donderdag 23 december 2021

Việt Nam và Campuchia thúc đẩy hợp tác quốc phòng, phân định biên giới

 

Việt Nam và Campuchia thúc đẩy hợp tác quốc phòng, phân định biên giới

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Thủ tướng Campuchia Hun Sen

NGUỒN HÌNH ẢNH,AFP PHOTO/ NATIONAL TELEVISION OF CAMBODIA (TVK) /

Chụp lại hình ảnh,

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Thủ tướng Campuchia Hun Sen

Các lãnh đạo Việt Nam và Campuchia thống nhất tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng và cam kết đẩy nhanh tốc độ phân định 16% đường biên giới đất liền còn lại.

Tuyên bố trên được đưa ra trong chuyến thăm cấp nhà nước trong hai ngày 21 và 22/12 của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới Campuchia.

"Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh trên nguyên tắc không cho phép bất cứ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước mình làm phương hại đến an ninh của nước kia; triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác quốc phòng, an ninh hiện có; tăng cường phối hợp duy trì ổn định chính trị, an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở mỗi nước; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ biên giới; phát huy các cơ chế hợp tác hiện có và tiếp tục nỗ lực phối hợp tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia."

"Hai bên khẳng định cam kết tôn trọng và thực hiện đầy đủ các hiệp ước về hoạch định và phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền và các hiệp định, thỏa thuận liên quan đến biên giới giữa hai nước."

Vấn đề biên giới

Tuyên bố chung nói hai nước "thúc đẩy Ủy ban liên hợp Biên giới Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam tìm giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được để giải quyết khoảng 16% đường biên giới trên đất liền chưa hoàn thành phân giới cắm mốc."

Đúng một năm trước, ngày 22/12/2020, Việt Nam và Campuchia đã tổ chức Lễ trao đổi Văn kiện Phê chuẩn "Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia" (Hiệp ước bổ sung năm 2019) và "Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia" (Nghị định thư phân giới cắm mốc) cùng ký ngày 05/10/2019.

Hai văn kiện pháp lý này ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc (khoảng 84%) biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia.

Đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia dài khoảng trên 1.200km.

Điểm khởi đầu ở vị trí là giao điểm đường biên giới giữa ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào, điểm kết thúc ở vị trí cuối cùng của đường biên giới đất liền trên bờ Vịnh Thái Lan tiếp giáp giữa tỉnh Kiên Giang (Việt Nam) và tỉnh Kampot (Campuchia).

Quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia rất gắn bó nhưng cũng đối diện nhiều vấn đề dễ phát sinh tranh cãi, liên quan tới quá khứ cuộc chiến giữa Việt Nam với Khmer Đỏ, đường biên giới trên bộ chưa cắm mốc xong và sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Campuchia.

Thủ tướng Hun Sen của Campuchia, dù được coi là đồng minh lâu năm của Việt Nam, gần đây ngày càng trở nên thân thiện với Trung Quốc, hướng đi có lẽ khiến Hà Nội quan ngại.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã gia tăng đầu tư, viện trợ và thậm chí có thông tin Trung Quốc sẽ mở căn cứ quân sự tại Campuchia.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia từ ngày 21 đến 22/12

NGUỒN HÌNH ẢNH,AFP PHOTO/ NATIONAL TELEVISION OF CAMBODIA (TVK) /

Chụp lại hình ảnh,

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia từ ngày 21 đến 22/12

Tất cả những mắc mứu trên dường như đã được đề cập trong tuyên bố chung trong chuyến thăm của ông Phúc tới đất nước chùa tháp.

Một trong những chi tiết quan trọng nhất của Tuyên bố chung ngày 22/12 là câu: "Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh trên nguyên tắc không cho phép bất cứ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước mình làm phương hại đến an ninh của nước kia."

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen chứng kiến lễ ký kết và trao đổi nhiều văn kiện hợp tác giữa hai nước.

NGUỒN HÌNH ẢNH,AFP PHOTO/ NATIONAL TELEVISION OF CAMBODIA (TVK) /

Chụp lại hình ảnh,

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen chứng kiến lễ ký kết và trao đổi nhiều văn kiện hợp tác giữa hai nước.

Thúc đẩy hộ chiếu vaccine

Bên cạnh an ninh, quốc phòng và phân định biên giới, hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như pháp lý và tư pháp, lao động và xã hội, công nghệ thông tin và truyền thông, văn hóa, thể thao, du lịch, hàng không, ngân hàng và tài chính, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, báo Phnom Penh Post cho hay.

Liên quan đến đại dịch Covid-19, Tuyên bố chung cho hay hai bên "sẽ thúc đẩy trao đổi tiến tới công nhận lẫn nhau về Hộ chiếu vaccine/Giấy chứng nhận tiêm chủng COVID-19, tạo thuận lợi đi lại cho công dân hai nước, thúc đẩy sớm mở lại đường bay thẳng giữa hai nước một cách an toàn".

Trong thời gian đại dịch Covid-19, biên giới giữa hai nước đã được thắt chặt để chống dịch, với việc phía Việt Nam lo ngại nguồn lây nhiễm từ Campuchia xâm nhập vào nước mình.

Trong chuyến thăm, ông Nguyễn Xuân Phúc đã cùng Chủ tịch Thượng viện Heng Samrin dự lễ khởi công xây dựng tòa nhà hành chính mới của Quốc hội Vương quốc Campuchia, quà tặng của Việt Nam dành cho Campuchia.

An ninh Biển Đông

Tuyên bố chung còn nói: "Hai bên nhấn mạnh lập trường chung của ASEAN về tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin, thực hiện kiềm chế, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực, bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nỗ lực hướng tới hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982."

"Hai bên cũng ủng hộ ASEAN và Trung Quốc tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 20 năm ký kết DOC."

Hôm 22/12, Thủ tướng Hun Sen và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có bữa ăn sáng với sự tham dự của 3 người con trai của ông Hun Sen, gồm Phó Tổng tư lệnh Không quân Hun Manet, Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quân đội Hun Manith và Đại biểu Quốc hội Hun Many.

Ông Hun Sen sau đó viết trên Facebook về bữa ăn sáng này: "Trong cuộc gặp, cả hai nhà lãnh đạo đều ca ngợi sự tiến bộ của quan hệ song phương toàn diện, chặt chẽ và hiệu quả của hai quốc gia trong suốt 55 năm quan hệ ngoại giao."

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59765829?at_custom1=%5Bpost+type%5D&at_campaign=64&at_custom3=BBC+Vietnam&at_custom4=75DBAF9C-63D4-11EC-9A71-B6F315F31EAE&at_custom2=facebook_page&at_medium=custom7&fbclid=IwAR0G0H41DdssgP91rMZqdpD_13uthj4mNpoQB9zAm5-ifVnKEj-JoC-5kHo

Geen opmerkingen:

Een reactie posten