donderdag 4 juni 2015

Biển Đông: Úc cảnh cáo hành động đơn phương của Trung Quốc

Chủ quyềnTranh chấpTrung QuốcÚcChâu ÁChâu Đại Dương

Biển Đông: Úc cảnh cáo hành động đơn phương của Trung Quốc

mediaThủ tướng Úc AbbottREUTERS/David Gray
Theo đài phát thanh Úc hôm nay, Thủ tướng Tony Abbott đã lên tiếng tỏ lập trường cứng rắn trước những hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời ông cho biết chính phủ Úc “ lấy làm tiếc” về việc các nước có ý đồ mở rộng đảo trong khu vực có tranh chấp.
Đây là lần đầu tiên, lãnh đạo Úc lên tiếng mạnh mẽ về những tranh chấp trong khu vực có tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng.
Thủ tướng Tony Abbott khẳng định lập trường của Úc về Biển Đông luôn rõ ràng và nhất quán. Ông nói: “Chúng tôi không đứng về bên tranh chấp nào trong khu vực, nhưng chúng tôi lấy làm tiếc về những hành động đơn phương thay đổi hiện trạng (các nơi đang tranh chấp) và chúng tôi tin tưởng các bất đồng có thể được giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế”.
Thủ tướng Úc tuyên bố tiếp: “Chúng tôi nỗ lực hết sức để bảo đảm tôn trọng quyền tự do lưu thông trên biển cũng như trên không. Đó là lập trường của chúng tôi có từ lâu nay và lập trường đó vẫn sẽ là như vậy”. Những tuyên bố của Thủ tướng Úc, không nêu đích danh nhưng rõ ràng ám chỉ các hoạt động bồi đắp xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trong các đảo họ chiếm giữ tại vùng quần đảo đang có tranh chấp với nhiều nước
Hoa Kỳ gần đây đưa ra bằng chứng tố cáo Trung Quốc đã mở rộng hơn 800 hecta ở 5 hòn đảo trong quần đảo Trường Sa, trong đó có 600 hecta từ đầu năm tới nay.
Tuần trước tại hội nghị Quốc phòng Shangri – La, Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrew đã có bài diễn văn trong đó nhấn mạnh đến mối quan ngại của Úc trước các hoạt động bồi đắp mở rộng đảo trong vùng Biển Đông để phục vụ mục đích quân sự.
Úc cũng như Hoa Kỳ vẫn khẳng định không có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng rất quan tâm đến khu vực này, vì lợi ích của tuyến đường lưu thông hàng hải quốc tế quan trọng.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150604-bien-dong-uc-canh-cao-hanh-dong-don-phuong-cua-trung-quoc/

Úc có thể tăng cường tuần tra không phận Biển Đông

mediaBộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews duyệt qua hàng quân danh dự tại Bộ quốc phòng Nhật Bản ở Tokyo ngày 03/06/2015.REUTERS/Toru Hanai
Nước Úc không loại trừ khả năng tăng thêm các chuyến bay tuần tra trên không phận Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews hôm nay 03/06/2015 tuyên bố như trên, trong bối cảnh căng thẳng do Trung Quốc xây đảo nhân tạo tại vùng biển này. Ông cũng kêu gọi xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại khu vực tranh chấp.
Khẳng định sẽ tiếp tục tuần tra tại Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Úc nhấn mạnh đây không phải là sự kiện mới. Hiện chính phủ Úc chưa có cuộc bàn bạc chính thức nào với đồng minh thân thiết Hoa Kỳ. Nhưng Canberra sẽ xem xét bày tỏ quan điểm, sau khi có tin báo chí tiết lộ chính phủ Úc đang tích cực nghiên cứu việc triển khai phi cơ giám sát P-3 tại khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp.
Các luật gia của chính phủ Úc tin rằng các chuyến bay tuần tra như thế nằm trong phạm vi luật quốc tế, bởi vì « chỉ những dải đất cao hơn mực thủy triều mới được dùng làm căn cứ để tính lãnh hải ». Thượng nghị sĩ Stephen Conroy, lãnh đạo phe đối lập ở Thượng viện nói với tờ The Guardian là ông ủng hộ các chuyến bay giám sát và tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo, vì các đảo này không được cộng đồng quốc tế công nhận. Ông nói : « Chúng ta có thể làm như thế, luật pháp quốc tế đứng về phía chúng ta ».
Thông cáo của Bộ Quốc phòng Úc khẳng định, đảm bảo quyền tự do hàng hải là lợi ích của mọi quốc gia. Úc sẽ tiếp tục hải hành ở Biển Đông, kể cả các phi vụ giám sát theo luật quốc tế. Các phi vụ của Úc đã tiến hành từ 30 năm qua và sẽ còn tiếp tục trong tương lai, như một phần đóng góp vào việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
Bắc Kinh phản đối các chuyến bay giám sát tại Biển Đông, trong khi Lầu Năm Góc khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tuần tra tại khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp. Tại Diễn đàn an ninh khu vực vào Chủ nhật 31/5, ông Andrews tuyên bố Úc quan ngại trước khả năng Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo, và mong muốn các nước liên quan quyết định xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tốt nhất cho vùng biển tranh chấp.
Trước đó hôm thứ Tư 27/5, Quốc vụ khanh phụ trách quốc phòng Dennis Richardson tuyên bố : « Tốc độ và quy mô việc bồi đắp đảo của Trung Quốc tại quần đảo tranh chấp khiến người ta phải đặt ra câu hỏi về ý đồ và mục đích ». Theo ông, việc Bắc Kinh gia tăng hoạt động trong khu vực, kể cả sự hiện diện của các tàu chiến là tính toán sai lầm. Đây là lời phê bình thẳng thắn nhất từ một quan chức chính phủ Úc, đánh dấu một sự thay đổi ý nghĩa, vì lâu nay Canberra thường tỏ ra ôn hòa đối với đối tác thương mại lớn nhất của mình.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150603-uc-co-the-mo-rong-tuan-tra-khong-phan-bien-dong/

Phi cơ và chiến hạm Úc có thể tuần tra đột xuất Biển Đông

mediaChiếu đấu cơ Úc Boeing F/A-18FẢnh : Wikipedia
Các phi cơ và chiến hạm của Úc có thể bắt đầu các cuộc tuần tiễu không thường xuyên tại Biển Đông. Theo Financial Review hôm nay 29/05/2015, đây là một phần trong kế hoạch đẩy lùi các hành động hiếu chiến của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Tờ báo dẫn nguồn tin quốc phòng cho biết các chuyến tuần tra trên không và trên biển có thể được tiến hành đột xuất, như một cách nhấn mạnh quyền tự do hàng hải trên vùng tranh chấp nóng bỏng này. Một số quốc gia khác cũng có thể tham gia chứ không chỉ Hoa Kỳ hay Úc.
Thủ tướng Úc Tony Abbott được cho là đang xem xét thúc đẩy trên các phương diện quốc phòng, tình báo và an ninh để có lập trường cứng rắn hơn trước hành vi bồi đắp đảo của Trung Quốc.
Ông Peter Jennings, giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Úc và là cố vấn soạn thảo Sách Trắng quốc phòng, nói rằng : việc cho máy bay và tàu chiến tuần tra là một bước tiến lôgic của Mỹ và Úc, hiện đang kiên quyết hơn trước Bắc Kinh.
Các tuyên bố trên được đưa ra sau khi tờ Wall Street Journal đăng tải các hình ảnh do cơ quan giám sát Mỹ chụp được cho thấy Trung Quốc đưa vũ khí đến một trong số các đảo nhân tạo được bồi đắp cách đây một tháng.
Theo các viên chức Mỹ, tuy các khẩu pháo này không đe dọa được phi cơ và chiến hạm của Hoa Kỳ, nhưng có thể bắn sang các đảo kế cận, và sự hiện diện của chúng mâu thuẫn với khẳng định của Bắc Kinh là việc bồi đắp đảo chủ yếu cho mục đích dân sự.
Trên đường đến Singapore dự Đối thoại Shangri-La (Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á), Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter không hề giấu diếm rằng, Washington không hài lòng chút nào về việc Bắc Kinh tự tiện xây dựng trong vùng biển tranh chấp.
Đoàn đại biểu Trung Quốc đi dự hội nghị Shangri-La năm nay hùng hậu và có nhiều nhân vật quan trọng hơn năm ngoái. Bắc Kinh gởi đến một trong những tướng lãnh hàng đầu, chứng tỏ tầm quan trọng của vấn đề an ninh khu vực, đồng thời phải chuẩn bị đối phó với những lời chỉ trích gay gắt.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150529-phi-co-va-chien-ham-uc-co-the-tuan-tra-dot-xuat-bien-dong/


Geen opmerkingen:

Een reactie posten