Hồi ký ‘phải đọc’ về tư bản đỏ và chính trị ở Trung Quốc
Mỗi năm đều có rất nhiều, nếu không phải là quá nhiều, sách viết về kinh tế, chính trị Trung Quốc. Nhưng 'Red Roulette', của Desmond Shum, thuộc dạng hiếm có vì đây là hồi ký về một cặp vợ chồng từng leo lên tột đỉnh danh vọng, theo hầu giới chóp bu trước khi sa cơ.
Shum đã có hơn một thập niên ngồi tại trung tâm quyền lực của Bắc Kinh, nơi ông và vợ khi đó là Whitney Duan là doanh nhân hầu hạ cho vợ của Ôn Gia Bảo, thủ tướng Trung Quốc từ năm 2003 đến năm 2013.
Trong phỏng vấn với Shum đăng hôm 4/12, báo Anh The Telegraph ghi nhận: "Cùng nhau, Duan và Shum đã thăng tiến từ con số không trở thành người gác cổng ở cấp quyền lực cao nhất và tích lũy được khối tài sản trị giá hàng tỷ đôla. Và rồi, tất cả sụp đổ."
Năm 2017, Whitney Duan mất tích. Cặp vợ chồng này đã ly thân vào năm 2013, nhưng hai người còn gắn bó vì Duan vẫn là mẹ của con trai Desmond Shum.
Trong bốn năm, ông Shum và con trai Ariston, hiện 12 tuổi, không nghe thấy tin gì về Duan.
Hai tháng trước, ông thấy một tin nhắn trên điện thoại thúc giục ông gọi cho Duan.
Trên phone, Whitney Duan nói bà đã được thả tạm thời. Chính phủ Trung Quốc đã thấy báo chí phương Tây đưa tin rằng Shum chuẩn bị xuất bản một cuốn sách kể về quyền lực và tham nhũng ở Trung Quốc.
Đừng xuất bản, bà Duan thúc giục, nếu không điều tồi tệ có thể xảy ra với ông ấy, hoặc thậm chí với con trai của họ.
Khi tắt máy, Shum bị sốc. Nhưng không còn có thể quay đầu lại, ông cho ra mắt sách Red Roulette ngày 7/9/2021.
Cùng với nhau, Shum và Duan đã gây dựng được khối tài sản khổng lồ từ các giao dịch bất động sản ở Trung Quốc, từ cuối những năm 1990 cho đến khi suy thoái toàn cầu năm 2008.
Sinh ra ở Thượng Hải năm 1968, Shum có bố mẹ từng giàu có nhưng đã nghèo đi dưới thời Mao Trạch Đông.
Gia đình ông di cư sang Hong Kong khi ông còn nhỏ, và họ bắt đầu giàu có trở lại.
Sau khi du học tại Hoa Kỳ, ông trở về đại lục vào năm 1994 để làm việc tại một công ty tư nhân.
Shum thực sự làm quen với giới quyền lực là khi kết hôn với Whitney Duan, một "nữ doanh nhân có tư tưởng độc lập", như ông mô tả về cô.
Trước khi kết hôn, Duan đưa Shum đến gặp nhân vật có quyền quan trọng trong cuộc đời cô: Trương Bồi Lợi (Zhang Peili), vợ của Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là Ôn Gia Bảo.
Giống như nhiều người quyền lực, bà Trương có nhóm thân tín riêng, trong đó có Duan, một nữ doanh nhân.
Trong thập niên tiếp theo, Duan và Shum đã trở thành một cặp đôi quyền lực, vươn lên từ tầng lớp thấp lên đỉnh cao của những người siêu giàu nhờ khả năng tạo ra tiền cho người bảo trợ của họ, bà Trương. Shum viết: "Chúng tôi giống như loài cá làm sạch răng cho cá sấu."
Trong giai đoạn này, Shum nói, họ tưởng tượng rằng họ đang tạo ra một Trung Quốc dân chủ hơn, tốt đẹp hơn. Tất nhiên, họ cũng lái xe Rolls-Royces, mua đồng hồ Thụy Sĩ và ở trong các phòng khách sạn 5 sao.
Trong hồi ký, Shum liên tục tuyên bố rằng Ôn Gia Bảo không biết về quy mô kinh doanh của vợ mình.
Năm 2012, báo The New York Times đăng bài điều tra về khối tài sản kếch xù của gia đình Ôn Gia Bảo, và nêu tên của Duan.
Shum tin rằng loạt bài này là một đòn thù chính trị do kẻ thù của Ôn tung ra. Nhà báo David Barboza phủ nhận điều này và cho biết ông đã dành một năm để săn lùng tài liệu sau khi nghe tin đồn về gia đình họ Ôn.
Dù sao đi nữa, 2012 là giai đoạn chuyển đổi tại Trung Quốc với Tập Cận Bình lên ngôi Tổng Bí thư tháng 11 và Ôn Gia Bảo rời chức Thủ tướng tháng Ba 2013.
Ông Tập mở đầu một cuộc thanh trừng chống tham nhũng sâu rộng.
Shum tin rằng đã đến lúc thu dọn đồ đạc và ra khỏi Trung Quốc. Duan không đồng ý.
Năm 2015, Shum ra đi với con trai Ariston, sau khi đã chia tay Duan. Năm 2017, Duan mất tích.
Shum hiện nay đang sống tại Anh.
Khi Shum xuất bản cuốn sách, ông đã gửi nó cho một số bạn bè là chính trị gia cao cấp của Anh.
"Họ chưa bao giờ phản hồi. Họ không muốn dính tới tôi - họ vẫn muốn kiếm tiền ở Trung Quốc," Shum nói với báo The Telegraph.
Bài điểm sách trên trang Foreign Policy viết: "Cuốn sách sẽ làm nên một bộ phim kinh khủng về sự giàu có, quyền lực và sự áp bức ở Trung Quốc. Thật đáng tiếc là cũng vì sức mạnh và sự áp bức đó, không ai ở Hollywood có thể đủ can đảm để làm phim này."
Còn bài điểm sách của Jude Blanchette trên tờ Washington Post viết: "Sách của Shum nổi bật như một tài liệu nội bộ chân chính hiếm hoi về mối quan hệ ngược hẳn chủ nghĩa xã hội giữa tiền bạc và chính trị trong hệ thống chính trị độc tài của Trung Quốc. Sách phải đọc cho bất kỳ ai quan tâm đến việc xuyên thủng lớp tuyên truyền được kiểm soát và dàn dựng cẩn thận mà Bắc Kinh đã dựng lên."
Hồi ký ‘phải đọc’ về tư bản đỏ và chính trị ở Trung Quốc - BBC News Tiếng Việt
Geen opmerkingen:
Een reactie posten