maandag 7 december 2015

NATO sẽ « yểm trợ » chính phủ Libya tương lai + Libya : Thánh địa mới của Daech? + bóng ma Kadhafi



NATO sẽ « yểm trợ » chính phủ Libya tương lai


mediaTướng Jens Stoltenberg, Tổng thư ký khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO.REUTERS
Bốn năm sau ngày lật đổ chế độ Kadhafi, hai phe xung khắc tại Libya thông báo đạt được thỏa thuận tại Tunisia. Thỏa hiệp giải quyết khủng hoảng chính trị còn phải được « quốc hội » của mỗi bên biểu quyết. Liên Minh Bắc Đại Tây Dương lên tiếng sẽ « yểm trợ » cho chính phủ tương lai tại Libya.
Libya được ổn định sẽ giúp ngăn chận làn sóng thuyền nhân đổ bộ sang Ý từ nhiều năm gần đây. Hy vọng này vừa được đại diện của hai « chính phủ » Libya đàm phán tại Gammarth, gần Tunisia, thông báo trong ngày 06/12/2015. Tuyên bố « nguyên tắc » mà AFP có được phóng bản xác định là hai bên tiến hành « hợp tác minh bạch » để đi đến một « hiệp định chính trị » thành lập chính phủ thống nhất.
Từ hơn một năm nay, tại Libya có hai chính phủ. Cộng đồng quốc tế công nhận chính quyền đóng đô ở miền đông trong khi phe « phiến loạn » kiểm soát thủ đô Tripoli. Liên minh NATO, tuy chống lại mọi can thiệp quân sự vào Libya cho biết sẵn sàng « trợ giúp » chính phủ Libya thống nhất nếu được yêu cầu.
Trong bối cảnh một hội nghị quốc tế sắp diễn ra vào ngày 13/12/2015 tới tại Roma để hậu thuẫn cho tiến trình thành lập chính phủ thống nhất, Tổng thư ký Liên Minh NATO Jens Stoltenberg tuyên bố sẵn sàng « hỗ trợ » cho chính phủ mới. Tuy nhiên ông nói thêm là hội nghị Roma không bàn đến một « chiến dịch quân sự đại quy mô » tại Libya.
Theo AFP, Mỹ và Ý triệu tập Hội nghị Roma để thúc đẩy hai phe xung khắc tại Libya nhanh chống tiến đến thỏa hiệp chính trị, thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc « làm cơ sở » vãn hồi trật tự, đối đầu hiệu quả với Daech và các đường dây vượt biển.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20151206-nato-se-%C2%AB-yem-tro-%C2%BB-chinh-phu-libya-tuong-lai



Libya : Thánh địa mới của Daech ?


mediaMisrata sau một đợt tấn công : Daech lợi dụng tình hình hỗn loạn để xây dựng địa bàn hoạt động ở Libya - REUTERS /Stringer
Giới lãnh đạo quân đội Libya vào hôm qua 01/12/2015, đã tỏ ý lo ngại trước việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo - Daech đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở miền đông nước này. Để ngăn chặn, quân đội Libya đã mở chiến dịch oanh tạc vào một số vị trí của tổ chức thánh chiến.
Theo hãng tin Pháp AFP, lợi dụng tình hình hỗn loạn ở Libya, với các lực lượng dân quân đối nghịch nhau và hai chính quyền tranh giành quyền lực với nhau, tổ chức Nhà nước Hồi giáo - Daech - đã tìm cách xây dựng địa bàn hoạt động tại đây. Họ đã kiểm soát được thành phố Syrte, phía đông thủ đô Tripoli và mở mặt trận tấn công ở Benghazi và một số vùng khác.
Vẫn theo giới chức chính quyền Tripoli được quốc tế công nhận, Daech đang cố mở rộng vùng ảnh hưởng đến cả thành phố Ajdabya nằm ở vùng giàu dầu hỏa của Libya.
Không quân Libya đã mở chiến dịch oanh kích để ngăn chặn. Họ đã bắn phá một địa điểm tập hợp của quân thánh chiến ở khu công nghiệp phía nam Ajdabya. Lãnh đạo Libya vào tháng qua đã lên tiếng cảnh báo là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo có khả năng biến Ajdabya thành cứ địa mới của chúng.
Mối lo ngại của lãnh đạo Libya cũng đã được quốc tế chia sẻ. Vào hôm qua, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đánh giá là chuyển biến tình hình ở Libya sẽ là hồ sơ lớn trong thời gian tới đây, khi khủng bố không ngừng thay hình đổi dạng.
Theo AFP, tại New York, các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cũng có đánh giá tương tự, theo đó, Daech đã thiết lập một " đầu cầu " ở Libya, nhưng chưa phát triển mạnh do thiếu hụt tài chính và thái độ thù nghịch của dân chúng. Đối với Libya, tổ chức Nhà nước Hồi giáo là mối đe dọa lớn.
Họp tại Alger vào hôm qua, các láng giềng của Libya kêu gọi tăng cường phối hợp hành động chống " khủng bố " tại quốc gia này. Daech đã thừa nhận là tác giả nhiều vụ khủng bố, sát hại con tin tại đây.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20151202-libya-thanh-dia-moi-cua-to-chuc-nha-nuoc-hoi-giao



Libya : Mỹ tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo


mediaKhông quân Mỹ mở chiến dịch oach kích nhắm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Libya - AFP /STR
Phát ngôn viên bộ Quốc phòng Mỹ ngày 14/11/2015 thông báo Hoa Kỳ mở chiến dịch không kích nhắm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Libya. Mỹ cho biết đã triệt hạ được thủ lĩnh của nhóm này là Abou Nabil.
Peter Cook, phát ngôn viên Lầu Năm Góc nhấn mạnh : Washington mở chiến dịch không kích tại Libya trước khi xảy ra khủng bố tại Paris. Theo hãng thông tấn AFP Abou Nabil, người Irak, đã bị triệt hạ trong đợt oanh kích hôm 13/11/2015. Hậu quả trực tiếp là chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Libya sẽ bị suy yếu.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Abou Nabil từng là thành viên của tổ chức khủng bố Al Qaeda và là lãnh đạo cao cấp nhất của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Libya. Hoa Kỳ không loại trừ khả năng Nabil là « phát ngôn viên » từng xuất hiện trong một đoạn băng video thông báo giết hại hàng loạt người công giáo Ai Cập hồi tháng 2/2015.
Từ khi chế độ độc tài của đại tá Kadhafi bị lật đổ vào năm 2011, Libya lâm vào cảnh hỗn loạn. Hai phe tranh giành quyền lực. Một nhóm được đặt tại Tripoli và nhóm thứ nhì xây dựng thành trì ở khu vực miền đông Libya.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã chiếm được thành phố Syrthe ở miền Nam Libya nhưng đã bị trũ xuất khỏi Derna ở miền Đông quốc gia này.
Vào tháng 6/2015, không quân Mỹ đã mở chiến dịch oanh kích Libya, với mục đích tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda Mokhtar Belmokhtar. Số phận của nhân vật này vẫn còn là một ẩn số.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20151115-libya-my-tan-cong-to-chuc-nha-nuoc-hoi-giao


Sau bốn năm, cái bóng của Kadhafi luôn đè nặng lên Libya


mediaMouammar Kadhafi trong hội nghị thượng đỉnh châu Phi ở Syrte (Libya) tháng 7/2009.AFP/MAHMUD TURKIA
Bốn năm sau cái chết của nhà độc tài Libya Mouammar Kadhafi, những gì ông ta để lại vẫn đè nặng lên quốc gia dầu lửa hiện đang bị bạo lực hoành hành, cùng với đấu tranh quyền lực, luôn đi tìm sự đoàn kết trong vô vọng.
« Kadhafi đã làm nổi lên một Nhà nước được xây dựng xung quanh hình ảnh của ông ta » trong suốt bốn thập kỷ cầm quyền. Michael Nayebi-Oskoui, chuyên gia về Trung Đông của cơ quan tư vấn Mỹ Stratfor giải thích.
Ông nói : « Kadhafi đã sử dụng nguồn tiền từ dầu lửa để tài trợ cho bộ máy đàn áp nhằm đè bẹp tất cả những dạng đối lập, thay vì xây dựng các định chế nhà nước có thể cứu vãn được ông ta. Còn cần phải nhiều năm hay nhiều thập kỷ nữa, Libya mới có thể hình thành được đặc thù quốc gia ».
Mouammar Kadhafi đã lãnh đạo đất nước bằng bàn tay sắt sau khi lên nắm quyền nhờ đảo chính năm 1969, lật đổ chế độ quân chủ được phương Tây ủng hộ lúc ấy. Ông ta bị giết chết ngày 20/10/2011 sau tám tháng xung đột, bắt đầu từ các vụ người dân nổi dậy,
Từ đó đến nay, quốc gia có cấu trúc gồm nhiều bộ lạc hợp thành đã bị rơi vào tình trạng hỗn loạn với những trận đánh đẫm máu giữa các nhóm vũ trang đối địch và hai chính phủ tranh giành nhau quyền lực, mặc cho những nỗ lực của Liên Hiệp Quốc muốn họ chấp nhận hợp thành một chính quyền đoàn kết quốc gia.
Tháng 8/2014, thủ đô Tripoli bị rơi vào tay các phe dân quân trong đó có những nhóm Hồi giáo, và họ thành lập một chính quyền đối nghịch, còn chính quyền được cộng đồng quốc tế nhìn nhận phải chạy sang miền đông, trụ ở Tobrouk.
Lợi dụng khoảng trống chính trị và tình trạng mất an ninh thường trực, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bám trụ tại Libya trong cùng năm đó.
Libya cũng trở thành lãnh địa của bọn đưa người vượt biên không từ một thủ đoạn nào, thu những món lợi khổng lồ khi tổ chức cho hàng ngàn thuyền nhân vượt biển sang châu Âu, hầu hết là người châu Phi, trên những chiếc tàu tồi tàn, làm cho Địa Trung Hải trở thành một nghĩa địa lớn.
Một viên chức của chính quyền song trùng ở Tripoli nhận định : « Tất cả những gì Kadhafi để lại đằng sau ông ta đều hư hỏng : chính trị, kinh tế, xã hội và thậm chí thể thao. Luật pháp, các quy định do ông ta áp đặt đều phải sửa đổi từ A đến Z ».
Chuyên gia Nayebi-Oskoui phân tích : « Kadhafi đã khiến các bộ lạc và nhóm sắc tộc chống đối lẫn nhau, đó là nguyên nhân làm cho người Libya bây giờ rất khó tìm được một tiếng nói chung ». Ông dự báo : « Cái tên Kadhafi sẽ còn hiện diện khắp chốn, nhất là do các phiên tòa xử những người thân tín và các sự kiện liên quan đến ông ta lại tái hiện, chẳng hạn vụ khủng bố Lockerbie ».
Tuần trước, các thẩm phán Scotland đã nhận diện được hai nghi can Libya mới trong vụ khủng bố chiếc máy bay Boeing của hãng Pan Am trên bầu trời Lockerbie (Scotland) năm 1988 làm 270 người chết. Chế độ Kadhafi đến năm 2003 nhìn nhận trách nhiệm và bồi thường 2,7 tỉ đô la cho gia đình các nạn nhân.
Đối với ông Nayebi-Oskoui, Kadhafi đã để lại phía sau « một quốc gia rạn nứt », « tiếp tục ám ảnh mọi người cho đến khi nào vượt thoát được 40 năm hỗn loạn mà ông ta đã gây ra ».
Hơn nữa, nền kinh tế có nguy cơ sụp đổ toàn diện nếu xung đột kéo dài, theo cảnh báo của các quan chức Libya. Kadhafi đã lấy dầu lửa làm động lực chính của nền kinh tế đất nước, trong khi xuất khẩu dầu đã bị sụt mất phân nửa, chỉ còn 400.000 thùng/ ngày do tình trạng loạn lạc.
Và Liên Hiệp Quốc vẫn chưa thành công trong việc thuyết phục các bên cùng thỏa thuận thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia, mặc cho những lời kêu gọi liên tiếp của cộng đồng quốc tế, nhằm đưa Libya ra khỏi khủng hoảng.
Trên các bức tường ở Tripoli, các hình vẽ nguệch ngoạc chế giễu nhà cựu độc tài được sơn khắp nơi, trong đó có một bức vẽ Kadhafi trốn trong thùng rác.
Vào tối thứ Ba 20/10, người dân thủ đô Tripoli tập hợp tại trung tâm thành phố để kỷ niệm bốn năm ngày mà nhân vật tự xưng là « vua của các vua châu Phi » bị tiêu diệt.
Ahmad, một người bán thuốc lá nói : « Hồi trước, thậm chí chỉ nhìn về hướng tổng hành dinh của Kadhafi là người dân đã run lẩy bẩy. Tất nhiên bây giờ mọi sự đã thay đổi, những nỗi sợ hãi này, chúng tôi vẫn cảm thấy mỗi lần đi qua những bức tường và đều nghĩ đến ông ta. Cần phải mất nhiều thế hệ, nỗi sợ này mới có thể biến mất hẳn ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20151022-sau-bon-nam-cai-bong-cua-kadhafi-luon-de-nang-len-libya

Geen opmerkingen:

Een reactie posten