zaterdag 9 mei 2015

Mỹ tố cáo Trung Quốc bồi đắp thêm 800 ha đảo tại Trường Sa

Biển ĐôngTrường SaHoa KỳTrung QuốcChủ quyềnTranh chấp

Mỹ tố cáo Trung Quốc bồi đắp thêm 800 ha đảo tại Trường Sa

mediao Hoạt động bồi đắp cát tại phía bắc Đá Vành Khăn, ảnh vệ tinh của CSIS;REUTERS/CSIS's Asia Maritime Transparency Initiative/Digital Glo
Hôm qua 08/05/2015, Bộ Quốc phòng Mỹ ra báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong đó nêu rõ Bắc Kinh đã gia tăng thâu tóm bồi đắp các đảo đang tranh chấp trong quần đảo Trường Sa với nhịp độ và quy mô lớn chưa từng có, để biến những đảo đang có tranh chấp tại Biển Đông thành căn cứ hải quân, hiển nhiên thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, với việc bồi đắp đảo từ tháng Giêng năm 2014, Trung Quốc đã « mở rộng diện tích các đảo họ đang chiếm trong Biển Đông lên khoảng 400 lần », tương đương với 800 ha mà 3/4 số này thực hiện từ đầu năm 2015 đến nay.
Báo của Lầu Năm góc chỉ ra bốn vùng trong quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đã san lấp xong và đã chuyển qua giai đoạn « xây dựng hạ tầng cơ sở » như cầu cảng, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống giám sát và có ít nhất một đường băng sân bay.
Báo cáo còn ghi nhận, trong các công việc cải tạo đảo, Trung Quốc còn khơi sâu các luồng lạch để tàu chiến của họ ra vào những vị trí tiền tiêu trong Trường Sa.
Một quan chức Quốc phòng Mỹ, hôm qua, đã nhận định, cách làm của Trung Quốc nhằm chiếm cứ khu vực Biển Đông đã diễn ra với « tốc độ nhanh và quy mô lớn » hơn nhiều so với các nước có đảo ở Biển Đông.
Hồi đầu tháng Tư, một nhóm nghiên cứu Mỹ đã cho phổ biến những ảnh chụp vệ tinh cho thấy rõ các hoạt động bồi đắp đảo Đá Vành Khăn ( Mischief) và san lấp xây cầu cảng ở nhiều hòn đảo khác trong quần đảo Trường Sa.
Phần lớn các nhà phân tích đều nhận thấy ý đồ Trung Quốc muốn thay đổi thực trạng các đảo đang có tranh chấp để xây dựng cơ sở hạ tầng quốc phòng của họ ở Biển Đông.
Ngay lập tức hôm nay, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã phản ứng với bản báo cáo của Lầu Năm Góc. Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh : « Bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về tình hình quân sự Trung Quốc đã bóp méo sự việc ... không có cơ sở » nhằm tiếp tục tạo hình ảnh Trung Quốc là mối đe dọa quân sự. Ông Cảnh Nhạn Sinh khẳng định « việc tăng cường khả năng quân sự là nhằm bảo đảm giữ gìn an ninh chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và phát triển hòa bình của Trung Quốc » mà không đề cập cụ thể đến hoạt động bồi đắp cải tạo đảo trong Biển Đông.
Hoa Kỳ không khẳng định đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên không ít lần Washington tỏ lo ngại trước « những hoạt động gây bất ổn định » của Bắc Kinh trong các khu vực đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150509-my-to-cao-trung-quoc-boi-dap-them-800-ha-dao-tai-truong-sa/

Trung QuốcChâu ÁBiển ĐôngHoàng SaTrường SaQuân sựTranh chấpChủ quyền

Trung Quốc ráo riết xây dựng quy mô cả ở Hoàng Sa và Trường Sa

mediaẢnh chụp vệ tinh ngày 08/04/2015 cho thấy hành động cải tạo các bãi đá ngầm trong quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.@CSIS
Theo tạp chí The Diplomat hôm nay 14/05/2015, Trung Quốc còn xây dựng những công trình quân sự kiên cố cả ở Hoàng Sa chứ không chỉ tại Trường Sa. Tờ báo cho rằng các nước liên quan có phản ứng quá chậm chạp so với tốc độ xâm lấn của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Tờ báo viết, khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tuần trước, Tân Hoa Xã đã ca ngợi « quan hệ đối tác sâu sắc » giữa hai nước. Nhưng cách bờ biển Việt Nam 400 km, tại quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh đã nhanh chóng cho xây dựng các công trình quân sự kiên cố để áp đảo.
Các hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao chụp được hôm 17/3 cho thấy đảo Phú Lâm - bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1956 và gọi là đảo Vĩnh Hưng - đang được mở rộng quy mô với đường băng và các công trình phục vụ cho sân bay quân sự.
Trong 5 tháng vừa qua, phi đạo dài 2.400 m đã được thay thế hoàn toàn bằng một đường băng mới bằng bê-tông dài 2.920 m. Bên cạnh đó là xây đường chạy mới dành cho phi cơ, mở rộng khu vực đỗ máy bay, và cạnh đó là những tòa nhà đang được xây dựng. Công việc bồi đắp cũng đang được tiến hành tại đây.
Cách đảo Phú Lâm 80 km về phía đông nam, trên đảo Quang Hòa thuộc cụm Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng Sa - bị Trung Quốc xâm chiếm sau trận hải chiến năm 1974 với quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đặt lại tên là Sâm Hàng và Quảng Kim - ảnh vệ tinh cho thấy việc bồi đắp của Bắc Kinh đã làm tăng đến 50% diện tích hòn đảo kể từ tháng 4/2014.
Trên đảo Quang Hòa có một đơn vị quân đội đồn trú, bốn vòm radar, một nhà máy sản xuất bê-tông, và một cảng biển vừa được mở rộng nhờ nạo vét và phá hủy san hô. Một con đê biển kiên cố đang được xây dựng xung quanh các công trình bồi đắp đất. Các tòa nhà mới cũng thấy xuất hiện gần đảo Duy Mộng - bị Trung Quốc xâm chiếm năm 1974 và gọi là đảo Tấn Khanh.
The Diplomat nhận định, trong những tuần lễ gần đây, mọi chú ý đều hướng về quần đảo Trường Sa - nơi Trung Quốc cho bồi đắp và xây dựng với tốc độ nhanh đến chóng mặt, tại ít nhất bảy đảo đá ngầm và rạn san hô đang được Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan đòi hỏi chủ quyền. Nhưng nếu các nước tranh chấp ở Trường Sa chỉ có phản ứng nhẹ nhàng hoặc không tỏ thái độ trước hành động của Bắc Kinh, thì tại Hoàng Sa, lại còn yếu ớt hơn.
Từ vài tháng qua, đã diễn ra đối thoại hướng về quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Philippines – quốc gia đang rất quan ngại trước việc Trung Quốc kiểm soát các đảo san hô gần bờ biển nước mình. Hoa Kỳ đã dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí đối với Việt Nam ; và Hà Nội đang tăng cường lực lượng hải quân, tiếp nhận các tàu tuần tra do Nhật Bản trao tặng, mua sáu tàu ngầm lớp kilo của Nga. Còn Manila đã mở lại căn cứ ở vịnh Subic cho hải quân Mỹ, kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế về luật biển.
Tuy nhiên cũng theo The Diplomat, tất cả những phản ứng trên đây có vẻ quá chậm chạp, so với tốc độ Trung Quốc nạo vét, đào đắp đất, triển khai các nhà máy bê-tông cơ động trên toàn khu vực Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150414-bien-dong-tq-hoang-sa-truong-sa/

Trung Quốc xây đường băng trên Đá Chữ Thập, Trường Sa

mediaPhi đạo đang xây trên Đá Chữ Thập theo ảnh vệ tinh đăng trên trang web của CSIS.Reuters
Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng một phi đạo hay một đảo nhân tạo tại Đá Chữ Thập (Fiery Cross), thuộc cụm Nam Yết ở quần đảo Trường Sa. Theo AFP hôm nay 17/04/2015, các hình ảnh vệ tinh mới nhất chứng tỏ điều này, có thể làm tăng căng thẳng với các nước Đông Nam Á láng giềng. Việt Nam tuyên bố việc các nước khác tự ý xây dựng tại Trường Sa là bất hợp pháp.
Đá Chữ Thập (Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử, Philippines gọi là Kagitinan) là một đảo đá ngầm, trước khi Trung Quốc bắt đầu bồi đắp để biến thành một hòn đảo vào cuối năm 2014.
Nay các hình ảnh vệ tinh do DigitalGlobe chụp vào tuần trước, được công bố trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, cho thấy một phi đạo dài khoảng 3,1 kilomet đã được hoàn thành khoảng một phần ba. Khi đi vào hoạt động, đường băng này có thể « phục vụ cho hầu như tất cả các loại phi cơ mà Trung Quốc muốn cho hạ cánh ».
CSIS nhận xét, trong các bức ảnh chụp cách đây chưa đầy bốn tuần, người ta thấy hai đoạn đường băng dài 468 mét và 200 mét đang được xây dở dang, chứng tỏ tốc độ xây dựng rẩt nhanh của Bắc Kinh.
Hôm thứ Tư 15/4, tạp chí chuyên về quốc phòng IHS Jane’s công bố các bức ảnh do Airbus Defence and Space chụp được ngày 23/3, trong đó có một đoạn phi đạo dài hơn 500 mét, rộng 50 mét.
Trung Quốc khăng khăng đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, trên cơ sở một bản đồ tự mình đưa ra vào thập niên 40. Việc xây dựng, bồi đắp hàng loạt các đảo tại quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với Việt Nam và Philippines được cho là nhằm khẳng định chủ quyền, áp đặt « việc đã rồi ».
Các hình ảnh đăng trên trang web của CSIS trong tháng này cũng cho thấy một đoàn tàu Trung Quốc đang đổ cát lên Đá Vành Khăn (Mischief Reef), thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines hôm nay nói với AFP, phi đạo trên có thể gây ảnh hưởng « kinh tế, môi trường, ngoại giao và quốc phòng » đối với nước mình, « gây tác hại trầm trọng về nhiều phương diện về an ninh quốc gia trước mắt cũng như lâu dài ».
Cũng trong hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tiếp tục khẳng định việc Trung Quốc bồi đắp các đảo « chủ yếu vì lý do cải thiện tình trạng tại đây », đồng thời nhằm « tăng cường việc tìm kiếm và cứu hộ, bảo vệ môi trường, an ninh hàng hải, an toàn cho hoạt động ngư nghiệp ».
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm qua tuyên bố, việc các quốc gia khác tự tiện xây dựng trên quần đảo Trường Sa mà không có sự đồng ý của Hà Nội là « hoàn toàn bất hợp pháp và không có cơ sở ».
Tháng 11/2014, Hoa Kỳ đã từng cảnh báo về âm mưu của Trung Quốc xây dựng phi đạo trên Đá Chữ Thập. Phát ngôn viên quân sự Mỹ Jeffrey Pool tuyên bố : « Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các chương trình bồi đắp đảo, và tiến hành các hoạt động ngoại giao nhằm cổ vũ tất cả các bên tự kiềm chế trong loại hoạt động này ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150417-trung-quoc-xay-duong-bang-tren-da-chu-thap-truong-sa/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten