maandag 16 januari 2017

Exxon-Mobil khai thác khí đốt tại Việt Nam, trị giá $20 tỷ


Exxon-Mobil khai thác khí đốt tại Việt Nam, trị giá $20 tỷ


Ông John Kerry (giữa) bước vào Phủ Thủ Tướng ở Hà Nội để hội đàm với Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Hình: AP Photo/Alex Brandon, Pool)
WASHINGTON, DC (NV) – Tập đoàn dầu khí Exxon-Mobil của Mỹ vừa ký hợp đồng khai thác khí đốt với tập đoàn PetroVietnam (PVN), một công ty quốc doanh của Việt Nam, theo tin hãng thông tấn Reuters.
Reuters trích lời PVN cho biết dự án khai thác này, ở mỏ Cá Voi Xanh, sẽ mang về cho Việt Nam gần $20 tỷ, nhưng lại không cho biết bao giờ nhận được khoản tiền này.
Mỏ Cá Voi Xanh là dự án khai thác khí đốt lớn nhất của Việt Nam, có trữ lượng khoảng 150 tỷ mét khối, và theo dự trù, sẽ bắt đầu sản xuất khí đốt cho các nhà máy điện vào năm 2023.
Lễ ký kết hợp đồng giữa Exxon-Mobil và PVN diễn ra tại Hà Nội hôm Thứ Sáu trong lúc ông John Kerry, ngoại trưởng sắp mãn nhiệm của Mỹ, đang thăm Việt Nam.
Vụ ký kết này có thể đưa thêm những rối rắm cho ông Rex Tillerson, ngoại trưởng chỉ định của Tổng Thống Tân Cử Donald Trump, và chưa thấy phản ứng của Bắc Kinh.
Ông Tillerson, cựu chủ tịch kiêm tổng giám đốc của tập đoàn dầu khí Exxon-Mobil, hôm Thứ Tư trước đó gây sửng sốt không những ở Mỹ mà còn cho cả thế giới, đặc biệt là phản ứng của Bắc Kinh, khi ông nói trong cuộc điều trần ở Thương Viện rằng nên cấm Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp và đang biến thành các căn cứ quân sự khổng lồ ở quần đảo Trường Sa.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Tillerson chọc tức Bắc Kinh.
Trước đây, khi ông lãnh đạo công ty, Exxon-Mobil từng dò tìm và hợp tác với Việt Nam chuẩn bị khai thác mỏ khí đốt này, nằm ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi, thuộc các lô 117,118 và 119.
“Hai quốc gia chúng ta đã nỗ lực rất lớn để cho quá khứ (thù địch) trở về quá khứ và định hướng một tương lai (thân hữu) khác,” Ngoại Trưởng John Kerry nói, khi gặp Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm Thứ Sáu.
Trong khi nhiều hãng dầu khí khác của Mỹ đã bỏ chạy trước các áp lực của Trung Quốc ở những lô có thể dính tới “Đường Lưỡi Bò” thì Exxon-Mobil vẫn lặng lẽ ở lại, dò tìm và đã thấy một mỏ khí lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam, cách bờ biển khoảng 100 km.
Cái phức tạp là dù nằm hoàn toàn trong phạm vi 200 hải lý đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển (UNCLOS), mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên ký công nhận, cả ba lô này đều có “Đường Lưỡi Bò” chủ quyền mà Bắc Kinh tuyên bố vắt ngang qua.
Từ Tháng Năm, 2011, Exxon-Mobil đã khoan ba giếng tại lô 118, hai giếng tìm thấy khí đốt.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã lên tiếng đe dọa Việt Nam cũng như các công ty dầu khí quốc tế tham gia dò tìm, khai thác dầu khí tại vùng biển Việt Nam vì dính “Đường Lưỡi Bò” nên các hoạt động của Exxon-Mobil đã khựng lại.
Hồi Tháng Tám, 2016 vừa qua, Việt Nam loan báo thành lập hai trung tâm khí điện miền Trung ở Quảng Nam và Quảng Ngãi để sử dụng lượng khí khai thác từ mỏ Cá Voi Xanh. Theo các nguồn tin trong nước, vị trí tiếp bờ của dòng khí khai thác từ mỏ Cá Voi Xanh và nhà máy xử lý khí đặt tại khu kinh tế mở Chu Lai (thuộc xã Tam Quang, huyện Núi Thành).
Đồng thời, Việt Nam định xây dựng bốn nhà máy nhiệt điện khí tổng công suất 3,000 MW (sử dụng khí mỏ Cá Voi Xanh), công suất mỗi nhà máy 750MW, trong đó, có hai nhà máy tại Tam Quang và hai nhà máy đặt tại xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (khu kinh tế Dung Quất).
Được biết, mỏ khí Cá Voi Xanh ước tính trữ lượng gấp ba lần mỏ Lan Tây và Lan Đỏ, thuộc dự án khí Nam Côn Sơn, lớn nhất Việt Nam tại thời điểm hiện tại.
Năm 2014, đã thấy có những tin tức về các cuộc đàm phán để Exxon-Mobil đầu tư lối $10 tỷ cho dự án từ khai thác, chuyển vận đến xây dựng các nhà máy điện sử dụng nguồn khí đốt của mỏ Cá Voi Xanh.
Bây giờ, có lẽ đã có những thỏa thuận cụ thể nên nhà đầu tư Mỹ mới bắt đầu châm tiền vào. Nếu được tiến hành sớm, các nhà máy nhiệt điện dự trù đặt tại khu kỹ nghệ Dung Quất (Quảng Ngãi) có thể bắt đầu phát điện từ năm 2023.
Nhưng liệu Bắc Kinh có “khoanh tay ngồi yên” để Exxon-Mobil khai thác dầu khí ở khu vực họ ngang ngược tuyên bố chủ quyền? Chưa thấy Bắc Kinh phản ứng chính thức gì ngoài những lời thách đố bán chính thức qua tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc, thách Mỹ “phát động chiến tranh.” (TN)

http://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/exxon-mobil-khai-thac-khi-dot/

Dù Biển Đông căng thẳng, Việt Nam vẫn ký thỏa thuận với Exxon Mobil

media
Một cơ sở của tập đoàn dầu khí Exxon Mobil tại Texas, Hoa KỳREUTERS
Ngày 13/01/2017, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ( PVN ) đã cùng với Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã ký với tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon Mobil hai văn bản : thỏa thuận khung phát triển dự án khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh và thỏa thuận khung hợp đồng bán khí của mỏ này.
Mỏ khí Cá Voi Xanh là dự án khí lớn nhất ở Việt Nam từ trước đến nay. Mỏ này nằm cách bờ biển tỉnh Quảng Nam, miền Trung Việt Nam, khoảng 80 km, với trữ lượng được ước tính khoảng 150 tỷ mét khối khí. Mục tiêu mà dự án đề ra là sẽ đạt dòng khí đầu tiên vào năm 2023 để cung cấp cho miền Trung Việt Nam. Nhưng mỏ khí Cá Voi Xanh nằm trong vùng biển đang tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Thỏa thuận nói trên được ký kết đúng vào lúc ông John Kerry đang viếng thăm Việt Nam lần cuối trong cương vị ngoại trưởng Mỹ, còn ông Nguyễn Phú Trọng công du Trung Quốc lần đầu tiên kể từ khi tái đắc cử tổng bí thư Đảng. Một sự trùng hợp về thời điểm nhưng nó cũng phản ánh chính sách của Việt Nam gọi là « đa phương hóa và đa dạng hóa » quan hệ ngoại giao.
Thỏa thuận này cũng được ký chỉ vài ngày sau khi ngoại trưởng được chỉ định của Mỹ, Rex Tillerson, nguyên là một lãnh đạo của tập đoàn Exxon Mobil, đã gây phản ứng giận dữ từ báo chí chính thức của Trung Quốc, khi lên tiếng yêu cầu cấm Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo ở Biển Đông, vì theo ông việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo này là « phi pháp », chẳng khác gì việc nước Nga sát nhập vùng Crimée của Ukraina.
Khi còn là một lãnh đạo của Exxon Mobil, ông Tillerson đã từng « nếm mùi » áp lực của Trung Quốc muốn ngăn cản tập đoàn dầu khí Mỹ đầu tư khai thác ở Việt Nam. Trong một bài viết đề ngày 16/01/2017, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Úc, nhắc lại rằng vào năm 2007 ông nhận được thông tin là tình báo Trung Quốc đã lấy được một bản sao Chiến lược biển của Việt Nam đến năm 2020. Chiến lược này đề ra kế hoạch gắn nền kinh tế vùng bờ biển với các tài nguyên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong đó có cả dầu khí.
Giáo sư Carl Thayer cho biết, lúc đó phía Trung Quốc đã cảnh cáo các tập đoàn dầu khí phương Tây là nếu giúp Việt Nam khai thác dầu khí, thì quyền lợi của họ ở Trung Quốc sẽ bị tổn hại. Theo nhật báo Hồng Kông The South China Morning Post, vào năm 2008, Exxon Mobil đã công khai xác nhận những áp lực đó của Trung Quốc. Nhưng giáo sư Thayer nhận định, bằng chính sách « cây gậy và củ cà rốt » mà Hoa Kỳ thi hành với Trung Quốc, phía Bắc Kinh đã ngưng sách nhiễu các tập đoàn dầu khí Mỹ làm ăn với Việt Nam.
Vấn đề là sau những tuyên bố của ông Tillerson về Biển Đông, chưa biết là Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao về thỏa thuận vừa được ký giữa Việt Nam với Exxon Mobill, nhất là vì mỏ khí Cá Voi Xanh nằm tại vùng biển đang tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc. Tất cả tùy thuộc phần lớn vào quan hệ Mỹ - Trung dưới thời tổng thống Donald Trump. Hiện giờ Bắc Kinh còn tỏ ra thận trọng, mềm mỏng trước những tuyên bố cứng rắn của các bộ trưởng tương lai cũng như của bản thân ông Trump. Nhưng chắc chắn là Trung Quốc sẽ không khoanh tay ngồi yên nếu chính quyền mới của Mỹ thi hành một chính sách gây tổn hại cho lợi ích của họ, đặc biệt là tại Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170117-bien-dong-cang-thang-viet-nam-thoa-thuan-exxon-mobil

Geen opmerkingen:

Een reactie posten