maandag 15 augustus 2016

Nhà giàu Việt đổ tiền trùng tu di tích... Mỹ để có "thẻ xanh" + Nguy cơ mất tiền khi đầu tư định cư Mỹ

Thứ hai, 15/8/2016 | 14:38 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ | Print
Thứ hai, 15/8/2016 | 14:38 GMT+7

Nhà giàu Việt đổ tiền trùng tu di tích Mỹ để có thẻ xanh

Trong những dạng đầu tư để được cấp thẻ xanh vào Mỹ, hình thức kêu gọi trùng tu di tích lịch sử đang được quan tâm hơn hết.

Có nhu cầu định cư tại Mỹ thông qua con đường đầu tư, anh Hùng - một doanh nhân ở TP HCM quyết định đăng ký tham gia buổi hội thảo về các cơ hội đầu tư do một công ty tư vấn tổ chức. Gọi là hội thảo song anh Hùng được hướng dẫn đến một phòng họp khá nhỏ tại cao ốc văn phòng trên đường Ký Con (quận I). 
Cùng tham gia với anh Hùng có khoảng 20 người, trong đó có 3-4 người trung niên, còn lại đều là những gương mặt khá trẻ, chỉ khoảng trên 30 tuổi. Tại đây, cô chuyên viên tư vấn giới thiệu về việc đầu tư vào bất động sản ở Mỹ an toàn hơn những mô hình kinh doanh khác, vì là tài sản cố định, giá trị lớn, nhiều dự án được chính phủ hỗ trợ nên nhà đầu tư có thể an tâm rót tiền. "Tất nhiên, nhà đầu tư cũng sẽ được “trả công” bằng thẻ xanh và được hoàn lại 100% số tiền bỏ ra", nhân viên này giới thiệu.
nha-giau-viet-do-tien-trung-tu-di-tich-my-de-co-the-xanh
Ngoài những quốc gia quen thuộc, thì dịch vụ chào mời nhập cư còn có thêm những cái tên mới nổi như Malta đảo Síp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland, Cộng hoà Dominica...
Cũng tại buổi hội thảo, anh Hùng được cung cấp thông tin về dự án cải tạo di tích lịch sử “Viện Hành chính Quân y” thành “Quảng trường Kỷ Nguyên - Centennial Plaza” tại bang Mississippi trị giá 151 triệu USD với các khu giải trí, thương mại, khách sạn... diện tích 2,9 ha.
Theo đại diện công ty tư vấn, những dự án trùng tu, cải tạo di tích lịch sử thu hút nhà đầu tư hơn các dự án xây mới vì được Chính phủ Mỹ hỗ trợ thuế, tín dụng, không cần chờ sinh lời để đảo nợ, hoàn vốn... Cô chuyên viên kết luận “đây là cách an toàn nhất để có thể có thẻ xanh Mỹ”, khiến nhiều người có mặt trong phòng bắt đầu xôn xao, gật gù nhìn nhau.
Hiện nay, việc tìm kiếm một quốc tịch nước ngoài thông qua hình thức đầu tư để định cư không còn quá xa lạ tại Việt Nam. Mỹ là quốc gia được xem đứng đầu về tỷ lệ các hồ sơ xin đầu tư định cư, theo sau là Canada và Australia. Tuy nhiên, trước tình trạng nhập cư ồ ạt, các chính sách nhập cư dưới dạng này đã khó hơn rất nhiều so với khoảng thời gian vài năm về trước. 
Chẳng hạn, đối với chương trình đầu tư định cư của chính phủ Mỹ (EB-5) được Quốc hội nước này thông qua vào năm 1990, mức đầu tư ít nhất là 500.000 USD và phải có sự đồng ý của Sở Di trú Mỹ. 
Theo thông tin của nhiều trung tâm tư vấn, chương trình EB-5 được xem là chương trình an toàn nhất cho người nước ngoài đến Mỹ định cư dưới hình thức đầu tư. Mỗi năm, Chính phủ Mỹ cấp 10.000 visa theo diện EB-5. Sau khoảng hai năm từ thời điểm nộp đơn, nhà đầu tư sẽ được cấp thẻ xanh.
Tuy nhiên, sau 30/9/2016, mức đầu tư thấp nhất sẽ được tăng lên 800.000 USD. Do đó, đang có sự chạy đua của các nhà đầu tư để nhanh chóng tiến hành hoàn tất nộp hồ sơ trước thời điểm này. 
Cụ thể, mức đầu tư vào khu vực khuyến khích phát triển sẽ tăng từ 500.000 USD lên 800.000 USD; khu vực không khuyến khích phát triển từ 1 triệu USD lên 1,2 triệu USD; khu vực đô thị trung tâm sẽ không còn đươc ưu tiên phát triển và lệ phí tăng từ 1.500 USD lên 3.675 USD.
Theo một chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực này, hình thức đầu tư phổ biến nhất của người Việt Nam là vào các dự án hoặc trùng tu, chuyển đổi chức năng các di tích lịch sử để không thành các khu thương mại, văn phòng có sinh lời. Tuy nhiên, với các dự án này, nhà thầu sẽ dành riêng một khoản tiền để hoàn trả 100% vốn các nhà đầu tư định cư dạng EB-5 ngay sau khi dự án hoàn công, do đã có hàng loạt ưu đãi thuế cho việc trùng tu di tích lịch sử từ chính quyền tiểu bang lẫn liên bang.
Đầu tư dạng này được xem an toàn hơn đầu tư xây mới dự án vì khi xây mới, việc hoàn vốn có thể nhanh chậm phụ thuộc vào uy tín, khả năng kêu gọi tài chính của nhà thầu và tình trạng kinh doanh lời lỗ của dự án.
Tuy nhiên, số lượng nhà đầu tư cho mỗi chương trình đầu tư cũng rất giới hạn, song song với việc mức đầu tư tối thiểu ngày càng tăng. Do đó, giới nhà giàu cũng phải chạy đua để nhanh chóng có lấy một suất quốc tịch cho mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng đảm bảo tất cả các điều kiện để nộp hồ sơ đầu tư, cho dù tiền là thứ họ không thiếu. Vấn đề là nguồn tiền của họ phải được chứng minh là tiền “sạch”. Điều này dẫn đến các dịch vụ tư vấn đầu tư định cư tại Việt Nam đang xuất hiện như nấm. 
Nhiều công ty tư vấn sẵn sàng tổ chức các buổi hội thảo hướng dẫn, giới thiệu đầu tư miễn phí tại các khách sạn 5 sao để thu hút nhà đầu tư. Tất nhiên, với mức đầu tư lên đến hàng triệu USD thì giá dịch vụ của những công ty này cũng cao ngất ngưởng. 
Tham khảo biểu phí của một trung tâm tư vấn đầu tư quốc tế, với một suất đầu tư dạng EB-5 trị giá 500.000 USD tại Mỹ thì trung tâm này bỏ túi 20.000 USD phí dịch vụ. Ngoài ra còn có phí luật sư 12.000 USD, phí quản lý dự án 50.000 USD và các loại thuế, phí khác phải nộp cho chính phủ, Sở Di trú Mỹ. Tổng chi phí cho suất đầu tư này rơi vào khoảng 590.000 USD.
Vĩnh Viễn

http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/nha-giau-viet-do-tien-trung-tu-di-tich-my-de-co-the-xanh-3450550.html

Thứ hai, 20/6/2016 | 10:00 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ | Print
Thứ hai, 20/6/2016 | 10:00 GMT+7

Nguy cơ mất tiền khi đầu tư định cư Mỹ

Nhà đầu tư góp vốn vào dự án tại Mỹ có khả năng mất trắng, kể cả khi dự án được bảo trợ bởi Chính phủ hay nhận sự ủng hộ từ chính trị gia.

Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) vừa ra thông báo điều tra công ty quản lý vùng bang Vermont và dự án khu phức hợp Jay Peak. Kết quả sơ bộ cho thấy, chủ dự án dùng sai mục đích hơn 200 triệu USD và bỏ túi khoảng 50 triệu USD để tiêu xài cá nhân. Điều này khiến nhiều người đổ vốn vào dự án, trong đó có không ít người Việt lo ngại mất tiền và không được chấp thuận định cư.
Theo ông Trần Văn Tỉnh - sáng lập viên IMM Group, vụ bê bối trên cho thấy chương trình đầu tư định cư Mỹ diện EB-5 có không ít góc khuất. Ông chia sẻ những rủi ro mà nhà đầu tư có thể vướng phải khi muốn trở thành công dân Mỹ kiểu này.
ông Trần Văn Tỉnh - sáng lập viên IMM Group
Ông Trần Văn Tỉnh - sáng lập viên IMM Group.
- Ông đánh giá thế nào về nguy cơ trắng tay của nhà đầu tư khi chọn cách đến Mỹ bằng hình thức đầu tư EB-5?
- Thông thường, nhà đầu tư không đóng tiền trực tiếp vào dự án mà chuyển vào một công ty TNHH gọi là General Partner (GP). Công ty này hoạt động độc lập với nhà phát triển dự án, do công ty quản lý vùng (Regional Center) hoặc một số công ty khác quản lý. GP chịu trách nhiệm quản lý vốn, phân bổ dòng tiền vào dự án theo tiến độ thi công hoặc điều khoản hợp đồng ký kết.
Tuy nhiên, tại khu phức hợp Jay Peak, GP được xem như "sân sau" của chủ đầu tư dự án, có những mối liên hệ ngầm mật thiết với nhau. Do đó, mặc dù công ty quản lý vùng Vermont được vận hành bởi chính phủ, có uy tín và nhiều kinh nghiệm về EB-5 nhưng vẫn bị qua mặt. Kiểm soát GP nên chủ dự án toàn quyền sử dụng vốn để chuyển sang đầu tư các công trình khác, dùng trái phép cho mục đích cá nhân. Khi các nhà đầu tư trước khiếu kiện vì không được hoàn vốn thì sai phạm bắt đầu bộc lộ, do thiếu hụt nguồn tiền để xây dựng Jay Peak mà không có khoản nào bù đắp vào.
Vụ bê bối này gây rúng động bởi dự án Jay Peak còn được các chính trị gia ủng hộ. Cả 2 đời thống đốc và nhiều nghị sĩ bang còn sang các nước khác để tiếp thị. Cụ thể năm 2013, thống đốc bang Vermont cùng ban điều hành Jay Peak qua Việt Nam để quảng bá dự án Jay Peak với các nhà đầu tư EB-5.
Điều này cho thấy dự án được bảo trợ bởi các công ty quản lý vùng lâu năm, được vận hành bởi chính phủ hay nhận ủng hộ từ chính trị gia không phải là yếu tố quyết định sự minh bạch, an toàn. Mỗi dự án có cấu trúc tài chính riêng, cơ cấu vận hành khác biệt, mức độ thành công khác nhau.
Nếu công ty quản lý quỹ vận hành với vai trò độc lập và đủ năng lực thì khâu quản lý, giám sát sử dụng vốn và chi tiêu tiền mới đúng mục đích, tránh trường hợp chủ đầu tư "tự biên tự diễn" dẫn đến thất thoát.
- Vậy ai sẽ đứng ra giải quyết các thiệt hại cho nhà đầu tư?
- Hiện tại chưa có hướng giải quyết cụ thể. Chính quyền bang đang thanh lọc những hợp phần trong khu phức hợp đã triển khai tốt nhằm đưa ra giải pháp cứu vãn. Tuy nhiên, chắc chắn không ít nhà đầu tư bị mất tiền và không thể xin xóa điều kiện thẻ xanh, đồng nghĩa với việc họ sẽ phải quay về nước.
Một số tài sản của chủ dự án đã bị phong tỏa và tòa cử người xuống Vermont tạm điều hành dự án trong lúc cuộc điều tra tiếp diễn. Chủ dự án Jay Peak sẽ bị phạt hành chính nặng, chưa kể đến khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự. Tòa cũng gửi trát yêu cầu văn phòng thống đốc bang cung cấp hàng trăm nghìn e-mail liên quan đến dự án EB-5 này trong nhiều năm qua để hỗ trợ cho việc điều tra.
- Hàng loạt vụ bê bối liên quan đến hình thức định cư ở Mỹ theo kiểu rót vốn đầu tư, nhưng vẫn có nhiều người Việt đăng ký tham gia. Lý do vì sao, thưa ông?
- Có được thẻ xanh sẽ tạo điều kiện dễ dàng trong việc kinh doanh toàn cầu và có thêm phúc lợi trong việc học hành của con cái. Nhiều người Việt chọn đầu tư vào dự án tại Mỹ theo diện EB-5 để lấy thẻ xanh do mô hình này có ưu điểm. Không đặt nặng yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm quản lý, ngoại ngữ, độ tuổi..., chỉ cần khoản vốn đầu tư tối thiểu 500.000 USD và tạo ra khoảng 10 việc làm cho người bản địa là có thể được chấp nhận định cư. Tuy nhiên hình thức này vẫn có nhiều rủi ro tiềm ẩn.
- Những rủi ro thường gặp nhất là gì?
- Ngoài rủi ro của việc chứng minh nguồn tiền thiếu thận trọng có thể dẫn đến hồ sơ bị từ chối thì rủi ro tiếp theo là phía quản lý vốn đầu tư vào dự án.
Hiện các dự án EB-5 do các công ty quản lý vùng (Regional Center) lập nên và Sở Di trú Mỹ thẩm định, cấp phép. Bên cạnh những công ty lớn thì cũng có nhiều công ty quản lý vùng mới gia nhập thị trường nên chưa có kinh nghiệm cấu trúc và triển khai dự án EB-5. Do đó, nếu đầu tư vào dự án của những "tay mơ" thì khả năng bị chậm tiến độ hay không đảm bảo hiệu suất kinh doanh rất cao.
Một số Regional Center lấy lợi thế là có nhiều năm kinh nghiệm "đẻ" cùng lúc nhiều dự án nên thường "nhân bản" kế hoạch phát triển, dẫn đến giải pháp thực hiện, phương án kinh doanh na ná nhau, thiếu tính thực tiễn, thiếu sự thận trọng trong kiểm soát vốn và dự án. Hay dự án có quy mô quá lớn sẽ gây khó khăn trong việc phân bổ việc làm cho mỗi nhà đầu tư EB-5.
Rủi ro còn đến từ việc mất tiền nếu dự án không có một bên thứ 3 độc lập đứng ra quản lý dòng tiền hoặc công ty quản lý vốn này không có nhiều năm kinh nghiệm trong EB5.
- Làm cách nào để nhà đầu tư xác định dự án đủ cơ sở pháp lý, khả năng tài chính đảm bảo, vận hành đúng kế hoạch?
- Câu chuyện của Jay Peak cũng như nhiều dự án EB-5 khác chỉ ra nhiều nhà đầu tư bỏ tiền theo trào lưu chứ không dựa trên những phân tích cụ thể. Việc thẩm định chỉ được nhà đầu tư lướt qua do tài liệu liên quan đến dự án có thể lên đến vài nghìn trang. Cần đọc kỹ các thông tin pháp lý, điều khoản công bố rủi ro để biết được quyền lợi, trách nhiệm và quyền hạn của mình khi đầu tư vào dự án.
Từ vụ Jay Peak cho thấy, nhà đầu tư không nên quá tin những thông tin được quảng cáo như quy mô dự án, thương hiệu nhà phát triển, yếu tố chính phủ... để đưa ra quyết định. Cần thẩm tra kỹ các yếu tố liên quan đến chủ đầu tư như sức khỏe tài chính, độ tín nhiệm, kế hoạch trả nợ… Bên cạnh đó, công ty quản lý vốn mới là pháp nhân có trách nhiệm pháp lý hoàn vốn cho nhà đầu tư chứ không phải chủ dự án. Do vậy, quan trọng không kém là việc xác minh khả năng thực tế của công ty quản lý vốn vì đây chính là người quyết định tiền đầu tư sẽ đổ về đâu và hoàn vốn như thế nào.
Hiện tại, một số công ty tư vấn dịch vụ EB-5 thổi phồng ưu điểm của dự án, không công bố những rủi ro mà nhà đầu tư có thể đón nhận. Vì thế, bạn nên chọn những công ty uy tín, minh bạch để được tư vấn. Các công ty này cần có đạo đức nghề nghiệp và đủ chuyên môn trong lĩnh vực tài chính, các chuyên gia CPA, chuyên gia trong lĩnh vực EB-5 và quản lý vốn để làm thẩm tra dự án.
USCIS là cơ quan quản lý Chương trình đầu tư nhập cư hay còn được biết đến với tên gọi "EB-5". Loại visa này được Quốc hội Mỹ áp dụng từ năm 1990 với mục tiêu kích thích nền kinh tế Mỹ thông qua việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động Mỹ. Kể từ khi chương trình thí điểm lần đầu tiên vào năm 1992 và sau nhiều lần tái cấp phép thì visa EB-5 được xác định chỉ dành riêng cho các nhà đầu tư vào Trung tâm vùng do USCIS chỉ định, dựa trên các đề xuất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Minh Trí

Geen opmerkingen:

Een reactie posten