zondag 3 mei 2015

Nước Pháp... lên điểm trên võ đài thế giới

Rafale lên điểm
Nhật báo Le Monde, độc lập, đưa lên trang nhất hai chủ đề thời sự Pháp : 16 binh sĩ Pháp bị nhân viên Liên Hiệp Quốc tố cáo xâm phạm tính dục tại Trung Phi. Vụ việc này gây « bối rối cho Liên Hiệp Quốc và chính phủ Pháp ». Le Figaro trích tuyên bố của tổng thống Hollande « sẽ không tha thứ tác phong xấu đi ngược lại giá trị và vai trò của quân đội ».
Bên cạnh thông tin làm tổn hại danh dự quân đội Pháp, Le Monde cũng như nhật báo kinh tế Les Echos phân tích lý do vì sao Pháp sắp ký được hợp đồng thứ ba, bán máy bay chiến đấu Rafale sau 20 năm thất bại trước chiến đấu cơ của Mỹ. Sau Ấn Độ và Ai Cập, đến lượt Qatar mua 24 Rafale. Theo phân tích của Les Echos, có ba lý do để giải thích tình thế đổi ngược này : Một là tình hình địa chính trị trên thế giới thay đổi nhất là trong vùng Vịnh Ba tư. Thứ hai là chất lượng của Rafale được chứng minh nhiều lần trên thực tế sau nhiều chiến dịch quân sự ở châu Phi và Trung Đông. Và thứ ba là do nỗ lực vận động ngoại giao và thương mại kiên trì đến một lúc mang lại kết quả.
Đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo , Ai Cập cần máy bay tối tân mà không phải chờ đèn xanh của Mỹ. Còn chính phủ Ấn Độ cũng thấy cần Rafale để thay thế những chiếc Mig của Nga hầu đối đầu hiệu quả hơn với không lực Trung Quốc và Pakistan.
Cuối cùng là lý do nội tại. Chính phủ Pháp của đảng Xã Hội cũng tỏ ra « đoàn kết và bén nhạy », với bộ trưởng quốc phòng Jean Yves Le Drian, một chính khách tháo vác, nhiều sáng kiến, có tài ngoại giao, và quan hệ đặt trên lòng tin cậy với các lãnh đạo quốc tế, bộ trưởng Jean Yves Le Drian là « cột trụ » trong « cặp bài trùng Hollande- Le Drian » đem về những thành công tốt đẹp này cho nước Pháp.
Từ hồ sơ hạt nhân Iran đến chế độ độc tài Syria, Pháp cũng lên điểm
Lần đầu tiên tổng thống Pháp François Hollande là khách mời danh dự của hội nghị thượng đỉnh bất thường của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh tại Ryad từ ngày 04 đến 05/05 tới đây. Tác giả bài xã luận François d’Arabie của báo Le Monde đặt câu hỏi : "Một thời gian ngắn trước đây, có ai dám tưởng tượng là tổng thống Pháp trở thành một nhà lãnh đạo được các nước Trung Đông su-ni và bảo thủ tin cậy ?"
Ba lý do làm cho quốc vương Ả Rập Xê Út tin tưởng nước Pháp : Một là thái độ tiền hậu bất nhất của tổng thống Mỹ Barack Obama trong hồ sơ Syria, đã bỏ một cơ hội can thiệp triệt tiêu đồng minh của Iran kẻ thù của Ryad. Ả Rập Xê Út đã ngậm đắng nuốt cay vì thái độ của Mỹ. Vì những lý do khác nhau, Ryad và Paris cùng xem Iran là mối đe dọa hiểm nguy cho Trung Đông.
Thứ hai không như đồng sự ở Washington, tổng thống Pháp, luôn có lập trường trước sau như một từ hồ sơ hạt nhân Iran cho đến Syria. Tổng thống Pháp luôn giữ thái độ xuyên suốt và còn ủng hộ quan điểm của phe Suni. Ông luôn luôn đòi nhà độc tài Bachar Al Assad phải ra đi. Đặc biệt nhất là tham vọng hạt nhân của Iran là mối lo âu nhất của Ryad cũng như của Paris. Giới lãnh đạo đảng Xã hội Pháp, đứng đầu là Ngoại trưởng Laurent Fabius đã có nhiều kinh nghiệm đau thương với chính quyền Hồi giáo Teheran từ thời tổng thống François Mitterand. Ngoại trưởng Pháp luôn tuyên bố là không chấp nhận « hiệp ước giá rẻ". Trong khi đó thì tổng thống Mỹ dường như bằng mọi giá muốn đạt được một thỏa hiệp với Iran. Bên cạnh nhứng lý do chính trị này, theo Le Monde, Pháp thắt chặt quan hệ với Ryad còn dụng ý thương mại. Tuy bán được 48 máy bay chiến đấu Rafale cho Ai Cập và Qatar nhưng Ả Rập Xê Út mới là thị trường hấp dẫn mà trữ lượng ngoại tệ có thể lên đến 500 tỷ đôla Mỹ.
Tình báo Berlin theo dõi Paris cho Washington ?
Cuối cùng, những tiết lộ mới nhất liên quan đến chuyện « gián điệp đồng minh theo dõi đồng minh cho một nước đồng minh » làm tốn giấy mực không ít. Công luận đã biết thủ tướng Đức Angela Merkel bị CIA Mỹ nghe lén điện thoại cả năm mà bà không phản ứng. Tin mới nhất do báo Đức tiết lộ sẽ làm bà thủ tướng Đức bối rối hơn : "Tình báo Đức dường như theo dõi Paris và Bruxelles để báo cáo cho Mỹ", đó là tựa của Le Monde.Tổng cộng cơ quan NSA Hoa Kỳ yêu cầu Berlin theo dõi 7,8 triệu địa chỉ e-mail.
Đề tựa cụ thể hơn « Berlin dường như giúp NSA giám sát điện Elysée", nhật báo Le Figaro cho biết cả phủ thủ tướng Đức và phủ tổng thống Pháp tránh đề cập đến vụ gián điệp này từ nhiều ngày qua. Giới thân cận của tổng thống Pháp lý giải « dù kẻ ngoại tình thì cũng phải được tha thứ » để nhấn mạnh đến nhu cầu đoàn kết giữa hai nước đầu tầu Liên Hiệp Châu Âu.
Cách nhay hơn một năm, sau khi vụ gián điệp Mỹ nghe lén điện thoại di động của thủ tướng Đức thì bà Angela Merkel tuyên bố : Giữa đồng minh với nhau, làm như thế là không được. Công thức này, theo Le Figaro, cũng có thể dùng lại cho vụ gián điệp này.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150501-viet-nam-cuoc-hoi-sinh-cua-sai-gon/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten