maandag 20 februari 2012

Việt Võ Đạo: Để được phong võ sư, phải bảo vệ luận án

19 Tháng Hai 2012   
Lễ tấn phong võ sư cho các môn sinh quốc tế do Tổng liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới tổ chức lần đầu tại Quốc Tử Giám Hà Nội 10/8/2009. Hàng trước là các võ sư được phong, hàng sau là các thành viên Hội đồng võ sư giám khảo.
Lễ tấn phong võ sư cho các môn sinh quốc tế do Tổng liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới tổ chức lần đầu tại Quốc Tử Giám Hà Nội 10/8/2009. Hàng trước là các võ sư được phong, hàng sau là các thành viên Hội đồng võ sư giám khảo.
Ảnh do Võ sư Trân Nguyên Đạo cung cấp
Anh Vũ
Để được lên đai và tấn phong là võ sư của Vovinam-Việt Võ Đạo, các môn sinh phải trình luận án nghiên cứu của mình. Đây là một trong những quy định ghi trong điều lệ của môn phái. Việc làm này lại mang ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì và phát triển truyền thống võ đạo song song với việc phát triển võ thuật, góp phần nâng cao giá trị đẳng cấp Vovinam –Việt Võ Đạo.
Trong thời gian khoảng hơn một thập kỷ qua, môn võ truyền thống của người Việt NamVovinam-Việt Võ Đạo đã có bước phát triển mạnh mẽ, được quảng bá rộng rãi. Không chỉ thu hút được các môn sinh theo học ở hơn 40 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, Vovinam-Việt Võ Đạo đã bắt đầu xuất hiện trong nhiều cuộc thi đấu quốc tế. Tại Việt Nam, các nhà quản lý thể thao còn quyết định phổ cập môn võ trong trường học với hy vọng đưa Vovinam-Việt Võ Đạo trở thành môn Quốc võ. Đó là điều đáng mừng đối với những người yêu thích môn võ thuật truyền thống của Việt Nam.
Tuy nhiên, giới chuyên môn của môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo, đặc biệt ở hải ngoại, vẫn có một băn khoăn trăn trở là làm sao để phát triển Vovinam-Việt Võ Đạo đồng đều hai mảng võ thuật và võ đạo. Làm thế nào quảng bá rộng rãi nhưng phải vinh danh được nền võ Việt Nam đạm chất nhân văn, góp phần làm phong phú nền thể thao thế giới.
Đây là điều quan tâm hàng đầu của các võ sư trong Tổng liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới, một tổ chức thành lập tại Paris năm 1998 hiện song song tồn tại với Liên đoàn Vovinam Thế giới được thành lập năm 2008 tại Việt Nam. Vì vậy, Hội đồng Võ sư của Tổng Liên đoàn vẫn hàng năm đều đặn tổ chức các cuộc bảo vệ luận án để tấn phong võ sư trình độ đẳng cấp cao đẳng cho các môn sinh Vovinam-Việt Võ Đạo.

Võ sư Trần Nguyên Đạo-Paris
19/02/2012
Nhân dịp Hội đồng Võ sư Tổng liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới chuẩn bị họp Đại hội kỳ 7 tại Paris, dự kiến vào tháng 5, và bên lề của Đại hội sẽ có cuộc bảo vệ luận án tấn phong giáo sư. Tạp chí Thể thao Chủ nhật của RFI đã có cuộc phỏng vấn Võ sư Trần Nguyên Đạo, Tổng thư ký Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới, tại Paris.
RFI : Chương trình thể thao Chủ nhật xin thân chào võ sư Trần Nguyên Đạo, Tổng thư Ký hội đồng Võ sư của Vovinam-Việt Võ Đạo. Được biết sắp tới đây bên lề Đại hội kỳ 7 của Tổng liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo, Hội đồng Võ sư sẽ tổ chức cho các môn sinh quốc tế trình luận án để được phong võ sư trình độ cao đẳng. Trước hết xin võ sư cho biết tại sao lại có cuộc trình luận án phong võ sư này và việc làm đó diễn ra như thế nào ?
Công việc trình luận án của Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới là một sinh hoạt bình thường của Tổng liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới. Hàng năm, chúng tôi có Ủy ban Khảo thí Quốc tế do võ sư Lê Công Danh làm chủ tịch thường tổ chức khắp bốn châu những cuộc bảo vệ luận án danh cho các trình độ cao đẳng, tức là trình độ từ hồng đai trở lên. Riêng năm 2012 năm nay, nhân Đại hội Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới kỳ 7, tất cả các võ sư và môn sinh trên thế giới, chúng tôi sẽ tụ tập về Paris để biểu quyết những điều lệ quốc tế của tổ chức và đồng thời bầu cử thay đổi lại những nhân sư lãnh đạo của Hội đồng Võ sư và Tổng liên đoàn Thế giới.
Chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc bảo vệ luận án cho các võ sư cao đẳng. Riêng về hình thức, nó tương tự như những cuộc bảo vệ luận án của các đại học, nghĩa là các võ sư phải trình luận án khảo cứu, nghiên cứu tìm tòi những cái hay, những cái mới lạ, hoặc là so sánh cái mới với cái cũ để tạo ra một luồng gióp mới về vấn đề võ thuật và võ đạo. Sau đó, kết tụ lại thành một luận án. Cái luận án đó sẽ phải được đệ trình với một ban giám khảo quốc tế. Ít nhất có 7 giám khảo. Rồi sau đó có các thuyết trình viên, các giám sát viên của tất cả các võ sư trên thế giới chứng nhận, cũng như là theo dõi cuộc bảo vệ nó có đúng với các quy ước mà chúng tôi đã biểu quyết năm 2000 tại Caliornia bên Hoa Kỳ.
RFI : Việc làm này nhằm mục đích và có ý nghĩa gì đối với sự phát triển của Vovinam-Việt Võ Đạo ?
Vấn đề trình luận án chính là cái truyền thống của Vovinam-Việt Võ Đạo. Lần đầu tiên khi mà Vovinam-Việt Võ Đạo sinh hoạt trở lại năm 1964, các thầy tại Việt Nam đã ra một quy lệ gọi là Quy lệ 1964. Trong đó, điều 48 đã quy định việc trình luận án và những việc trình luận án này đã được kéo dài đến ngày hôm nay. Chúng tôi là những người bên quốc ngoại, vẫn tiếp tục cái truyền thống cao đẹp đó. Mục đích, tương tự như các đại học, là chúng tôi phải làm sao làm tăng trưởng kho tàng văn hóa của Vovinam-Việt Võ Đạo nói riêng và cái nền văn hóa võ học của Việt Nam nói chung, để càng ngày càng thăng tiến, càng hiện đại không những về vấn đề võ thuật mà còn về vấn đề kiến thức võ đạo.
Tôi nói ví dụ, trong các cuộc bảo vệ luận án vừa qua, có một số võ sư người bản xứ không phải gốc Việt Nam. Họ đã trình một số đề tài rất là hay. Thí dụ như họ trình bày sự tương quan giữa Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo trong Vovinam-Việt Võ Đạo. Có những đề tài như nền võ thuật Việt Nam đã đóng góp gì được cho nền văn hóa Tây phương. Họ cũng trình một số luận án liên quan đến nền võ thuật của người Việt Nam và nền võ thuật của người Tây phương khác nhau như thế nào. Nhờ những sự đóng góp đó, những kiến thức đó, nền văn hóa võ thuật của Việt Nam nói chung của chúng ta sẽ càng ngày càng thăng tiến. Bởi vì chúng ta hiện giờ đã bước vào thế kỷ 21 chứ không phải là thế kỷ 18 nữa.
RFI : Võ sư có nói đây là họat động truyền thống của Vovinam-Việt Võ Đạo. Nhưng dường như việc làm này ở trong nước có xu hướng mai một dần. Người ta thiên về thực hành võ thuật để lấy thành tích biểu diễn nhiều hơn là nghiên cứu võ đạo. Võ sư có ý kiến gì về nhận xét trên ?
Tại Việt Nam, tôi rất tiếc thấy cái việc trình luận án võ học hầu như là bị bỏ rơi và đi vào quên lãng. Tôi nhận thấy là những năm 1990, khi Vovinam-Việt Võ Đạo trong nước được phép sinh hoạt trở lại, tôi thấy có một số võ sư tiếp tục truyền thống trình luận án, nhưng sau đó, tôi không thấy nữa. Chính vì thế đã có 3 võ sư tại Việt Nam ra quốc ngoại để trình luận án. Đó là võ sư Trương Quang An và võ sư Văn Chu Đồng (năm 2002) và mới đây là võ sư Phạm Thị Cúc (năm 2008).
Theo tôi nghĩ, đường lối của Vovinam-Việt Võ Đạo trong nước hiện nay là muốn chuyển Vovinam-Việt Võ Đạo thành môn võ thuật thể thao. Trong khi đó, chúng tôi tại quốc ngoại muốn vẫn giữ cái truyền thống cao đẹp của môn phái là một bộ môn văn hóa võ thuật và võ đạo, có tính cách đi vào chiều sâu hơn là vấn đề cơ bắp tranh giải thể thao. Bởi chúng tôi nghĩ rằng đó là cái ưu việt, cái đặc thái của Vovinam-Việt Võ Đạo so vói các bộ môn Judo, Karaté hoặc Taekowndo, vốn làm môn võ thuật thể thao đã đi trước chúng tôi hàng chục năm.
Tuy nhiên tôi xin nói thêm là việc trình luận án không phải ai cũng có thể làm được. Nhưng nếu chúng ta có hệ thống hóa tổ chức và đồng thời có sự khuyến khích thì tất cả ai cũng có thể làm được hết. Tôi lấy ví dụ, khi Tổng liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới được thành lập năm 1996 tại Paris do cố võ sư chưởng môn Trần Huy Phong từ bên Việt Nam qua Âu châu để thành lập Tổng liên đoàn thế giới cũng như Hội đồng Võ sư Thế giới, chính thầy là người đã đứng ra kêu gọi tất cả các võ sư trên thế giới phải làm lại truyền thống trình luận án.
Và tôi là một trong những võ sư đầu tiên đáp lại sự kêu gọi của cố võ sư Trần Huy Phong. Tôi đã trình luận án lên hồng đai nhất cấp năm 1977, hồng đai nhị cấp năm 1998 và hồng đai tam đẳng năm 2005. Một thí dụ khác. Võ sư Nguyễn Chính, là con ruột của võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc đã trình luận án tại Huston Texas, Hoa Kỳ năm 2000 và năm 2007. Như vậy là con của võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc được tấn phong đẳng cấp vẫn phải trình luận án như mọi người. Đó là một truyền thống cao đẹp. Chính vì vậy, trong những năm qua, các võ sư khôgn phải gốc Việt nam họ đã trình rất nhiều.
Tôi lấy thí dụ như năm 2009, tôi đã tổ chức cho 4 võ sư trình luận án tại đại học đầu tiên của Việt Nam Văn Miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội. Tôi đã mời thêm 3 giáo sư của trường Đại học Thể dục Thể thao cùng với tùy viên Văn hóa của tòa đại sứ Pháp đến chấm điểm với chúng tôi. Gần đây nhất là năm 2010, chúng tôi đã có 4 võ sư người Đức đã đứng ra trình luận án trong hào hứng và kết quả tuyệt hảo. Năm 2012 này sẽ có rất nhiều võ sư người Tây phương và một võ sư người Phi châu sẽ đến bảo vệ luận án. Nhiều người nghĩ rằng đây là một việc khó khăn. Nhưng theo tôi nghĩ chẳng qua chỉ là vấn đề tổ chức
RFI : Nhân đây, xin võ sư giới thiệu đôi nét về hệ thống đẳng cấp trong Vovinam-Việt Võ Đạo.
Hệ thống đẳng cấp của Vovinam-Việt Võ Đạo cùng với lịch sử đã có nhiều biến chuyển, thay đổi. Khởi đầu từ năm 1938 đến năm 1960. Tức là trong thời Vovinam-Việt Võ Đạo đang được khơi mầu phát triển bởi chính võ sư Nguyễn Lộc. Trong giai đọan đó, thầy Nguyễn Lộc chỉ phân chia ra làm ba loại đẳng cấp. Tức là, sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Đó là giai đoạn chưa có võ phục, chưa có đẳng cấp như thời gian hiện đại mới đây. Hồi đó còn mặc quần đùi, áo maillot. Đến giai đoạn thứ hai, bắt đầu có tính cách hiện đại hóa là từ năm 1964.
Chính Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo tại Việt Nam, mà người đứng đầu khai triển hệ thống đẳng cấp đó là cố võ sư chưởng môn Trần Huy Phong. Hệ thống đẳng cấp này vẫn giữ được truyền thống cũ, có nghĩa là vẫn chia làm 3 loại đẳng cấp : Sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Sơ cấp được chia làm ba loại gồm : Lam đai nhất cấp, lam đai nhị cấp và tam cấp. Sau đó lên đến trình độ trung đẳng, được gọi là hoàng đai, tức là tương đương với huyền đai quốc tế. Hoàng đai cũng được chia ra làm 3 cấp.
Khi đến trình độ hoàng đai là đã có khoảng từ 5 năm cho đến 6 năm rưỡi luyện tập, có thể trở thành phụ tá huấn luyện viên hoặc là huấn luyện viên. Sau đó là đến trình độ cao cấp, nghĩa là hồng đai, tức là tương đương với huyền đai đệ tứ đẳng quốc tế trở nên. Hồng đai có từ đệ nhất cấp đến hồng đai đệ ngũ cấp, nghĩa là tương đương với huyền đại đệ thập đẳng.
Khi đã lên trình độ võ sư như vậy, các trình độ từ lam đai cho đến hoàng đai đệ tam cấp thì tất cả đều thi với tính cách kỹ thuật mà trong đó có 20% thì về lý thuyết, tức là vấn đề võ đạo. Riêng các trình độ cao đẳng, từ trình độ huyền đai đệ ngũ đẳng trở lên nghĩa là hồng đai đệ nhất cấp trở lên thì bắt buộc phải trình luận án, nghĩa là phải có nghiên cứu tìm tòi và phải có thời gian tối thiểu 6 năm trong đẳng cấp hiện tại, nếu muốn trình luận án. Sơ bộ đó là hệ thống đẳng cấp của Vovinam-Việt Võ Đạo.
RFI : Xin ông cho biết vài nét phát triển của Tổng liên đòan Vovinam-Việt Võ Đạo thế giới
Tổng liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới hiện được chia ra làm hai hệ thống khác nhau không giống như bên Việt Nam. Hệ thống hành chính gọi là Tổng liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới, trong đó tất cả các liên đoàn thành viên tụ tập về bầu cử ra Ban Chấp hành để lãnh đạo trên quy mô thế giới. Hệ thống thứ hai, đó là Hội đồng Võ sư. Hội đồng này bao gồm những võ sư đã có đẳng cấp cao. Hội đồng đó chuyên về vấn đề thi cử, chương trình huấn luyện võ thuật và võ đạo. Hai hệ thống này song song làm việc với nhau, một bên là truyền thống, một bên là hiện đại theo các sinh hoạt quốc tế.
Hiện giờ Tổng liên đoàn Thế giới đã phát triển được khoảng 12 quốc gia thành viên chính thức và 18 quốc gia có hiện diện, nghĩa là có Vovinam-Việt Võ Đạo nhưng chưa thành lập liên đoàn quốc gia. Nếu so sánh với môn phái khác như Judo, Karaté …thì phải nói ra là chúng tôi rất còn khiêm nhường và chưa đạt được chỉ tiêu mà chúng tôi muốn. Đồng thời bên nhà nước Việt Nam cũng tổ chức Liên đoàn Quốc tế, cũng sinh hoạt và đang phát triển khá rộng lớn khắp nơi trên thế giới.
Trong vấn đề hai liên đoàn quốc tế, cùng tên là Vovinam-Việt Võ Đạo thì đó là điều chúng tôi rất tiếc. Rất nhiều các môn sinh đã đặt câu hỏi tại sao lại có vấn đề như vậy. Chúng tôi đang rất ưu tư trên những vấn đề sinh hoạt song song đó, bởi nó không có lợi cho nền văn hóa Việt Nam nói chung. Nó sẽ là những cản trở trên vấn đề phát triển văn hóa Vovinam-Việt Võ Đạo trên thế giới.
RFI : Võ sư có nghĩ đến khả năng hợp nhất hai tổ chức ?
Tôi nghĩ, chúng tôi có khả năng đó. Bởi chúng tôi có nhiều điểm đồng thuận hơn là đối chọi nhau. Chúng tôi có cùng võ phục, cùng phù hiệu, cùng nguồn gốc, cùng đòn thế và cùng danh xưng Vovinam-Việt Võ Đạo. Thế thì không có lý do gì chúng ta có thể song song hoặc chia đôi đường. Vấn đề hiện giờ chia đôi chẳng qua là vấn đề quy lệ sinh hoạt. Nghĩa là quy lệ sinh hoạt bên Việt Nam không giống như ở quốc tế.
Tuyệt đại đa số những người sinh hoạt bên Việt Nam cũng như ở hải ngoại, ai cũng biết cái cơ chế chính trị, tổ chức nhà nước ở Việt Nam hoàn toàn không giống cơ chế ở ngoại quốc. Thành ra, qua hai cơ chế đó, chúng tôi chưa có thể ngồi gần lại với nhau. Chẳng qua là vì vấn đề tổ chức trên thượng tầng của hai Tổng liên đoàn mà thôi. Nhưng theo tôi nghĩ, Việt Nam mỗi ngày một thay đổi theo đà quốc tế và có nhiều triển vọng sẽ thay đổi cơ chế sinh hoạt theo luật Việt Nam. Một ngày nào đó, tôi nghĩ sẽ có chiều hướng quốc tế hóa như đa số các quốc gia trên thế giới hiện nay. Cái ngày đó, theo tôi nghĩ cũng không xa và cái ngày đó Vovinam-Việt Võ Đạo sẽ bước đến vấn đề thống nhất.
RFI xin cảm ơn võ sư Trần Nguyên Đạo.

http://www.viet.rfi.fr/the-thao/20120219-de-duoc-phong-vo-su-mon-sinh-vovinam-viet-vo-dao-phai-bao-ve-luan-an

Geen opmerkingen:

Een reactie posten