dinsdag 9 juni 2015

SEAL 6 - cỗ máy săn đầu người bí mật của quân đội Mỹ

Thứ hai, 8/6/2015 | 19:45 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ hai, 8/6/2015 | 19:45 GMT+7

SEAL 6 - cỗ máy săn đầu người bí mật của quân đội Mỹ

Những người lính thuộc lực lượng Thủy Bộ Không Phối hợp số 6 (SEAL 6) của quân đội Mỹ luôn tuân thủ một quy định bất thành văn là phải bắn cả những kẻ đã ngã xuống để đảm bảo mục tiêu thực sự chết hẳn.
f2b7cc6fdbdb2194df9a86aa1dbb34-4830-6321
Các thành viên thuộc đội đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ hồi tháng 7/2010 thực hiện một cuộc diễn tập chiến tranh tại Virginia. Ảnh: AFP
Họ từng thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm chết người trong các căn cứ bí mật ở Somali. Họ tham gia các trận chiến cam go chưa từng thấy để rồi cuối ngày khắp người nhuốm máu quân thù tại Afghanistan. Trong các cuộc truy quét lúc nửa đêm, vũ khí của họ đa dạng, từ những khẩu súng tích hợp nhiều chức năng hiện đại đến tên lửa tomahawk thời còn sơ khai.
Trên khắp thế giới, họ vận hành những cơ sở gián điệp nguy trang dưới mác tàu thương mại, giả làm nhân viên tại các công ty tự dựng lên hay hoạt động bí mật trong đại sứ quán để lần theo dấu vết những kẻ Washington muốn tiêu diệt hoặc bắt sống.
Các nhiệm vụ trên chỉ là phần nhỏ trong những trang sử được giấu kín của lực lượng Thủy Bộ Không Phối hợp số 6 (SEAL 6). Họ được xem là tổ chức quân sự bí hiểm bậc nhất Mỹ nhưng đồng thời cũng là lực lượng tinh nhuệ không ai sánh bằng.
Từ một nhóm nhỏ được lập nên để thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, sau hơn một thập kỷ, nhóm từng tạo tiếng tăm vang dội khi tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden vào năm 2011, đã lột xác từ một đơn vị chiến đấu trở thành cỗ máy săn đầu người toàn cầu. Vai trò này phản ánh đường lối chiến tranh mới của Mỹ khi mà thắng bại không được quyết định trên chiến trường mà dựa vào số lượng đầu lĩnh chủ chốt bị tiêu diệt, theo New York Times.
Hầu như tất cả thông tin về đội đặc nhiệm SEAL 6 đều được giữ trong vòng bí mật. Lầu Năm Góc thậm chí còn không bao giờ nhắc đến tên của đơn vị này một cách công khai. Tuy nhiên, thông qua hàng chục cuộc phỏng vấn với thành viên cả cũ và mới của SEAL 6, kết hợp cùng các trang hồ sơ, tài liệu từ chính phủ, một phần chân dung lực lượng này đã hiện lên với những nét rất đặc thù.
Những mối ngờ vực
Trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, Đội 6 đảm nhận những nhiệm vụ mà ở đó ranh giới về vai trò của một người lính và một điệp viên bị xóa nhòa. Đơn vị bắn tỉa của SEAL 6 được tổ chức lại để có thể thực hiện cả những hoạt động tình báo cơ mật. Thành viên của SEAL 6 còn góp mặt trong Chương trình Omega của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) được thiết kế nhằm cung cấp chi tiết và chính xác hơn vị trí của những mục tiêu cần diệt.
SEAL 6 đã thực hiện thành công hàng nghìn cuộc truy quét nguy hiểm mà các lãnh đạo quân sự đánh giá đóng vai trò quan trọng trong việc làm suy yếu mạng lưới chiến đấu của kẻ thù. Nhưng hoạt động của SEAL 6 cũng làm dấy lên những mối lo ngại rằng nhóm đã tàn sát quá nhiều người khi hành động, có khả năng còn bao gồm cả dân thường.
Dân làng ở Afghanistan và chỉ huy quân đội Anh từng cáo buộc SEAL 6 có hành vi giết người bừa bãi. Năm 2009, thành viên của đội phối hợp cùng CIA và lực lượng bán quân sự Afghanistan triển khai một chiến dịch giải cứu con tin đầy mạo hiểm. Dù một con tin người Mỹ được giải cứu nhưng không ít dân thường cũng thiệt mạng sau nhiệm vụ này. Nhiều người không khỏi thắc mắc vì sao SEAL lại tiêu diệt toàn bộ những kẻ bắt giữ. Sự việc lúc đó thổi bùng căng thẳng giữa Afghanistan và các quan chức thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Khi những mối nghi vấn xuất hiện ngày càng dày đặc, SEAL 6 bị đặt trong vòng giám sát. Nhưng không phải bất kỳ tổ chức nào cũng đủ thẩm quyền để điều tra đơn vị đặc nhiệm này. Ngay cả các thanh sát viên dân sự của quân đội cũng không thường xuyên kiểm tra hoạt động của nhóm. "Đây là khu vực mà kể cả Quốc hội cũng không muốn biết quá nhiều", Harold Koh, cựu cố vấn pháp lý hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết.
Hàng tấn tiền của chính phủ được đổ vào SEAL 6 từ năm 2001 đến nay nhằm tăng cường sức mạnh của đơn vị để đáp ứng yêu cầu luôn thay đổi của chiến tranh. SEAL 6 hiện có khoảng 300 binh sĩ cùng gần 1.500 nhân viên hỗ trợ.
Song, một số thành viên trong đội lo sợ rằng tốc độ mở rộng quá nhanh sẽ làm xói mòn tính tinh nhuệ và chuyên biệt của SEAL 6. Nhóm từng được gửi tới Afghanistan để săn lùng các lãnh đạo của tổ chức khủng bố al-Qaeda nhưng thay vào đó lại phải dành nhiều năm để chiến đấu với Taliban hay các lực lượng thù địch khác trong vùng. Cái giá phải trả cũng không hề nhỏ. Trong 14 năm qua, số lượng thành viên SEAL 6 thiệt mạng còn nhiều hơn cả giai đoạn từ năm 2001 trở về trước.
Dẫu vậy, SEAL 6 vẫn thể hiện được tính hiệu quả khi làm nhiệm vụ, khiến hai đời tổng thống Mỹ gần đây nhất phải điều động họ tới những khu vực mà rắc rối trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết, trong đó phải kể đến Iraq và Syria, nơi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang bành trướng với tốc độ nhanh chóng.
Những trận chiến đẫm máu
Sau vụ khủng bố 11/9, SEAL 6 được cử đến Afghanistan và Pakistan để tiêu diệt các đầu lĩnh của al-Qaeda và Taliban. Nhưng từ tháng 3/2002, đơn vị bị cấm săn lùng các tay súng Taliban và cũng không được phép truy quét al-Qaeda ở Pakistan. Cả đội hầu như bị bó hẹp tại căn cứ không quân Bagram, bên ngoài Kabul. Điều này khiến các thành viên vô cùng thất vọng.
Tuy nhiên, CIA lại không phải chịu những ràng buộc tương tự. Vì thế SEAL 6 bắt đầu hợp tác với đơn vị tình báo này để mở rộng quyền hạn chiến đấu, NYTimes dẫn lời một số cựu quan chức quân sự cho hay. Với Chương trình Omega của CIA, SEAL 6 được quyền triển khai các chiến dịch mật nhằm tiêu diệt Taliban ở Pakistan.
Khi chỉ phải đối đầu với một nhóm nhỏ binh sĩ Mỹ, Taliban bắt đầu giành lại ưu thế, tập hợp lực lượng và mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Trước tình hình đó, Trung tướng Stanley A. McChrystal, lãnh đạo Bộ chỉ huy Chiến dịch Đặc biệt Chung (JSOC), năm 2006 lệnh cho SEAL 6 tận diệt Taliban. Từ khi mệnh lệnh được đưa ra, SEAL 6 đêm nào cũng mở hàng loạt cuộc tấn công đẫm máu nhằm săn lùng thủ lĩnh phiến quân.
Một vài thành viên SEAL 6 tiết lộ từ năm 2006 đến 2008 là quãng thời gian mà chiến dịch càn quét được đẩy mạnh hơn cả. Mỗi đêm, đơn vị đều tiêu diệt hàng chục phần tử khủng bố.
"Những bữa tiệc tắm máu dường như đã trở thành thông lệ", một thành viên SEAL nói.
Giới lãnh đạo quân sự nhận định hoạt động của SEAL 6 giúp làm sáng tỏ mạng lưới của Taliban. Nhưng một số thành viên của đội lại không tin rằng họ có thể tạo ra nhiều khác biệt bởi công việc chính của họ chỉ là chém giết.
"Bất kể đối phương có là người đưa tin, phó chỉ huy Taliban, chỉ huy Taliban hay nhân viên tài chính đi chăng nữa, tất cả đều không quan trọng", một cựu lính đặc nhiệm SEAL 6 nhấn mạnh.
Các thành viên của SEAL 6 thường xuyên thực hiện sứ mệnh vào ban đêm, đưa ra quyết định sống chết trong các căn phòng tối với rất ít nhân chứng và nằm ngoài tầm nhìn của camera giám sát. Lính đặc nhiệm SEAL 6 sẽ sử dụng vũ khí được lắp thiết bị giảm thanh để tiêu diệt kẻ địch một cách lặng lẽ.
"Tôi lẻn vào nhà khi người ta đang ngủ. Nếu phát hiện họ có súng, tôi lập tức ra tay", Matt Bissonnette viết trong cuốn hồi ký "Không phải anh hùng" (No Hero). Lính SEAL 6 luôn tuân thủ một quy định bất thành văn là phải bắn cả những kẻ đã ngã xuống để đảm bảo họ thực sự chết hẳn.
Lực lượng tình báo toàn cầu
29seals-sealsbw2-master1050-5572-1433749
Lính đặc nhiệm SEAL tham gia một bài huấn luyện ở Coronado, California. Ảnh: NYT
Từ một chuỗi căn cứ dọc biên giới Afghanistan, SEAL 6 thường xuyên gửi điệp viên người địa phương tới các bộ lạc để thu thập thông tin tình báo. Những xe tải cỡ lớn của SEAL 6 được biến đổi thành các trạm do thám lưu động với thiết bị nghe lén cực kỳ tinh vi.
Đặc biệt, các thành viên thuộc Biệt đội Đen của SEAL 6 còn đóng vai trò quan trọng trong các nhiệm vụ tình báo của Mỹ trên khắp thế giới. Với xuất phát điểm là một đơn vị bắn tỉa, sau sự kiện 11/9, Biệt đội Đen được tái cơ cấu để trở thành "lực lượng tiên phong" đảm nhận nhiệm vụ tiền trạm, thu thập thông tin để chuẩn bị cho các chiến dịch đặc biệt.
Biệt đội Đen thường được triển khai tới các đại sứ quán của Mỹ ở châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latin để bí mật do thám. Ở Afghanistan, thành viên Biệt đội Đen thường mặc trang phục của các tộc người địa phương, lẻn vào những ngôi làng để cài đặt camera cùng thiết bị nghe lén. Họ cũng nói chuyện để lấy thông tin, thậm chí thẩm vấn người dân quanh vùng trước khi thực hiện một cuộc đột kích ban đêm.
Tại Trung Đông, SEAL 6 lập ra những công ty bình phong để làm vỏ bọc cho các điệp viên của Biệt đội Đen và vận hành những trạm tình báo nổi, đội lốt các còn tàu thương mại, qua lại ngoài khơi Yemen và Somali.
Thành viên Biệt đội Đen tại Đại sứ quán Mỹ ở Yemen đóng vai trò chủ chốt trong cuộc săn lùng Anwar al-Awlaki, thủ lĩnh al-Qaeda tại Yemen. Tên này bị chiến đấu cơ CIA tiêu diệt hồi năm 2011.
Một cựu thành viên Biệt đội Đen ở Somali và Yemen cho biết họ không bao giờ được phép bóp cò súng nếu mục tiêu quan trọng nhất chưa lộ diện.
Để phát huy tối đa hiệu quả của công tác thu thập thông tin tình báo, Biệt đội Đen còn tuyển mộ cả thành viên là nữ giới. Các nữ quân nhân thuộc hải quân Mỹ thề trung thành với biệt đội sẽ được gửi ra nước ngoài để tìm kiếm tin. Nhằm né tránh ánh mắt nghi ngờ của địch, thành viên đội tình báo thường đóng giả thành những đôi yêu nhau.
Biệt đội Đen hiện có trên 100 thành viên. Quá trình mở rộng của lực lượng này phù hợp với xu hướng phát triển của các mối hiểm họa trên toàn thế giới. Nó cũng phản ánh bước chuyển đổi về tư duy của một bộ phận các nhà lập pháp Mỹ. Lo lắng về việc sử dụng những chiến binh bí mật không đem lại hiệu quả sau thất bại của chiến dịch Black Hawk Down ở Mogadishu, Somali, giới quan chức chính phủ ngày nay luôn sẵn sàng gửi đi những đơn vị như SEAL 6 tới các khu vực xung đột, bất kể người Mỹ có chấp nhận vai trò của họ hay không.
"Vào thời chúng tôi gia nhập đội, chúng tôi luôn phải đuổi theo các cuộc chiến", Ryan Zinke, cựu thành viên SEAL 6 nói. "Nhưng những người này, họ tìm ra nơi có chiến tranh".
Vũ Hoàng (theo New York Times)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/seal-6-co-may-san-dau-nguoi-bi-mat-cua-quan-doi-my-3230400.html
 

Ý kiến bạn đọc ()
Ngoài Seal Team 6 ra còn 2 lực lượng nữa cũng xếp hạng không kém là Lực lượng Delta và joint aviation unit (đơn vị hàng không chung). Nếu như Hải quân Mỹ có lực lượng siêu phàm như Seal thì Lục Quân Mỹ (U.S Army) có lực lượng Mũ nồi xanh (Green Beret). Nhiệm vụ và hoạt động của 2 lực lượng này hầu như là không khác nhau là mấy và cả 2 đều dưới quyền chỉ huy của JSOC (Bộ chỉ huy Chiến dịch Đặc biệt Chung).Nếu như các thành viên của Seal team 6 được tuyển chọn từ những người giỏi nhất đến từ các tiểu đội Seal khác thì các thành viên của Delta cũng được tuyển chọn từ những người giỏi nhất của lực lượng mũ nồi xanh. Để trở thành thành viên của lực lượng Seal và Delta, những người lính Mỹ bắt buộc phải tập luyện để có thể sống sót trong mọi mội môi trường khắc nhiệt. Nếu như có 100 người lính dự khóa luyện tập để trở thành Seal hoặc Mũ nồi xanh, thì đến khi kết thúc khóa luyện tâp chỉ có 10% tức là trên dưới 10 người được tuyển chọn. Còn với lực lượng đơn vị hàng không chung, phần lớn các thành viên là những phi công và tổ lái tốt nhất đến từ Lục quân Mỹ (U.S Army) và không quân Mỹ (U.S Airforce). Nhiệm vụ của lực lượng này là hỗ trợ di chuyển và hỗ trợ thông tin cũng như bảo vệ từ trên không cho các lực lượng Seal team 6 và Delta. Ngoài ra đơn vị này còn hỗ trợ thu thập thông tin cho CIA từ các máy bay không người lái và phi công đều là thành viên từ lực lượng đơn vị hàng không chung. Cũng như 2 lực lượng kia, lực lượng đơn vị hàng không chung cũng dưới quyền của JSOC. Còn một điều nữa, Seal Team 6 còn có tên gọi khác là Naval Special Warfare Development Group DEVGRU (Nhóm phát triển tác chiến đặc biệt của Hải Quân Mỹ) 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten