woensdag 18 november 2015

BBC giới thiệu '100 phụ nữ' năm 2015 + Phụ nữ nước nào 'hạnh phúc nhất'?

BBC giới thiệu '100 phụ nữ' năm 2015

  • 1 giờ trước
Một trăm phụ nữ gây ảnh hưởng nhiều nhất trong năm 2015 được BBC vinh danh và giới thiệu trong mùa '100 phụ nữ'.
Năm nay là năm thứ ba BBC thực hiện mùa '100 phụ nữ', là chương trình tìm kiếm giới thiệu các gương mặt nữ trên toàn cầu trong các chương trình thời sự quốc tế của BBC.
Nữ diễn viên giành giải Oscar, Hilary Swank, và siêu mẫu người Sudan, Alek Wek có mặt trong danh sách năm nay.
Lựa chọn của BBC cho năm 2015 cũng có 30 nữ doanh nhân trẻ, dưới 30 tuổi, và những phụ nữ trên 80 tuổi.
Trong mục Doanh nhân, BBC giới thiệu video phỏng vấn tiếng Anh với nữ doanh nhân Leimin Duong, 28 tuổi, từ Australia.
Leimin Duong nổi tiếng với doanh nghiệp làm bia, Zeven Lemon Beerworks do cô lập ra và nay đang phân phối trên toàn Úc loại bia có vị dâu tây, nhắm vào khách hàng nữ

'Chấp nhận rủi ro'

'100 phụ nữ' năm nay cũng gồm các nữ y tá ở chiến tuyến, các nhà làm phim nữ trẻ, và những người mặt hàng đầu trong các lĩnh vực khoa học, chính trị, giáo dục và nghệ thuật.
Một trong số các phụ nữ được BBC vinh danh năm nay là nhà hoạt động người Argentina năm nay đã 84 tuổi, bà Estela de Carlotto, người không mệt mỏi trong nỗ lực giúp cha mẹ được đoàn tụ với những đứa con đã bị bắt cóc khi còn ẵm ngửa thời thập niên 1970, khi giới quân sự còn đang nắm quyền.
Bà đã được gặp lại người cháu trai của mình, Ignacio, hồi 2014.
Trẻ hơn hai thế hệ, các nữ doanh nhân của chúng tôi chia sẻ những bí quyết đã giúp họ thành công, vượt lên trên những người khác.
Doanh nhân người Đức, Antonia Albert, 25 tuổi, là đồng sáng lập Careship, thị trường trực tuyến chuyên về chăm sóc người cao tuổi.
Cô nói phụ nữ cần phải "tự tin nhiều hơn nữa, và phải có gan chấp nhận rủi ro".
Trong danh sách năm nay của chúng tôi gồm các gương mặt trên toàn thế giới, từ Lý Đình Đình, một nhà hoạt động bảo vệ quyền cho người đồng tính nữ ở Trung Quốc, cho tới Eveles Chimala, một bà đỡ tại Malawi, hay Jana el-Hassan, một tiểu thuyết gia người Lebanon, và Megan Grano, một diễn viên hài người Mỹ.

Những câu chuyện về lòng quả cảm

Một số phụ nữ mà BBC lựa chọn giới thiệu trong năm nay là những người quả cảm tới mức đáng nể phục.
Trong số họ có Neyda Rojas, một nữ tu người Venezuela, người đã tới thăm những nhà tù đông đúc ở nước này, trong đó có những nơi được cho là nguy hiểm nhất thế giới.
Mùa '100 phụ nữ' kéo dài trong hai tuần lễ, với các buổi phát sóng và đăng tải trên mạng.
Từ Ấn Độ, chúng tôi có những cô gái ra đời ở bang Maharashtra ở miền Tây, những người bị gọi là 'nakusha' ('không mong muốn'). Chúng tôi nói chuyện với một số cô gái này, những người đã bị gọi là nakusha từ bốn năm về trước.
Từ Burkina Faso, chúng tôi gặp gỡ với vợ của của những người đàn ông di dân, những người bị bỏ lại đằng sau trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Và từ Trung Đông, chúng tôi nói chuyện với 'Malala' của Syria, Maisoun Almellehan, một thiếu nữ tỵ nạn 16 tuổi hiện đang ở Jordan, người đang tìm cách kêu gọi các bạn nữ là người tỵ nạn hãy đi học, đi tới trường.
Mùa '100 phụ nữ' năm nay tập trung cao điểm vào một ngày tranh luận về hình ảnh và vai trò lãnh đạo của người phụ nữ, được tổ chức tại 100 địa điểm trên toàn cầu, gồm cả ở Albania, Kosovo, Samoa, Fiji, Israel và Jamaica - và tất nhiên, cả ở trụ sở chính của BBC tại London.
Mùa '100 phụ nữ' của BBC được phát trực tuyến, trên kênh truyền hình BBC World News, trên BBC World Service và trên 28 trang ngôn ngữ của chúng tôi, từ 18/11 đến 2/12.
Hãy tham gia thảo luận cùng chúng tôi trên Facebook, Twitter và Instagram, bằng cách dùng hashtag #100Women.

Tin liên quan

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/11/151117_bbc_100_women

Phụ nữ nước nào 'hạnh phúc nhất'?

  • 25 tháng 10 2013
Trong 5 năm liên tiếp, Iceland được xếp là quốc gia có khoảng cách giới thấp nhất thế giới, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Theo Báo cáo Khoảng cách Giới Toàn cầu, Iceland là nơi phụ nữ hưởng quyền bình đẳng nhất về giáo dục, y tế, và cũng nhiều khả năng nhất để tham gia đầy đủ vào đời sống chính trị và kinh tế của đất nước.
Trong bảng xếp hạng năm 2013, cùng đầu bảng còn có Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển.
Nói chung, khoảng cách giới tính đã giảm bớt trên thế giới trong năm 2013. Người ta thấy 86 trong 136 nước được khảo sát đã có tiến bộ, mặc dù thay đổi còn chậm.
Mời các bạn xem các bản đồ dưới đây để biết bảng xếp hạng các nước về các lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống hàng ngày.
Châu Âu
Nói chung các nước Bắc Âu tốt hơn so với các nước khác. WEF cho rằng một phần nguyên do là nhờ các chính sách giúp con người cân bằng đòi hỏi công việc và cuộc sống.
Tại Nam Âu, khoảng cách giới tính trong giáo dục đã được đảo ngược từ nhiều năm trước. Nhưng sự tham dự của phụ nữ trong lực lượng lao động còn thấp.
Châu Á
Philippines là nước bình đẳng nhất ở châu Á, nhờ thu hẹp khoảng cách trong y tế và giáo dục.
Trung Quốc xếp hạng 69, trong khi Ấn Độ bị xếp thứ 101.
Việt Nam đứng ở vị trí thứ 66 trong bảng xếp hạng của báo cáo 2013.
Trung Mỹ và châu Mỹ Latin
Ba nước có thành tựu cao nhất là Nicaragua, Cuba và Ecuador, nằm trong tốp đầu 25 nước.
Vị trí của Brazil không đổi so với năm ngoái, vẫn ở thứ hạng 62.
Hoa Kỳ và Canada
Canada và Mỹ đứng thứ 20 và 23. Canada có điểm cao về giáo dục, nhưng thấp hơn về chính trị.
Mỹ xếp sau Canada về chính trị nhưng lại hơn nước láng giềng về y tế và kinh tế. Hai nước ngang nhau về giáo dục.
Trung Đông và Bắc Phi
Đây là khu vực chứng kiến sự bất bình đẳng thuộc hàng cao nhất thế giới, nhưng không phải nơi nào cũng vậy.
Các nước vùng Vịnh đã đầu tư nhiều cho giáo dục nữ. Tại Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, số phụ nữ học xong đại học nay cao hơn cả nam.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten