Vì sao có người không nhận tước hiệp sĩ hoặc huân chương từ Nữ hoàng Anh?
Tuần qua, tin giáo sư Jonathan Van-Tam, người Anh có dòng máu Việt Nam, được Nữ hoàng Elizabeth II phong hiệp sĩ (knight), nhờ công lao chống Covid của ông, được các báo Anh đăng tải rộng rãi.
Bài của BBC News Tiếng Việt (Giáo sư gốc Việt được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ) còn giới thiệu ông Van-Tam là cháu nội Thủ tướng Quốc gia VN Nguyễn Văn Tâm (1893 - 1990) quyền Quốc trưởng Bảo Đại từ tháng 6/1952 đến tháng 12/1953.
Mới hôm 26/12, báo The Sunday Times có phỏng vấn riêng với ông Jonathan Van-Tam với dòng tít "người anh hùng bất ngờ trong đại dịch".
Tin về ông Jonathan Van-Tam được phong hiệp sĩ cũng được cộng đồng Việt tại Anh chia sẻ nhiều trên mạng xã hội.
Ông là một trong số nhiều người hàng năm vào dịp Năm Mới được Hoàng gia Anh phong tặng các tước vị, huân huy chương.
Nhưng không phải ai ở Anh cũng muốn nhận các tước vị từ Nữ hoàng, theo bài của Phil Hebblethwaite trên BBC News.
Không nhận vì nhiều lý do
Tỷ lệ người từ chối nhận huân huy chương, danh hiệu từ Nữ hoàng Anh đang tăng lên và đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 9 năm qua, theo số liệu tờ The Guardian đưa ra tháng 12/2020.
Từ 2011 đến 2020, đã có 443 người từ chối tước hiệp sĩ, MBE, OBE hoặc các danh hiệu khác ghi nhận công lao, sự phục vụ hoặc lòng dũng cảm của họ, theo số liệu của Văn phòng Nội các Anh công bố theo yêu cầu của Luật tự do thông tin (Freddom of Information).
Riêng trong năm 2020, 68 người từ chối nhận các danh hiệu, thường được trao vào ngày sinh nhật của Nữ hoàng và ngày đầu năm mới - chiếm 2,7% trong tổng số 2.504 người được trao - và là con số cao nhất kể từ năm 2010, theo số liệu của FoI.
Dưới đây là danh sách một số cá nhân từ chối nhận các danh hiệu của Vương quốc Anh, trong đó có ban nhạc nổi tiếng Beatles.
David Bowie (1947-2016)
David là một ca sỹ, nhạc sỹ sáng tác bài hát và diễn viên sinh ra ở Anh năm 1947. Năm 2000, ông đã từ chối nhận huân chương CBE (Commander of the Order of the British Empire), là danh hiệu cao nhất trong danh mục Order of the British Empire, tức (Thánh đoàn Đế chế Anh), tiếp sau là OBE và rồi MBE.
Năm 2003, ông tiếp tục từ chối nhận tước hiệp sỹ từ Nữ hoàng Anh. "Tôi chưa bao giờ có ý định nhận bất cứ thứ gì như vậy," ông nói với báo The Sun. "Tôi thực sự không biết nó để làm gì. Đó không phải là điều tôi cống hiến cả đời để làm việc."
Khi được hỏi về việc liệu ông có "chống chế độ quân chủ" hay không, Bowie nói: "Tôi chỉ có câu trả lời nghiêm túc nếu tôi đang sống ở đất nước này." Bowie đang sống ở Hoa Kỳ vào thời điểm đó, và ông qua đời tại đây vào năm 2016.
Humphrey Lyttelton (1921-2008)
Giống như Bowie, ông là nhạc công jazz, phát thanh viên và tác giả của một số cuốn sách về dòng nhạc jazz. Humphrey Lyttelton đã từng từ chối nhận tước hiệp sĩ, và người ta cũng cho rằng ông đã từ chối một danh hiệu khác ít vinh dự hơn trong thập niên 70.
Là người kín tiếng, Lyttelton không bao giờ cho biết lý do tại sao, nhưng con trai của ông, Stephen bình luận trên trang web của Humphrey, "Việc chấp nhận tước hiệu không bao giờ là một lựa chọn nhưng ông ấy vẫn cảm thấy day dứt. Ông ấy đã giấu kín điều đó, đặc biệt là với mẹ tôi, người luôn thúc giục ông nhận tước hiệu, như một sự ghi nhận cho sự nghiệp của ông ấy."
George Harrison
Ban nhạc The Beatles được trao huân chương MBE nổi tiếng vào năm 1965, nhưng không phải là không có tranh cãi. Năm 1969, John Lennon đã trả lại danh hiệu của mình, ông viết trong một bức thư gửi tới Nữ hoàng: "Tôi trả lại huân chương MBE của mình như một sự phản đối chống lại sự can dự của Anh vào Nigeria-Biafra, chống lại sự ủng hộ của Anh với Hoa Kỳ trong cuộc chiến ở Việt Nam."
Ít nổi tiếng hơn, George Harrison cũng từ chối với huân chương OBE vào năm 2000, có thể vì người đã từng chơi cùng ban nhạc với ông, Paul McCartney được phong tước hiệp sĩ vào năm 1997. Nhà báo Ray Connolly, người biết đến The Beatles, nói với báo the Mail, "Dù đó là bất kỳ ai quyết định trao giải OBE chứ không phải phong tước hiệp sĩ cho ông ấy là cực kỳ thiếu nhạy cảm. George hẳn sẽ cảm thấy bị xúc phạm - và với lý do rất chính đáng."
Tuy nhiên, Harrison, qua đời năm 2001, không bao giờ bình luận về lý do từ chối của mình.
Từ chối huân huy chương và tước hiệu lại càng thêm nổi tiếng?
Có vẻ như số văn nghệ sĩ tại Anh muốn khẳng định tư duy và vị thế độc lập, không chịu nhận "phần thưởng" từ Hoàng gia nhiều hơn những người từ chối giải thưởng, tước vị trong các lĩnh vực khác.
Ví dụ đạo diễn Danny Boyle đã từ chối tước hiệp sĩ.
Các nữ diễn viên Jennifer Saunders và Dawn French không nhận huân chương OBE.
Nam diễn viên John Cleese bác bỏ huân chương CBE.
Có người không muốn nhận gì từ Hoàng gia vì cho rằng các giải thưởng đó không mang tính dân chủ.
Ví dụ. hoạ sĩ LS Lowry không chỉ bác bỏ các tước vị Hoàng gia tặng ông một lần, mà 5 lần, gồm cả tước hiệp sĩ, huân chương CBE và OBE. Tuy thế, ông lại nhận bằng thạc sĩ danh dự và tiến sĩ danh dự Đại học Manchester.
Khác với không ít văn nghệ sĩ ở một số nước khao khát huân huy chương, ngôi sao truyền hình Anh, bà Nigella Lawson tuy thuộc gia đình 'con ông cháu cha' cũng từ chối huân chương OBE hồi 2001.
Bà là con gái Lord (Nigel) Lawson, cựu bộ trưởng Ngân khố Anh, người được phong quý tộc.
Nhà thơ gốc da đen, ông Benjamin Zephaniah không chỉ từ chối OBE vì ghét đế quốc Anh mà còn công bố một phát biểu phê phán Nữ hoàng và thủ tướng Anh hồi đó, ông Tony Blair.
Ông viết "No way Mr Blair, no way Mrs Queen. I am profoundly anti-empire" - tạm dịch "Đừng hòng nhé ông Blair, bà Nữ hoàng. Tôi là người chống đế quốc (Anh) sâu nặng". Cách gọi Nữ hoàng là Mrs có thể bị coi là nhạo báng nhưng vì Anh có thể chế dân chủ, tự do nên không ai "làm gì " ông Zephaniah.
Các tước hiệu này có ý nghĩa gì?
Thời phong kiến, chỉ các vua châu Âu mới có quyền phong tặng các tước vị quý tộc cho thần dân của họ.
Tính từ trên xuống, dưới hàng 'vương' (prince) dành cho thành viên hoàng tộc thì có các tước công (duke), hầu (marquis), bá (earl - chỉ ở Anh, hoặc count ở Pháp), tử (vice-count) và nam tước (baron).
Dưới các tước nói trên, thuộc nhóm 'cha truyền con nối' của chúa đất phong kiến là hiệp sĩ (knight) thường nhờ công trạng trong chiến trận mà được vua phong.
Thủ tục phong hiệp sĩ là vị quân chủ hoặc người kế vị ngai vàng cầm kiếm đập vào vai của người nhận tước.
Hệ thống tước quý tộc (noble titles) của Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Thụy Điển, Ba Lan, Nga...cũng tương tự như trên với một số khác biệt nhỏ.
Nhưng từ thế kỷ 20, nhiều quốc gia châu Âu xóa hệ thống tước vị quý tộc để chuyển sang thể chế cộng hòa.
Riêng tại Anh thực tế chỉ còn chừng 600 gia đình quý tộc thật, có điền sản và quyền kế thừa tước vị của trưởng nam (con thứ và con gái bị loại khỏi danh sách).
Dù vậy, nhu cầu tặng các tước vị mang tính danh dự, không gắn liền đất đai, gia sản vẫn có, giống như huân huy chương quốc gia ở các nền cộng hòa.
Vì thế năm 1917, khi Anh tham gia Thế Chiến I, vua Anh George V lập ra hệ thống tước 'Order of the British Empire' - Thánh đoàn Đế quốc Anh, dựa trên các dòng tu (order) của hiệp sĩ châu Âu thời xưa.
Cao quý nhất trong danh sách này là tước hiệp sĩ (knighthood), sau là CBE - Tư lệnh của Đế quốc Anh (Commander), Sĩ quan (Officer-OBE), và Thành viên (Member-MBE).
Ý tưởng của vua là tặng cho khối dân sự phục vụ nỗ lực ở hậu phương vì quân đội Anh đã có hệ thống bằng khen, huân huy chương riêng.
Ngày nay, việc tăng huân huy chương, tước vị này được xét hàng năm và Hoàng gia tặng cho ai có đóng góp cho xã hội.
Không đi kèm tiền bạc, và không có quyền trao lại cho ai khác, các tước vị, huân huy chương này chỉ có tính danh dự nên được công bố trong danh sách chung là Honour List trước Năm mới.
Xem thêm:
Thử nghĩ nếu Việt Nam có vua?
https://www.bbc.com/vietnamese/world-59858180?at_custom3=BBC+Vietnam&at_custom1=%5Bpost+type%5D&at_medium=custom7&at_custom4=C4D2FD32-6C97-11EC-AD9C-E6383A982C1E&at_campaign=64&at_custom2=facebook_page&fbclid=IwAR2rq-1oLAIw2JVPrymyLEjhNh6LvBpDsSqEv325pILkNijFs870yPOQy-Q
Geen opmerkingen:
Een reactie posten