốc tiến vào vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, biển Hoa Đông, 24/09/2012
Tàu tuần duyên Nhật Bản (trên) chặn tàu hải giám Trung Quốc tiến vào vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, biển Hoa Đông, 24/09/2012
REUTERS

RFI
Cuộc khủng hoảng Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông tác động ra sao đến chiến lược tái cân bằng lực lượng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương ? Trên đây là nội dung chính bài viết của chuyên gia Carlyle A. Thayer, giáo sư danh dự đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, Canberra, đăng trên trang web của Học viện Hải quân Mỹ, (U.S. Naval Institute - http://www.usni.org) ngày 16/10/2012. Bài mang tựa: « Tranh chấp quần đảo Senkaku: Rủi ro đối với chính sách tái cân bằng lực lượng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương ? ».

Trong tháng Chín, một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đã xẩy ra trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến việc tranh chấp 5 hòn đảo không có người ở và 3 bãi đá hoang vắng, cách Đài Loan 120 hải lý về phía đông bắc, cách Okinawa 200 hải lý về phía nam và cách Trung Quốc 200 hải lý về phía đông. Thông thường, các hòn đảo và bãi đá này được biết đến với tên gọi quần đảo Senkaku theo tiếng Nhật và Điếu Ngư theo tiếng Hoa. Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan, mỗi bên đều tuyên bố có chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Bối cảnh lịch sử
Nhật Bản đã giành được quần đảo Senkaku năm 1895 sau khi đánh bại Trung Quốc trong cuộc Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất. Theo Hiệp ước Shimonoseki, Trung Quốc chuyển giao chủ quyền Đài Loan và quần đảo Senkaku cho Nhật Bản. Quần đảo Senkaku đặt dưới sự kiểm soát của Mỹ khi Hoa Kỳ chiếm đóng Nhật Bản và Okinawa năm 1945 vào lúc kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Năm 1972, Mỹ trao trả Okinawa và Senkaku cho Nhật Bản. Quần đảo Senkaku hiện nay nằm trong sự quản lý của thành phố Okinawa.
Năm 1969, một cuộc điều tra được tiến hành dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc đã xác định rằng có tiềm năng lớn về dầu và khí ở đáy biển xung quanh quần đảo Senkaku. Theo các nguồn tin Nhật Bản, việc phát hiện nguồn nhiên liệu là chất xúc tác thúc đẩy Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư. Đòi hỏi chủ quyền của cả Đài Loan và Trung Quốc đều dựa trên những tài liệu của triều đại nhà Minh liệt kê quần đảo Điếu Ngư như là tài sản quý báu của hoàng đế Trung Hoa.
Vào tháng Chín 1972, Trung Quốc và Nhật Bản bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Sáu năm sau, hai bên ký hiệp ước song phương về đánh cá và đạt được thỏa thuận gác sang một bên tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, như là một hồ sơ để cho các thế hệ mai sau quyết định. Năm 2008, Trung Quốc và Nhật Bản thỏa thuận cùng nhau thăm dò dầu ở ngoài khơi quần đảo Senkaku, nhưng văn bản này chưa bao giờ được thực hiện.
Quần đảo Senkaku trở thành nơi va chạm giữa Trung Quốc và Nhật Bản vào tháng Chín 2010 khi thuyền trưởng một tàu cá Trung Quốc cố ý đâm vào tàu tuần duyên Nhật Bản ở vùng biển ngoài khơi Senkaku. Trước đó, mỗi khi các sự cố tàu cá xẩy ra, Nhật Bản trục xuất những ngư dân vi phạm về Trung Quốc. Trong trường hợp này, Nhật Bản bắt giữ viên thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc. Trung Quốc coi vụ bắt giữ này là một sự vi phạm thỏa thuận song phương năm 1978 ; việc bắt giữ viên thuyền trưởng trở thành một sự cố ngoại giao nghiêm trọng. Khi Trung Quốc đình chỉ xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản đã lùi bước và thả viên thủy thủ Trung Quốc.
Các diễn biến chính của cuộc khủng hoảng
Trong số năm hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku, thì bốn hòn đảo thuộc sở hữu tư nhân, còn hòn đảo thứ năm thuộc sở hữu của chính phủ Nhật Bản. Vào tháng Tư 2012, Shintaro Ishihara, thống đốc Tokyo, người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, thông báo là ông ta muốn mua và phát triển quần đảo Senkaku nhằm bảo vệ chủ quyền của Nhật Bản ở đây. Thống đốc Tokyo đã lập một quỹ nhằm huy động các khoản ủng hộ tài chính tư nhân từ phía công chúng Nhật Bản.
Từ giữa tháng Tám cho đến giữa tháng Chín, tranh chấp về quần đảo Senkaku đã trở thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao thực sự với bẩy diễn biến đan xen, chồng chéo lên nhau.
Trước hết là thông báo của thủ tướng Yoshihiko Noda hồi tháng Bẩy rằng chính phủ Nhật Bản sẽ mua các hòn đảo của tư nhân nhằm bảo đảm là chính phủ trung ương, chứ không phải thống đốc Tokyo, thực hiện quyền kiểm soát về quan hệ với Trung Quốc.
Vào ngày 6 tháng Chín, có thông báo là chính phủ Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận sơ bộ mua lại ba hòn đảo của sở hữu tư nhân với số tiền 30 triệu đô la. Để xoa dịu phản ứng của Trung Quốc, chính phủ Nhật Bản thông báo là họ sẽ tăng cường sự hiện diện của các tàu tuần duyên trong vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku nhằm ngăn ngừa các công dân từ Nhật Bản, Trung Quốc hoặc Đài Loan đến biểu tình trên quần đảo này. Ngoài ra, thủ tướng Nhật Bản còn đồng ý với đề xuất của Ngoại trưởng Koishiro Gemba, rằng sẽ không có bất kỳ một hoạt động xây dựng mới nào trên quần đảo Senkaku và chỉ có những sửa chữa tối thiểu đối với các cơ sở hiện có ở đó.
Diễn biến thứ hai liên quan đến việc căng thẳng chính trị giữa Hàn Quốc và Nhật Bản tái bùng phát trùng hợp với thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Ngày 10 tháng Tám, tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đi thăm đảo Dokdo ở biển Nhật Bản. Nhật Bản tuyên bố có chủ quyền đối với hòn đảo này mà họ gọi là Takeshima và triệu hồi đại sứ của mình ở Souel về nước để phản đối. Căng thẳng bùng lên ngày 19 tháng Tám khi 30 người Hàn Quốc lập một tượng đài cao 1,2 mét trên hòn đảo này, có ghi hàng chữ : « Đảo Dokdo, Cộng hòa Hàn Quốc ».
Diễn biến thứ ba bao gồm hoạt động của các công dân thuộc những nước đang đòi hỏi chủ quyền. Ngày 15 tháng Tám, 14 nhà hoạt động Trung Quốc từ Hồng Kông đã đi thuyền ra Senkaku, đổ bộ lên một hòn đảo ở quần đảo này và cắm cờ Trung Quốc. Họ đã bị chính quyền Nhật Bản bắt giữ và trục xuất ngay lập tức. Bốn ngày sau, khoảng 150 người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa Nhật Bản từ Okinawa ra Senkaku. Nhiều người trong số này đã nhẩy ra khỏi thuyền, bơi vào đảo và cắm cờ Nhật Bản.
Diễn biến thứ tư là sự bùng nổ các cuộc biểu tình bài Nhật tại Trung Quốc nhằm phản đối việc mua ba hòn đảo. Cuộc biểu tình bài Nhật đầu tiên xẩy ra sau khi có thông báo của thủ tướng Noda (về việc mua các hòn đảo). Các cuộc biểu tình bạo động bài Nhật xẩy ra sau khi các phần tử dân tộc chủ nghĩa Nhật Bản lên cắm cờ (ở Senkaku) ngày 19 tháng Tám. Xe hơi và cửa hàng của Nhật Bản tại Trung Quốc bị tấn công.
Tình cảm dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc lại càng bùng lên mạnh khi truyền thông Nhật Bản tường trình chi tiết vụ chính phủ trung ương mua ba hòn đảo ở Senkaku, một tuần trước ngày kỷ niệm lần thứ 81 Sự cố Mãn Châu Lý (còn gọi là Sự cố Mukden), đánh dấu sự khởi đầu cuộc xâm lăng của quân đội Nhật Hoàng vào phía bắc Trung Quốc. Trong kỳ cuối tuần ngày 15 tháng Chín, nhiều cuộc biểu tình bài Nhật đã diễn ra ở 85 thành phố, bao gồm cả Bắc Kinh, nơi mà đám đông biểu tình trước sứ quán Nhật Bản.
Những phần tử dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc đã đốt các công ty của Nhật Bản buộc các chủ người Nhật phải đóng cửa cơ sở. Trong suốt giai đoạn này, truyền thông Trung Quốc miêu tả hành động của Nhật Bản như là một sự quốc hữu hóa bất hợp pháp lãnh thổ Trung Quốc. Ngày 19 tháng Chín, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản cho biết là những người sử dụng internet Trung Quốc đã tấn công vào 19 website của Nhật Bản.
Diễn biến thứ năm của cuộc khủng hoảng Senkaku liên quan đến các phản ứng đa dạng của chính phủ Trung Quốc chống lại Nhật Bản. Ví dụ, ngày 5 tháng Chín, bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng việc Nhật Bản mua các hòn đảo là « bất hợp pháp và không có giá trị ». Ngày 11 tháng Chín, bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng các hành động của Nhật Bản « không thể làm thay đổi một thực tế là phía Nhật Bản đã đánh cắp các hòn đảo của Trung Quốc ». Trung Quốc đã chính thức công bố các điểm cơ sở và các đường cơ bản phần đòi hỏi lãnh thổ biển của mình xung quanh quần đảo Điếu Ngư và chính thức đệ trình lên Ban tổng thư ký Liên Hiệp Quốc bộ hồ sơ này.
Các lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc cũng can dự để tạo sức ép chính trị đối với Nhật Bản. Tại Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, ở Vladivostok (Ngày 8 và 9 tháng Chín), đích thân chủ tịch Hồ Cẩm Đào cảnh báo thủ tướng Noda rằng việc quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư là bất hợp pháp. Ngoài ra, thủ tướng Ôn Gia Bảo và ông Ngô Bang Quốc, chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cả hai cũng đưa ra những cảnh báo đối với Nhật Bản.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, tướng Lương Quang Liệt, nói công khai rằng Trung Quốc giành quyền có « các hành động bổ sung ». Vào kỳ cuối tuần ngày 15 tháng Chín, Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân lớn và bắn 40 tên lửa.
Hành động đáp trả nghiêm trọng nhất của Trung Quốc là điều các tàu Hải Giám Trung Quốc (CMS) đến Senkaku nơi mà họ nhận được lệnh đi « giám sát như thông lệ ». Ngày 14 tháng Chín, sáu tàu hải giám được ghi nhận là có mặt tại hiện trường ; hai chiếc xâm nhập vào vùng biển của Nhật Bản và bị các tàu tuần duyên Nhật Bản cảnh báo. Các tàu hải giám Trung Quốc đáp trả là họ đang ở vùng lãnh thổ biển của Trung Quốc và yêu cầu các tầu của Nhật Bản rút ra khỏi nơi đó. Nhật Bản đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Tokyo lên để phản đối.
Ngày 24 tháng Chín, lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết là từ ngày 18 đến 24, tổng cộng có 20 tàu tuần tra Trung Quốc đã vào vùng giáp ranh và/hoặc vùng lãnh thổ biển của Nhật Bản. Các vụ xâm nhập khác được thông báo là vào ngày 25 tháng Chín (sáu tàu hải giám Trung Quốc) và ngày 3 tháng Mười (bốn tàu hải giám và hai tàu thuộc Trung Quốc Ngư Chính)
Ngoài những hành động kể trên, dường như chính quyền Trung Quốc đã tạo thuận lợi cho các nhà hoạt động Hồng Kông đổ bộ lên quần đảo Senkaku ngày 15 tháng Tám. Trước đó, chính quyền Trung Quốc đã ngăn ngừa những người này xuất phát từ Hồng Kông. Các quan chức địa phương Trung Quốc cũng dính líu vào việc tổ chức các cuộc biểu tình bài Nhật, cung cấp phương tiện giao thông và phân phát các tài liệu in những khẩu hiệu bài Nhật. Nhiều kế hoạch tổ chức kỷ niệm 40 năm bình thường quan hệ Trung-Nhật (29 tháng Chín 1972 – 2012) đã bị hủy bỏ và bị đình hoãn ở các cấp thấp nhất.
Bên cạnh đó, chính quyền Trung Quốc dường như kéo dài thời gian chấp thuận các nhập khẩu của Nhật Bản cũng như cấp visa. Du lịch Trung Quốc sang Nhật Bản sụt giảm. Trung Quốc cũng giảm cấp giấy phép xuất khẩu đất hiếm, chiến thuật này đã được áp dụng lần đầu năm 2010.
Diễn biến thứ sáu liên quan đến sự can thiệp của Đài Loan để công khai hóa đòi hỏi chủ quyền của mình đối với quần đảo Điếu Ngư. Ngày 13 tháng Chín, hai tàu tuần duyên được điều đến theo dõi các động thái xung quanh quần đảo Senkaku và bảo vệ các ngư dân Đài Loan. Ngày 25 tháng Chín, khoảng 40 cho đến 50 tàu cá Đài Loan, được hộ tống bởi 10 tàu tuần duyên, đã vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku để khẳng định chủ quyền của Đài Loan. Sự cố này được đánh dấu bằng cuộc đọ sức tay đôi giữa tàu tuần duyên Nhật Bản và Đài Loan sử dụng vòi rồng phun nước vào nhau. Thời tiết xấu đã buộc phía Đài Loan phải rút khỏi nơi này.
Diễn biến thứ bẩy là sự can dự của Hoa Kỳ. Chính quyền Mỹ đã tuyên bố không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng Hoa Kỳ cũng tái khẳng định là các cam kết trong hiệp ước đã ký với Nhật Bản có liên quan đến quần đảo Senkaku.
Tranh chấp Senkaku bùng phát vào cùng thời điểm có chuyến công du đã được trù tính từ lâu của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, tới Nhật Bản, Trung Quốc và New Zealand. Ông Panetta có nhiệm vụ khó khăn là vừa phải thúc đẩy cam kết hợp tác với Trung Quốc, vừa phải tái khẳng định liên minh Mỹ-Nhật. Lúc dừng chân ở Tokyo, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, khi nhắc đến tranh chấp Senkaku, đã nói đến « khả năng đánh giá sai lầm của bên này hoặc bên kia sẽ dẫn đến bạo lực ». Nhật Bản và Mỹ cũng thông báo việc triển khai trạm radar thứ hai trong hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại Nhật Bản.
Giữa tháng Chín, chính phủ Trung Quốc bắt đầu có những biện pháp để kiểm soát các cuộc biểu tình bài Nhật. Cho dù các cuộc biểu tình của người dân giảm đi, các quan chức Trung Quốc vẫn tiếp tục gây trở ngại cho các tiếp cận ngoại giao của Nhật Bản nhằm làm giảm căng thẳng.
Nhận định
Có thể rút ra một số kết luận chính từ vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong năm 2012
Trước tiên, chủ nghĩa dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc đã đi vào giai đoạn sô- vanh nưóc lớn hiếu chiến và trở thành một lực lượng độc lập mạnh mẽ dẫn dắt chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc.
Thứ hai, việc thay đổi ban lãnh đạo hiện nay tại Trung Quốc đã tạo ra một môi trường chính trị, trong đó, các phe phái tranh giành quyền lực tìm cách thao túng các tranh chấp lãnh thổ với những nước láng giềng Trung Quốc để phục vụ cho các mục đích của họ. Ví dụ, một số chuyên gia về Trung Quốc cho rằng tranh chấp về quần đảo Senkaku đã bùng lên nhằm tác động đến việc lựa chọn các ủy viên của Thường vụ Bộ Chính trị.
Bẩy trong số chín ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sẽ nghỉ hưu nhân Đại hội Đảng lần thứ 18 nhóm họp trong tháng Mười Một.
Các nhà phân tích khác thì nhận định rằng cuộc khủng hoảng Senkaku tạo cơ hội cho những đối thủ của ông Tập Cận Bình, người được cho là sẽ trở thành chủ tịch nước và tổng bí thư Đảng trong tương lai, ngăn cản ông nắm giữ chức chủ tịch Quân Ủy Trung Ương. Theo quan điểm này, ông Hồ Cẩm Đào, hiện là chủ tịch Quân Ủy Trung Ương có thể ở lại vị trí này thêm một hoặc hai năm nữa.
Thứ ba, tranh chấp Senkaku cho thấy các vụ tranh chấp lãnh thổ ở Đông Á là một rủi ro đối với Mỹ trong việc duy trì, phát triển liên minh và đối với chiến lược tái cân bằng lực lượng của Hoa Kỳ ở châu Á-Thái Bình Dương. Như đã nêu ở trên, tranh chấp Senkaku gây khó khăn cho các ý định của Mỹ vừa muốn thúc đẩy cam kết hợp tác với Trung Quốc vừa tái khẳng định các cam kết được ghi trong hiệp ước đã ký với Nhật Bản. Các động thái của Đài Loan về quần đảo Điếu Ngư làm tăng thêm sự phức tạp. Các ý định của Mỹ muốn củng cố tốt hơn mối quan hệ tam giác với Nhật Bản và Hàn Quốc đã bị phá hỏng do tranh chấp đảo Dokdo/Takeshima. Trung Quốc có thể nhận thấy điều này và khai thác những căng thẳng trong hệ thống liên minh của Mỹ.
Thứ tư, tranh chấp quần đảo Senkaku cho thấy Trung Quốc đang khai thác ý tưởng sử dụng sức mạnh kinh tế như là phương tiện bổ sung để gây sức ép đối với các đồng minh của Mỹ. Trong vụ tranh chấp Bãi đá Scarborough đầu năm nay, Trung Quốc cắt giảm du lịch và ngừng nhập khẩu chuối và các hoa quả nhiệt đới khác của Philippines. Theo báo cáo do Ngân hàng JPMorgan Chase công bố, do tranh chấp Senkaku, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản có thể bị giảm 0,8% trong quý bốn năm nay vì xuất khẩu sang Trung Quốc suy giảm và du lịch Trung Quốc sang Nhật Bản cũng giảm.
Thứ năm, tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với Nhật Bản không thể dẫn đến xung đột quân sự. Trung Quốc đã chủ ý sử dụng các cơ quan dân sự, như lực lượng Hải Giám Trung Quốc và các ngư dân Trung Quốc, để khẳng định các tuyên bố về chủ quyền. Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc lùi lại phía sau, không can dự. Gây ra một cuộc đối đầu quân sự có thể phản tác dụng và làm rối loạn thương mại, đe dọa an ninh các tuyến hàng hải, làm tăng mức đóng bảo hiểm và lôi kéo Mỹ can dự.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121021-khung-hoang-nhat-trung-ve-senkaku-va-chien-luoc-cua-my-tai-ca-tbd

Geen opmerkingen:

Een reactie posten