donderdag 4 juni 2015

Biển Đông : Mỹ kiên quyết ngăn chận tham vọng chủ quyền của Trung Quốc


Biển Đông : Mỹ kiên quyết ngăn chận tham vọng chủ quyền của Trung Quốc


mediaKhông ảnh cho thấy cảnh Trung Quốc bồi đắp các đảo ở Trường Sa, 11/05/2015.An aerial file photo taken though a glass window of a Philippine
Sau vụ hải quân Trung Quốc nhiều lần cảnh báo máy bay do thám của Mỹ trên không phận Biển Đông ngày 20/05/2015, Washington tuyên bố vẫn tiếp tục các chuyến bay tuần tra này, tỏ quyết tâm ngăn chận tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, thể hiện qua việc xây dựng các đảo nhân tạo ở vùng này.
Khi tường thuật về vụ nói trên, đài truyền hình Mỹ cũng đã chiếu một số hình ảnh Trung Quốc đang ráo riết bồi đắp, xây dựng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Những hoạt động này gây lo ngại không chỉ các nước láng giềng mà cả Hoa Kỳ. Đặc biệt Lầu Năm Góc rất lo ngại khi thấy các cơ sở quân sự được xây trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông có thể được dùng làm nơi phóng các vũ khi địa, hải, không, mà như vậy sẽ làm tăng chi phí mọi hoạt động quân sự của Mỹ trong vùng này để đối phó. Theo hãng tin Reuters, Hoa Kỳ có thể sẽ không có đủ nguồn lực để chống lại các hoạt động nói trên của Trung Quốc.
Bên cạnh mốì quan ngại về quân sự, Hoa Kỳ còn lo ngại về quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nhất là Bắc Kinh có vẻ như cũng muốn thiết lập tại đây một vùng nhận dạng phòng không tương tự như ở vùng biển Hoa Đông.
Để đối phó với hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, kể từ tháng Giêng năm nay, Hoa Kỳ đã gia tăng các chuyến bay giám sát và các chuyến tuần tra trên biển ở khu vực Biển Đông. Đặc biệt gần đây Mỹ đã cho tiến hành các chuyến bay tuần tra của máy bay giám sát hiện đại nhất P-8A Poseidon bên trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng. Bất chấp những cảnh báo của hải quân Trung Quốc ngày 20/05 và bất chấp phản đối của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/05, Washington tuyên bố sẽ tiếp tục các chuyến bay tuần tra bên trên những đảo nhân tạo này, vì đối với Mỹ, đó là không phận quốc tế.
Rất có thể là máy bay giám sát P-8A Poseidon sẽ tiếp tục được sư dụng để bay tuần tra trên khu vực này, vì đây là một loại phi cơ đa năng, không chỉ có chức năng ghi các hình ảnh, thu thập các dữ liệu, mà còn có chức năng săn tàu ngầm và bắn tên lửa diệt hạm. Hải quân Mỹ đã tiếp nhận 21 chiếc P-8 vào tháng 01/2015 và có thể đặt mua tổng cộng đến 117 chiếc.
Ngoài ra Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang xem xét phương án gởi các chiến hạm đến vùng biển gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng, cụ thể là trong phạm vi 12 hải lý chung quanh các đảo này, vì đối Washington, đó cũng là vùng biển quốc tế, mà tất cả các nước đều có quyền tự do lưu thông.
Như vậy là sau khi các lãnh đạo Mỹ, từ Tổng thống Obama đến Ngoại trưởng Kerry đã ra những tuyên bố quan ngại về các hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, Washington nay quyết tâm dùng các phương tiện quân sự để đối phó với Bắc Kinh ở Biển Đông. Nguy cơ đụng độ giữa hai cường quốc ở khu vực này ngày càng tăng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150523-bien-dong-my-kien-quyet-ngan-chan-tham-vong-chu-quyen-cua-trung-quoc/



Biển Đông : Hải quân Trung Quốc đuổi phi cơ tuần tra Mỹ


mediaP8-A Poseidon, máy bay giám sát tối tân nhất của quân đội Mỹ (nguồn : U.S. Navy)
Theo tin từ đài truyền hình CNN, hải quân Trung Quốc đã tám lần yêu cầu phi cơ tuần tra của Mỹ rời khỏi khu vực bên trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa, Biển Đông.
Đài truyền hình CNN cho biết là hôm qua, 20/05/2015, các phóng viên của đài này lần đầu tiên đã được phép tham gia một bay tuần tra trên vùng Biển Đông, trên chiếc P8-A Poseidon, máy bay giám sát tối tân nhất của quân đội Mỹ. Họ đã trực tiếp chứng kiến vụ hải quân Trung Quốc ra lệnh cho máy bay tuần tra Mỹ.
Theo CNN, khi các phi công Mỹ đáp lại rằng máy bay này đang bay ngang qua không phận quốc tế, vô tuyến điện viên Trung Quốc đã bực tức la lên : « Đây là hải quân Trung Quốc. Hãy đi đi ».
Chỉ huy trưởng đội máy bay tuần tra của Mỹ ở châu Á, Mike Parker, tham gia chuyến bay hôm qua, cho phóng viên CNN biết lệnh xua đuổi của hải quân Trung Quốc rất có thể là đến từ một trạm radar cảnh báo sớm đặt trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa. Một chỉ huy của Mỹ gần đây cho hãng tin Reuters biết là các cơ sở quân sự trên Đá Chữ Thập, kể cả phi đạo dài 3.000 mét, có thể sẽ được đưa vào sử dụng cuối năm nay.
Vụ đuổi máy bay tuần tra của Mỹ, cùng với những vụ gần đây Trung Quốc nhiều lần yêu cầu phi cơ Philippines rời khỏi không phận quần đảo Trường Sa, cho thấy là Bắc Kinh đã cố thiết lập một vùng cấm bay bên trên các đảo nhân tạo mà họ đang ráo riết xây dựng.
Theo nhận định của hãng tin Reuters, một số chuyên gia về an ninh đang lo ngại về nguy cơ đụng độ giữa Mỹ với Trung Quốc, nhất là sau khi vào tuần trước, một quan chức Mỹ cho biết Lầu năm góc đang xem xét phương án điều phi cơ quân sự và chiến hạm đến sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc để bảo đảm sự tự do lưu thông hàng hải trên Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/20150521-tq-my//


Washington không để Bắc Kinh thao túng tại Biển Đông


mediaTiêm kích F/A18 Hornet của Hải quân Mỹ trên không phận Biển Đông (ảnh wikipedia)
Hoa Kỳ quyết định ngăn chận thủ đoạn của Trung Quốc từng bước khống chế biển Đông Nam Á xây dựng căn cứ tiền phương ở quần đảo chiến lược Trường Sa. Quân đội Mỹ chuẩn bị nhiều phương án đối phó. Hoa Kỳ « quyết tâm dấn thân bảo vệ tự do giao thông trên biển và trên không tại Biển Đông » là thông điệp mà Ngoại trưởng John Kerry sẽ xác quyết với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tuần này.
Hành động xây dựng các đảo bán nhân tạo như Trung Quốc đang thực hiện tại biển Đông Nam Á không cho phép tuyên bố chủ quyền lãnh hải hay không phận quốc gia.
Với nhận định này, Hoa Kỳ tỏ thái độ và chuẩn bị nhiều biện pháp để đối phó tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại vùng biển đảo truyền thống của Việt Nam và Philippines mà Bắc Kinh tranh giành từ 40 năm nay. Đây cũng là con đường huyết mạch của thương thuyền quốc tế và khu vực trách nhiệm của hạm đội 7 Hoa Kỳ.
Về ngoại giao, trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh vào cuối tuần này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi gặp gỡ thảo luận với giới lãnh đạo Trung Quốc, kể cả ông Tập Cận Bình, sẽ cảnh báo : Những hành động xây dựng căn cứ trong vùng biển tranh chấp chỉ gây bất ổn trong khu vực và tác hại đến quan hệ với Hoa Kỳ.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, sau khi gặp Ngoại trưởng John Kerry, chính quyền Trung Quốc sẽ « không còn mơ hồ về quyết tâm dấn thân » của Hoa Kỳ để bảo đảm quyền tự do lưu thông trên không và trên biển tại khu vực này. Cũng như sau khi đơn phương thành lập vùng « nhận dạng phòng không », bao phủ phần lớn biển Hoa Đông gây căng thẳng với Nhật Bản, Trung Quốc tuyên bố cấm hải thuyền quốc tế và máy bay quốc tế « đi vào hải phận và không phận » (12 hải lý) của Trung Quốc tại biển Đông Nam Á.
Theo AFP, nhiều nhà chiến lược Mỹ lo ngại Trung Quốc sẽ biến các đảo nhân tạo này thành căn cứ quân sự tiền phương và trang bị vũ khí tối tân như ra-đa, tên lửa để khống chế toàn khu vực Biển Đông. Chuyên gia Alexander Sullivan, của Trung tâm nghiên cứu vì An ninh mới CNAS, nhận định: Về chính trị, nếu Trung Quốc kiểm soát được toàn bộ Biển Đông thì đây sẽ là một đòn chí tử cho chính sách khu vực của Mỹ. Về quân sự, Hoa Kỳ sẽ khó có thể huy động lực lượng cấp cứu hai đồng minh Đài Loan và Philippines đang bị Bắc Kinh đe dọa.
Hôm thứ Tư 13/05, Hoa Kỳ khẳng định sẽ huy động tàu chiến áp sát cái gọi là « lãnh hải 12 hải lý » của Trung Quốc ở Trường Sa và cho máy bay trinh sát đi vào « không phận » để chứng tỏ Mỹ không xem tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là có giá trị. Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter chỉ thị cho Bộ Tham mưu chuẩn bị các khả năng này.
Tiếp theo đó, Hoa Kỳ thông báo đưa tàu tác chiến cận duyên tối tân USS Fort Worth vào Biển Đông hoạt động.
Để đáp lại phản ứng của Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh « bày tỏ sự lo ngại » của Bắc Kinh và yêu cầu Mỹ làm « sáng tỏ vấn đề ».
Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) được trao trách nhiệm đáp trả bằng những lời chất vấn và cảnh cáo Mỹ trên Tân Hoa Xã: Ai là kẻ gây căng thẳng tại biển Nam Hải? Ai là kẻ có thái độ hung hăng trong những năm gần đây ? Tại sao các nước khác (hàm ý Việt Nam, Philippines và Đài Loan) lấn chiếm, xây dựng trên đảo « của Trung Quốc » mà Hoa Kỳ không lên án ?
Đại sứ Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ sử dụng « các biện pháp biểu dương võ lực để giải quyết xung khắc như thời chiến tranh lạnh ».
Giới phân tích dự báo chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Mỹ tại Trung Quốc vào hai ngày cuối tuần tới đây sẽ có nhiều sóng gió. Chương trình dự trù là để bàn thảo « hợp tác chiến lược » sẽ trở thành nơi « phơi bày xung khắc ».
Ian Storey, chuyên gia chiến lược hàng đầu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Á Châu tại Singapore, nhận định : Những tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông đã làm Hoa Kỳ thức tỉnh. Giờ đây, vấn đề là sẽ đối phó bằng cách nào, vì cho đến nay những lời kêu gọi, khuyến cáo không được Bắc Kinh lắng nghe.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150514-washington-khong-de-bac-kinh-thao-tung-tai-bien-dong/

Báo Mỹ đòi Washington đáp trả sự khiêu khích của Trung Quốc

mediaHình ảnh do máy bay trinh sát Mỹ P-8A chụp được ngày 21/05/2015 cho thấy nhiều tàu hút cát của Trung Quốc hoạt động trong vùng đảo Vành Khăn.REUTERS/U.S. Navy/Handout via Reuters/Files
Vào lúc Bắc Kinh không ngần ngại dùng cả lời nói lẫn hành động cụ thể chống lại việc Washington can dự vào tình hình Biển Đông, đang trở nên căng thẳng do các hoạt động bồi đắp và xây dựng mà Trung Quốc đang tiến hành trên các bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa, The Washington Post, một tờ báo có uy tín hàng đầu tại Hoa Kỳ, vào hôm qua đã công khai biểu lộ thái độ bất bình, và lên tiếng kêu gọi chính quyền Mỹ phải có phản ứng đáp trả cụ thể trước các hành vi của Bắc Kinh bị tờ báo gọi là « khiêu khích nguy hiểm »
Nguyên do trực tiếp khiến tờ Washington Post bất bình là sự kiện xẩy ra vào tuần trước, khi một chiếc phi cơ do thám của Mỹ, trong lúc bay trên Biển Đông gần các bãi ngầm ở vùng Trường Sa mà Trung Quốc đang bồi đắp, đã bị Hải quân Trung Quốc cảnh cáo đến 8 lần. Không những thế, ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng đả kích phía Mỹ, tố cáo một hành vi « vô trách nhiệm và rất nguy hiểm ».
Vấn đề tuy nhiên, theo tờ báo Mỹ, là các hoạt động của Hoa Kỳ hoàn toàn hợp pháp và hợp tình, hợp lý. Chuyến bay của chiếc phi cơ do thám Mỹ nằm trong các nỗ lực của Washington nhằm đánh động dư luận về những hành động khiêu khích nguy hiểm của Trung Quốc, khi cho ồ ạt xây dựng hạ tầng cơ sở tại một khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông, nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền của họ.
Theo tác giả bài báo, Trung Quốc đã lấn lướt các láng giềng bằng cách xây dựng nhanh chóng nào là phi đạo, bến cảng, nào là các hạ tầng cơ sở khác tại một trong những vùng biển nhạy cảm nhất Châu Á – với những đòi hỏi chủ quyền chồng chéo lên nhau. Điểm nguy hại được nhấn mạnh là nguy cơ Trung Quốc tìm cách giới hạn lưu thông trên không và trên biển qua khu vực gần các cơ sở mà họ đang hoàn tất ở Biển Đông.
Đối với The Washington Post, có thể là không thể nào ngăn chặn được các công việc mà Trung Quốc đang tiến hành ở Biển Đông, nhưng điều quan trọng là cần phải dứt khoát tố cáo và bác bỏ mưu toan của Trung Quốc muốn hạn chế tự do lưu thông, tại một vùng biển mà họ đòi chủ quyền đến 80% diện tích, dựa theo một tấm bản đồ 9 đường gián đoạn mơ hồ có từ thập niên 1940.
Ở một khu vực là đường qua lại của tàu bè quốc tế, Trung Quốc lại muốn loại tàu thuyền và máy bay quốc tế ra khỏi một vùng rộng 200 hải lý chung quanh các vùng tranh chấp, rộng hơn gấp bội so với 12 hải lý mà Hoa Kỳ công nhận.
Đối với The Washington Post, đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông thiếu cơ sở chính đáng, nhưng chế độ Tập Cận Bình lại từ chối sự trung gian hòa giải của quốc tế, hay tích cực đàm phán một Bộ Quy tắc Ứng xử với các láng giềng. Trung Quốc cũng bác bỏ những phản đối của Mỹ liên quan đến hành động bồi đắp đảo nhân tạo.
Thậm chí, như Hoàn cầu Thời báo đã huênh hoang, Trung Quốc đang trong thế chủ động, và một khi các công trình tại Biển Đông hoàn tất, thì sự can thiệp của Mỹ sẽ trở nên vô nghĩa.
Trong tình đó đó, tờ báo Mỹ cho rằng Hoa Kỳ phải xúc tiến kế hoạch cho phi cơ bay qua khu vực mà Trung Quốc cho là của họ trên Biển Đông, hay cho chiến hạm tiến gần các vùng này. Đó là các biện pháp nhằm cho thấy rõ là Mỹ bác bỏ các đòi hỏi của Trung Quốc.
Mỹ và Nhật đã từng áp dụng chiến thuật tương tự để vô hiệu hóa vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc tuyên bố vào năm 2013 ở Biển Hoa Đông.
Đối với The Washington Post, thái độ cứng rắn của Mỹ sẽ động viên các quốc gia châu Á còn ngần ngại trong việc đoàn kết chống lại các yêu sách chủ quyền và hành vi áp đặt thô bạo của Trung Quốc. Một trong những lợi thế mà Washington có thể khai thác là cho dù rất muốn thiết lập quyền bá chủ trong khu vực, nhưng Trung Quốc vẫn tránh gây xung đột lớn với các nước láng giềng và với Hoa Kỳ. Trong quá khứ, Bắc Kinh đã từng phải rút lui chiến thuật khi hành vi hung hăng trên biển của họ đã gặp phải sự kháng cự.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150527-bao-my-doi-washington-dap-tra-su-khieu-khich-cua-trung-quoc/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten