vrijdag 6 mei 2016

Việt Nam : Vụ cá chết: 'Đủ bằng chứng để kết luận'? + Báo nước ngoài nói gì?

Vụ cá chết: 'Đủ bằng chứng để kết luận'?

  • 6 tháng 5 2016
Một nhà khoa học nghiên cứu về hải dương nói trong Bàn tròn thứ Năm rằng, vụ cá chết là thảm họa môi trường nghiêm trọng, đã có thể đưa ra kết luận về nguyên nhân dựa trên bằng chứng khoa học mà giới chức Việt Nam không nên "để lâu hơn nữa."
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tác An nói trong thảo luận trực tuyến hôm 05/05: "Cá chết là thảm họa môi trường, không nên để lâu nữa. Theo quan điểm của tôi, những cơ sở đấy [chứng cứ khoa học] có thể kết luận được nguyên nhân rồi.
"...Khoảng hôm 20 [tháng Tư] những kết quả ấy đã được phân tích, được hình thành báo cáo, tôi nghĩ đã đến lúc hội đồng khoa học cấp quốc gia đánh giá và thông báo một cách khách quan.
"Nhưng đây là kết quả khoa học, còn công bố ra thông tin thế nào là trách nhiệm của cơ quan công bố thông tin, theo luật pháp của Việt Nam là như vậy."
Xem ý kiến của các chuyên gia tại: http://bit.ly/1VL005P

'Chứng cứ khoa học'

Image caption Giáo sư Nguyễn Hoàng Trí trong chương trình Bàn tròn thứ Năm hôm 05/05
Nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học từ Nha Trang giải thích, ngay khi có hiện tượng cá chết, các nhà khoa học Việt Nam đã vạch ra lộ trình nghiên cứu và giải quyết vấn đề, mà theo đó, là thu thập bằng chứng trên bốn yếu tố: hàm lượng ôxy, hàm lượng hữu cơ, chất lượng trầm tích và ảnh viễn thám.
Theo ông An, việc tìm nguyên nhân không khó, và bước sau đó là xác định điều gì gây ra nguyên nhân này.
"Mọi người có nói rằng, thời gian làm cho nguyên nhân loãng dần đi, tôi nghĩ cũng có thể, nhưng những dấu vết của tác động môi trường ấy còn lưu lại trong trầm tích, do hướng của động lực còn lưu lại trong khối nước, và thứ ba là dấu vết rất quan trọng vẫn lưu lại trên ảnh vệ tinh.
"Còn công bố kết quả khoa học này, tôi nghĩ các cơ quan chức năng không thể để muộn hơn, người ta sẽ công bố ra."
Còn Giáo sư Nguyễn Hoàng Trí, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường, bổ sung, một yếu tố quan trọng khác là kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động nhập và sử dụng hóa chất của không chỉ công ty Formosa mà của toàn bộ các doanh nghiệp trong vùng.
Tuy nhiên Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh cho rằng, xác định thời gian như thế nào là đủ trong việc đưa ra kết luận về một sự việc nghiêm trọng là rất khó, "vì nếu nghiên cứu một cách tổng thể và hệ thống thì luôn xuất hiện những vấn đề mà chúng ta cần quan tâm, xem xét.
"Vấn đề càng phức tạp, hậu quả càng lớn, thì càng cần phải thận trọng," Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh nói.

'Hệ quả kéo dài'

Image caption Nhà báo Nguyễn Hùng của BBC Tiếng Việt cho rằng, việc nhiều người dân đổ lỗi cho Formosa khi chưa có chứng cứ cụ thể là do thiếu 'trầm trọng' thông tin chính thống
Giáo sư Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch và Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO, đánh giá, hiện Việt Nam phải đối mặt với ba cuộc khủng hoảng: môi trường, truyền thông và niềm tin.
"Hiện nay chúng ta thấy có thông tin rất nhiều chiều và nhiều đánh giá mà chưa có chứng cứ khoa học, dựa trên cảm tính cũng có, mà một số khác là dựa trên những thông tin không chính thức, có thể tạo ra những nguồn dư luận khác nhau làm rối loạn hiểu biết và tạo ra cuộc khủng hoảng thứ ba là khủng hoảng niềm tin, là người dân tin ở đâu, tin ai và tin vào sự kiện nào."
Cả ba chuyên gia của chương trình cùng nhấn mạnh tính nghiêm trọng và tác động, hệ quả lâu dài về môi sinh sau sự cố môi trường này.
"Theo hiểu biết của tôi và nguyên lý cơ bản về môi trường thì tôi nghĩ hậu quả còn kéo dài do đó chúng ta phải nói rõ, tìm cho được nguyên nhân và những người có trách nhiệm, những người gây ra hậu quả này phải có trách nhiệm đền bù, xử lý.
"Như mọi người đã biết, thiên tai và nhân tai để lại hậu quả rất nặng nề cho xã hội, cho con người, do đó chúng ta phải hết sức nghiêm túc, hết sức khách quan và hết sức biện chứng khoa học để giải quyết đến nơi đến chốn.
"Cần đến rất nhiều nguồn lực khác nhau mới có thể giải quyết được hậu quả đáng tiếc như thế này," Phó giáo sư Nguyễn Tác An nói trong Bàn tròn thứ Năm.
Mời các bạn đón đọc phần hai về việc làm thế nào để giải quyết khủng hoảng niềm tin, và hiểm họa trong việc phát triển thiếu bền vững trong bài viết tiếp theo.
Xem lại toàn bộ thảo luận tại: http://bit.ly/1VL005P

Tin liên quan

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/05/160505_dead_fish_hangout_research_results

Vụ cá chết: Báo nước ngoài nói gì?

  • 3 tháng 5 2016
Thực trạng cá chết hàng loạt tại miền Trung Việt Nam được truyền thông nước ngoài đưa tin trong những ngày qua.

Reuters

Hãng tin của Anh vào hôm 01/05 cho biết hàng trăm người biểu tình tại Việt Nam vào ngày Chủ Nhật cáo buộc một công ty của Đài Loan gây cá chết hàng loạt ở bờ biển các tỉnh miền Trung, với một số người chỉ trích chính phủ phản ứng chậm trước một thảm họa lớn về môi trường.
Mặc dù điều tra ban đầu chưa thể xác định mối liên hệ giữa Formosa, nhà máy trị giá 10.6 tỉ USD của Đài Loan, với thực trạng cá chết hay không, dư luận vẫn chưa nguôi giận với công ty này.
Những người tham dự biểu tình giương khẩu hiệu: “Ai đã đầu độc vùng biển miền Trung?” hoặc “Formosa cút khỏi Việt Nam.”
Bộ trưởng tài nguyên môi trường đã yêu cầu Formosa Hà Tĩnh đưa hệ thống nước thải đang ở ngầm dưới biển lên mặt đất để chính phủ có thể kiểm tra.
Trước đó, chính phủ điều tra sơ bộ đi đến kết luận có thể “Thủy triều đỏ” hoặc con người thải hóa chất độc khiến cá chết hàng loạt.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận giận dữ chính là phát ngôn của một quan chức Formosa nói Việt Nam chỉ được chọn hoặc là tôm, cá hoặc là ngành công nghiệp thép.
“Đây là lãnh thổ của Việt nam và quan chức Formosa không có quyền nói người dân Việt Nam phải chọn làm gì”, một người biểu tình nói.
Cũng có hàng trăm người xuống đường tại Tp HCM nhưng truyền thông do nhà nước kiểm soát không hề đưa tin về bất kỳ cuộc biểu tình nào.
Báo Daily Mail của Anh và báo Asahi của Nhật đăng tin của Reuters.
Reuters tại Hà Nội đã phỏng vấn một số người biểu tình (xem video trên).

Bloomberg

Image caption Cá chết gây ảnh hưởng tới một số tỉnh miền Trung Việt Nam.
Vụ cá chết là phép thử về phản ứng của tân chính phủ Việt Nam là tựa của trang tin kinh doanh Bloomberg của Hoa Kỳ đưa tin hôm 02/05.
Cá chết hàng loạt trải dài bờ biển trên 200 km là phép thử lớn nhất cho tới nay đối với chính phủ mới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Chính quyền Cộng sản bị chỉ trích trên mạng xã hội vì phản ứng chậm, thiếu minh bạch với hàng ngàn người biểu tình nổ ra tại các thành phố lớn hôm Chủ nhật.
Trong một đất nước mà biểu tình hiếm khi xảy ra thì vụ cá chết hàng loạt là một thách thức cho chính phủ.
Trong khi chi nhánh của công ty Nhựa Formosa của Đài Loan bị nghi vấn về sự cố này và là tâm điểm chỉ trích trên mạng xã hội thì chính phủ đồng thời vẫn phải đảm bảo với nhà đầu tư nước ngoài rằng Việt Nam hoan nghênh hoạt động kinh doanh của họ vì đây là lực đẩy cho nền kinh tế.
“Đây là vụ khủng hoảng đầu tiên đối với chính phủ mới và cũng là vụ việc khó xử,” Fred Burke, giám đốc điều hành hãng luật Baker & McKenzie (Vietnam) Ltd của Hoa Kỳ nói.
“Hàng triệu sinh mạng con người đang hứng chịu rủi ro. Dân chúng hết sức bất bình.” Ông Burke, thành viên của Hội đồng tư vấn cho chính phủ Việt Nam về đầu tư nước ngoài, được báo này dẫn lời.
Vụ việc cũng dấy lên lo ngại về ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và quản lý đối với doanh nghiệp.
Các báo trong nước đặt dấu hỏi đối với hệ thống ống nước thải của Formosa xây dựng ngầm dưới biển.
Thông cáo của nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh nói tiền hãng đầu tư xây dựng nhà máy là 10.5 tỉ USD, còn hệ thống ống thải có trị giá 45 triệu USD phù hợp yêu cầu và tiêu chuẩn của Việt Nam.
Các cuộc biểu tình tại Hà Nội và Tp HCM đều trưng các khẩu hiệu “Trả lại biển sạch cho dân” và “Không được xả nước thải xuống biển”
Ngành hải sản và du lịch cũng bi ảnh hưởng. Ngư dân tại Quảng Bình đã thất thu lên đến 115 tỉ VND, tương đương 5.2 triệu USD, theo tin từ nhà chức trách địa phương.
Khoảng 30% lượng du khách cũng hủy bỏ các chuyến thăm đến tỉnh Quảng Bình, nơi có hang động Sơn Đoòng nhân dịp nghỉ lễ 30/4.

China Post

Image copyright doisongphapluat.com
Image caption Ông Chu Xuân Phàm, đứng giữa, đã bị Formosa sa thải
Một trong hai tờ báo tiếng Anh tại Đài Loan hôm 02/05 chạy bài của hãng tin AFP nói hàng trăm người biểu tình tại thủ đô Hà Nội phản đối một công ty Đài Loan bị nghi xả chất độc gây hại cho ngành cá ở bờ biển miền trung.
Tin trên mạng xã hội nói hàng trăm người tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng xuống đường.
Mặc dù điều tra chính thức đang được tiến hành, truyền thông nhà nước nhắm tới một đường ống thải 1.5 km từ công ty thép Formosa ra biển.
Ông Chu Xuân Phàm, một quan chức của Formosa bị sa thải sau khi nói người Việt “cần chọn giữa bắt tôm cá hoặc xây nhà máy thép hiện đại.”
Công ty này đã xin lỗi về bình luận và tự tiến hành điều tra riêng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết “xử nghiêm” bất kể ai là thủ phạm.
Truyền thông trong nước trước đó đưa tin Formosa nhập 300 tấn hóa chất có độc tố để tẩy rửa đường ống xả tuy không nói liệu số hóa chất này đã được dùng hay chưa.

BBC News

Image copyright AFP
Cơ quan truyền thông của Anh hôm 01/05 đưa tin hàng trăm người xuống đường phản đối vụ cá chết bất thường tại các tỉnh miền trung Việt Nam.
Điều tra sơ bộ của chính phủ Việt Nam chưa cho thấy có sự liên hệ giữa sự cố này với một công ty thép của Đài Loan.
Nhưng nhiều người biểu tình tại Hà Nội cáo buộc công ty này và mang biển hiểu "Formosa cút xéo".
Một số người khác mang biển hiểu "Formosa hủy hoại môi trường là tội ác" và "Ai gây độc cho biển miền trung?
Hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà nói rằng các cơ quan chức năng đã lúng túng, xử lý chậm, và không có kinh nghiệm ứng phó sự cố có tính chất thảm họa.
Ngư dân tại các khu vực bị ảnh hưởng được lệnh không được bán hải sản, tuy giới chức ngành hải sản nói xuất khẩu, vốn mang lại 6.6 tỉ USD mỗi năm từ ngành này, sẽ không bị ảnh hưởng.

Tin liên quan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten