vrijdag 13 november 2015

Bầu cử Miến Điện : Đảng đối lập của Bà Aung San Suu Kyi chiếm đa số tuyệt đối cả hai viện Quốc Hội + Quân đội hứa hợp tác với chính quyền dân cử

Bầu cử Miến Điện : Đảng đối lập chiếm đa số tuyệt đối cả hai viện

mediaChào mừng chiến thắng của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Ảnh chụp bên ngoài trụ sở đảng đối lập ở Rangoon, 09/11/2015.REUTERS/Jorge Silva
Giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân Chủ, đã giành được thắng lợi lịch sử trong cuộc tổng tuyển cử ngày 08/11/2015 vừa qua: đảng của bà chiếm được đa số tuyệt đối ở cả Hạ viện và Thượng viện Miến Điện.
Theo AP, Ủy ban bầu cử Miến Điện, ngày hôm nay, 13/11/2015 ra thông báo : mặc dù chưa kiểm phiếu hết, nhưng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã giành được tổng cộng 348 ghế ở cả hai viện, trong khi chỉ cần 329 ghế trong tổng số 664 ghế là có đa đa số.
Do tình hình căng thẳng ở một số nơi trước cuộc bầu cử, cuộc bỏ phiếu đã không được tổ chức ở bẩy địa điểm. Chính vì thế, chỉ cần có 329 ghế là đủ để có được đa số ở cả Hạ viện (Quốc hội) và Thượng viện (Hội đồng các sắc tộc). Trong khi đó, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã chính thức 110 ghế tại Thượng viện và 238 ghế tại Hạ viện – cho phép tân Quốc hội thông qua các đạo luật do chính phủ đề xuất, mà không cần phải liên minh với các đảng phái khác.
Tính đến chiều nay, đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển, được quân đội ủng hộ, chỉ có được tổng cộng 40 ghế.
Theo Hiến pháp hiện hành của Miến Điện, quân đội được quyền chỉ định 25% tổng số ghế ở Hạ viện và Thượng viện và bà Aung San Suu Kyi không thể trở thành Tổng thống do có con mang quốc tịch nước ngoài.
Tuy vậy, với kết quả kiểm phiếu được công bố chính thức, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi sẽ đứng ra lựa chọn tân Tổng thống và lập chính phủ. Đây là thắng lợi vượt quá mong đợi của phe đối lập.
Từ Rangoon, thông tín viên RFI Remy Favre gửi về bài tường trình :
« Giành được được đa số tuyệt đối có nghĩa là Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ có thể lựa chọn Tổng thống. Đây là thắng lợi đầu tiên tại Miến Điện, nơi giới tướng lãnh thống trị chính trường từ hơn 50 năm qua. Tổng thống Miến Điện có nhiều quyền hành như bổ nhiệm phần lớn các Bộ trưởng, cho dù quân đội được quyền bổ nhiệm Bộ trưởng một số bộ chủ chốt. Như vậy, đảng của bà Aung San Suu Kyi sẽ chia sẻ quyền hành pháp với quân đội. Hiện nay, một số nhóm sắc tộc thiểu số lo ngại là không có đại diện của họ trong các định chế mới ở Miến Điện.
Vậy thì ai trong số các lãnh đạo của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ sẽ trở thành Tổng thống của Miến Điện ? Bà Aung San Suu Kyi không thể đảm nhiệm chức vụ này. Bản Hiến pháp do giới tướng lãnh làm ra trước đây chỉ để chống lại bà, ngăn cản bà trở thành Tổng thống. Thế nhưng, trong chiến dịch vận động tranh cử, bà Aung San Suu Kyi không nêu ra một ai để đảm nhiệm chức vụ Tổng thống và trước các đám đông, bà vẫn chỉ xuất hiện một mình, trừ lúc bà đọc bài diễn văn trong cuộc vận động tranh cử cuối cùng. Bà chỉ nói là bản thân bà sẽ giữ một vị trí đứng trên Tổng thống cho dù Hiến pháp Miến Điện không nói đến trường hợp này. Bà tuyên bố rằng tân Tổng thống sẽ làm những gì mà Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ bảo phải làm. Nói một cách khác, đó là Tổng thống bù nhìn ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20151113-bau-cu-mien-dien-dang-doi-lap-chiem-da-so-tuyet-doi-ca-hai-vien

Miến Điện : Quân đội hứa hợp tác với chính quyền dân cử

mediaTướng Min Aung Hlaing phát biểu trước báo chí sau khi bỏ phiếu ngày 08/11/2015.AFP PHOTO / COMMANDER-IN-CHIEF OFFICE
Hôm nay 12/11/2015, tướng chỉ huy tối cao của quân đội Miến Điện đã lên tiếng cho biết « sẵn sàng hợp tác với chính phủ mới » sẽ được thành lập bởi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, vừa giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử tự do hôm 8/11.
Giới tướng lĩnh quân đội đã bắt đầu thừa nhận thất bại trong cuộc tuyển cử vừa rồi, dù chưa có kết quả kiểm phiếu cuối cùng. Không nắm chính phủ nhưng quân đội vẫn giữ vị trí quan trọng trong chính trường. Sự hợp tác của quân đội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao quyền lực sắp tới được diễn ra êm đẹp.
Thông tín viên RFI tại Rangoon Rémy Favre tóm lược :
Quân đội đã chúc mừng Aung San Suu Kyi và thừa nhận thắng lợi của đảng đối lập. Tư lệnh quân đội Miến Điện đã chấp thuận gặp bà Aung San Suu Kyi. Trước cuộc bầu cử hôm Chủ nhật, tướng Min Aung Hlaing vẫn từ chối nói chuyện với bà. Lần này, ông không thế làm ngơ trước kết quả của tuyển cử. Kết quả đã rất rõ vì Ủy ban bầu cử khẳng định đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đến giờ đã giành đủ số ghế trong Quốc hội để có thể chỉ định một Phó tổng thống.
Phe quân đội đã trị vì trên chính trường Miến Điện trong hơn năm chục năm, lãnh đạo đất nước cho đến tận năm 2011. Nhưng giới quân nhân vẫn không ra khỏi bối cảnh chính trị của đất nước. Hiến pháp vẫn bảo đảm cho họ có quyền hành rộng rãi. Giờ đây họ phải hợp tác với đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Lãnh đạo của đảng, bà Aung San Suu Kyi luôn mong muốn đối thoại với giới quân nhân. Bà thường xuyên có những phát ngôn tôn trọng quân đội và ngỏ ý bà không mong muốn trả thủ chế độ độc tài quân sự. Chiến lược này của bà đã thành công. Aung San Suu Ky đã có được lòng tin của các tướng lĩnh và họ chấp nhận chia se quyền lực với đối lập.
Cũng trong ngày hôm nay, chính phủ Miến Điện cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện thoại khen ngợi Tổng thống Thein Sein đã tạo điều kiện để cuộc bầu cử tự do được diễn ra tốt đẹp. Thông cáo của Bộ Thông tin Miến Điện cho biết thêm là Tổng thống Mỹ đánh giá chính phủ Miến Điện đã tổ chức thành công cuộc tuyển cử lịch sử, tự do và công bằng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20151112-mien-dien-quan-doi-hua-hop-tac-voi-chinh-quyen-dan-cu

Aung San Suu Kyi muốn đối thoại với những người đang cầm quyền

mediaChân dung của lãnh tụ Aung San Suu Kyi trên mặt tiền trụ sở đảng đối lập Liên minh Quốc gia vì Dân chủ 09/11/2015 - AFP
Nay đã nắm chắc chiến thắng trong tay sau cuộc tổng tuyển cử tự do ngày 08/11/2015, lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi kêu gọi đối thoại với những người đang cầm quyền, tức là những người xuất thân từ một chế độ quân phiệt đã từng quản thúc tại gia bà trong suốt hơn 15 năm.
Hôm nay, 11/11/2015, đảng đối lập Liên đoàn quốc gia vì dân chủ công bố nội dung bức thư mà bà Aung San Suu Kyi gởi cho Tổng thống Thein Sein, chủ tịch Hạ viện Shwe Mann, cũng như cho tổng tư lệnh quân đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing.
Trong bức thư, nhà đối lập từng đoạt giải Nobel Hòa bình viết : « Các công dân đã bày tỏ ý nguyện của họ qua cuộc bầu cử. Tôi rất muốn mời quý vị thảo luận về hòa giải dân tộc vào tuần tới, vào một thời điểm thuận tiện cho quý vị ».
Kết quả cuộc bầu cử Chủ nhật vừa qua vẫn được công bố theo kiểu nhỏ giọt, nhưng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ cho tới nay vẫn dẫn đầu, bỏ xa các đối thủ. Theo kết quả kiểm phiếu tính cho đến hôm nay, đảng đối lập đã giành được 56 trên tổng số 61 ghế của Hạ viện. Nhưng dù kết quả chung cuộc là như thế nào đi nữa, thì phe quân sự vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trên sân khấu chính trị Miến Điện. Từ Rangun, thông tín viên RFI Rémy Favre gởi về bài tường trình :
« Bà đang ở thế mạnh và nghĩ rằng sẽ giành được đa số ở Quốc hội, nên bà muốn mở đối thoại, cuộc đối thoại mà bà đã không thể tiến hành được trước cuộc tổng tuyển cử. Bà Aung San Suu Kyi đã viết thư cho Tổng thống Thein Sein, chủ tịch Hạ viện Shwe Mann, cũng như cho tổng tư lệnh quân đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing.
Nhà đối lập muốn gặp họ để thảo luận về cách thức mà những người đang cầm quyền sẽ thực hiện ý nguyện của người dân. Nói cách khác, bà muốn bàn về việc chuyển giao quyền lực, một cuộc chuyển giao mà bà muốn diễn ra một cách ôn hòa để thiết lập một chính phủ hòa giải dân tộc. Trước cuộc bầu cử, bà Aung San Suu Kyi đã nhiều lần tìm cách gặp lãnh đạo quân đội Miến Điện, nhưng vị này không bao giờ đáp ứng.
Cho dù kết quả cuộc tuyển cử Chủ nhật vừa qua như thế nào, quân đội sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng trên sân khấu chính trị Miến Điện. Phe quân nhân sẽ tiếp tục nắm quyền phủ quyết đối với mọi sửa đổi Hiến pháp.
Tổng tư lệnh quân đội vẫn có quyền kiểm soát trên các bộ quan trọng nhất. Chính viên tướng này, chứ không phải chính quyền, chỉ định bộ trưởng Quốc phòng, bộ trưởng Nội vụ và bộ trưởng đặc trách các vấn đề biên giới. »
Mặt khác, những người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi đang lo ngại về phản ứng của phe quân sự trước thảm bại trong cuộc bầu cử vừa qua. Chiến lược của Liên đoàn quốc gia dân chủ là để cho chính phủ hiện hành có thời gian để « tiêu hóa » kết quả đó, không reo hò ăn mừng chiến thắng, không đổ dầu thêm lửa, vì làm mất mặt đối thủ này sẽ là một sai lầm chiến lược.
Chính vì vậy bà Aung San Suu Kyi kể từ sau bầu cử cho tới nay tỏ ra rất thận trọng, tránh xuất hiện trước công chúng, cũng như đã ra lệnh gỡ màn ảnh lớn và các loa phóng thanh trước trụ sở đảng đối lập. Những người ủng hộ bà cũng tuân thủ chỉ thị nên ở nhà, không tiếp tục xuống đường ăn mừng chiến thắng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20151111-aung-san-suu-kyi-muon-doi-thoai-voi-nhung-nguoi-dang-cam-quyen

Geen opmerkingen:

Een reactie posten