zaterdag 2 mei 2015

Những đường băng hiểm trở nhất thế giới

Những đường băng hiểm trở nhất thế giới

  • 1 tháng 5 2015
Xếp hàng dài dằng dặc, nhân viên phục vụ thì cấm cảu, đồ ăn đắt cắt cổ, đã thế lại còn thường xuyên hoãn chuyến... Trong thế giới của dân 'phượt', sân bay rõ rành rành là những cục tắc nghẽn giữa họ và những điểm đến cuối cùng mà chẳng cách nào tránh được.
Nhưng theo khảo sát trên trang mạng chuyên hỏi đáp Quora.com, lại có những sân bay dị nhất thế giới, khiến việc được cất cánh và hạ cánh ở đó làm cho dân lang thang lành nghề khoái chí.

Đường băng dốc sinh tử

Đường băng trên đỉnh Himalaya (Hình: Prakash Mathema/Getty)
Sân bay Tenzing-Hillary Nepal đúng là được làm cho dân mạo hiểm. Nằm chót vót tại thị trấn Lukla trên dãy Himalaya, đường băng dài 460m có độ dốc tới 12%, chỉ cho phép máy bay cỡ nhỏ và máy bay trực thăng hạ cánh.
Đầu bắc của đường băng là núi chắn ngang, trong khi đó đầu nam là một vực sâu thẳm tới 600m, khiến phi công không được phép sai sót dù chỉ một li.
Đường băng kinh dị này dùng để vận chuyển người và hàng cho các nhà leo núi muốn chinh phục ngọn núi cao nhất thế giới.
“Hầu hết các nhà leo núi Everset hàng đầu đã hạ cánh ở đây,” Amy Robinson, thành viên của Quora.com viết. “Đó là một trong những sân bay “tởn” nhất thế giới!”
Có lẽ đúng vậy, nên sân bay này đặt theo tên những nhà leo núi nổi tiếng nhất: Sir Edmund Hillary và Sherpa Tenzing Norgay, những người đầu tiên chinh phục Everest.

Đường băng dưới nước

Đường băng ướt át của sân bay Barra, Scotland. (Hình: Califer001/Barra Airport/Flickr/CC BY-SA 2.0)
Khi thủy triều lên cao, đường băng của sân bay Barra ở Scotland bị nhấn chìm.
"Đây là sân bay độc nhất trên thế giới mà máy bay lại dùng bãi biển làm đường băng," Amit Kushwaha trên trang Quora.com viết. “Do vậy, giờ bay tuỳ thuộc vào lịch thuỷ triều”.
Nằm tại một vịnh nông của bãi biển Traigh Mhor trên đảo Barra trong Outer Hebrides, đường băng của sân bay đặt trong một khu vực tam giác đánh dấu bằng các cọc gỗ để giúp hướng dẫn các máy bay cánh quạt Twin Otter hạ cánh trên cát.

Cất cánh kiểu hòn đảo nhiệt đới

Với nhiều phi công, hạ cánh tại sân bay quốc tế của Maldives Nam cũng khá ngại. Đường băng duy nhất được trải nhựa, ở “độ cao” hai mét trên mực nước biển – chạy dài đến hết đảo Hulhule trong vành đai san hô North, do đó, chỉ tính sai một tẹo là máy bay sẽ hạ cánh xuống Ấn Độ Dương.
Hạ cánh xuống một hòn đảo nhiệt đới ở Maldives. (Hình: Thinkstock)
"Đó chính là một trong số ít các sân bay trên thế giới mà bắt đầu và kết thúc bằng nước và chiếm trọn một hòn đảo," Peter Baskerville viết.
Hầu hết đảo Hulhule (một trong 1.192 hòn đảo san hô trải rộng trên khoảng 90.000 cây số vuông) dùng làm sân bay, nên du khách phải đi tàu cao tốc đến điểm đến cuối cùng của họ sau khi hạ cánh.

Đạp lún phanh

Hạ cánh tại sân bay Juancho E Yrausquin, trên hòn đảo Saba ở Caribbe, "không phải dành cho những người yếu tim," Dhairya Manek viết.
Sân bay này có đường băng dân dụng ngắn nhất trên thế giới – chỉ khoảng 396m. (Thông thường, đường băng dài từ 1.800m đến 2.400m). Do vậy chỉ máy bay nhỏ, có thể giảm tốc độ nhanh, là hạ cánh được ở đây.
Đường băng này đẹp nhưng nguy hiểm. "Đường băng của sân bay nằm trên một vách đá có ba mặt nhìn thẳng xuống biển Caribbe và mặt còn lại là đồi cao,” Manek chia sẻ. "Máy bay phản lực không được phép hạ cánh xuống sân bay này do đường băng cực ngắn của nó."
Đường băng ngắn nhất thế giới. (Hình: Patrick Hawks/Juancho E Yrausquin Airport/Flickr/CC BY 2.0)
Tại độ cao 2.767m, sân bay vùng Telluride ở Colorado là sân bay thương mại cao nhất Bắc Mỹ. “Hạ cánh ở đây – sợ phát điên... nhưng cảnh đẹp kinh hoàng,” Erin Whitlock kể lại.
Đường băng duy nhất của Telluride – nằm trên một cao nguyên thuộc dãy Rocky, dừng một phát thót tim, thẳng ở dưới 300m là sông San Miguel.
Những sửa chữa vào năm 2009 làm đường băng an toàn hơn và máy bay lớn hơn có thể hạ cánh. Ngày nay, hướng dẫn an toàn bay vùng núi cao chỉ dẫn phi công máy bay hạng nhẹ một hoặc hai động cơ không hạ cánh ban đêm, không bay ở vùng núi cao nếu có gió 30knot (khoảng 15m/s), và khi tầm nhìn xa thấp hơn 24 km.

Sân bay thót tim

Mỗi lần hạ cánh xuống sân bay Kai Tak của Hong Kong là mỗi lần bạn thấy thót tim
Kai Tak là sân bay đã đóng cửa tại Hồng Kông, nhưng vì sự nguy hiểm thót tim của nó, nên hành khách đã đặc biệt danh: Sân bay đau tim Kai Tak.
"Sân bay Kai Tak không còn hoạt động, nhưng nó hẳn phải là một trong những kỳ quan của thế giới hàng không trong thời gian hoạt động của mình, từ năm 1925 đến 1998, Jay Wacker cho biết.
"Nó chỉ là một mẩu đất được cải tạo gần cảng và cả hai bên đường băng đều có nhà cao tầng. Đường băng cũng khá ngắn với máy bay lớn, và luôn là một thử thách gay go với các máy bay như Boeing 747. Khi bạn nhìn ra ngoài cửa sổ lúc cất cánh hoặc hạ cánh, bạn cảm thấy như đang nhìn vào các phòng sinh hoạt của người dân."
Bản gốc tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Travel.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten