dinsdag 2 oktober 2012

Gặp những người Hoa ở Sài Gòn

October 01, 2012


Văn Lang/Người Việt

Người Hoa ở Sài Gòn có khoảng nửa triệu, trong đó người Quảng Ðông chiếm một nửa, kế tiếp là người Triều Châu (người Tiều), rồi tới người Phước Kiến, người Hẹ và người Hải Nam...


Chợ Bình Tây, ngôi chợ lớn nhất vùng Chợ Lớn, nơi buôn bán tấp nập của nhiều người Hoa. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Ngoài phần đóng góp về kinh tế - thương mại thì lối sống của người Hoa cũng góp một phần trong đời sống “muôn mặt” của Sài Gòn.
Chẳng hạn như truyền thống “rèn” con của những cự phú người Hoa, đưa con đi làm công cho những cơ sở khác để học tập, sau này nối nghiệp nhà mà ra đời thành ngữ “công tử cọ thùng”.
Tỉ phú Trần Thành là người Hoa - Chợ Lớn, vốn xuất thân là một lao công “cọ thùng” của một hãng dầu (thực vật), sau này nhờ siêng năng và có đầu óc mà trở thành ông chủ của hãng bột ngọt Vị Hương Tố, đồng thời cũng là nhãn hàng của các mặt hàng mì gói, nước tương... nổi tiếng trước 1975.
Chưa kể ông còn là chủ của nhiều nhà hàng, khách sạn, bất động sản, đầu tư qua cả Mã-Lai, Singapore, Hong Kong... mà phần tài sản ở bên ngoài của ông còn lớn hơn phần tài sản ở miền Nam, Việt Nam.
Ngày nay, tại Sài Gòn người Hoa có vẻ “trầm lắng” hơn, nhưng cũng không thiếu những thương hiệu nổi tiếng khắp thị trường Việt Nam. Như thương hiệu Kinh Ðô mà mùa Trung Thu năm nay, từ Nam ra Bắc, từ Sài Gòn tới Hà Nội cứ chỗ nào có “mặt tiền” ngon là thương hiệu bánh Trung Thu Kinh Ðô “trấn giữ”.

Ðình Minh Hương Gia Thạnh của người Hoa nằm trên đường Trần Hưng Ðạo, quận 5. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Trong bài viết này chúng tôi không có tham vọng “khảo sát” tỉ mỉ về người Hoa nhằm đưa ra một kết luận “khái quát” nào đó, mà chúng tôi chỉ kể hầu quý vị độc giả một vài cuộc tiếp xúc khá tình cờ với người Hoa, qua đó cung cấp một “thoáng nhìn” về người Hoa trong bối cảnh đang có những vấn đề phức tạp, căng thẳng và “tế nhị” ở biển Ðông.
Những năm trước, trong một xóm lao động nghèo ở Sài Gòn, chúng tôi còn nhớ như in cái ngày mà TV Việt Nam đưa tin Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ, thím H.T. (gốc Hoa, vùng chợ Thiếc) đã ôm chấn song cửa nhà hàng xóm reo lên vui mừng: “Người Hoa đâu có thua gì người Mỹ.”
Riêng chú H.T. thì vẫn trầm lặng không nói gì, vì chú vốn không ưa cộng sản, hơn nữa vì cộng sản mà bây giờ chú phải về “lưu trú” cùng với giai cấp vô sản trong một xóm nghèo của người Việt, sau khi đã mấy lần liều mình dẫn gia đình đi vượt biên bất thành đến nỗi phải “tán gia bại sản”, mất luôn hộ khẩu gốc, đến khi có chương trình ra đi chính thức thì chú cũng chỉ biết ngậm ngùi nhìn người ta đi.
Mới đây, tình cờ trong một quán bia hơi bình dân đông khách, chúng tôi ngồi chung bàn với mấy anh bạn trẻ người Hoa. Người lớn tuổi nhất trong số người Hoa trạc ngoài ba mươi, tự giới thiệu là chủ một cơ sở làm bánh nhỏ ở Chợ Lớn, hai người trẻ đi theo là thợ làm công.
Trong câu chuyện chúng tôi chỉ nói về thời buổi kinh tế khó làm ăn, chứ không đả động gì tới chính trị hay tình hình ở biển Ðông. Nhưng cuối câu chuyện, anh chủ trẻ người Hoa có nói với chúng tôi: “Chính trị là chuyện của mấy ông lớn, người Hoa tụi tôi chỉ thích làm ăn thôi chứ không thích đánh nhau”.
Mấy người bạn kể lại, trong một lần đi ăn ở nhà hàng Tàu, trong lúc nói chuyện về tình hình ở biển Ðông đã khá lớn tiếng, ồn ào và có phần hơi “quá khích”. Thấy vậy, người quản lý nhà hàng là một người đàn ông người Hoa tới gần và chú ý lắng nghe.

Một khu phố nhỏ của người Hoa ở vùng Chợ Lớn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Một người trong bàn đã quá khích hỏi người quản lý nhà hàng: “Anh là người Hoa, nếu quân Trung Quốc tiến qua đây thì anh đứng về phe nào?” Không ngờ, người quản lý nhà hàng thẳng thắn trả lời: “Tôi là người Việt gốc Hoa, tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, gia đình, tài sản tất cả mọi thứ của tôi đều ở đây, nếu có ai tới để xâm phạm vào tất cả những thứ đó thì tôi sẽ chung sức cùng với người Việt Nam để đánh đuổi họ”.
Chị T.K. một Hoa kiều tại Pháp, trong một lần gặp gỡ tại Sài Gòn đã cho chúng tôi biết, người Hoa ở bên đó cũng “phân biệt” theo nguồn gốc lúc ra đi, bên “đại lục” và bên “quốc dân đảng” hay Trung Hoa tự do thì không giao hảo với nhau. Nhưng cũng không kình chống nhau quyết liệt, như nếu có hai đoàn “kinh kịch” từ Ðài Loan và Trung Quốc cùng tới biểu diễn ở Paris, những quảng cáo của hai đoàn nếu dựng gần nhau thì cũng không bị ai xóa. Họ đi coi theo sở thích của họ và cái nào thấy hay thì họ vỗ tay.
Trong một lần đi ăn trong Chợ Lớn cùng với ông D.B. là một Hoa kiều tại Mỹ, chúng tôi tranh thủ hỏi ông về “tâm tư” của người Hoa trước việc phát triển cực kỳ nhanh của nước Trung Hoa Cộng Sản, mà với một số người Hoa nó còn có tên gọi là “Trung Hoa đại lục” hay “đất mẹ”.
Ông D.B. cho biết, trước 1975 ông sống ở Sài Gòn (Chợ Lớn) và là sĩ quan công binh của VNCH. Sau này qua Mỹ, ông tiếp tục làm kỹ thuật cho hãng Mỹ, và đã nhiều lần được hãng cử đi “công tác” tại Ðài Loan, Trung Quốc, Mã-lai... do vậy ông có nhiều cơ hội tiếp xúc với người Hoa ở khắp nơi.
Theo ông D.B. cho biết, người Hoa tại đại lục trước kia họ nghèo lắm, còn nghèo hơn cả Việt Nam, nhưng sau này mở cửa làm ăn họ khá lên, chính phủ của họ lại phát triển được kỹ thuật, phóng được phi thuyền do vậy dân chúng bên đó họ tự hào dân tộc lắm, cái này cũng khó tránh (ông D.B. cười). Nhưng với dân Ðài Loan, thì cái gì thuộc về cộng sản họ đều ghét, thậm chí bây giờ họ còn xác nhận rõ ràng họ là người Ðài Loan chứ không phải là người Hoa, do vậy họ không có lý do gì để trở về với “đất mẹ”.
Câu chuyện về người Hoa có lẽ còn dài, nhưng chúng tôi xin tạm kết thúc tại đây bằng ý của một nhà thơ Việt đã được đăng trên website văn chương 'Tienve.org': “Mao Trạch Ðông, gã nông dân học đòi làm cách mạng/Ðã làm cho hơn một tỉ người Trung Quốc phải lưu vong”.
Ðất mẹ, đó là nơi bạn có một mái nhà yên, được hưởng những quyền căn bản của con người và được đối xử công bằng như những công dân khác, không phân biệt sắc tộc và màu da.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=155780&zoneid=310


Geen opmerkingen:

Een reactie posten