vrijdag 24 februari 2012

Chuyện tình yêu qua các thế hệ

Khánh An, phóng viên RFA
2012-02-06
Sắp tới đây là ngày Lễ Valentine – Lễ Tình Nhân, bây giờ đã trở thành một cái lễ khá phổ biến ở Việt Nam.
AFP photo
Trao thiệp tình yêu
Khánh An : Khánh An muốn mời mọi người thử so sánh xem quan niệm về tình yêu giữa các thế hệ khác nhau như thế nào; cách người ta chọn người yêu, cách người ta yêu nhau có khác nhau hay không. Trước khi bắt đầu chương trình, Khánh An xin mời mọi người tự giới thiệu về bản thân mình.
Bác Phạm Toàn : Từ trẻ cho tới già nhé.
Khánh An : Vâng. Vậy bây giờ Khánh An sẽ mời bạn thế hệ 8X nhé.
Cô Ngọc Anh : Dạ. Cháu kính chào bác Phạm Toàn. Chào chị Khánh An. Em tên là Phạm Ngọc Anh, là người thuộc thế hệ 8X, gọi là thế hệ chuyển giao.Em đang làm biên dịch viên tiếng Nhật cho một công ty phần mềm. Em đang sống ở TP.HCM.
Khánh An : Cảm ơn Ngọc Anh rất là nhiều. Bây giờ mời thế hệ 7X ạ.
Cô Diệu : Chào Khánh An. Cháu chào bác Phạm Toàn. Chào Ngọc Anh ở Sài Gòn. Mình là Diệu đang ở Lâm Đồng. Mình sinh năm 1975. Mình cũng đi làm nhưng hiện đang nghỉ chế độ hộ sản và đang ở nhà giữ con.
Khánh An : Vâng. Cảm ơn chị Diệu. Và bây giờ xin mời người cuối cùng.
Bác Phạm Toàn : Tôi là Toàn, Phạm Toàn, năm nay là 81 tuổi. À quên, xin lỗi, thế hệ 8X, mà X = 1. (Mọi người cùng cười). Đối với tôi, ngày Valentine không có gây cho mình xúc động gì cả, tại vì mình không thuộc nền văn hóa ấy. Thế nhưng mà câu chuyện thì làm cho mình cảm động, tức là mình không hưởng ứng nhưng mà câu chuyện làm mình cảm động. Tôi đã về hưu lâu rồi nhưng bây giờ vẫn tiếp tục làm việc: viết sách, hiệu đính, viết báo, làm trang mạng, đặc biệt bây giờ là hướng dẫn một nhóm làm sách giáo khoa tên là “Nhóm Cánh Buồm”.

Từ yêu không dám nói

Khánh An : Vâng. Cảm ơn mọi người. Khánh An một lần nữa chào đón mọi người đến với chương trình. Bây giờ, để bắt đầu vào câu chuyện so sánh về quan niệm tình yêu giữa các thế hệ, chắc là mình phải đi từng giai đoạn một trong câu chuyện tình yêu, phải không? Bắt đầu là người ta thích nhau, rồi người ta tỏ tình với nhau. Bác Phạm Toàn cười to làm mọi người cười theo.
Cô Diệu : Bác Phạm Toàn cười như là nhớ lại cái gì! Chắc lại còn đỏ mặt nữa!)
Khánh An : Vâng. Bác Toàn có đỏ mặt không ạ? Khi mà ngày xưa người ta thích nhau thì người ta sẽ biểu hiện ra như thế nào và người ta tìm cách tỏ tình như thế nào ạ? Bây giờ Khánh An muốn nghe sự chia sẻ của mỗi thế hệ ạ.
Bác Phạm Toàn : Cái thời của tôi ấy, là không biết người ta có thích mình không thì mình phải viết thư. Viết thư thì viết rất dài, viết những điều mà bây giờ đọc lại, nếu hồi đó mà có ai giữ lại và bây giờ đọc lại thì phải xấu hổ đến chết thôi! Ừ, xấu hổ, mắc cỡ đấy. Bởi vì trong thư đó viết những điều đúng là không có tí gì gọi là thuộc về tâm lý học cả. Nhưng mà thế này, bộc lộ hết, nghĩ gì, thậm chí nghĩ về cái xấu của đối tượng mà mình đang tán đấy thì cũng vẫn viết. Thế mà cái việc đó đối với tôi xảy ra, để mà tôi còn có thể nhớ được đấy, là một lần vào lúc tôi 15 tuổi, một lần vào lúc tôi 20 tuổi, và một lần mà nói nữa thì hơi thẹn, đó là một lần vào lúc 40 tuổi. (Cười to). Ba cái lần mình nhớ nhất thì nó là như thế.
Nhưng mà cái thế hệ tôi là cái thế hệ yêu là yêu kín đáo, rất dễ dẫnđến yêu đơn phương và hay bi thảm hóa cuộc yêu đương của mình...
Bác Phạm Toàn
Cô Diệu : Trời ơi! Ba lần nhớ nhất thì còn nhiều lần khác nữa? (Mọi người cùng cười).
Bác Phạm Toàn : “Và” đấy, vừa rồi nói “và” tức là không dám kê khai. Nhưng mà cái thế hệ tôi là cái thế hệ yêu là yêu kín đáo, rất dễ dẫn đến yêu đơn phương và hay bi thảm hóa cuộc yêu đương của mình, có khi đối tượng người ta chẳng để ý gì cả mà mình lại hay bi kịch hóa, hay tiểu thuyết hóa.
Khánh An : Mình không tỏ tình hay sao ạ? Mình không tỏ tình hay sao mà dẫn đến là “đơn phương”?
Bác Phạm Toàn : Ừ. Chả kết quả gì cả. Ba lần không kết quả. (Mọi người cùng cười). Thế cái lần kết quả thì mình chả có nói năng gì cả. (Mọi người lại cùng cười).
Khánh An : Thế làm sao để có kết quả? Cái lần kết quả là thế nào?
Bác Phạm Toàn : Cái lần kết quả thì là do tự nhiên gặp một người. Gia đình nhờ chuyển một cái thư, thế rồi thấy người đó ốm yếu, thế rồi bắt đầu thương và thế là mấy tháng sau thì cưới). Đấy, mấy lần kia thì chả dẫn đến kết quả gì cả, chỉ dẫn đến cái thở dài thôi.
Cô Diệu : Nghe bác Toàn nói, cháu cảm thấy hèn chi vì vậy mà những nhạc sĩ hồi xưa viết nhạc thì cái thời đó nó hay mang cái âm hưởng đó nhỉ! Cứ là tình tan vỡ đó. (Bác Toàn : Ừ!)

Đến yêu là phải nói

Khánh An : Vâng. Nghe chị Diệu vừa nói thì Khánh An muốn biết cái thời của chị Diệu – thế hệ 7X, nó có đau buồn như thế không? Có dẫn tới tiếng thở dài như thế hay không? (Bác Toàn cười to).
000_Mvd6192530-250.jpg
Vườn trồng hoa hồng bán vào dịp Valentine's Day ở Colombia chụp hôm 02/2/2012. AFP
Cô Diệu :
Mình nghĩ so với tình yêu kiểu như bác Toàn vừa nói là tình yêu ít tỏ lộ ra hoặc dùng thư viết tay gì đó thì tới thế hệ mình, mình thấy nó hơi khác rồi, tức là đã thể hiện ra rồi, mà cũng không thể bước qua quá giới hạn của mình như bây giờ. Cũng vậy, như bác Toàn nói 15-20 thì mình nhớ hồi đó là năm mình học lớp 12 thì bản thân mình vẫn thấy là mình thích ai nhưng vì mình là phái nữ cho nên mình không được nói mà vẫn để bên trai nói trước. Mình nhớ hồi đó mình học lớp 12 thì có một anh bạn cùng lớp nghe nói là nó thích mình nhưng mà mình hồi đó còn ngố lắm, chả biết gì hết. Còn anh bạn đó thì đã nói với cả thầy giáo và các bạn trai trong lớp rồi.
Xong rồi hôm sau thì nó bị đau mà mình cũng chẳng biết gì, thầy giáo dạy toán mới nói “Nè, em tới thăm bạn đó đi”.
Thế rồi mình đi với mấy đứa bạn gái thân nữa tới thăm nó. Mình đi thăm với tinh thần rất đơn sơ, trong sáng. Cho tới hết lớp 12 thì trong lớp mình cũng thấy có tình cảm này nọ, nhưng mà nếu so với những thế hệ đi sau mình thì mình thấy bọn mình hồi đó hiền quá. Cho tới khi mình vô đại học rồi thì năm thứ tư rồi mình cũng có thích một anh kia, đi chơi chung trong nhóm chỉ có chở nhau trên xe Honda vậy thôi chớ chưa bao giờ mình dám nắm tay nhau hết, chưa bao giờ dám hôn nhau.
Như bác Toàn kể thì bọn mình đã tiến hơn một chút rồi, tức là đi chơi một nhóm thì chắc chắn là anh chàng mình để ý và anh để ý mình là hai đưa chở nhau chứ không có đi với bạn khác, nhưng mà hoàn toàn trong sáng, chở nhau đi vậy thôi, mà ôm eo thì cũng không dám nữa đó. Chỉ khi nào chẳng may bị chạm nhau một cái thì cả hai mặt cùng đỏ chóe lên vậy thôi.
Khánh An : Vâng. Như chị Diệu vừa mới nói, cho tới thời những người thuộc thế hệ 7X thì vẫn còn chưa có một sự biểu lộ thật mạnh dạn hay phải nói là “đột phá” giống như những thế hệ sau này, phải không? Bây giờ chắc là Khánh An phải nghe thử một bạn 8X mà ở thế hệ chuyển giáo gần 9X là bạn Ngọc Anh. Đến thế hệ của bạn thì chuyện tỏ tình, khi thích một người nào đó thì bạn biểu lộ ra như thế nào?
Cô Ngọc Anh : Dạ. Thế hệ bọn em thì nếu mà đã thích nhau thì không có cái chuyện để yên ở trong lòng, mà sẽ tìm cách bày tỏ. Nhứt định là phải tìm cách bày tỏ, bởi vì nếu mà bỏ qua mất đi thì rất là tiếc đó chị. Bọn em nghĩ vậy đó. (Các cô cùng cười).
Khánh An : Mất cơ hội, phải không?
Cô Ngọc Anh : Dạ đúng. Cơ hội thì giống như là chim bay qua cửa sổ cho nên mình phải tìm cách bắn, phải tìm cách bắt cho được.
Khánh An : Bắn bằng cách nào ạ?
Cô Ngọc Anh : Dạ. Nói chung là nó cũng có nhiều cách thức, tại vì thời buổi hiện đại mà chị. Nhưng mà em nghĩ hiện tại các bạn của em thì thường sẽ biểu lộ bằng hành động, bằng lời nói. Còn những vị nào kín đáo hơn một chút thì sẽ không nói thẳng, mà sẽ nói vòng vo gì đó giống như mấy thế hệ trước. Hoặc là như trường hợp bản thân em thì em hay thích e-mail, có nghĩa là một biến thể của dạng viết thư của thời bác Toàn.
Thế hệ bọn em thì nếu mà đã thích nhau thì không có cái chuyện để yên ởtrong lòng, mà sẽ tìm cách bày tỏ. Nhứt định là phải tìm cách bày tỏ,bởi vì nếu mà bỏ qua mất đi thì rất là tiếc đó chị.
Ngọc Anh
Khánh An : Vâng. Chúng ta có thể thấy một sự chuyển giao giữa các thế hệ nhé. Thế hệ của bác Toàn là viết thư, thế hệ của chị Diệu thì ngoài chuyện viết thư thì người ta dám biểu lộ hơn một chút xíu nữa bằng những hành động này kia để tỏ ra là mình thích người đó. Qua thế hệ bạn Ngọc Anh, 8X và 9X, thì các bạn lại coi chuyện thích một người và tỏ tình với một người là một cơ hội mà mình không thể để nó vuột qua được, và các bạn tìm mọi cách để bộc lộ ra ngay lập tức chứ không có giữ hay giấu diếm trong lòng để rồi một mình đau khổ thở dài như là bác Toàn. (Mọi người cùng cười).
Thế thì bây giờ qua cái giai đoạn đấy rồi thì đến giai đoạn mình yêu nhau, lúc đấy nếu như, đặc biệt là các bạn trẻ ở tuổi học trò hay gặp phải khi mà các bạn lỡ yêu ai đó, đó là cái chuyện học hành của các bạn, chuyện ba mẹ ngăn cản, nếu mà gặp những rào cản như thế thì mọi người sẽ phản ứng như thế nào?
Khánh An mời quý vị đón nghe câu trả lời của các khách mời trên, trong chương trình kỳ sau, để xem các thế hệ phản ứng khác nhau như thế nào.
Bây giờ Khánh An xin kính chào tạm biệt.

Theo dòng thời sự:


http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/generations-talking-ab-love-ka-02062012152211.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten