dinsdag 28 februari 2012

Syria trong cuộc 'so găng' giữa các cường quốc

27/2/2012

Mỹ và nhiều nước đồng minh mong muốn thay đổi chế độ ở Syria trong khi Nga và Trung Quốc thẳng thừng bác bỏ thứ có thể dẫn đến "Libya thứ hai". Không giàu dầu mỏ, không mạnh về quân sự, Syria bỗng trở thành tâm điểm cuộc so tài của các cường quốc.
> LHQ yêu cầu chấm dứt bạo lực ở Syria
> Liên đoàn Arab ủng hộ phe đối lập tại Syria


Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: Guardian
Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: Guardian

Cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ ở Syria bắt đầu từ tháng 3/2011 và bùng nổ tháng 8/2011 giờ đây đang chuyển hóa thành một cuộc khủng hoảng vượt xa biên giới nước này. Syria đang ở trong một cơn lốc của trò chơi quyền lực thế giới và khu vực, mang nặng tính chất của một cuộc xung đột kéo dài liên quan đến lợi ích chiến lược của tất cả các bên liên quan.

Bản thân cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ của Syria có lẽ đã không được các cường quốc khu vực và thế giới chú ý nhiều đến như vậy, vì đàn áp thô bạo không phải là hiện tượng hy hữu trong các nước ở Trung Đông và Syria không thể là một ngoại lệ. Nhưng Syria trở nên đặc biệt và thu hút sự chú ý chiến lược của các nước như Mỹ cũng như các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông vì Syria có quan hệ mật thiết với Iran và Nga.

Việc Nga và Trung Quốc cùng phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có nội dung kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức, là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy các khuôn mẫu của chiến tranh lạnh đã quay trở lại Trung Đông.

Sự tập hợp chiến lược ở Trung Đông hiện nay có thể thấy rõ một bên gồm các nước Mỹ, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và các vương quốc giàu dầu lửa trong vùng Vịnh, còn một bên là Iran, Syria liên kết với Nga và Trung Quốc. Iraq cũng có thể được coi là về phe với Syria và Iran sau khi Mỹ rút hết quân khỏi nước này. Thực tế, mối lo ngại của Mỹ, Israel và các nước Arab là khả năng có thể nổi lên một “Vòng cung Shia” ở khu vực, bao gồm Iran, Iraq, Syria và rất có thể là cả Libăng.

Từ trước tới nay dân chủ và nhân quyền không phải là ưu tiên của Mỹ ở Trung Đông, vì nếu như vậy thì Mỹ đã không thân thiết được với các đồng minh trong khối Arab do Saudi Arabia dẫn đầu.

Video: Trong lòng chiến địa khốc liệt Homs, Syria

Vấn đề cốt lõi ở Trung Đông trong năm 2012 đối với Mỹ, Israel, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước đồng minh khác với Mỹ là lật lại thế cân bằng, xuất phát từ việc Mỹ rút quân khỏi Iraq và hình thành một trục chiến lược mới của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nhưng đối với Mỹ và Israel cũng như các nước đang cạnh tranh vai trò cường quốc khu vực với Iran như Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, sự cô lập khu vực đối với Iran sẽ không đầy đủ nếu không cắt đứt được quan hệ giữa Syria và Iran.

Vị trí của Syria


Syria là một nước có danh tiếng ở Trung Đông, nằm án ngữ ở phía đông của Địa Trung Hải. Syria có chung biên giới đất liền với một số nước lớn ở Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ (822 km) ở phía bắc và Iraq (605 km) ở phía nam và tây. Syria cũng có biên giới chung với Israel (76 km), Jordani (375 km) và Libăng (375 km). Do đó, vị trí quan trọng và các động lực chính trị của Syria đã tác động đến các quốc gia này. Cùng với các đặc tính nói trên, Syria không phải là nước dễ bị khuất phục vì họ có một đội quân với nửa triệu lính, một lực lượng không quân khá lớn và một kho vũ khí tên lửa. Syria cũng có một mạng lưới phòng không khá tốt có xuất xứ từ Nga.

Mỹ luôn coi Syria là một nước đối địch trong tính toán chiến lược ở khu vực, trừ một thời gian ngắn khi Syria tán thành đứng trong Liên minh của Liên Hợp Quốc trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Với thực tế là Damacus có quan hệ gần gũi với Nga, không ưa gì Israel và gần đây là sự gắn kết của Syria với Iran, các nước phương Tây có lý do để thấy tư thế đối đầu tiềm tàng từ Syria.

Gần đây, Nga đã bày tỏ cam kết đối với Syria khi các tàu chiến của lực lượng hải quân Nga được phép ghé thăm các căn cứ quân sự của hải quân Syria nhằm đánh đi tín hiệu rằng Nga sẽ không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp bằng quân sự của nước ngoài nào chống lại Syria.

Trung Quốc ở xa Syria về địa lý và không có khả năng biểu dương sức mạnh quân sự như Nga. Tuy nhiên Trung Quốc với sức mạnh chính trị và kinh tế toàn cầu vẫn có thể làm đối trọng đặc biệt ở Trung Đông bằng cách hợp tác và phối hợp với Nga. Điều này được thể hiện rõ qua việc phủ quyết kép của Nga và Trung Quốc gần đây đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nhằm ép thay đổi chế độ ở Syria.

Việc hai nước thường trực hội đồng bảo an phủ nhận dự thảo nghị quyết lên án Syria khiến tình hình thêm khó khăn cho các nước muốn thay đổi chế độ ở Damacus.

Trung tâm trong ván bài quyền lực khu vực


Tạm bỏ qua giai đoạn lịch sử của Trung Đông từ năm 1948, vốn là một câu chuyện bất tận về sự thù địch giữa thế giới Ả Rập và Israel, điều cần nói là trong năm 2012 đã nổi lên một sự đối đầu mới, trong đó Iran trở thành một mối lo ngại không chỉ đối với Mỹ và Israel mà còn đối với các chế độ quốc vương Arab khác, đứng đầu là Saudi Arabia.

Ở khu vực Trung Đông, ba đối thủ đang chạy đua cho chức quán quân khu vực là Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia. Trong ba đối thủ này thì Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có thể được coi là những đối thủ thực thụ còn Saudi Arabia, ngoại trừ tiềm năng tài chính, không có được các đặc tính của một cường quốc khu vực tính theo cơ sở dân số và lực lượng quốc phòng.

Điều kỳ lạ là Thổ Nhĩ Kỳ cho đến những năm gần đây lại có quan hệ tốt đẹp với Iran và tương đối tốt với Syria. Nhưng giờ đây những rạn nứt nghiêm trọng đã xuất hiện.

Vậy trong loại ma trận này, làm thế nào mà Syria lại trở thành trung tâm ở Trung Đông? Đó là câu hỏi mà hiện nay cần phải được giải quyết.

Syria không phải là một ứng viên để trở thành cường quốc khu vực Trung Đông. Tuy nhiên Syria là một đối trọng nặng ký cho bất cứ bên nào mà nước này ngả theo. Hiện nay Syria nghiêng về phía Iran và vì vậy Syria ở vào vị thế trung tâm trong ván bài quyền lực ở Trung Đông.

Syria nghiêng về Iran đã tạo cho quốc gia Hồi giáo một số lợi thế. Thứ nhất, Syria mang lại cho Iran một sức mạnh quan trọng chống lại Israel. Thứ hai, ảnh hưởng lớn của Syria ở Libăng và ảnh hưởng của Iran với lực lượng vũ trang Hezbollah ở Libăng càng làm cho mối đe dọa của Iran đối với Israel trở nên mạnh mẽ hơn. Cuối cùng, Syria cung cấp cho Iran đường biển vào Địa Trung Hải.

Về dư luận trong thế giới Arab, điều quan trọng là tình đoàn kết Hồi giáo chống lại Israel. Iran và Syria đã cho thấy độ tin tưởng về vấn đề này, trái ngược với các ứng viên khu vực khác như Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Vì vậy có thể nói rằng vai trò trung tâm của Syria không hạn chế trong thế giới Arab mà còn mở rộng ra toàn bộ khu vực Trung Đông. Xu thế của Syria theo hướng này sẽ không thay đổi cho đến khi Israel sẵn sàng tự nguyện trao trả Syria khu cao nguyên Golan, vốn bị Israel chiếm đóng từ cuộc chiến tranh gần đây.

Bài toán không dễ tìm lời giải


Rõ ràng là Syria đang bị cuốn vào vòng xoáy của trò chơi quyền lực khu vực và quốc tế chưa từng có ở Trung Đông. Rất có thể trò chơi này ngày càng trở nên căng thẳng và phức tạp hơn với việc Iran kiên quyết theo đuổi chương trình hạt nhân.

Liệu Syria có dứt bỏ mối quan hệ hiện nay với Iran? Câu trả lời là "rất khó xảy ra". Liệu Syria có từ bỏ mối quan hệ lâu dài với Nga? Câu trả lời là "không thể". Giống như trong tính toán chiến lược của mình, Mỹ không thể chấm dứt giao vai trò trung tâm cho Israel ở Trung Đông, và Saudi Arabia trong thế giới Arab. Đây là những điều không thể xảy ra trong tình hình hiện nay.

Mỹ và phương Tây, với quyết tâm cô lập Iran thông qua việc cắt đứt quan hệ giữa Syria và Iran bằng việc thay đổi chế độ, sẽ đi vào một bãi lầy. Syria không phải là một Lybia để họ có thể tiến hành một cuộc viễn du quân sự dễ dàng.

Một hệ quả nghiêm trọng và khó lương nữa nếu Mỹ - Israel - Thổ Nhĩ Kỳ thành công trong việc thay thế chế độ ở Syria, đó là tạo ra một chỗ đứng cho lực lượng Al-Qaeda, vì mang lưới khủng bố này cũng đòi thay đổi chế độ ở Syria. Chắc chắn, các nước phương Tây và đồng minh không mong muốn điều đó.

Phạm Ngọc Uyển

Geen opmerkingen:

Een reactie posten