maandag 2 november 2015

Ðầu Thu qua thăm Phoenix + Flagstaff, Arizona (Mỹ)

Ðầu Thu qua thăm Phoenix, Arizona (Kỳ 1)
Friday, October 16, 2015 1:24:07 PM



Bài liên quan



Bài và hình: Trịnh Hảo Tâm
Phoenix là thành phố lớn nhất cũng là thủ phủ của tiểu bang Arizona nằm về hướng Ðông và cách Los Angeles 381 miles. Phoenix hiện là một trong những thành phố phát triển nhanh nhất trên nước Mỹ, có diện tích 500 dặm vuông (square mile) rộng hơn thành phố Los Angeles và có dân số 1,445,632 người (thống kê dân số 2010) đứng thứ 6 thành phố đông dân nhất Hoa Kỳ. Thu nhập trung bình của một gia đình là $54,804 một năm. Phoenix có khí hậu sa mạc nên mưa rất ít, một năm có hơn 300 ngày nắng và nhờ địa thế nằm ở sa mạc trống trải không bị núi che chắn nên không khí trong lành bầu trời trong xanh với nhiệt độ bình quân trong năm là 74 độ F, mùa Hè rất nóng thường trên 100 độ F.

Khu thương mại Việt Nam ở Mesa ngoại ô thành phố Phoenix.
Phoenix trong những năm gần đây rất phát triển vì những hãng xưởng từ California do giá nhà cửa đất đai đắt đỏ lại thêm những luật lệ ô nhiễm khắt khe, tuân thủ rất tốn kém nên đã dọn về đây, chọn Arizona làm nơi đầu tư sản xuất trong đó có những hãng điện thoại, vi tính, hàng không nổi tiếng như Motorola, Intel, Honeywell, Boeing đều có mặt tại Phoenix. Vì kỹ nghệ đang phát triển, người ta dọn về đông nên giá nhà ở Phoenix tiếp tục lên giá nhưng vẫn còn rẻ hơn nhiều so với California và một số người Việt chúng ta nhất là trong giới hoạt động dịch vụ thẩm mỹ như săn sóc móng tay, mái tóc, trang điểm; bán nhà ở Cali đem tiền qua Arizona đủ để mua một ngôi nhà mới không cần vay và sang một cơ sở làm ăn. Hiện nay tuy không có con số thống kê chính thức nhưng người ta ước lượng có hơn 25 ngàn người Việt Nam định cư tại Phoenix và hàng tháng người Việt vẫn còn tiếp tục dọn về Phoenix.
Máy bay Boeing 727 cất cánh lúc 7 giờ 15 chiều từ phi trường John Wayne gần Little Saigon thuộc miền Nam California, trên phi cơ không còn một chỗ trống vì cuối tuần thiên hạ đi chơi hay thăm viếng thân nhân rất đông. Ðường bay chỉ một tiếng đồng hồ vừa nhai đậu phọng, uống nước ngọt xong là tới. Arizona quanh năm không đổi giờ và dùng giờ Mountains Time, mùa Ðông đi trước Cali một giờ nhưng Hè thì cả hai tiểu bang đều cùng giờ như nhau.
Trong lúc phi cơ hạ cánh nhìn xuống thành phố Phoenix chi chít ánh đèn và trên xa lộ xe cộ nối đuôi nhau tạo thành sợi dây chuyền hai màu một bên trắng sáng, một bên đỏ đèn đuôi của những chiếc xe. Ra đến quày lấy hành lý thì gặp vợ chồng Nhàn Nguyễn là con trong một gia đình HO, bà con với tôi, qua Mỹ định cư từ năm 1992. Chúng tôi đi bộ ra parking building nhiều tầng để lấy xe. Phi trường quốc tế thành phố Phoenix có tên là Phoenix Sky Harbor cũng rất lớn, rất nhộn nhịp, năm bảy phút là có chuyến bay lên xuống và toàn bộ nhân viên phi trường là 31,000 người nằm cạnh phía Nam của thành phố. Chúng tôi lên xe của Nhàn là chiếc SUV Sequoia 8 máy rất mới của hãng Toyota đi về nhà ở thành phố Gilbert nằm gần đường Higley và Chandler Heights cách trung tâm Phoenix độ 30 miles về hướng Ðông Nam. Ðây là vùng đồng trống trước đây người ta trồng cam, nuôi bò và những năm gần đây nhà cửa lên giá nên các hãng xây cất mua đất xây lên những khu nhà mới. Từ phi trường lấy xa lộ 143 South rồi qua 60 East đi khoảng 25 miles và exit đường Higley đi về hướng Nam thêm 10 miles nữa. Trên con đường Higley những khu nhà mới thì có đèn đường và đường lộ được mở rộng theo tiêu chuẩn của đường Divided Arterial nghĩa là mỗi hướng lưu thông rộng 40 feet và giữa là con lươn trồng cây cỏ rộng 14 feet. Những cột đèn đường ở đây đặc biệt là lên thẳng rồi cong ra để đưa ngọn đèn chiếu xuống giữa lòng đường. Những ngã tư đã gắn hệ thống đèn lưu thông xanh vàng đỏ thì 4 góc đường đã lên nền để xây những khu thương mại, nhiều nhất là hệ thống pharmacy Walgreens và chợ thực phẩm Bashas. Hệ thống chợ Bashas hiện nay ở Arizona đã có 144 chợ do hai anh em có họ Bashas mở chợ đầu tiên ở vùng Phoenix năm 1932.

Những khu nhà mới ở vùng Phoenix, Arizona.

Chúng tôi về đến ngôi nhà của Nhàn trong khu Seville là một khu dân cư có tổ chức theo lối “community association” nghĩa là mỗi tháng phải đóng một khoản tiền để tu bổ các tiện ích công cộng cũng như duy trì vẻ mỹ quan. Khu này tổng cộng khoảng 1,000 căn nhà, có sân golf và câu lạc bộ sang trọng cho hội viên. Căn nhà biệt lập, nhỏ nhất nơi đây là 1,400 sqft và các căn lớn nhất 4,300 sqft xây cạnh sân golf, sân vườn rất rộng có diện tích đất đến 1/3 acre. Thường nhà nơi đây là một tầng, ba bốn kiểu nhà mới có một kiểu nhà lầu vì đất còn trống nhiều và lối xây cũng giống như ở California nhưng kiểu cách, trang trí làm cho đẹp thì trội hơn.
Giá nhà trung bình hiện nay 2015 vùng Phoenix và Tucson là $178,500 trong khi ở Orange County là $590,750 như vậy giá nhà ở Phoenix giá chỉ bằng 1/3 so với Orange County. Kết luận tuy giá nhà có tăng ở Phoenix nhưng vẫn còn quá rẻ so với quận Cam và những ai định dọn đi Arizona cơ hội mua nhà vẫn còn.
Về sân vườn cảnh (landscape) vì khí hậu mùa Hè rất nóng và ít mưa nên sân trước thường không có bãi cỏ mà thay vào đó đổ đá sỏi vàng hay đỏ và trồng những cây không cần nhiều nước như xương rồng, bông giấy. Tuy khí hậu nóng bức nhưng những loại cây này trổ hoa rất đẹp và lá mơn mởn màu xanh. Các bạn nào muốn tìm hiểu về sân cảnh ở Phoenix có thể mua sách nói về các loại cây ít cần nước này và ở Phoenix cũng có hệ thống tiệm Home Depot bán đủ mọi loại cây như ở California nhưng khi chọn cây nên cẩn thận vì có những cây họ bán rất khó trồng ngoài trời với khí hậu nóng như ở Arizona. Bán là bán nhưng trồng cây sống được không là ăn thua nơi mình, họ chỉ bảo đảm 30 ngày. Tốt nhất là quan sát những cây cối, bông hoa nào hàng xóm đang trồng, họ trồng được là mình có thể trồng được.
Nghề nail tại Phoenix
Sáng hôm sau bằng 2 chiếc xe, Nhàn Nguyễn lái xe Sequoia còn tôi thì Nhàn đưa cho chiếc Mazda Van MPV ra tiệm Nail của Nhàn ở trong khu thương mại chợ Albertson góc đường Dobson và Baseline thuộc thành phố Mesa cách nhà Nhàn khoảng 20 miles đi bằng xa lộ 60.

Bên trong tiệm XO Nail ở Mesa kế cận Phoenix.

Tiệm có tên là XO Nails & Spa mà Nhàn sang lại từ một người VN khác. Tiệm mới xây rất khang trang sạch sẽ và máy lạnh bên trong mát mẻ. Tôi hỏi Nhàn về ý nghĩa tên của tiệm, có phải là vì thích rượu Martell XO mà chúng tôi uống đêm qua mà đặt tên cho cửa tiệm thì Nhàn cười gật đầu! XO còn là chữ tắt của“Exellent” có nghĩa là tuyệt vời! Ngoài hai vợ chồng Nhàn trong tiệm còn có 3 người thợ, 2 nữ và 1 nam, những anh chị này cho biết là cũng từ California dọn qua đây. Tiệm mở cửa 6 ngày một tuần và nghỉ ngày Thứ Ba.
Những dịch vụ của tiệm XO Nails & Spa gồm có làm móng tay giả Acrylic Clear Tip trọn bộ là $22, White Tip $25, Pink and White Powder $35, Art Tips (Pre-Design) $35. Ngoài ra còn có dịch vụ spa bàn tay $18, spa bàn chân $30, làm mặt facial 1 giờ $60, massage mặt 45 phút $48 và waxing tẩy lông trên thân mình.
Hầu như bất cứ khu thương mại có chợ búa nào ở Phoenix cũng đều có tiệm nail, thường thì tiệm của người Việt chỉ chuyên về nail còn những tiệm lớn của người Mỹ là những salon thì thêm tóc, trang điểm, dưỡng da, massage v.v... Hiện nay Phoenix đang phát triển xây thêm xa lộ vành đai 202 ở hướng Nam qua các thành phố Chandler, Gilbert và những khu shopping center thường “ăn theo” nằm cạnh xa lộ trên những con đường lớn có lối ra vào xa lộ. Những khu thương mại này có thể mở tiệm nail và những ai muốn mướn chỗ nên gọi ngay cho công ty chủ khu thương mại.
Hiện nay tại Phoenix 90% tiệm nail là do người Việt làm chủ, còn lại là người Mỹ, người Tàu. Dù tiệm nail mở ra nhiều, khu shopping nào cũng có tiệm nhưng khách hàng là phụ nữ Mỹ vẫn đông, lâu lâu lại có đàn ông vào đòi làm... da mặt! Thỉnh thoảng cũng có vài phụ nữ da đen khi xong làm bộ chê đắt để chạy làng, chủ nhân phải gọi cảnh sát và có tiệm còn bị cướp trấn lột mà nạn nhân là chủ tiệm và các cô thợ làm trong tiệm. Do đó nhiều tiệm phải thủ súng và cảnh giác khi có đàn ông lạ mặt vào tiệm.
Con đường đến quang vinh nào cũng có chông gai nhưng với sự cần cù, khéo léo người Việt mình đã và đang thành công trên xứ người điển hình là ở thành phố sa mạc nóng cháy Phoenix này. Dù cho nghề nail trên xứ Mỹ đa số do người Việt làm, nhưng trong cộng đồng người Việt số người hành nghề nail chỉ là một số nhỏ. Ða số người Việt sinh sống trên đất Mỹ có mặt hầu hết trong các nghề mà người Mỹ làm, từ dọn dẹp trong các trường học cho đến giáo sư trong các trường đại học, phi hành gia trong cơ quan không gian Hoa Kỳ. Trong kỹ nghệ, thương trường có rất nhiều người Việt nổi tiếng với số tài sản hàng tỉ đô la.



Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch:
1. Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam
2. Miền Tây Hoa Kỳ
3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc
4. Mùa Thu Ðông Âu
5. Tây Âu Cổ Kính
6. Miền Ðông Nước Mỹ Và Canada
7. Hành Hương Thánh Ðịa Do Thái
8. Nhật Bản, Hồng Kông-Macau, Thái Lan.

Tất cả đều dầy trên 300 trang trình bày đẹp, mỗi quyển đồng giá 15 USD (bao cước phí trong nước Mỹ) xin liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823. Ðiện thoại (714) 528-1413. Email: trinhhaotam@yahoo.com

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=215997&zoneid=22

Ðầu Thu qua thăm Phoenix, Arizona (Kỳ 2)
Friday, October 23, 2015 1:54:37 PM



Bài liên quan



Bài và hình: Trịnh Hảo Tâm
Phoenix là thành phố lớn nhất cũng là thủ phủ của tiểu bang Arizona nằm về hướng Ðông và cách Los Angeles 381 miles. Phoenix có diện tích 500 dặm vuông (square mile) rộng hơn thành phố Los Angeles và có dân số 1.5 triệu người đứng thứ 6 thành phố đông dân nhất Hoa Kỳ. Phoenix có khí hậu sa mạc nên mưa rất ít, một năm có hơn 300 ngày nắng và nhờ địa thế nằm ở sa mạc trống trải không bị núi che chắn nên không khí trong lành bầu trời trong xanh với nhiệt độ bình quân trong năm là 74 độ F, mùa Hè rất nóng thường trên 100 độ F.

Một tiệm nail của người Việt ở Mesa ngoại ô của Phoenix.
Mùa Thu năm nay khi thời tiết bắt đầu mát mẻ, từ miền Nam California chúng tôi sang thăm thành phố Phoenix theo lời mời của Nhàn Nguyễn, con trai út của một gia đình HO qua Mỹ từ năm 1992. Nhớ lại ngày nào vào phi trường Los Angeles đón gia đình cha mẹ Nhàn, “gia tài” mang theo là hai cái rương sắt thời ấy gọi là “Vietnam Samsonite” (từ Việt Nam sang định cư Mỹ bất cứ theo diện gì, ai ai cũng đều sắm loại va ly này). Ngày nay các anh chị em Nhàn đều khá giả, con cái vào đại học, tất cả đều theo nghề “nail,” riêng Nhàn làm chủ hai tiệm “nail.” Theo lời Nhàn nói ở vùng Phoenix này, khi thấy một khu shopping nào đang xây cất, Nhàn tìm hiểu xem dân cư nơi đây như thế nào? Có công ăn việc làm khá không? Khu toàn là nhà mới tức nhiên dân cư phải có việc làm khá, chứ công ty địa ốc nào bán nhà trả góp cho dân thất nghiệp? Có tiệm “nail” nào đang mở gần đó hay không? Nhàn sẽ ký “lease” (thuê dài hạn) một căn. Rồi trang bị bàn làm “nail,” ghế “spa” với bồn ngâm chân, hệ thống ống nước và thoát nước. Trang trí cho thật mát mắt từ hệ thống đèn chiếu hiện đại cho đến tranh tường, chậu hoa mỹ thuật. Thường thường công việc sắp xong là có người Việt Nam tới ngỏ ý muốn sang lại. Những người này từ Cali qua hay những tiểu bang lạnh miền Ðông sang. Nếu có lời khá từ 4, 5 chục ngàn trở lên là sang tiệm rồi đi tìm địa điểm khác mà tiếp tục kiếm tiền. Còn không thì Nhàn đăng báo Người Việt tuyển thợ “nail” tới làm. Có lúc một mình Nhàn làm chủ tới 3, 4 tiệm “nail,” chạy tới chạy lui coi sóc còn hơn ca sĩ trong nước chạy show. Nhàn xuất thân là thợ tiện, bị tai nạn nghề nghiệp đứt ngón tay. Sau khi được bồi thường Nhàn sang Arizona làm “nail,” tuy có bằng “nail” nhưng không khi nào đụng tới cây giũa hay cọ sơn móng tay mà luôn mang Iphone 6, laptop và lái những xe sang trọng đời mới. Học vấn cấp bằng Nhàn cũng không có gì, ở Việt Nam cha phải học cải tạo miền Bắc, mẹ phải buôn tần bán tảo nuôi anh chị của Nhàn. Có một điều là Nhàn nói và hiểu được tiếng Mỹ, không cần những từ ngữ văn chương, khoa học cao xa, chỉ cần đủ hiểu và nói những câu giao dịch hàng ngày.
Hỏi về liệu mở tiệm mới mà không có khách hàng thì sao? Ðược biết Phoenix là thành phố đang phát triển vào hàng bậc nhất nước Mỹ, đất đai sa mạc còn trống bạt ngàn, một năm trời quang mây tạnh 330 ngày, không mưa, không tuyết. Giá đất đai, nhân công xây cất không đắt đỏ như Cali, luật lệ về khí thải ô nhiễm môi sinh không khắt khe ràng buộc như những tiểu bang đông dân khác. Thí dụ như vấn đề xử lý rác ở California rất là tốn kém, phải mang rác chôn trên núi hay sa mạc. Ở đây sa mạc ngay bên ngoài thành phố. Vì những lý do thuận lợi như vậy nên những công ty, tập đoàn tài phiệt tầm cỡ có tiếng thế giới trong các lãnh vực điện thoại, vi tính, hàng không như Motorola, Intel, Honeywell, Boeing đều có xưởng ở Phoenix. Trong vùng hiện nay là tổng hành dinh của 4 hãng lớn như hãng điện tử Avnet, công ty hầm mỏ Freeport-McMoRan, công ty bán lẻ thực phẩm chó mèo Pet Smart và công ty xử lý rác thải Republic Services. Ngoài ra còn là trụ sở chính của U-HAUL, Best Western, Apollo Group và hãng máy bay American Airlines.
Có công ăn việc làm, giá nhà rẻ chỉ bằng 1/3 giá ở Orange County, California người ta dọn về Phoenix ngày càng đông và ngành địa ốc xây cất tiếp tục hoạt động không ngừng nghỉ. Tuy đất còn trống nhiều nhưng những khu gia cư xây lên bao nhiêu lần hồi cũng bán hết. Kỹ thuật xây cất ngày càng tân tiến, kết hợp với tiến bộ của ngành vi tính, vật liệu xây nhà, các trang thiết bị điện, nước ngày càng tinh xảo và đẹp mắt lại rất tiết kiệm điện năng. Như phát minh ra đèn LED rất sáng lại chỉ cần điện một chiều DC như điện phát từ những cục pin. Phát minh ra sóng wifi khiến chủ nhà ở xa vẫn chăm sóc dòm ngó được căn nhà mình qua Iphone và các camera, tắt mở những ngọn đèn trong nhà và hệ thống tưới ngoài sân vườn v.v...
Dân cư ngày càng đông, thu nhập được bảo đảm nên người dân có nhu cầu giải trí thư giãn nghỉ ngơi. Khí hậu khá nóng, không có biển xanh cát trắng, núi cao chơi tuyết nên người dân có những thú như chơi golf, các hộp đêm bar club và nhất là các nhà hàng ăn uống. Phải kể Phoenix không thiếu một loại ẩm thực nào nhất là các thức ăn Á Châu như Tàu, Nhật, Hàn và các món Việt như phở, bánh mì, cơm, bún đều được dân chúng địa phương chiếu cố. Riêng phụ nữ, đã mang tiếng là phái đẹp nên lúc nào cũng muốn đi làm đẹp. Ðó là lý do mà những tiệm “nail” của người Việt lúc nào cũng có khách.
Khu chợ Việt tại Chandler
Những khu dân cư mới đang xây dựng nằm về phía Ðông Nam của Phoenix là các thành phố Mesa, Gilbert và Chandler.

Khu phố Việt ở Chandler, ngoại ô Ðông Nam Phoenix.

Người Việt là dân nhập cư sau nên tập trung trong những thành phố mới này. Ngày Thứ Sáu trong lúc hai vợ chồng Nhàn Nguyễn bận cửa tiệm, chúng tôi lái xe đến khu chợ Lee Lee cũng trên đường Dobson nhưng ở về hướng Nam gần ngã tư Dobson và Warner thuộc thành phố Chandler. Chợ Lee Lee rất lớn cùng cỡ với những chợ ở Bolsa và khi tôi hỏi nhân viên trong chợ thì họ nói chủ nhân là người... Campuchia (?). Giá cả trong chợ chỉ cao hơn ở Little Saigon khoảng từ 10 đến 20% mà thôi và gần 100% hàng hóa là từ Little Saigon chở sang. Tại Phoenix cũng có vài tuần báo tiếng Việt chủ yếu là quảng cáo các cơ sở thương mại VN. Tôi thấy có một ông ngồi đọc báo Người Việt số cũ mấy ngày trước và tôi hỏi ông ta mua ở đâu? Ông ta nói lấy miễn phí ở trong văn phòng của chợ nhưng khi tôi đến đó thì chỉ thấy báo Tàu và báo tiếng Anh của Philippines hay Hồng Kông gì đó. Trong chợ cũng có quày gởi tiền, bán thẻ điện thoại gọi về VN, tiệm thuốc Bắc, tiệm nữ trang và các cửa tiệm phía ngoài chợ là tiệm tóc, bán vé máy bay, tiệm bàn ghế giường tủ bằng gỗ hồng tâm (redwood) của Trung Quốc. Gần đó là nhà hàng Tàu Phoenix Palace, tiệm mì China Magic Noodle House.
Góc Tây Bắc ngã tư Dobson và Warner là một khu thương mại khác trong đó có cơ sở thể dục LA Fitness, Biscuits Café, Jack In The Box, Circle K và cà phê Starbucks. Bên kia đường ở góc Ðông Nam là tiệm bánh mì Lee's Sandwiches. Còn góc Tây Nam là một khu thương mại rộng lớn có 7-Eleven, Joe's Auto, nhà hàng Nhật Shimogamo, phòng mạch bác sĩ, v.v...

Trở về tiệm nail để đón vợ chồng Nhàn, chúng tôi cùng đi ăn phở “Nhật,” không phải là phở nấu theo kiểu Nhật Bổn mà tên tiệm phở là “Nhật” cũng ở thành phố Mesa nhưng về hướng Bắc của xa lộ 60. Phở cũng ngon, thịt nhiều, rau ngò giá sống đầy đủ và giá cả như ở Bolsa chứ không lấy lý do “vùng sâu, vùng xa” mà lên giá nhưng mùi gia vị phở không nồng nàn đậm đà như phở Bolsa, có lẽ vì khách ăn là người Mỹ, Ðại Hàn họ không hợp với gia vị cay nồng.
Khu phố Tàu ở Phoenix
Hôm trên đường ra phi trường để về lại Cali tình cờ tôi gặp một khu phố có kiến trúc Tàu với mái ngói cong màu vàng nơi góc đường số 44 và E Cofco Center Blvd. vào phi trường Phoenix. Vào xem mới biết là khu chợ Super L Ranch Market, hỏi thăm mới biết trước kia là chợ 99 Ranch Market. Lúc này là 3 giờ chiều trời nóng 90 độ nên khu China Town của Phoenix này rất vắng người. Nơi đây có tiệm bán tranh tượng, đồ gốm Tàu, kiếng bát quái chiếu yêu, địa bàn phong thủy, bên cạnh là nhà hàng Ðiểm Sắm, một nhà hàng Tàu khác thì đóng cửa nghỉ từ 2 giờ cho đến 5 giờ chiều, thấy có tiệm đề bảng Cafe nhưng cũng lại đóng cửa. Chúng tôi vào chợ mua nước uống rồi lên xe để vào phi trường cho kịp chuyến bay. Ðịa chỉ của khu Phố Tàu Phoenix này là 668 North 44th Street Phoenix, Arizona 85008.

Khu phố Tàu trên đường 44 đi vào phi trường Phoenix.

Theo ước lượng hiện có khoảng 25,000 người Việt sinh sống ở Phoenix và vùng phụ cận, họ hội nhập trong tất cả các ngành nghề của người Mỹ và làm trong các hãng xưởng, văn phòng và cơ sở chính quyền. Về mặt thương mại du khách thấy qua các bảng hiệu trên đường phố, người Việt kinh doanh trong nghề Nail và mở nhà hàng ăn uống, nhiều nhất là lấy tên Phở. Ước tính có trên 25 tiệm Phở của người Việt ở Phoenix trong 43 tiệm ăn có trên mạng vi tính. Người Việt đông nên có tổ chức những hội đoàn văn hóa xã hội tương thân ái hữu như hội cộng đồng người Việt, hội cựu quân nhân, cảnh sát. Về tôn giáo có nhà thờ Việt Nam, chùa Phật Giáo và thánh thất Cao Ðài. Những sinh hoạt lớn như hội Tết, ngày quốc hận 30-4 thường được tổ chức ở tiền đình tòa hành chánh tiểu bang Arizona ngay tại trung tâm thành phố Phoenix.



Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch:

1. Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam
2. Miền Tây Hoa Kỳ
3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc
4. Mùa Thu Ðông Âu
5. Tây Âu Cổ Kính
6. Miền Ðông Nước Mỹ Và Canada
7. Hành Hương Thánh Ðịa Do Thái
8. Nhật Bản, Hồng Kông-Macau, Thái Lan.

Tất cả đều dầy trên 300 trang trình bày đẹp, mỗi quyển đồng giá 15 USD (bao cước phí trong nước Mỹ) xin liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823. Ðiện thoại (714) 528-1413. Email: trinhhaotam@yahoo.com

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=216354&zoneid=22

Từ Phoenix đi Flagstaff, Arizona
Friday, October 30, 2015 1:02:53 PM



Bài liên quan



Bài và hình: Trịnh Hảo Tâm
Arizona là tiểu bang nằm ở miền Tây Nam Hoa Kỳ kế cận California là nơi nắng ấm quanh năm và có một thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ nổi tiếng đó là đại vực Grand Canyon có chiều sâu hơn 1 mile do dòng sông Colorado tạo thành. Viếng thắng cảnh này du khách thường phải đến thị trấn Flagstaff phong cảnh êm đềm với những núi non bao phủ một màu xanh của rừng thông Ponderosa ngút ngàn.

Khu chợ Bashas ở Gilbert ngoại ô Phoenix.
Sau hai ngày rong ruổi ở Phoenix qua các thành phố ngoại ô như Mesa, Chandler, Gilbert thăm đồng hương trong giới làm nail cho biết sự tình. Tối nay Thứ Bảy chúng tôi dự tính sẽ lên đường đi thăm thắng cảnh Grand Canyon cùng với gia đình của Nhàn, một người bà con định cư ở Phoenix kinh doanh trong nghề nail.
Buổi sáng Thứ Bảy vợ chồng Nhàn Nguyễn còn bận tiệm nail nên chúng tôi lái xe đi riêng, Phoenix thành phố sa mạc cũng không có gì đặc biệt để xem ngoại trừ những người ở vùng tuyết lạnh, thích thú với vùng sa mạc lạ lẫm. Tôi đi qua vườn bách thảo (Phoenix Botanical Garden) toàn là những loại cây xương rồng gai góc. Vườn bách thú bên cạnh với những giống thú cũng như ở Cali, nên cuối cùng đi xem các khu nhà sang trọng ở thành phố Scottsdale nằm về phía Ðông của Phoenix. Ðây là khu dân cư giàu có cũng như Beverly Hills của Los Angeles, nhà cửa rộng lớn và sân vườn theo lối sa mạc với xương rồng, đá cảnh rất đặc biệt. Cuối cùng vào tránh nóng ở shopping center có tên Superstition Springs Center ở thành phố Mesa.
Chiều Thứ Bảy đóng cửa tiệm nail sớm trong khi khách Mỹ quen vẫn còn đến nên vợ chồng Nhàn phải cáo lỗi để ra về nhà ở Gilbert đón hai chúng tôi cùng với hai đứa con trai. Chúng tôi tất cả lên chiếc SUV Sequoia 3 hàng ghế, tôi ngồi phía trước để làm hoa tiêu chỉ đường và Nhàn cầm tay lái. Chúng tôi ghé chợ Bashas nơi góc đường Chandler Heights và Power Road để mua trái cây, nước uống và vài món ăn vặt đem theo đường. Sau đó ra trạm xăng để đổ đầy thùng. Trong lúc đổ xăng thì bất ngờ trời vần vũ, những đám mây đen kéo về cùng những làn gió mát mang mùi hơi nước. Nơi chân trời hướng Ðông thỉnh thoảng lóe sáng lên những lằn chớp và tiếng sét. Bỗng thấy những người đang đổ xăng chạy vội vào xe đóng cửa lại. Trong vài giây gió thổi lên lồng lộng bao nhiêu giấy rác nơi trạm xăng vụt bay lên trời và cát bụi kéo tới mịt mù. Lúc đầu tôi đứng chịu trận tưởng cơn phong ba bão cát rồi sẽ qua đi nhưng rốt cuộc chịu không thấu, cát bụi thổi vào mặt rát rạt và tôi chạy vội vào xe đóng cửa lại. Ngồi trong xe, xe lắc lư tròng trành như con thuyền vượt biên, nhìn qua cửa kính bên ngoài cát bụi mịt mờ chỉ thấy một màu xám trắng và những ánh đèn xe xuyên qua cát bụi. Lần đầu tiên trong đời chứng kiến một trận bão sa mạc kéo dài trong 5 phút.

Phố núi Flagstaff đường vào Grand Canyon.

Lạ một điều độ 10 phút sau trận cuồng phong sa mạc rồi cũng qua đi và chúng tôi lên đường trực chỉ hướng Bắc. Chiều cuối tuần nhưng Phoenix không nhiều xe nên chúng tôi thênh thang trên xa lộ và thành phố không mấy lớn nên 20 phút sau xe đã xa rời đô thị bỏ lại vùng ánh sáng ở phía sau. Quang cảnh hai bên đường vẫn là sa mạc với những lùm cây thấp, thỉnh thoảng một vài cây xương rồng to lớn với hai ba nhánh vượt cao lên. Xa lộ từ 4 làn xe mỗi chiều đã giảm xuống còn 2 làn xe. Màn đêm đã xuống và con đường thiên lý từ từ lên cao độ 2,000 rồi 3,000 feet, nhiệt độ bên ngoài đồng hồ trong xe ghi nhận lúc khởi hành là 92 độ xuống còn 75. Xe qua những vùng như Dead Man River, Rock Springs và qua khỏi Black Canyon 80 miles cách Phoenix chúng tôi dừng lại ở trạm nghỉ (rest area) ven đường. Lúc này đã 9 giờ rưỡi nhưng nơi trạm nghỉ du khách khá đông, có nhà vệ sinh và tủ bán nước ngọt. Nơi đây có điểm vọng cảnh nhìn xuống thung lũng sâu leo lét vài ánh đèn nhà ai ở phía dưới? Gió mát lồng lộng thổi trong khi phía Bắc thỉnh thoảng sáng lên những lằn chớp mưa giông và trẻ con kêu nhau ơi ới tranh nhau nhìn vào ống dòm bỏ 25 xu nhưng trời đêm cũng không thấy gì ngoài ánh đèn dưới vực sâu.
Trở lên xe chúng tôi tiếp tục con đường 17 North càng lúc càng lên cao và rừng thông xuất hiện hai bên đường. Khi qua khỏi Camp Verde đường bắt đầu xấu nhiều nơi hơi lồi lõm và có bảng đang sửa chữa, vận tốc giới hạn 55 miles giờ. Một chiếc xe Honda Prelude trắng vượt rất nhanh qua chúng tôi, nửa phút sau một xe Highway Patrol chớp đèn mui qua mặt xe chúng tôi và một phút sau đó thì xe cảnh sát tuần tra xa lộ đã chận chiếc Prelude phóng nhanh. Ðừng thấy đêm tối mà chạy ẩu, cảnh sát thường núp đâu đó bên cánh rừng như thợ săn rình mồi! Con đường quanh co lên cao, tai tôi lùng bùng và bảng ghi cao độ 4,000 feet, nhiệt độ bên ngoài là 55. Lấy tay sờ kính xe thấy lạnh thật! Qua ánh sáng trăng lưỡi liềm mờ tối, tôi cũng thấy được rừng thông cây càng cao lớn hơn và dọc đường đi thỉnh thoảng có những bảng vàng vẽ hình con nai đang nhảy và hàng chữ phía dưới “Caution: Deer Crossing.” Rồi từ đó câu chuyện lan man về thịt nai được chúng tôi kể cốt ý làm cho tài xế không buồn ngủ. Thịt nai mềm và ngon hơn thịt bò lại có mùi... thịt rừng khen khét có thêm vài ly tâm hồn sẽ lâng lâng sảng khoái biết dường nào!
Thị trấn ven đường Flagstaff
11 giờ 30 chúng tôi đến thành phố Flagstaff, đây là một thị trấn nhỏ chuyên đón du khách đi trượt tuyết hay nghỉ lại đêm khi vào thăm Grand Canyon. Ðến đây xa lộ 17 từ Phoenix lên chấm dứt và chúng tôi đổi qua xa lộ 40 East là con đường thiên lý đi từ Barstow ở California sang tận North Carolina. Sở dĩ có tên Flagstaff có nghĩa là “cột cờ” vì ngày xưa vào năm 1855 trung úy Edward Fitzgerald Beale có nhiệm vụ đi đo đạc để thành lập tuyến đường đi từ Rio Grande thuộc New Mexico sang thành lũy Fort Tejon ở California. Ông cho lính đốn cây thông thật cao và thẳng làm cột và treo cờ Hoa Kỳ trên đó. Từ đó những đoàn xe ngựa từ miền Ðông sang California tìm vàng cứ nhắm cột cờ mà tiến tới và hạ trại ngủ đêm tại đây vì nơi đây có dòng suối tắm giặt và lấy nước. Vài năm sau đó Flagstaff là thị trấn duy nhất trên đường từ Albuquerque qua California. Thành phố được thành lập năm 1928 và hiện dân số 68,870 người. Kinh tế ngày xưa là khai thác rừng, chăn nuôi, ngày nay có một vài cơ sở kỹ nghệ và du lịch.

Ðại vực Grand Canyon thắng cảnh của Arizona.

Xe chúng tôi ra khỏi xa lộ 40 ở Exit 198 vào đường Butler Ave., nơi đây có rất nhiều khách sạn, nhà trọ (motel) ban đêm những bảng hiệu có đèn rất dễ nhìn thấy. Vì không biết giờ giấc của Nhàn như thế nào nên mãi cho tới sáng hôm qua chúng tôi mới có dịp ngồi lại thống nhất chương trình đi Grand Canyon nên gọi điện thoại đặt phòng thì những khách sạn tốt đã hết, đành phải đặt 2 phòng ở Motel 6 mà chỉ còn những phòng có hút thuốc. Bước ra khỏi xe bên ngoài rất lạnh, tôi vào văn phòng trả tiền nhà trọ, lấy thẻ khóa phòng và đem hành lý vào thì nghe nực nồng mùi thuốc lá. Chúng tôi mỗi gia đình một phòng có 2 giường, trải qua một đêm chập chờn nửa tỉnh nửa mê vì mùi thuốc, thêm nữa cứ vài tiếng đồng hồ thì xe lửa Amtrack chạy qua kéo những hồi còi inh ỏi. Sáu giờ sáng tôi thức dậy tắm nước nóng thật lâu cho đỡ nhức mỏi cũng như cho “đáng đồng tiền bát gạo” vì nhà trọ chật chội, nực nồng mùi thuốc lá mà Motel 6 tính đến $82 một phòng! Kéo màn cửa sổ nhìn ra ngoài thấy cảnh vật bên ngoài khác hẳn ở Phoenix, thông xanh xứ lạnh Ponderosa Pine chạy xa tấp lên những vùng cao và hướng Bắc một ngọn núi trên đỉnh phủ đầy tuyết trắng. Giở bản đồ mới biết là ngọn Humphreys 12,633 feet là đỉnh cao nhất tiểu bang Arizona nằm trong dãy núi San Francisco.
Bảy giờ mọi người tắm táp đã xong, chúng tôi lên xe tiếp tục lên đường để vào Grand Canyon. Có 3 con đường để đi Grand Canyon là 64, 180 và 89, đường nào cũng vắng vẻ, dễ đi và phong cảnh hữu tình. Ðường 64 từ Williams lên tôi đã đi rồi năm 1998 nên hôm nay chọn con đường khác là 180. Xe chầm chậm qua trung tâm thành phố Flagstaff, bỗng thấy bảng con đường số 66 rất quen thuộc ở Nam California có tên là Foothill Blvd. không ngờ lên tới đây cũng gặp lại nó. Con đường lịch sử Historic Route 66 là con đường thời xưa cũ lúc chưa có xa lộ nối từ Chicago qua đến Miền Nam California. Flagstaff chỉ có mấy con đường, buổi sáng chủ nhật rất vắng vẻ, nhà cửa nóc nhọn cũ kỹ ẩn mình sau rừng thông với những con đường quanh co rất giống Ðà Lạt. Ðẹp và lãng mạn nhất là con phố cổ đường San Francisco chạy theo hướng Bắc Nam ở trung tâm thành phố với phố xá, quán ăn thanh vắng êm đềm bên những chậu hoa Geranium một loại hoa mà lá chúng mùi nồng hăng hắc, dễ trồng nhưng ở đây nhờ trên miền cao mát lạnh nên hoa to lớn và màu sắc đậm đà rực rỡ. Bận đi Grand Canyon chứ phải có chút thời gian để la cà qua phố xá miền cao chụp những tấm hình quán vắng với chậu hoa, những căn nhà xưa nóc nhọn bên rừng thông xanh mát. Nói đến Arizona ai cũng nghỉ là vùng đất khô cằn sỏi đá, chỉ có sa mạc với xương rồng. Flagstaff cũng là Arizona nhưng nơi đây rừng thông xanh mượt nhiều hoa thơm cỏ lạ, con phố lãng mạn êm đềm:
“Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương...

(Còn Chút Gì Ðể Nhớ - Phạm Duy)



Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch:
1. Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam
2. Miền Tây Hoa Kỳ
3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc
4. Mùa Thu Ðông Âu
5. Tây Âu Cổ Kính
6. Miền Ðông Nước Mỹ Và Canada
7. Hành Hương Thánh Ðịa Do Thái
8. Nhật Bản, Hồng Kông-Macau, Thái Lan.

Tất cả đều dầy trên 300 trang trình bày đẹp, mỗi quyển đồng giá 15 USD (bao cước phí trong nước Mỹ) xin liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823. Ðiện thoại (714) 528-1413. Email: trinhhaotam@yahoo.com

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=216720&zoneid=22


Geen opmerkingen:

Een reactie posten