maandag 7 december 2015

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ... leo thang đến đâu ? + Khẩu chiến Nga - Thổ

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang đến đâu ?

mediaTổng thống Nga (P) và Thổ Nhĩ Kỳ, lúc quan hệ còn thấm thiết. Ảnh tháng 12/2014.AFP PHOTO/ RIA-NOVOSTI/ POOL / ALEXEI NIKOLSKY
Đàm phán khó khăn về khí hậu, vòng xoáy bạo lực, khủng bố tấn công, xung khắc Nga-Thổ Nhĩ Kỳ là thực đơn trên báo chí Pháp hôm nay. Tình hình thế giới trong tháng cuối cùng của năm 2015 không có dấu hiệu yên bình.
Những tin chính trên trang nhất đều bất lợi cho chính phủ Pháp. Nhật báo Le Figaro : Thuế vụ và thất nghiệp, nước Pháp đánh đổ mọi kỷ lục. Từ gần 20 năm nay, chưa bao giờ người Pháp đóng thuế nặng như vậy và cũng chưa bao giờ có đông người như thế đi tìm công việc làm trong khi tại các thành viên khác của Liên Hiệp Châu Âu, tình hình kinh kế được cải thiện rõ nét. Les Echos cũng đề tựa lớn : Thuế và Thất nghiệp, hai kỷ lục mới của Pháp. Nhật báo kinh tế không ngần ngại dự báo thống kê không tốt đẹp này rơi xuống không đúng lúc, sẽ tác động lên lá phiếu của cử tri. Chính phủ cánh tả và đảng Xã hội cầm quyền sẽ trả giá cho cuộc bầu cử cấp vùng vào Chủ nhật tới. Tựa lớn của Le Monde trên trang nhất cũng theo chiều hướng báo động : Mặt Trận Quốc Gia ( bài ngoại) củng cố ảnh hưởng khắp nơi, 30% cử tri tuyên bố sẽ bầu cho đảng cực hữu có chủ trương đóng cửa biên giới và co cụm. Khẩu hiệu tuyên truyền này được « ăn khách » trong bối cảnh thất nghiệp trên 10% và di dân từ Châu Phi, Syria kéo sang Châu Âu tìm đời sống mới.
Nội tình của đảng Xã hội cũng không vững chắc. Dự án, đang ở giai đoạn thăm dò, sữa đổi Hiến pháp, kéo dài tình trạng khẩn cấp, thu hồi quốc tịch Pháp của khủng bố « gốc nước ngoài » cho dù thủ phạm là dân Pháp ngay từ lúc chào đời theo quyền nơi sinh, đang làm phe tả « cảm ho », theo Libération. Trong khi đó, Le Figaro khẳng định : « bước ngoặt an ninh của (Tổng thống) Hollande khó được đảng Xã hội đồng ý. Libération không nói khác hơn : Cánh tả không thể chấp nhận vì dự án này được phe cực hữu và cánh hữu ủng hộ. Liberation kêu gọi Tổng thống Hollande phải bỏ ý định truất quốc tịch vì biện pháp này « không cải thiện được an ninh mà còn đi ngược lại tinh thần cộng hòa ».
Nhật báo Công giáo La Croix, trong bài xã luận « Khẩn cấp (thì) không được kéo dài » nhận định : Dùng các biện pháp phá lệ để đối phó với khủng bố là hợp pháp, hợp hiến nhưng không được quá một thời gian nào đó. Vì một lúc nào đó, chính phủ sẽ phải trả lời trước công luận về các quyền tự do bị hạn chế . Một chế độ dân chủ là chế độ « yếu » nhất trong mọi chế độ. Nhưng sức mạnh của dân chủ nằm ngay trong « phần cốt lõi » của chế độ tức là các nguyên tắc thượng tôn pháp luật và đối thoại.
Lần đầu tiên Tổng thống Nga đụng đối thủ « ngang tầm ».
Liệu Matxcơva và Ankara sẽ động binh để giải quyết xung khắc sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay quân sự của Nga ngày 24/11 vừa qua ? Để trả lời câu hỏi này, nhật báo La Croix nhường lời cho chuyên gia chính trị quốc tế Pháp Thornike Gordadze (CERI).
Tổng thống Nga Putin, sau biện pháp trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, leo thang thêm một nấc, lên án đích danh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và gia đình bao che khủng bố Daech, buôn lậu dầu hỏa. Tổng thống Erdogan, không vừa gì, nêu đích danh tên một doanh nghiệp mang hai dòng máu Nga-Syria, môi giới buôn lậu dầu hỏa cho Nga và Daech.
Theo nhà nghiên cứu Thornike Gordadze, hai bên đang ở giai đoạn « mặc cả ». Bị Ankara bắn rơi chiếc Su-24 tối tân, Matxcơva buộc phải lên cơ bắp. Chế độ Putin đã kích động xu hướng dân tộc chủ nghĩa hiếu chiến trong nước, để định hướng công luận quên đi những vấn đề nội địa, làm cho người dân Nga lầm tưởng đất nước của họ là một đại cường quân sự, có khả năng can thiệp khắp nơi trên địa cầu, ngang tầm với Mỹ , nhất là gặp lúc Hoa Kỳ có một vị tổng thống bị mô tả là « người yếu ».
Trong bối cảnh này, bị một cú đá lái phá hủy một chiếc oanh tạc cơ trên không, Tổng thống Putin không thể bất động. Ông chọn giải pháp cấm vận kinh tế ? Tuy nhiên, giải pháp này khó thực hiện hiệu quả vì bản thân kinh tế Nga bị quốc tế trừng phạt. Thêm vào đó, thương mại hai nước chỉ tập trung trên khí đốt của Nga bán cho Thổ Nhĩ Kỳ và đổi lại, nhập khẩu hàng biến chế và nông phẩm của láng giềng. Thế mà Ankara không cần mua khí đốt của Matxcơva vì đã có nhiều nguồn cung cấp khác trong vùng. Nga cần bán mà Thổ không cần mua và Châu Âu cũng thực hiện chính sách giảm lệ thuộc vào năng lượng của Nga từ khi xảy ra khủng hoảng Ukraina.
Cái giá mà Thổ Nhĩ Kỳ phải trả là quán ăn, doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ ở Nga bị sách nhiễu và du khách Nga sẽ giảm đi.
Sau trả đũa kinh tế, liệu hai bên sẽ dùng đến vũ lực ?
Theo nhận định của chuyên gia Thornike Gordadze, thực chất hai ông Putin và Erdogan không khác gì nhau. Cả hai đều quyết định theo lối độc đoán. Cả hai đều ương ngạnh, võ đoán. Do vậy, khủng hoảng mới leo thang. Lần đầu tiên, ông Putin đụng phải một người có cùng giọng điệu với mình. Tuy nhiên, xung khắc khó có thể nghiêm trọng hơn. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, Washington không thể để Ankara chiến đấu đơn độc.
Miến Điện : chiến tranh sắc tộc sẽ tiếp tục dù Ang San Suu Kyi lãnh đạo
Le Monde là nhật báo duy nhất dành một trang lớn cho thời sự Châu Á : Đối với sắc tộc Shan tại Miến Điện, chiến tranh tiếp diễn. Từ những ngày gần đây, quân đội Miến Điện sử dụng chiến thuật mới, dùng trực thăng tấn công vị trí của du kích Shan, lực lượng thiếu số từ chối ký thỏa hiệp hòa bình với chính phủ trung ương.
Đặc phái viên của Le Monde đến tận Tổng hành dinh của " Quân đội Bắc Shan ". Theo các sĩ quan của lực lượng du kích, không phải họ gây chiến mà chính quân đội muốn khủng bố tinh thần dân chúng và trừng phạt lực lượng từ chối ký lệnh ngưng bắn. Xung đột giữa quân đội chính phủ có tiếng bạo ngược và lực lượng du kích Shan chỉ là giai đoạn mới của một cuộc chiến kéo dài tự năm 1962 sau cuộc đảo chính của tướng Ne Win. Tuy thiệt hại nhân mạng trong những ngày qua chưa cao nhưng đây không phải là tín hiệu tốt cho tương lai , ít ra là đến tháng 01/2016, khi chính phủ của bà Aung San suu Kyi được thành lập. Tuy nhiên, người Shan không mấy hy vọng. Đối với họ, quân đội Miến Điện và dân Miến Điện là " kẻ chiếm đóng ". Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi bị dân Shan xem là người Miến trước khi hoan nghênh là nhà dân chủ. Bà bị chỉ trích là không bao giờ đi thăm bang Shan và quan tâm đến số phận người Shan.
Nói cách khác, chính sách hòa giải dân tộc, ước nguyện của bà Aung San Suu Kyi, khó có thể sớm chiều được hoàn tất.
Khủng bố “ nghĩ gì ” trong đầu ?
Một ngày sau vụ thảm sát ở San Bernardino, Bang California Hoa Kỳ, Le Figaro xác quyết: Nước Mỹ đối đầu với khủng bố. Hai thủ phạm bắn giết 14 người dường như có liên hệ với các nhóm khủng bố.
Vụ thảm sát ở California làm Hoa Kỳ lo s , tựa của La Croix. Không lo sao được, vì theo lời chỉ huy trưởng cảnh sát, hung thủ “ chuẩn bị hành động như thi hành một sứ mệnh ”.
Để tìm hiểu “ cơ chế vận hành trong đầu ” các tay khủng bố tự sát, Libération dành một trang cho chuyên gia khoa học Pascal Huguet, giám đốc nghiên cứu CNRS. Theo tác giả , thì từ năm 1970, một công trình nghiên cứu tâm lý học đã phát hiện cơ chế này. Đó là hệ quả của một chính sách nhồi sọ, không bắt buộc là từ Hồi giáo cực đoan. Kẻ bị ngồi sọ chỉ biết “ có phe ta là đúng ” còn lại chỉ là bòn phản ngịch phải diệt trừ. Chính nhãn quan đơn giản này đã đẩy đối tượng bị nhồi sọ thành một kẻ chỉ biết “ tuân thủ lệnh của phe nhóm của mình mà thôi ”  và nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Khi tâm lý tuân thủ lên cực điểm thì người này phải chứng tỏ mình xứng đáng hơn các bạn đồng hành. Đó là tâm trạng của những công an bạo ngược thời Đức Quốc xã hành xử như những kẻ mất nhân tính. Và khi đạt đến đỉnh điểm của “ tuân thủ ”   thì đương sự sẵn sàng liều thân cho “ sứ mệnh ”. Đó là lý tưởng mà một tay khủng bố tân thời phải đạt đến để được tôn vinh là “ thánh tử đạo ”.
COP21
Năm ngày sau lễ khai mạc Hội nghị Khí hậu tại Le Bourget, Pháp, Le Figaro cho biết đàm phán tiến từng bước nhỏ. Một dự thảo thỏa thuận đã được công bố nhưng còn đến 250 đề nghị đang được thảo luận.
Hội nghị thành công hay không, các báo chí Pháp không mấy tin tưởng. Nhưng công luận, xã hội công dân có giải pháp riêng. Cụ thể, trên Le Figaro, bốn nhà khí hậu học kêu gọi sử dụng năng lượng hạt nhân. Le Monde chú ý hội nghị 1000 thị trưởng trên thế giới vào hôm nay tại Paris do đô trưởng Paris Anne Hidalgo và thị trưởng New York Michael Blomberg đồng tổ chức. Mục đích là để tạo phong trào chống ô nhiễm khí trời không cần phải chờ hiệp ước khí hậu.
Còn Libération, sau vụ tai tiếng tập đoàn xe hơi Đức Vokswagen gian trá, nhà bình luận William Boudon cảnh báo không nên tin cậy vào thiện chí của giới doanh nghiệp mà cần phải áp đặt những biện pháp kiểm soát những “bạo chúa” lấy lợi nhuận ngắn hạn làm ưu tiên số một.
Về lãnh vực này, độc giả nào tò mò muốn rõ chính quyền Nga đóng góp ra sao? Có “ vượt bực ” như Tổng thống Putin quãng cáo trong diễn văn khai mạc Thượng đỉnh Khí hậu hay không, quý vị có thể vào trang Liberation.fr, gõ chữ desintox ( phản tuyên truyền ) sẽ rõ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20151204-nga-va-tho-nhi-ky-leo-thang-den-dau

Khẩu chiến Nga - Thổ : Putin đã dữ, Erdogan chẳng vừa

mediaẢnh minh họa.CC DonkeyHotey/Wikimedia
Mặt trận chống Daech bắt đầu lộ rõ. « Phương Tây tăng cường sức mạnh chống Daech », tít lớn thông báo trên Le Figaro ngày 03/12/2015. Mười lăm ngày sau loạt khủng bố tại Paris, liên quân chống Daech bắt đầu tăng cường lực lượng. Hoa Kỳ thông báo bổ sung 200 lính đặc nhiệm đến Irak và tăng cường không kích tại Syria, chủ yếu nhắm vào các đoàn xe chở dầu của quân thánh chiến. Đức đề nghị cung cấp máy bay trinh sát và tiếp tế cùng với một tàu chiến. Và hôm qua, Quốc hội Anh cuối cùng cũng đã cho phép chính phủ mở rộng các cuộc không kích nhắm vào Daech tại Syria.
Tuy vậy, Le Figaro vẫn tỏ ra dè dặt trên hai điểm : Thứ nhất, các cuộc không kích này chưa đủ để diệt trừ hoàn toàn quân thánh chiến. Cam kết đưa quân đánh bộ vẫn còn là một điều xa vời, do bởi « các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh không có chút thiện chí gởi lính đánh bộ để chiến đấu chống quân thánh chiến Hồi giáo cực đoan ».
Thứ hai, « tăng cường quân sự như thông báo của liên quân không che giấu được những bất đồng tồn tại giữa các cường quốc trong cuộc khủng hoảng tại Syria, nhất là giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Căng thẳng giữa hai nước này hiện đang gây khó khăn cho việc thành lập một liên minh lớn và duy nhất chống lại Daech ».
Đấu khẩu leo thang giữa "Sa hoàng" và "Quốc vương"
Một quan điểm cũng được tờ thiên tả Libération đồng chia sẻ. Theo Libération, sự đối đầu giữa hai nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga giờ khó có thể lắng dịu dù rằng từ lâu cả hai bên rất ngưỡng mộ lẫn nhau. Một bên là « Sa hoàng » và bên kia là « Quốc vương », cả hai đều có cùng quan niệm về quyền lực chuyên chế. Cả hai đều tự cho rằng được Chúa Trời giao phó trách nhiệm mang lại ánh hào quang như xưa cho đất nước của mình. Cả hai đều không chịu đựng được bất kỳ chỉ trích nào, ghét cay ghét đắng phe đối lập và rất thích giương oai diễu võ hô hào chủ nghĩa dân tộc trước các cử tri của họ.
Do đó, ông chủ điện Kremlin đã nổi giận khi chiếc Su-24 bị chiếc F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rớt gần với biên giới Syria. Còn người đầy quyền lực tại Ankara cũng không chịu được việc Nga vô số lần xâm phạm không phận. Thổ Nhĩ Kỳ từ chối xin lỗi, Nga ra lệnh trừng phạt kinh tế. Khẩu chiến như thế tiếp tục leo thang.
Ngay tại lễ khai mạc COP 21, không những Tổng thống Nga từ chối gặp đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn khai mào cuộc tranh cãi khi tố cáo Ankara bắn hạ máy bay để « bảo vệ việc giao nhận dầu khí từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo ». Lẽ đương nhiên, Tổng thống Erdogan phải la to, cho đấy là « vu khống » và nhắc lại rằng chế độ Assad là kẻ hưởng lợi đầu tiên trong vụ buôn lậu này. Matxcơva còn tố cáo là « ông Erdogan và gia đình của ông có liên can trong phi vụ bất hợp pháp đó ».
Sự việc đã làm cho Tổng thống Mỹ quan ngại, e sợ rằng căng thẳng sẽ ngăn chặn một cuộc chiến chung chống Daech. Nhưng theo Libération, đối đầu Nga - Thổ đã làm lộ rõ những lợi ích đối lập nhau hoàn toàn của hai phe chính trong cuộc khủng hoảng Syria.
Nga một mặt tuyên bố tham gia chống Daech, nhưng trên thực tế các cuộc không kích của nước này chủ yếu nhắm vào các vị trí của quân nổi dậy ôn hòa, Quân đội Tự do Syria và các đồng minh nói tiếng Thổ khác, được Ankara hỗ trợ. Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu lại có thái độ mập mờ đối với các phần tử thánh chiến cực đoan, thậm chí với cả Daech, cho nên các cáo buộc của Nga không phải là không có cơ sở.
Theo quan sát của nhật báo, mục tiêu quan trọng trong chiến dịch tuyên truyền của Nga là làm mất tính chính đáng của tất cả những nước như Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như là Ả Rập Xê Út, và từ lâu là nước Pháp. Những quốc gia ủng hộ hết mình quân nổi dậy và luôn cho rằng không thể có được hòa bình nếu vẫn duy trì ông Bachar al-Assad.
Dù rất làm mình làm mẩy với các nước khác, Matxcơva cũng muốn phần nào buông rơi « đao phủ » Damas, nhưng khốn nỗi hiện vẫn chưa thấy được ai có thể thay thế ông Assad, mà không làm sụp đổ cả hệ thống cho đến khi tiến hành chuyển tiếp chính trị.
Và nhất là ông Putin không muốn tạo ra một tiền lệ có thể cho các nước trong khối Xô viết cũ noi theo, thậm chí một ngày nào đó ngay chính tại nước Nga. Chính vì thế, việc « Putin chống Erdogan », chẳng khác nào « cuộc chiến giữa hai anh em sinh đôi », đó cũng là tựa bài xã luận của Libération.
Libya : Tổng hành dinh tương lai của Daech ?
Ngày 01/12/2015, các nước lân cận với Libya, trong khối Liên Hiệp Châu Phi và Liên đoàn Ả Rập, đã tụ họp tại Alger. Các nước này đã bày tỏ « mối lo lắng trước sự bành trướng của quân khủng bố tại Libya ». Trước đó, ngày 30/11, Thủ tướng Pháp Manuel Valls trên đài Europe 1, tuyên bố là Lybia « trong những tháng sắp tới sẽ là một hồ sơ lớn ». Tờ báo La Croix phỏng vấn ông Alaya Allani, sử gia đại học La Manouba tại Tunis, giải đáp « Những mối đe dọa nào của Daech tại Libya ? »
Theo chuyên gia Allani, có nhiều lý do giải thích cho việc Daech chuẩn bị cắm quân tại Libya. Trước hết, vùng Cận Đông không còn an toàn nữa. Trong khi đó, tại Libya, quân thánh chiến Daech đã kiểm soát toàn bộ vùng Syrte và một phần vùng Derna, viễn đông Libya. Mặt khác, đây cũng là vùng giàu nguồn dầu khí nhất của Libya. Và nhất là vùng sa mạc bao la không thể kiểm soát dễ dàng các đường biên giới.
Từ trung tuần tháng 11/2015, thủ lĩnh quân khủng bố Al Baghdadi âm thầm cử người đến Libya, bề ngoài là để yêu cầu viện binh và vũ khí cho Syria, nhưng trên thực tế là đang chuẩn bị địa bàn để di dời một phần tổng hành dinh về Libya.
Sở dĩ Daech có thể tăng cường sự hiện diện tại Libya nhờ vào việc tuyển mộ binh sĩ Bắc Phi, cũng như nhiều nước khác. Chắc chắn là quân Daech đang di chuyển về phía Libya. Như vậy, đội quân chủ đạo của Daech tại đây, ước tính có khoảng từ 3.000-5.000 quân sẽ còn tăng lên nữa trong tương lai.
Không chỉ thế, Daech còn thực hiện chính sách cài đặt người vào các bộ tộc. Mục đích gieo rắc bất hòa ngay trong lòng các bộ tộc và liên kết với các đội quân tự phát, thuyết phục họ đừng chống lại Daech. Đương nhiên, Daech cũng sẽ áp dụng các phương pháp bạo tàn và thị uy để gây sợ hãi cho người dân và các nhóm phản kháng.
Đối với vị chuyên gia về khủng bố, chính việc Liên Hiệp Quốc không có được một giải pháp chính trị nào cho Libya đã tạo đà phát triển cho Daech. Nếu như sự trung gian hòa giải của Liên Hiệp Quốc đã bị thất bại, đó là vì tổ chức thế giới này phạm nhiều sai lầm. Liên Hiệp Quốc đã đánh giá thấp các lực lượng tại chỗ và gạt ra bên lề các đội quân tự phát trong các cuộc thương lượng.
Một điều chắc chắn là không những Daech sẽ không buông Libya, mà còn tập trung hết nỗ lực, nhờ sự đồng lõa của Boko Haram (nhóm khủng bố thánh chiến gốc Nigeria) và một số nhóm chính trị hồi giáo cực đoan khác. Chính những nhóm này đã tìm mọi cách phá hủy mọi đồng thuận để đưa ra một thỏa hiệp cho tương lai chính trị đất nước.
Sai lầm khi đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ quốc tế ?
Sự kiện đồng nhân dân tệ được quốc tế công nhận như là một ngoại tệ vẫn còn nóng hổi chưa kịp nguội thì đã bị chỉ trích. Mục Quan điểm của báo Le Monde, đăng bài phân tích của tác giả Benjamin J.Cohen, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế đại học California tại Santa Barbara cho rằng : « Đây là một sai lầm khi đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ » của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế - IMF.
Sai lầm là vì quyết định trên của IMF không có một sự chứng minh thật sự về mặt kinh tế mà chỉ mang tính chính trị, và như vậy sẽ có một hệ quả đáng tiếc trong dài hạn. Ngay cả về mặt kỹ thuật, cách thức kết nạp đồng nhân dân tệ cũng đáng bị phê phán. IMF cho đến giờ chỉ dựa trên hai tiêu chí : Thứ nhất, quốc gia phát hành ngoại tệ phải là một nước xuất khẩu lớn. Về điểm này, Trung Quốc đã đáp ứng được. Nhưng Bắc Kinh lại không hội đủ được điều kiện thứ hai : đồng tiền của Trung Quốc phải có thể được sử dụng và thương lượng trên diện rộng.
Trên thực tế, đồng nhân dân tệ vẫn còn xa mới ngang hàng được với 4 đồng ngoại tệ hiện nay : đô-la Mỹ, euro của Liên Hiệp Châu Âu, bảng Anh và yên Nhật. Đồng tiền của Trung Quốc trong năm 2014 đứng hàng thứ 7 trong kho dự trữ ngoại tệ của các ngân hàng trung ương, hàng thứ 8 trên phương diện phát hành công trái ở cấp độ quốc tế và thứ 11 trong các hoạt động giao dịch ngoại tệ. Hơn nữa, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vẫn chưa thể hoán đổi được trong phần lớn các giao dịch tài chính. Thị trường tài chính Trung Quốc còn rất sơ khai và vẫn do Nhà nước ấn định tỷ giá hối đoái.
Nếu như hồi tháng 8/2015, IMF còn tỏ ra dè dặt và cho rằng tốt hơn hết đợi đến năm 2016 mới đưa ra quyết định, Trung Quốc đã tung ra các chiến dịch để thuyết phục thế giới. Chẳng hạn, thả nhẹ tỷ giá hối đoái, phát hành trái phiếu yết giá bằng đồng nhân dân tệ tại Luân Đôn, dự kiến mở nhiều cuộc thương thuyết mới để đưa đồng nhân dân tệ vào các trung tâm tài chính Châu Âu và nhất là cho thấy khả năng giáng trả trong trường hợp có những quyết định tiêu cực.
Nhiều người tin rằng đó là một sự tiến triển tích cực. Phương Tây cho là kết nạp đồng nhân dân tệ có thể tạm thời đẩy lùi mối nguy hiểm đến từ sáng kiến thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng Châu Á, do Trung Quốc đưa ra để cạnh tranh với các định chế tài chính do Phương Tây kiểm soát.
Thế nhưng, theo tác giả, sự việc có thể tạo ra một tiền lệ đáng lo khi chỉ xem xét đến khía cạnh chính trị trong một lãnh vực đòi hỏi các yếu tố kinh tế khách quan là chính. Trong dài hạn, thành công của Trung Quốc rất có thể khuyến khích nhiều nước khác gây áp lực để hội nhập đồng nội tệ của họ vào rổ tiền tệ quốc tế của IMF. Tại sao không đưa đồng franc Thụy Sĩ, đô-la Canada, đồng rúp Nga hay đồng ru-pi Ấn Độ chẳng hạn ?
Tác giả công nhận trong tương lai mức tăng trưởng của đồng nhân dân tệ sẽ là cấp số nhân. Tuy nhiên, ông cho rằng phải tính đến yếu tố bất định của xu hướng đó và cũng không nên đánh giá quá cao triển vọng của đồng nhân dân tệ. Trên phương diện đầu tư hay như một nguồn dự trữ ngoại tệ, đồng nhân dân tệ vẫn chưa phải là một ngoại tệ đầy hứa hẹn do việc Bắc Kinh vẫn kiểm soát chặt chẽ các dòng vốn và mức độ phát triển tài chính thấp tại Trung Quốc.
Cuối cùng tác giả kết luận : Lý do chính trị đưa đồng nhân dân tệ vào trong rổ tiền tệ quốc tế là quá rõ. Nhưng các rủi ro hoạt động lại không mấy được xem trọng.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20151203-nga-tho-putin-erdogan-db

Geen opmerkingen:

Een reactie posten