dinsdag 2 augustus 2016

Cơ quan chống rửa tiền (MAS) tại Singapore bước vào hoạt động + Malaysia: Bê bối ngân hàng 1MDB, làm thất thoát ba tỷ đô la

Cơ quan chống rửa tiền tại Singapore bước vào hoạt động

mediaTrụ sở của Cơ quan Giám sát Tiền tệ Singapore.Reuters
Hôm nay, 01/08/2016, ngân hàng trung ương Singapore chính thức đưa cơ quan chống rửa tiền vào hoạt động, nhằm tăng cường việc ngăn chặn các dòng tiền phi pháp vào-ra trung tâm tài chính này.
Các quan chức của Cơ quan giám sát tiền tệ Singapore (MAS) cho biết, kế hoạch thành lập một bộ phận chuyên trách đã có từ trước khi xẩy ra vụ bê bối liên quan đến quỹ đầu tư 1MDB của Malaysia và một số ngân hàng hoạt động ở Singapore.
Vào tháng Sáu, khi thông báo về việc thành lập bộ phận này, một phát ngôn viên của MAS cho biết, một đơn vị chống rửa tiền tập trung mới sẽ kế thừa những thành quả trước đó cũng như những nguồn lực khác từ MAS. Giám đốc điều hành MAS cho biết thêm, vì trung tâm tài chính Singapore ngày càng lớn, phức tạp và hội nhập, rủi ro bị lợi dụng vì mục đích phi pháp vì vậy cũng sẽ tăng theo.
Năm ngoái, Singapore mở cuộc điều tra các dòng vốn có liên quan đến quỹ đầu tư 1MDB của Malaysia, có dính líu tới thủ tướng Malaysia Najib Razak. Vào tháng Năm năm nay, Singapore rút giấy phép hoạt động của ngân hàng Thụy Sĩ BSI vì có liên quan đến quỹ đầu tư của Malaysia.
Trong một thông cáo hôm thứ Bảy (30/7/2016) vừa qua, MAS cho biết sẽ cứng rắn đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm các quy định, trong đó có các quy định về chống rửa tiền. Vào ngày 21/07/2016, MAS công bố kế hoạch điều tra bốn ngân hàng vi phạm nghiêm trọng các quy định về chống rửa tiền, phong tỏa 117 triệu đô-la tài sản có liên quan đến 1MDB.
Vào tháng Năm năm nay, Singapore rút giấy phép hoạt động của ngân hàng Thụy Sĩ BSI vì có liên quan đến quỹ đầu tư của Malaysia. Cũng liên quan đến quỹ đầu tư 1MDB, tuần trước, nhà chức trách Hoa Kỳ đã yêu cầu Ngân hàng đầu tư Mỹ cung cấp các tài liệu có liên quan đến các giao dịch với quỹ đầu tư 1MDB.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160801-singapore-dua-don-vi%CC%A3-cho%CC%81ng-ru%CC%89a-tie%CC%80n-va%CC%80o-hoa%CC%A3t-do%CC%A3ng

Singapore tịch thu gần 180 triệu đô la của quỹ Malaysia 1MDB

mediaQuỹ đầu tư Nhà nước Malaysia 1MDB.REUTERS/Olivia Harris/Files
Một ngày sau khi Mỹ thông báo mở chiến dịch chống tham nhũng nhắm vào quỹ 1MDB của Malaysia, đến lượt Singapore thông báo đã tịch thu gần 180 triệu đô la của quỹ đầu tư này. Một nửa số tiền bị tịch thu nói trên có liên quan đến một doanh nhân Malaysia thân cận với gia đình thủ tướng Najib Razak.
Quỹ  đầu tư Nhà nước 1MDB do thủ tướng Malaysia Najib Razak thành lập từ năm 2009. Sau một năm tai tiếng, tháng 4/2016, Quốc hội Malaysia đề nghị điều tra về vụ quỹ làm thất thoát 3 tỷ đô la. Tổng số nợ của quỹ đầu tư 1MDB hiện lên tới gần 12 tỷ đô. Thủ tướng Malaysia bị cáo buộc đã tìm mọi cách để ngăn chặn việc điều tra.
Đây là lần đầu tiên Singapore thông báo đã tịch thu một khoản tài sản gần 180 triệu đô la của quỹ đầu tư Nhà nước Malaysia và một nửa khoản tiền đó thuộc về doanh nhân Low Taek Jho, thân cận với thủ tướng Malaysia. Quyết định này được đưa ra một ngày sau khi Hoa Kỳ tiến hành thủ tục tịch thu gần một tỷ đô la cũng liên quan đến quỹ 1MDB.
Ngày 19/07/2016 bộ Tư Pháp khởi động thủ tục pháp lý nhắm vào quỹ đầu tư Malaysia trong khuôn khổ một loạt tai tiếng có liên quan đến « hàng trăm triệu đô la bị biển thủ ». Hoa Kỳ nghi ngờ các khoản tiền đó có dính líu trực tiếp đến quỹ 1MDB và liên lụy đến nhiều nhân vật thân cận với chính quyền Kuala Lumpur. Số tiền bị biển thủ có thể lên tới 3 tỷ đô la qua trung gian một loạt các công ty bình phong.
Theo lời bộ trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ bà Loretta Lynch, thủ tục pháp lý nói trên nhằm chứng minh rằng nước Mỹ không là « nơi dung thứ cho những kẻ biển thủ công quỹ vì lợi ích cá nhân ». Những khoản tiền tịch thu sẽ được hoàn trả lại cho Malaysia.
Tai tiếng bê bối tài chính của quỹ 1MDB liên lụy trực tiếp đến thủ tướng Malaysia, Najib Razak. Ông bị tố cáo nhận một tỷ đô la từ quỹ này. Nhưng theo các nhà quan sát, vụ xì căng đan nói trên còn lôi vào vòng xoáy nhiều cơ quan tài chính khác, trong đó có Goldman Sachs. Chính tập đoàn ngân hàng Mỹ này đã giúp 1MDB huy động vốn.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160721-singapore-tich-thu-gan-180-trieu-do-la-cua-quy-malaysia-1mdb

Malaysia: Bê bối ngân hàng 1MDB, hàng loạt lãnh đạo quỹ từ chức

mediaThủ tướng Najib Razak phát biểu tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 25/01/2016.REUTERS/Olivia Harris
Sau khi Quốc Hội Malaysia đề nghị điều tra về vụ ngân hàng phát triển công 1MDB làm thất thoát ba tỷ đô la, nhiều lãnh đạo của ngân hàng đã từ chức ngày 07/04/2016.
Vụ bê bối liên quan đến ngân hàng, do thủ tướng Malaysia Najib Razak thành lập trước đây, thu hút chú ý của công luận từ một năm qua. Thủ tướng Malaysia bị cáo buộc đã tìm mọi cách để ngăn chặn việc điều tra.
Thông tin về vụ từ chức hàng loạt tại 1MDB nói trên được nhật báo Anh Quốc The Guardian loan báo. Về sự kiện mới này, báo mạng độc lập Malay Mail Online có cuộc phỏng vấn với một luật gia nổi tiếng, ông Zaid Ibrahim, nguyên là bộ trưởng phụ trách cải cách tư pháp của chính phủ Malaysia.
Luật gia Zaid Ibrahim cho biết ông cũng vừa được nghe nói về vụ ban lãnh đạo 1MDB từ chức, và đây là “một sự kiện gây ấn tượng”. Tuy nhiên, cựu bộ trưởng Malaysia nhấn mạnh việc các thành viên ban lãnh đạo 1MDB từ chức có thể được sử dụng như một thủ đoạn để ngăn chặn cuộc điều tra. Theo ông, sự thật về ngân hàng công 1MDB chỉ có thể được làm sáng tỏ nếu một đảng khác lên cầm quyền, và cách duy nhất để làm sáng tỏ sự thật là cử tri phế truất chính phủ của đảng Barisan Nasional, do thủ tướng Najib Razak lãnh đạo, trong các cuộc bầu cử sắp tới.
Theo AFP, trong bản báo cáo 106 trang của Quốc Hội Malaysia, được công bố vào ngày 07/04/2016, ủy ban kiểm toán của Quốc Hội đã quy hết trách nhiệm cho cựu thống đốc ngân hàng 1MDB Sharol Azral Ibrahim Halmi, nhưng hoàn toàn không đụng đến thủ tướng Najib Razak.
Trong khi đó, theo AFP, ngày 08/04, một lãnh đạo đối lập chủ chốt, ông Rafizi Ramli, phó chủ tịch đảng đối lập Công Lý Của Nhân Dân Malaysia (đảng Keadilan Rakyat), một nghị sĩ Quốc Hội, vừa bị tư pháp cáo buộc hai tội, xâm phạm bí mật nhà nước và phỉ báng. Phó chủ tịch đảng Công Lý Của Nhân Dân bị cáo buộc đã tiết lộ thông tin mật hồi tuần trước về một quỹ hưu trí quân đội, có liên hệ với một ngân hàng lớn của Nhà nước đang gặp khó khăn.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch ngay lập tức lên án các cáo buộc nói trên của tư pháp Malaysia nhắm vào nghị sĩ đối lập.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160408-be-boi-ngan-hang-1mdb-malaysia-hang-loat-lanh-dao-quy-tu-chuc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten