woensdag 13 mei 2015

EU dự định nhận 20.000 di dân

EU dự định nhận 20.000 di dân

  • 7 giờ trước
EU đang phải đối diện với khủng hoảng di dân
Ủy ban châu Âu công bố kế hoạch cho phép 20.000 người tị nạn vào châu Âu trong hai năm tới để đối phó khủng hoảng di dân.
Ủy ban kêu gọi các nước trong EU chia sẻ gánh nặng giải quyết đơn ti nạn.
Hơn 1.800 người đã chết trên biển trong năm nay trong khi cố vào Italy.
EU nói sẽ hợp tác với Libya, đang bị tàn phá vì chiến tranh, để chặn dòng thuyền của di dân.
Nhiều chuyên gia EU cũng sẽ được gửi đến Agadez ở bắc Niger, thuộc Tây Phi, nơi trở thành địa điểm buôn người châu Phi vào châu Âu.
Pháp, Đức, Italy và vài nước trong châu Âu ủng hộ quota của Ủy ban châu Âu.
Theo luật của EU, Anh, Ireland và Đan Mạch không phải chịu quota này.
Kế hoạch này dự định phân chia số lượng người nhập cư cho các nước trong EU dựa theo các thống kê như GDP, tỉ lệ thất nghiệp và dân số.
Ủy ban tính rằng Đức sẽ nhận nhiều nhất, 18.4%, theo sau là Pháp (14%), Italy (11.8%) và Tây Ban Nha (9%).
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2015/05/150513_eu_migrants_quota

EU đề xuất tiếp nhận di dân theo hạn ngạch

  • 11 tháng 5 2015
Nhiều người đã bỏ mạng trên biển khi tìm đường đến châu Âu
Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra một đề xuất gây tranh cãi là các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải tiếp nhận người tỵ nạn theo quy chế phân bổ hạn ngạch.
Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 60.000 người đã tìm cách vượt qua Địa Trung Hải trong năm nay.

‘Bị bạo hành tàn nhẫn’

Các di dân phải tìm đường vượt biển do ‘bị bạo hành tàn nhẫn’ ở Libya, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế.
Hơn 1.800 người đã bỏ mạng trên Địa Trung Hải trong năm nay, tăng gấp 20 lần so với cùng kỳ năm 2014.
Chính sách di dân của Ủy ban châu Âu, dự kiến sẽ được thông báo vào thứ Tư ngày 13/5, sẽ đề xuất tổ chức các phương tiện pháp lý cho di dân đến châu Âu để họ không phải tìm đến những kẻ buôn người.
Tuy nhiên, chính sách này cần phải được các nước EU đồng thuận.
Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ bàn thảo về đề xuất này tại một hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng Sáu.
Đề xuất sẽ khó lòng được thông qua dễ dàng vì nước Anh chống đối rất mạnh ý tưởng này, biên tập viên châu Âu của BBC Katya Adler cho biết.
Hạn ngạch tiếp nhận di dân đối với từng nước sẽ được quyết định bằng một loạt các yếu tố, trong đó có dân số, các chỉ số kinh tế và số lượng người tỵ nạn từng được tiếp nhận trước đó.
Nước Đức rất sốt sắng ủng hộ đề xuất này. Nước này đã từng tiếp nhận đến 200.000 hồ sơ xin tị nạn hồi năm ngoái.
Những đề xuất này là nỗ lực mới nhất của Liên minh châu Âu để ngăn chặn dòng người di dân bị chết đuối trên Địa Trung Hải.

Dùng vũ lực đối với bọn buôn người?

Hôm thứ Hai ngày 11/5, bà Federica Mogherina, cao ủy phụ trách đối ngoại của EU, sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho phép dùng vũ lực đối với những kẻ buôn người hoạt động bên ngoài Libya.
Nếu không được phép của Liên Hiệp Quốc thì bất cứ hành động quân sự nào phá hủy tàu thuyền của người di dân ở vùng biển quốc tế đều là bất hợp pháp.
Các nhà lãnh đạo EU đối mặt sức ép phải hành động trước vấn đề di dân
Tuy nhiên, tổ chức Ân xá Quốc tế đã cảnh báo rằng hành động quân sự sẽ khiến cho di dân bị mắc kẹt lại ở Libya trong hoàn cảnh tuyệt vọng.
“Đưa ra những biện pháp đối phó với những kẻ buôn người mà không có một con đường thay thế an toàn cho những người tuyệt vọng chạy trốn xung đột ở Libya sẽ không giúp giải quyết được hoàn cảnh của di dân và người tỵ nạn,” ông Philip Luther, giám đốc khu vực Trung Đông và Bắc Phi của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói.
Một phúc trình mới của tổ chức này có nhan đề ‘Libya là nơi đầy dẫy sự tàn nhẫn’ – dẫn lại một câu nói của một di dân Nigeria ở đất nước này.
Dựa trên hàng chục cuộc phỏng vấn với các di dân, tổ chức này đã thuật lại các trường hợp bắt cóc, đánh đập và cưỡng hiếp.
Phúc trình cáo buộc những kẻ buôn người ‘đánh đập các di dân một cách có hệ thống’. Nó cũng cho biết điều kiện ở các trung tâm giam giữ di dân ở Libya rất là đáng quan ngại.
Một gia đình Syria được phỏng vấn cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải vượt biển trong nguy hiểm.
“Chúng tôi đang đối diện với cái chết ở Libya do đó chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi cũng có thể đối mặt với cái chết khi tìm đường đến Ý.”

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2015/05/150511_eu_migrants_quota_proposal

EU sắp họp khẩn bàn về di dân

  • 23 tháng 4 2015
Các nhà lãnh đạo EU đứng trước sức ép phải có hành động mạnh mẽ
Các nhà lãnh đạo EU sắp có một cuộc họp khẩn để bàn về cách chấm dứt dòng người tị nạn bất chấp mọi nguy hiểm ở Địa Trung Hải để đến châu Âu.
Biên tập viên châu Âu của BBC Europe Katya Adler cho biết trong số các đề xuất được đưa ra có việc quân đội được phép phá hủy tàu thuyền dùng để vận chuyển người vượt biên.
Hơn 800 người đã chết đuối ngoài khơi Libya hôm Chủ nhật ngày 19/4 khiến tổng số thuyền nhân thiệt mạng trong năm nay lên đến 1.750 người.

‘Buôn nô lệ thế kỷ 21’

Thủ tướng Ý Matteo Renzi đã kêu gọi có hành động trực tiếp chống lại những kẻ buôn người.
Ông gọi họ là ‘những kẻ buôn nô lệ của thế kỷ 21’.
Một dự thảo bản tuyên bố của cuộc gặp thượng đỉnh này mà hãng tin AFP tiếp cận được cho biết các nhà lãnh đạo cam kết sẽ ‘có những hành động hệ thống để nhận diện, bắt giữ và phá hủy những tàu thuyền trước khi chúng được bọn buôn người sử dụng’.
Tuyên bố cho biết bà Federica Mogherini, cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, ‘được yêu cầu ngay lập tức bắt đầu những công việc chuẩn bị cho một chính sách quốc phòng và an ninh cho mục đích này trong khuôn khổ luật pháp quốc tế’.
Phóng viên của chúng tôi cho biết các đề xuất khác bao gồm ủng hộ các nỗ lực của Liên Hiệp Quốc để giúp thành lập một chính phủ ổn định ở Libya.
Ý nói có đến 90% tàu thuyền của di dân đến nước họ xuất phát từ Libya.
Các nhà lãnh EU cũng sẽ bàn bạc cách giải quyết đối với những người nhập cư đã đến được châu Âu. Một đề xuất là rải họ đều ra trên khắp các nước EU đang gây chia rẽ lớn, phóng viên BBC cho biết.
Hôm 20/4, EU đã đưa ra bản kế hoạch 10 điểm nhằm để ngăn nhiều người nhập cư thiệt mạng trên biển, trong số đó có việc tăng quỹ tài chính cho Frontex, cơ quan biên phòng phụ trách lực lượng cứu hộ Địa Trung Hải của EU có tên là Triton và mở rộng phạm vi hoạt động của Triton.

‘Cần cứng rắn với bọn buôn người’

Số người tỵ nạn chết trên Địa Trung Hải trong năm nay đã nhiều hơn gấp 30 lần cùng kỳ năm ngoái
Phát biểu ở Washington hôm 22/4, ông Antonio Guterres, cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn cho biết cần một phản ứng phối hợp giữa để cứu mạng người.
“Khả năng cứu mạng người trên biển của chúng ta cần được đảm bảo bởi vì tình hình hiện tại là thảm họa lớn,” ông nói.
“Ngày nay chúng ta biết rằng không có kế hoạch cứu nạn hiệu quả và số người tìm cách vượt Địa Trung Hải không những giảm mà còn tăng,” ông nói thêm.
“Có những kẻ buôn người. Chúng ta phải có cách đối phó rất cứng rắn với những kẻ này vốn vi phạm nhân quyền.”
Số người chạy trốn khỏi tình trạng chiến tranh và đói nghèo ở Trung Đông và châu Phi đã tăng vọt trong những tháng gần đây. Họ tìm đường đến châu Âu trên những con tàu đông đúc và thiếu điều kiện đi biển.
Tổ chức Di trú Quốc tế cho biết cho đến thời điểm này trong năm 2015 số người chết đã nhiều hơn gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái và con số người chết có thể tăng đến 30.000.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten