Đảng cộng sản duyệt việc Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc từ chức do cấp dưới sai phạm
Hôm 17/1, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định cho Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc từ chức giữa lúc cơ quan quyền lực nhất đất nước tiến hành một cuộc càn quét chống tham nhũng, trong đó có vụ việc liên quan đến công tác điều hành ứng phó với đại dịch COVID-19.
Các nhà quan sát nhận định với VOA rằng đây được xem là vụ bãi chức chưa có tiền lệ trong chính trường Việt Nam nhưng được đa số người dân đồng tình.
Truyền thông nhà nước cho hay Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra quyết định đồng ý với “nguyện vọng cá nhân” về việc từ chức của ông Phúc, bao gồm “nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu” của ông.
Đơn từ chức này đã được chấp nhận tại một cuộc họp bất thường của Ban chấp hành Trung ương hôm 17/1. Việc từ chức của ông với tư cách là người đứng đầu nhà nước dự kiến sẽ được bỏ phiếu tại một phiên họp bất thường của Quốc hội vào thứ Tư 18/1.
Việc ông Nguyễn Xuân Phúc bị đảng phế chức hôm 17/1 giúp vén lên tấm rèm đằng sau các nghi ngờ trước đó trên mạng xã hội về việc ông đang bị thanh trừng do các sai phạm của gia đình ông trong đại dịch. Các nguồn tin trong và ngoài nước trước đó biết rằng ông Phúc bị Bộ Chính trị cho thôi các chức vụ tại một cuộc họp bí mật hôm 13/1.
Ông Phúc, 68 tuổi, giữ chức thủ tướng chính phủ từ năm 2016-2021, nắm giữ chức vụ chủ tịch nước phần lớn mang tính nghi thức trong vòng chưa đầy hai năm và là quan chức cấp cao nhất bị đảng truy quét về cáo buộc tham nhũng.
“Ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai Phó thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng”, trang VNExpress tường thuật, dẫn thông báo của Ban chấp hành Trung ương.
Văn phòng Chủ tịch nước của ông Phúc không thể đưa ra bình luận ngay lập tức và không rõ liệu khi đảng chấp nhận đơn từ chức của ông Phúc, họ có xác định được ứng cử viên thay thế ông hay không, theo Reuters.
Đã có nhiều đồn đoán trong những tuần gần đây rằng ông Phúc sẽ từ chức sau khi hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam từng phục vụ dưới quyền của ông bị cách chức vào đầu tháng, khi đảng tăng cường nỗ lực chống tham nhũng dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, còn được gọi là “đốt lò”.
Giới quan sát chính trị trong nước nhận định rằng việc từ chức này là chưa có tiền lệ và là dấu hiệu đáng mừng cho nỗ lực bài trừ tham nhũng của đảng cộng sản, dù công cuộc “đốt lò” của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa triệt để.
Cựu nhà báo Võ Văn Tạo ở Khánh Hóa nêu nhận định về việc “thôi chức vụ” của Chủ tịch Phúc:
“Đột nhiên ông Nguyễn Xuân Phúc được ‘thôi chức’, thực chất đó là sự phế truất… nói nôm na đó là sự bãi chức. Đó là một sự đặc ân của giới chóp bu của Đảng Cộng sản Việt Nam khi anh phạm sai lầm, mắc khuyết điểm và thậm chí khi có tội, nhưng vì cương vị, vai vế của anh trong đảng rất lớn, chẳng hạn như tứ trụ triều đình hay bộ chính trị, cho nên khi người ta xử lý anh, người ta làm một cách nhẹ nhàng hơn để giữ bộ mặt cho đảng thôi”.
Trao đổi với VOA từ Tp. Hồ Chí Minh, bác sĩ Đinh Đức Long, người thường xuyên theo dõi tình hình ứng phó dịch bệnh COVID-19 của chính phủ, nêu ý kiến về việc ông Phúc bị cho thôi chức vụ.
“Cá nhân tôi rất mừng về tin này. Việc Trung ương và tiếp theo là Quốc hội cho ông Phúc thôi chức chủ tịch nước theo nguyện vọng cá nhân là đúng theo thẩm quyền và quy trình. Lý do vì sao và trách nhiệm đến đâu thì truyền thông nhà nước không nêu chính thức. Còn sai phạm của ông có dấu hiệu hình sự hay không hay còn cái gì khác nữa thì chúng ta vẫn chưa được biết”.
“Có rất nhiều tin đồn. Tất nhiên tin đồn thì chưa khẳng định là đúng hay không đúng, nhưng dư luận thì rất là không hài lòng, phải nói là rất bức xúc, thậm chí là rất căm phẫn vì những thông tin đó – tất nhiên là chưa được kiểm chứng, và đó là việc của tòa án. Cho nên dư luận không ủng hộ việc ông tiếp tục ở vị trí đó nữa. Cho nên việc Ban chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội sắp tới cho ông thôi chức vụ này là hợp lòng dân”.
Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Thủ tướng Phúc lãnh đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Vừa qua hai phó thủ tướng trong nội các thời ông Phúc đã từ chức, trong khi hai bộ trưởng và một số quan chức khác đang phải đối mặt với cáo buộc hình sự do liên quan đến các “chuyến bay giải cứu” đưa người Việt từ nước ngoài về các khu cách ly trong nước, và vụ test kit Việt Á.
Tin đồn trên mạng xã hội cho biết vợ chồng ông Phúc bị cáo buộc dính líu đến vụ bê bối Việt Á, mà tính đến tháng trước đã dẫn đến việc truy tố 102 người, trong đó có các quan chức cấp cao như cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh. Vụ bê bối cũng dẫn đến việc cựu Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bị cách chức vào ngày 5/1.
Trung ương Đảng “đồng ý” để ông Phúc thôi giữ chức vụ lãnh đạo Nhà nước, các chức vụ trong Đảng, thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021-2026, truyền thông Việt Nam cho biết, nhưng không nêu rõ lý do.
Ông Phúc là Ủy viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị và Đại biểu Quốc hội nhiều nhiệm kỳ. Từ năm 1997 đến năm 2006, ông là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam. Ông được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Chính phủ năm 2006 và Phó Thủ tướng năm 2011, trước khi trở thành Thủ tướng 5 năm sau đó. Ông được bầu làm Chủ tịch nước vào tháng 4/2021.
Ông Võ Văn Tạo đưa ra quan sát cá nhân về việc ông Phúc mất chức, đề cập vắn tắt những thông tin không chính thức đã được lan truyền.
“Thực chất vụ việc này là người ta trừng phạt ổng về việc để cho vợ con thao túng quyền lực của ổng để trục lợi cho gia đình của ổng, cho dòng họ nhà ổng, cho cánh hẩu của ổng”.
“Ở các nước khác thì vụ việc có thể được giải quyết đơn giản, nhưng ở Việt Nam thì hơi lùng nhùng như thế thôi”.
“Nhưng mà dù sao đây cũng là một bước tương đối mạnh trong việc bài trừ chống tiêu cực, tham nhũng”, ông Tạo nhận định.
Tương tự, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nhận định trong bài viết trên trang fulcrum.sg hôm 17/1 rằng động thái này là ví dụ mới nhất về chiến dịch tăng cường chống tham nhũng của ĐCSVN do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu, người từng tuyên bố rằng không có “vùng cấm” trong chiến dịch chống tham nhũng của mình.
Hãng tin Reuters hôm 17/1 nhận định rằng các đợt phế chức trong đảng sẽ báo hiệu sự leo thang hơn nữa trong cuộc đàn áp tham nhũng ngay cả khi có những lo ngại gia tăng rằng nó có thể ảnh hưởng đến tâm lý kinh tế và đầu tư tại Việt Nam.
Kỳ họp bất thường vào ngày 18/1 của Quốc hội được xem là rất hiếm trong cơ quan lập pháp bảo thủ của Việt Nam và việc hai cuộc họp này được tổ chức gần nhau, ngay trước Tết Nguyên đán, kỳ nghỉ dài ngày của đất nước, cũng là điều bất thường, vẫn theo Reuters.
Biến động chính trị này trong hệ thống độc đảng diễn ra khi ông Trọng tăng cường nỗ lực loại bỏ tận gốc các quan chức bị coi là tham nhũng hoặc không ngăn chặn tham nhũng vì quản lý lỏng lẻo, tạp chí Time dẫn lời ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Úc, cho biết.
Ngoài ra, ông Thayer cho rằng bất ổn chính trị này chắc chắn sẽ gây khó chịu cho một số nhà đầu tư, những người đã giúp quốc gia Đông Nam Á này trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Việt Nam đã được hưởng lợi từ các công ty toàn cầu như các nhà cung cấp của Apple Inc. và Samsung Electronics Co. đang biến đất nước thành một trung tâm sản xuất.
“Nó đang tạo ra sự bất định ở Việt Nam”, Time dẫn lời giáo sư Thayer, và ông nêu lên câu hỏi: “Liệu vị bộ trưởng mà quý vị đang cùng làm việc hôm nay có còn tại vị vào ngày mai hay không?”
Chủ tịch Phúc rời chức giữa nhiệm kỳ ‘gây chấn động đảng và lòng dân’
Xem bình luận
Vụ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phải ra đi khi chưa tròn nửa nhiệm kỳ là ‘việc vô tiền khoáng hậu’ trong lịch sử Việt Nam, có tác động vô cùng lớn đối với tâm lý đảng viên và người dân và đòi hỏi Đảng Cộng sản phải có cách xử lý và xác định trách nhiệm cho tương xứng, một số nhà quan sát trong nước nói với VOA.
Nhiều cái đầu tiên
Ông Nguyễn Xuân Phúc là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam phải ra đi khi nhiệm kỳ còn dang dở. Với tư cách là chủ tịch nước, ông là người xếp thứ hai trong bốn nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam, còn gọi là “tứ trụ”, chỉ sau Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông cũng là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đảm đương hai chức vụ trong tứ trụ là Thủ tướng Chính phủ, từ 2016 đến 2021, sau đó là Chủ tịch nước từ 2021 đến nay.
Ông là một trong hai ‘trường hợp đặc biệt’ được Đại hội Đảng hồi đầu năm 2021 đặc cách cho ở lại trong Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị khóa 13 mặc dù đã quá tuổi, cùng với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bên cạnh nhiệm vụ nguyên thủ Quốc gia, ông Phúc còn là người thống lĩnh quân đội trên danh nghĩa với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh, đồng thời cũng là Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương.
Để đi đến quyết định cho ông Phúc ra đi, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã có phiên họp bất thường vào chiều ngày 17/1. Thông cáo phát ra ngay sau đó cho biết ông Phúc xin từ chức ‘theo nguyện vọng cá nhân’ và Trung ương Đảng đáp ứng nguyện vọng đó để ông Phúc thôi tất cả các chức vụ và nghỉ hưu.
Thông cáo không nói rõ ngoài các chức vụ Nhà nước, ông Phúc có bị cho ra khỏi Trung ương Đảng và Bộ Chính trị hay không, nhưng nhiều khả năng điều này là không tránh khỏi.
Tuy nhiên, vài ngày trước cuộc họp của Trung ương Đảng, trên mạng xã hội đã lan truyền tin đồn về việc ông Phúc phải ra đi sau một phiên họp bí mật của Bộ Chính trị.
Ông Phúc ra đi trong lúc chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, để trống ghế nguyên thủ vốn mang tính đại diện cho nhà nước trước nhân dân và quốc tế. Ngay ngày tiếp theo, 18/1, tức là chỉ sau khi Trung ương Đảng họp một ngày, Quốc hội sẽ họp phiên bất thường để miễn nhiệm ông Phúc.
Trước khi có thông báo bị cho thôi chức, ông Phúc còn thấy chủ trì chương trình Xuân Quê hương đón Tết với đại diện Việt kiều vào tối ngày 14/1 và đến ngày 16/1, ông còn đến chúc Tết Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng tại chùa Huê Nghiêm ở thành phố Hồ Chí Minh.
Trước vụ ông Phúc, Trung ương Đảng khóa 13 đã có đến 10 ủy viên trung ương, trong đó có một ủy viên Bộ Chính trị là ông Phạm Bình Minh, bị ngã ngựa giữa chừng – con số chưa từng thấy trong lịch sử của đảng.
Đấu đá nội bộ?
Nói với hãng tin Pháp AFP, ông Lê Hồng Hiệp, chuyên gia về chính trị Việt Nam tại Viện nghiên cứu đông nam Á ISEAS ở Singapore nhận định việc ông Phúc ra đi ‘có thể là do đấu đá nội bộ’.
“Nguyên nhân chủ yếu là do các cuộc điều tra tham nhũng nhưng chúng ta không thể loại trừ khả năng các đối thủ chính trị của ông ấy cũng muốn loại ông ấy vì những lý do chính trị”, ông Hiệp được dẫn lời nói.
Đến Đại hội Đảng lần tới vào năm 2026, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều khả năng sẽ về hưu và ông Phúc được xem là một trong những ứng viên thay thế ông Trọng, theo lời ông Hiệp, các đối thủ của ông Phúc trong đảng ‘muốn loại trừ ông để dọn đường cho người khác lên làm lãnh đạo tối cao’.
Ông Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu khác cũng ở viện ISEAS, nói với hãng tin Anh Reuters rằng việc ông Phúc rớt đài và những bất trắc mà nó gây ra có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài bất an.
“Việc này có thể đưa Việt Nam đến giai đoạn bất ổn vốn có thể khiến cho bạn bè và các nhà đầu tư lo lắng”, ông Hợp nói.
Phần nổi của tảng băng?
Trao đổi với VOA, ông Nguyễn Hữu Vinh, nhà báo tự do được đến với bút danh Ba Sàm, nói ‘nếu như theo dõi các quan chức Việt Nam lâu nay thì sẽ không ngạc nhiên một tí nào khi quan chức cao đến cỡ nào cũng có thể bị mất chức và nhúng chàm’.
“Người ta đang đợi một vị rất to bị lật đổ”, ông nói. “Từ sau vụ Việt Á và chuyến bay giải cứu, mọi người hay hỏi trùm cuối là ai. Điều đó cho thấy họ biết các vụ việc này đến mức độ nào rồi”.
Thông cáo của Ban chấp hành Trung ương cho biết ông Phúc ‘chịu trách nhiệm của người đứng đầu’ cho những vi phạm của thuộc cấp trong nhiệm kỳ ông làm thủ tướng, trong đó có hai phó thủ tướng, ba bộ trưởng ‘có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng’.
Theo ông Vinh, vụ Việt Á là ‘khổng lồ, chưa từng thấy trong lịch sử đất nước’ và ‘cũng không thấy trên thế giới trong suốt thời gian đại dịch’ nên ông dự đoán ‘dưới tảng băng đó là nhiều điều rất ghê gớm, đem đến hậu quả suốt một năm nay’.
“Tại sao vụ Việt Á, vụ chuyến bay giải cứu kéo dài cả năm như thế, quá lộ liễu như thế, quá lớn như thế, dính líu đến bao nhiêu ban ngành, bao nhiêu địa phương, bao nhiêu con người như thế mà không phát hiện ra từ trong trứng”, ông đặt vấn đề.
“Đằng sau nó là cái gì, tôi để mọi người tự suy nghĩ,” ông nói.
Theo quan sát của ông Vinh, lâu nay trên mạng xã hội đã lan truyền rất nhiều tin đồn chưa được kiểm chứng về gia đình hay người thân quen của ông Phúc nhưng ‘truyền thông nhà nước không hề đi vào chi tiết để phản bác mà chỉ bác bỏ chung chung là bịa đặt’.
“Những thông tin đó chỉ có thể là gần đúng”, ông lập luận. “Xử lý ông Phúc ở đây chỉ là xử lý trách nhiệm đối với cấp dưới, còn những tin đồn đó có xử lý hay không?”
Nhà báo tự do này cũng đặt vấn đề đảng phải mở một đại hội toàn quốc giữa nhiệm kỳ, vốn hiếm khi xảy ra, trước tác động quá lớn của những vụ thanh trừng gần đây.
“Nếu để mà thực sự có dân chủ trong đảng thì phải tổ chức đại hội bất thường, khi mà có hàng loạt hội nghị bất thường vừa rồi”, ông nói.
Tuy nhiên, điều này ông cho rằng các lãnh đạo đảng hiện nay ‘rất không muốn xảy ra’ vì ‘sẽ đụng đến những vấn đề nhạy cảm rất nghiêm trọng’.
Khi được hỏi về niềm tin vào cuộc chiến chống tham nhũng có được củng cố sau vụ việc của ông Phúc hay không, ông Vinh nói ‘nhiều người bạn bè của ông chỉ cười khẩy’.
Trách nhiệm ông Trọng?
Về phần mình, ông Huỳnh Ngọc Chênh, một nhà bất đồng chính kiến, đặt vấn đề về trách nhiệm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác cán bộ khóa 13.
“Bản thân ông Nguyễn Phú Trọng cũng chịu trách nhiệm vì những nhân sự cấp cao đó là do ông Trọng xây dựng lên, và hàng loạt những người đó lại bị dính vào chuyện này, chuyện khác, bị kỷ luật, bị đi tù”, ông chỉ trích.
Do đó, theo lời ông Chênh, khi xem xét trách nhiệm của ông Phúc đối với cấp dưới thì cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của ông Trọng trong vấn đề nhân sự của Đảng.
“Tất cả các bộ là do Bộ Chính trị quyết định mà đứng đầu Bộ Chính trị là ông Trọng, nên ông Trọng đương nhiên là người chịu trách nhiệm lớn nhất”, ông phân tích.
“Những nhân sự như ông Phúc là nhân sự rất đặc biệt, rất tinh hoa của đảng mới được đặc cách giữ lại mà lại xảy ra những chuyện như vậy đã tác động rất xấu đến lòng tin của người dân”, ông nói thêm.
Ngoài ra, ông Chênh cũng đặt vấn đề trách nhiệm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, người kế nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc, vì những vụ bê bối Việt Á và chuyến bay giải cứu xảy ra kéo dài đến nhiệm kỳ của ông Chính.
“Qua điều này có thể thấy rằng ông Nguyễn Phú Trọng quyết liệt chống tham nhũng, không có giới hạn, không có vùng cấm. Đó là điều đáng mừng. Nhưng cũng rất đáng buồn là những cán bộ cấp cao đến vậy mà còn dính đến tham ô, tham nhũng”, ông nhận định.
“Người ta có thể thấy rằng chế độ này không thể tránh được việc cán bộ tham nhũng”, ông nói thêm.
Ông cũng bày tỏ ngờ vực việc này là đấu đá chính trị vì vài ngày trước khi có thông tin chính thức, trên mạng xã hội đã có rò rỉ việc ông Phúc bị cho thôi việc. “Chắc do bè phái nào đó muốn thăm dò dư luận”, ông phân tích.
Bản thân ông Chênh là người cùng quê Quảng Nam với ông Phúc và ông đã ‘vài lần ngồi xuống nói chuyện với ông Phúc thưở còn hàn vi’. Theo đánh giá của ông, qua những phát biểu và những việc làm của ông Phúc, vị lãnh đạo này ‘không phải là người giỏi’ nhưng ông không nghĩ ông Phúc ‘dính trực tiếp tham ô hay tham nhũng’.
“Bởi vì ông Phúc đã lên đến chức Chủ tịch nước rồi thì ông ấy cũng muốn ghi danh với lịch sử bằng những việc làm tốt đẹp”.
Chủ tịch Phúc rời chức giữa nhiệm kỳ ‘gây chấn động đảng và lòng dân’ (voatiengviet.com)
Ai kế nhiệm Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc – Tô Lâm, Trương Thị Mai hay Võ Văn Thưởng?
Xem bình luận
Các ông bà Tô Lâm, Võ Văn Thưởng và Trương Thị Mai nổi lên là những ứng cử viên hàng đầu có thể kế nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc, người vừa được Đảng Cộng sản Việt Nam chấp thuận cho rời chức vụ chủ tịch nước và các vị trí nắm quyền quyết sách trong đảng hôm 17/1.
Trên đây là những nhận định mà VOA nhận được từ tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu hiện làm việc ở Singapore, và của blogger Bùi Thanh Hiếu, một nhà phân tích, bình luận nổi danh về thời cuộc Việt Nam trong khoảng 20 năm nay.
Như VOA đã đưa tin, ông Phúc phải ra đi khi chưa tròn nửa nhiệm kỳ chủ tịch nước, là việc vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Việt Nam. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp bất thường hồi chiều 17/1, đồng ý để ông Phúc thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026, theo nguyện vọng cá nhân.
Nhà lãnh đạo này bị xác định phải chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai phó thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Hai phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, hai bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.
"Nhận thức rõ trách nhiệm trước đảng và nhân dân, đồng chí [Nguyễn Xuân Phúc] đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu", thông cáo của đảng về cuộc họp nêu rõ.
Vào chiều 18/1, quốc hội Việt Nam thực hiện phiên họp bất thường để miễn nhiệm ông Phúc theo chức năng hiến định của cơ quan lập pháp này.
Tiến sĩ Hiệp, thuộc viện nghiên cứu về Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak, nói với VOA rằng phiên họp của quốc hội không bầu ngay một vị chủ tịch nước mới vì ban lãnh đạo đảng cộng sản không vội vã, mà họ cần thời gian để tìm người có uy tín và giữ được sự ổn định trong đội ngũ lãnh đạo, sau một loạt những biến động trên chính trường Việt Nam trong nhiều tháng nay.
Ông Tô Lâm là ứng cử viên số 1?
Trong cơ chế chính trị Việt Nam, người giữ chức chủ tịch nước phải là ủy viên Bộ Chính trị, là nhóm 18 quan chức chóp bu của đảng với thẩm quyền định đoạt chính sách cao nhất. Hiện Bộ chính trị còn 16 ủy viên sau khi 2 ông Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh, nguyên Phó Thủ tướng, phải rời khỏi nhóm này.
Với hiểu biết của mình, tiến sĩ Hiệp cho rằng ông Tô Lâm, 65 tuổi, ủy viên Bộ Chính trị nhiệm kỳ 2, Bộ trưởng Công an, là khuôn mặt sáng giá nhất để kế nhiệm ông Phúc:
“Ông Tô Lâm có rất nhiều ảnh hưởng, nhiều quyền lực, có thể sẽ nhận được sự ủng hộ từ một bộ phận lớn trong Ban chấp hành Trung ương Đảng”.
Tuy nhiên, thế mạnh của ông Lâm cũng có thể biến thành điểm yếu để các đối thủ khai thác nhằm cản việc tiến cử ông. Tiến sĩ Hiệp lý giải thêm:
“Ông Tô Lâm xuất thân từ bộ Công an. Thời gian qua, bộ này có vai trò rất lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng, sẽ có nghi vấn có phải việc chống tham nhũng là để ông Tô Lâm lên nắm chức chủ tịch nước hay không. Thứ hai, gia đình ông Tô Lâm có người làm kinh doanh, cũng có thể đặt ra câu hỏi là liệu điều này có ảnh hưởng tới việc ông nắm vị trí cao hơn không?”
Vẫn tiến sĩ Hiệp nêu nhận định về người sáng giá đứng thứ hai, là nữ Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, 64 tuổi:
“Bà Mai là người có uy tín, không có vấn đề điều tiếng và có thể coi là một chính trị gia ‘sạch’. Trong bối cảnh ông Trọng chống tham nhũng, ưu tiên các chính trị gia có hồ sơ sạch, bà Mai có lợi thế nhất định. Hơn nữa, bà Mai là phụ nữ và khi giữ chức sẽ không có cạnh tranh quyền lực, không có mâu thuẫn với các lãnh đạo khác”.
Không giống suy nghĩ của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, blogger Bùi Thanh Hiếu, người thường có những thông tin riêng và sớm về nội bộ chính quyền Việt Nam, nói với VOA rằng ông Tô Lâm là ứng cử viên số 2, còn ông Võ Văn Thưởng, 52 tuổi, Thường trực Ban Bí Thư, mới là ứng cử viên số 1 cho chức chủ tịch nước.
Ông Hiếu, hiện sinh sống ở Đức, không đi sâu vào phân tích vì sao ông Thưởng được đánh giá cao hơn, song ông Hiếu lưu ý với VOA rằng nếu ông Tô Lâm lên làm chủ tịch nước, sẽ dẫn đến tình trạng Việt Nam có cả nguyên thủ quốc gia lẫn thủ tướng đều là người từng công tác ở Bộ Công an.
Chức thủ tướng lung lay
Về vấn đề kể trên, tiến sĩ Hiệp cho rằng tình hình có thể có những chuyển biến lớn, chưa chắc ông Phạm Minh Chính có thể giữ được ghế thủ tướng do đang đối mặt với những rắc rối, không loại trừ khả năng bị cho thôi chức do các vụ tham nhũng xảy ra trong thời gian vừa qua. Ông Hiệp nói:
“Nếu áp dụng logic trong quyết định cho thôi chức ông Phúc là ông phải chịu trách nhiệm cho tham nhũng trong thời ông làm thủ tướng cho đến tháng 4/2021, thì từ đó đến nay là ông Chính làm thủ tướng, và có các vụ tham nhũng thuộc vào thời của ông Chính, vì vậy, ông Chính cũng có thể gặp áp lực phải chịu trách nhiệm cho các bê bối trong thời gian qua”.
Trả lời câu hỏi khi nào Việt Nam sẽ có tân chủ tịch nước, tiến sĩ Hiệp dự báo rằng nữ Phó Chủ tịch nước hiện nay Võ Thị Ánh Xuân sẽ là Quyền Chủ tịch nước trong thời gian Bộ Chính trị và Trung ương Đảng chọn ra người phù hợp cho chức vụ này và giới thiệu cho quốc hội phê chuẩn trong phiên họp định kỳ vào tháng 5 tới.
Tuy nhiên, từ góc nhìn của mình về những diễn biến trên chính trường Việt Nam trong ít năm gần đây, blogger Bùi Thanh Hiếu cho rằng việc bãi nhiệm, bổ nhiệm quan chức lãnh đạo cấp cao ở đất nước do đảng cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo đã trở nên linh hoạt hơn nhiều:
“Họp quốc hội hay họp Trung ương không thành vấn đề với họ. Họ chỉ cần thỏa thuận ở một nhóm cấp cao với nhau. Họ chốt được ai là chủ tịch nước, họ sẽ triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường ngay lập tức và hôm sau họ cho họp quốc hội bất thường luôn, biểu quyết luôn việc bổ nhiệm chủ tịch nước mới”.
“Thời gian để họp nhóm cấp cao đó có thể diễn ra rất là nhanh. Bây giờ không phụ thuộc cuộc họp Trung ương định kỳ nữa, hay họp quốc hội định kỳ nữa”.
Hiệu quả của cuộc chiến chống tham nhũng
Theo quan sát của VOA, dư luận trên mạng xã hội thấy chấn động về việc ông Nguyễn Xuân Phúc ra đi giữa chừng khỏi chức chủ tịch nước, cũng như rất ấn tượng về cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng quyết liệt hơn, tấn công tới các quan chức ngày càng cao cấp hơn.
Blogger Bùi Thanh Hiếu bình luận:
“Khách quan mà nói, tôi nghĩ nó [cuộc chiến chống tham nhũng] làm người ta không dám tham nhũng, hối lộ nhiều quá. Họ giảm đi, cái đấy mình phải công nhận. Tất nhiên, một phần nó cũng để triệt tiêu bè phái khác. Hai cái mục đích song song với nhau, ai cũng nhìn thấy cả”.
Về phần tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, ông khẳng định rằng Tổng Bí thư Trọng và đảng cộng sản ý thức được rõ rằng tham nhũng là nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ nên họ chống tham nhũng quyết liệt.
Nhưng vì tệ nạn này đã ăn sâu trong bộ máy nên công cuộc chống tham nhũng sẽ khó khăn, cần nhiều thời gian. Việc loại bỏ các quan chức xấu, thay thế bằng các quan chức trong sạch là một phần trong tổng hợp nhiều giải pháp, ông Hiệp nói.
Nhà nghiên cứu này đề cập đến các biện pháp có tính căn bản hơn:
“Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đang tiến hành các biện pháp khác như tinh giản biên chế để có đủ ngân sách để tăng thu nhập cho những người còn được giữ lại trong hệ thống. Đi kèm là các cải cách về mặt thể chế, tăng trách nhiệm giải trình của các lãnh đạo, không chỉ là trách nhiệm đối với bản thân mà cả các hành vi của người trong gia đình hay cấp dưới, hay tạo ra văn hóa từ chức”.
“Đó là gói giải pháp của đảng cộng sản để cán bộ có thu nhập cao, không muốn tham nhũng. Thứ hai, muốn tham nhũng cũng không tham nhũng được”.
Tiến sĩ Hiệp nhận định rằng kể cả sau khi ông Trọng kết thúc nhiệm kỳ tổng bí thư, người kế nhiệm ông cũng sẽ tiếp tục theo đuổi công cuộc chống tham nhũng và cải cách.
Ai kế nhiệm Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc – Tô Lâm, Trương Thị Mai hay Võ Văn Thưởng? (voatiengviet.com)