12-5-2012
Cam Bốt cảnh báo nạn thuốc giả
Trong bài báo tựa đề « thuốc giả tràn lan », nhà báo Arnaud Dubus của tờ Libération, cảnh báo về tệ nạn thuốc giả gia tăng với tốc độ chóng mặt trong 15 năm qua ở Cam Bốt, trong bối cảnh chính quyền Phnom Penh cố gắng ngăn chặn nhưng một cách trầy trật do việc thuốc giả mang lại lợi nhuận quá cao, vào lúc mà không thể kiểm soát hàng buôn bán trên mạng Internet.
Bài phóng sự mở đầu với cảnh tướng Sau Pan, đặc trách chiến dịch chống thuốc giả, đang ung dung chờ "phán xét" của chiếc máy tối tân Truscan, hoạt động bằng quang phổ, có thể phát hiện ra thuốc giả, thuốc thật trong không đầy một phút.
Ông đã đưa vào chiếc máy một viên Lipitor, giúp giảm mỡ trong máu, kết quả in trên màn ảnh của máy làm viên tướng sửng sốt : giả. Ông không thể ngờ những người làm thuốc giả tinh vi như vậy, và đến ông còn bị lừa.
Câu chuyện trên theo tác giả bài báo cho thấy tầm mức tệ nạn này ở Cam Bốt nói riêng và ở Đông Nam Á nói chung. Bài báo trích số liệu của viện Iracm, ở Paris, nghiên cứu về thuốc giả, theo đó 30% thuốc bán ra trong khu vực là thuốc giả hiệu.
Nhưng theo một số chuyên gia, tỉ lệ này trên thực tế cao hơn nhiều, vì khi một nhà thuốc bị kiểm tra để tịch thu thuốc lậu, thì những nhà thuốc khác rút giấu ngay những mặt hàng này.
Trên thị trường buôn lậu, thuốc giả được xem là mặt hàng mang lại lợi nhuận kếch xù nhất, cao gấp 10 lần so với bạc giả hay ma túy. Sản xuất thuốc giả không cần thiết bị gì tốn kém : chỉ cần vỏ bọc, bên trong thì nào là cát, hạt bụi…, về màu các viên thuốc thì họ sử dụng những loại màu nước.
Cho nên việc chống tệ nạn này không đơn giản chút nào vì nhiều lý do, trước tiên là đứng sau các đường dây là những nhân vật quyền thế.
Theo bài báo thì từ năm 2010, Pháp trợ giúp Cam Bốt trong vấn đề chống thuốc giả, và đã có 1.000 tiệm thuốc bị đóng cửa tại Phnom Penh. Nhưng tại các vùng sát biên giới phía Tây, như Paillin, hay Anlong Veng, vùng Tây Bắc, nơi được chính quyền Phnom Penh kiểm soát một cách lỏng lẻo, nạn này lan tràn. Dù có biết nhưng không ai dám nêu tên các thủ lãnh đường dây, nhưng mọi người đều biết đứng phía sau là chính trị gia hoặc quân nhân cao cấp.
Tướng Sau Pan cho biết là mỗi khi thực hiện một chiến dịch thì họ chỉ báo trước cho các bộ, ngành 2 tiếng đồng hồ mà thôi. Cho dù thế, trong số lượng hàng mà cơ quan ông khám phá, thì một nửa đã biến mất khi họ đến tịch thu.
Công việc của ông rất nguy hiểm đối gia đình ông. Con trai của tướng Sau Pan từng bị bắt cóc, được thả sau 20 ngày với tiền chuộc. Một số kẻ bắt cóc đã chạy sang Pháp, Thụy Điển, Thái Lan.
Theo bài báo những nơi sản xuất thuốc giả phần lớn ở Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng có khi chính những xưởng chế tạo thuốc nhãn hiệu đàng hoàng lại làm thuốc giả vào ban đêm.
Bài báo nhắc lại : Trong một vụ gần đây, thuốc giả mua tại Cam Bốt được gởi qua bưu điện đến Nhật Bản, và Tokyo đã báo động về những kiện hàng họ thấy không bình thường.
Theo bài báo, việc kiểm tra hàng ở hải quan, hay tại các hiệu thuốc hầu như không thể phát hiện thuốc giả, ngoại trừ gởi mẫu đến phòng thử nghiệm hay sử dụng chiếc Truscan, một chiếc máy trị giá 30.000 euro, mà cảnh sát Cam Bốt chỉ có một chiếc duy nhất và lại do viện bào chế Thụy Sĩ Pfitzer cho mượn.
Mối đau đầu lớn khác nữa cho giới chống nạn thuốc giả là mạng internet. Giới trẻ quen mua sắm trên internet, mua thuốc trên mạng với giá rẻ hơn nhiều so với giá ở nhà thuốc tây. Ngã béo bở này đã khiến ít nhất 50% thuốc bán trên mạng là giả. Việc kiểm tra các kiện hàng mua trên mạng hầu như là không thể thực hiện được.
Bài báo lấy ví dụ trong nhà kho bưu điện tại sân bay Roissy, những kiện hàng thuốc giả đến từ Lào, Cam Bốt, Việt Nam hay Ấn Độ hiện đang chất cao đến tận trần nhà.
Bài còn nhắc lại đối với Việt Nam, vào cuối năm 2011, sau những thương lượng gay go, Pháp đã có một thỏa thuận hợp tác với Việt Nam chống nạn thuốc giả, tương tự như với Cam Bốt năm 2010.
http://www.viet.rfi.fr/diem-bao/20120511-bien-dong-dau-truong-cua-mot-cuoc-chien-moi-ve-khi-dot
Geen opmerkingen:
Een reactie posten