zondag 3 mei 2015

2014 : Năm đen tối của Tự do báo chí trên thế giới

Quốc tếBáo chíTự dongôn ngữ

2014 : Năm đen tối của Tự do báo chí trên thế giới

mediaNgàn lẻ một cách để bịt miệng báo chí.REUTERS/Tyrone Siu
Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Syria, Eritrea là những nước mà quyền tự do báo chí bị xếp vào « vùng đen » của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới Reporters Sans Frontières RSF. Bản tổng kết công bố nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 03/05, khẳng định năm 2014 là năm mà quyền tự do thông tin « thoái giảm một cách thô bạo ».
Bốn tháng sau ngày Tòa soạn tuần báo trào phúng Charlie Hebdo của Pháp bị khủng bố nhân danh Hồi giáo tấn công, bản tổng kết tình hình tự do báo chí trên thế giới năm 2014 nhấn mạnh chiều hướng « đi xuống » của quyền tự do thông tin và được thông tin. Nếu khu vực Bắc Âu, với Phần Lan đứng nhất trong năm năm liên tiếp , tiếp theo là Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan dẫn đầu bản xếp hạng thì những quốc gia như Việt Nam (hạng 175), Trung Quốc (hạng 176) cùng với Bắc Triều Tiên và Eritrea (180) đóng chốt ở cuối bảng.
Trung Quốc và Việt Nam mỗi nước bị sụt một hạng so với năm trước. Lý do làm cho Việt Nam bị xếp gần cuối bảng , kém hơn cả Cam Bốt, hạng 139, là vì « chế độ độc đảng kiểm soát thông tin » theo như nhận định của Phóng Viên Không Biên Giới.
Hoa Kỳ cũng mất ba hạng từ 46 xuống 49 do « cuộc chiến chống WikiLeaks » của chính quyền Obama. Tuy nhiên, điều này không làm Tổng thống Mỹ ngần ngại đón tiếp ba nhà báo nạn nhân của chế độ đàn áp tự do báo chí, «yếu tố cốt lõi của nền dân chủ » : Nga, Eritrea và Việt Nam (Điếu Cày Nguyễn Văn Hải) ngày 02/05/2015 tại Nhà Trắng . Pháp lên một hạng từ 39 lên 38 nhưng RSF lấy làm tiếc là còn nhiều trường hợp « nguồn tin mật » của phóng viên không được bảo vệ tốt.
Nếu tổng kết theo từng khu vực địa lý thì so với một năm trước, Tây Âu và vùng Balkan được cải tiến, tiếp theo là Châu Mỹ và ngay Châu Phi cũng tiến bộ hơn vùng Châu Á Thái Bình dương, Đông Âu, Trung Á. Cuối cùng, hai khu vực Trung Đông và Bắc Phi là nơi mà quyền tự do thông tin bị suy thoái nghiêm trọng nhất do xung đột vũ trang.
« 1001 cách bịt miệng báo chí »
Ở một số quốc gia, tính mạng các nhà báo, sự tồn tại của các phương tiện truyền thông bị trực tiếp đe dọa. Tại Trung Quốc một trong những trường hợp được biết đến nhiều hơn cả, là nhà báo Cao Du, 71 tuổi, vừa lãnh án 7 năm tù vì tội « tiết lộ bí mật quốc gia ». Nhà báo Cao Du từng bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ vì đã viết bài ủng hộ phong trào dân chủ Mùa Xuân Bắc Kinh năm 1989. Gần đây, bà đã phơi bày những nét tiêu cực trong guồng máy chính trị của đất nước.
Trong trường hợp của Việt Nam, theo tổ chức Phóng viên Không Biên giới, chính quyền đàn áp báo chí bằng cách sách nhiễu gia đình các nhà báo, bắt giữ các bloggers. Bên cạnh việc tấn công thẳng vào cá nhân các phóng viên, một số quốc gia có thể nhân danh một tôn giáo, hay một đức tin để kiểm duyệt báo chí. Tại Thái Lan chẳng hạn, những chỉ trích liên quan nhà vua hay gia đình hoàng tộc đều coi là một điều cấm kỵ, có thể khép vào tội khi quân.
Còn tại Nga, theo lời thông tín viên đài RFI Muriel Pomponne, không một tờ báo nào dám đăng những bức biếm họa của tuần báo trào phúng Pháp, Charlie Hebdo vì sợ đụng chạm đến đức tin của một phần công luận. Vi phạm điều đó, có thể bị phạt đến 3 năm tù giam. Mỉa mai thay là mới chỉ tuần trước, chính Tổng thống Putin đã tuyên bố rằng « một nền báo chí độc lập sẽ góp phần củng cố cho sự vững chắc của Nhà nước ». Cắt quảng cáo, nguồn tài trợ chính của các phương tiện truyền thông độc lập là hình thức để nước Nga của ông Putin kiểm duyệt báo chí.
Gần đây, nhiều quốc gia cũng có thể bịt miệng báo chí bằng cách gia tăng kiểm duyệt mạng Internet. Không chỉ ở Trung Quốc hay Việt Nam, mà tại Pakistan, các nguồn cung cấp dịch vụ internet phải cung cấp cho chính phủ các dữ liệu tin học theo mô hình đã được áp dụng tại Anh, Mỹ. Tại Pháp, chiếc nôi của nhân quyền, dự luật về thông tin, đang gây nhiều tranh cãi.
Nhìn sang Châu Mỹ La Tinh, 2014 là một năm đen tối đối với báo chí Venezuela. Các hành vi sách nhiễu nhắm vào giới phóng viên gia tăng. Nhiều tờ báo phải giảm số trang vì lý do kinh tế, hay chỉ còn ấn bản trên internet, đơn giản là vì không có tiền để mua giấy phục vụ cho độc giả.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150503-2014-tu-do-bao-chi/

Tự do báo chí : Việt Nam vẫn tụt hạng trên thế giới

mediaViệt Nam đứng hàng 175 trên 180 quốc gia theo bảng xếp hạng của Phóng viên không biên giới @rsf
Hiện tượng quyền tự do báo chí càng lúc càng bị thu hẹp tại Việt Nam trong năm 2014 với một loạt những vụ bắt giữ, sách nhiễu giới viết blog đã được tổ chức Phóng viên Không Biên giới (Reporters sans frontières RSF) – trụ sở tại Pháp - tổng kết trong bản báo cáo thường niên 2015 về tình hình tự do báo chí trên thế giới. Bản phúc trình kèm theo bảng xếp hạng, đã được chính thức công bố vào hôm nay, 12/02/2015 tại Paris.
Trong bảng xếp hạng quyền tự do báo chí tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo thứ tự từ cao đến thấp, Việt Nam bị xếp thứ 175, nằm trong số nước có tình trạng tự do ngôn luận tồi tệ nhất, chỉ hơn được Trung Quốc (176), Syria (177), Turkmenistan (178), Bắc Triều Tiên (179) và Erythrea đội sổ.
Vấn đề đối với Việt Nam là thứ hạng trên trường quốc tế của Việt Nam về tình hình tự do báo chí liên tục tuột giảm trong thời gian những năm gần đây, từ hạng 165 trên 173 nước vào năm 2010, đã tiếp tục xuống dốc trong những năm sau, tới mức 174 trên 180 vào năm ngoái 2014, để xuống thêm một hạng vào năm nay.
Nhận xét chung của Phóng viên Không Biên giới không khoan nhượng : « Chính phủ Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch đàn áp từ một vài năm nay. Chính quyền đã sử dụng cả một kho luật lệ đều hơn nhau về tính tùy tiện, với lời lẽ lúc nào cũng mơ hồ, như trong điều 258 của Bộ luật Hình sự, phạt án tù đối với mọi hành động « lợi dụng các quyền tự do dân chủ », cho phép chính quyền « biện minh bằng pháp luật » chủ trương bịt miệng các tiếng nói bất đồng ».
Về tình hình trong năm 2014, Phóng viên Không Biên giới nêu bật các vụ tiếp tục bắt giam các công dân-nhà báo và blogger, bên cạnh một yếu tố đặc biệt đáng quan ngại là nạn bạo hành của công an nhắm vào giới blogger. Phóng viên Không Biên giới tố cáo hiện tượng : « Nhà chức trách câu kết với giới côn đồ để tiến hành các vụ sách nhiễu. Bản chất của các đối tượng bị nhắm, và tính chất thô bạo của các cuộc tấn công, phản ánh một chiều hướng cứng rắn hơn của chiến dịch đàn áp ».
Trong những bảng xếp hạng trước đây, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã từng xếp Việt Nam vào diện « Nhà tù lớn thứ hai, sau Trung Quốc, đối với các công dân mạng », tức là giới blogger, trong lúc Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được liệt vào danh sách những kẻ thù của Internet.
Tuy nhiên, phải nói là tình hình không tốt đẹp tại Việt Nam không phải là một trường hợp cá biệt. Nhận định chung của Phóng viên Không Biên giới trong bản báo cáo 2015 là đã có một « sự suy thoái thô bạo » của quyền tự do báo chí trên thế giới trong năm 2014. Theo tổ chức này, đấy là hậu quả của hành động của các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại vùng Cận Đông, hay các phần tử Hồi giáo cực đoan Boko Haram ở Nigeria.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, ông Christophe Deloire, Tổng thư ký của Phóng viên Không Biên giới nhận định : « Đã có một sự suy thoái toàn cầu, bắt nguồn từ những nguyên do rất khác nhau, với sự tồn tại của các cuộc chiến tranh thông tin, hoạt động của các tổ chức phi nhà nước vốn xử sự như những bạo chúa trong lãnh vực thông tin ».
Đối chiếu hai bảng xếp hạng của Phóng viên Không Biên giới trong hai năm 2014 và 2015, giới quan sát sẽ thấy ngay hiện tượng thụt lùi toàn cầu và nghiêm trọng của quyền tự do báo chí trong năm qua : 2/3 trong số 180 quốc gia và lãnh thổ trong danh sách lần này của Phóng viên Không Biên giới đều tụt hạng so với lần trước.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150212-tu-do-bao-chi-viet-nam-tiep-tuc-tut-hang-tren-the-gioi/

Mỹ quan ngại về tự do báo chí tại Trung Quốc

mediaBản đồ thế giới về quyền tự do báo chí (trắng: tốt; đen: tồi tệ nhất)RSF
Washington lại tỏ quan ngại về tự do báo chí tại Trung Quốc. Hôm nay28/01/2015, tại Bắc Kinh, quan chức ngoại giao cao cấp Mỹ cho biết, một số hãng thông tấn của Mỹ đang bị gây khó dễ vì đưa những thông tin mà đảng Cộng sản Trung Quốc cho là nhạy cảm.
Trên chặng công du ba nước Châu Á, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, bà Wendy Sherman, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, đã tuyên bố với các nhà báo tại Bắc Kinh rằng Washington tỏ quan ngại về vấn đề tự do báo chí, về điều kiện hoạt động, lưu trú và quy chế của các nhà báo tại Trung Quốc.
Washington đã từng chỉ trích gay gắt Trung Quốc trong vụ không gia hạn giấy phép lưu trú cho các phóng viên thường trú của báo New York Times và Bloomberg. Sự việc trên được Washington coi như là hành động trả đũa của Bắc Kinh vì các báo trên đã đăng những bài điều tra về khối tài sản kếch xù của gia đình nhiều lãnh đạo Trung Quốc.
Một số nghị sĩ Quốc hội Mỹ còn ủng hộ việc Hoa Kỳ đưa ra những biện pháp trả đũa không cấp visa vào Mỹ cho nhân viên và lãnh đạo các cơ quan truyền thông Trung Quốc.
Với Bắc Kinh, phê phán chỉ trích lãnh đạo của họ là vấn đề rất nhạy cảm. Ở trong nước, các thông tin kiểu như vậy bị kiểm soát chặt.
Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có ý nói rằng những cơ quan báo chí Mỹ tự mình cũng phải hiểu vì sao không được cấp visa vào Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150128-my-quan-ngai-ve-tu-do-bao-chi-tai-trung-quoc/

RSF : Trung Quốc bỏ tù các nhà báo nhiều nhất thế giới năm 2014

mediaBáo cáo của RSF về tự do báo chí 2014Documents collection
Theo báo cáo tổng kết 2014 của Phóng viên Không biên giới (RSF) công bố ngày 16/12/2014, Trung Quốc là nước tống giam các nhà báo nhiều nhất thế giới. 66 nhà báo bị sát hại, trong đó có hai người bị thảm sát man rợ. Có đến 119 trường hợp nhà báo bị bắt cóc, trong đó có 40 người vẫn đang bị giữ làm con tin.
Trung Quốc dẫn đầu danh sách các nước nghiệt ngã nhất với các nhà báo : 17% phóng viên chuyên nghiệp và 44% nhà báo công dân hiện đang phải ngồi tù. Tiếp theo là Erythée, Iran, Syria, Ai Cập, những nhà tù lớn đối với các nhà báo chuyên nghiệp – không thay đổi mấy so với năm ngoái. Riêng Việt Nam thì chủ yếu các blogger là đối tượng dễ bị tống giam.
Tổng cộng trên thế giới có 178 phóng viên chuyên nghiệp và 178 nhà báo công dân đang bị ngồi tù, 139 người phải đi tị nạn, 1.846 người bị đe dọa hoặc hành hung. Ukraina giữ kỷ lục về các vụ hành hung nhà báo (215 vụ), tiếp theo là Venezuela (134), Thổ Nhĩ Kỳ (117), Libya (97) và Trung Quốc (84).
RSF tố cáo đảng Cộng sản Trung Quốc « huy động công an côn đồ mặc thường phục để cản trở các nhà báo đưa tin về những cuộc biểu tình, một kiểu bạo lực thân thể và cả thóa mạ, được xuất sang Hồng Kông một cách nguy hiểm ».
Bên cạnh nguy cơ bị tù tội, các nhà báo còn bị sát hại và bắt cóc. Tổ chức Phóng viên Không biên giới nhận định : « Hiếm khi việc sát hại các nhà báo lại được tiến hành với cách tuyên truyền tàn bạo như thế », với video quay cảnh hai phóng viên Mỹ James Foley và Steven Sotloff bị chặt đầu.
Hai phần ba các vụ giết hại xảy ra tại các khu vực có chiến tranh. Cũng như trong năm 2013, Syria là quốc gia nguy hiểm nhất với 15 vụ hạ sát nhà báo, tiếp đến là lãnh thổ Palestine, miền đông Ukraina, Irak, Libya. Theo RSF, những thủ phạm muốn « ngăn cản thông tin độc lập và những phán xét từ bên ngoài ». Các kiểu hăm dọa đa dạng cho đến nỗi số lượng các nhà báo phải đi tị nạn cao gấp đôi so với năm ngoái.
Các vụ bắt cóc tăng 37%, đặc biệt cao tại Ukraina (33 trường hợp), Libya (29), Syria (27), Irak (20) ; chủ yếu do các đợt tấn công của tổ chức Nhà nước Hồi giáo và tình hình mất an ninh ở Libya. Hiện nay có 40 nhà báo chuyên nghiệp và 3 blogger vẫn đang là con tin bị giam giữ, trong đó 90% là các nhà báo địa phương.
Từ năm 2005 đến nay, tổng cộng có đến 720 nhà báo đã bị sát hại. Năm 2014, dù xảy ra các vụ chặt đầu man rợ gây sốc cho toàn thế giới, vẫn là năm có số phóng viên bị giết hại ít nhất trong vòng 10 năm qua.
 
http://vi.rfi.fr/141516-rsf-tq//

NSA đe dọa tự do báo chí Mỹ ?

mediaCựu giám đốc kỹ thuật của NSA William Binney điều trần truớc một uỷ ban điều tra của Quốc hội Đức ở Berlin ngày 03/07/2014 về các hoạt động của NSA tại Đức.Reuters
Theo Liên hiệp vì các quyền tự do dân sự của Hoa Kỳ (ACLU) và Human Rights Watch (HRW), các chương trình theo dõi do Cơ quan an ninh Quốc gia Mỹ NSA thực hiện đe dọa tự do báo chí và dân chủ.
Dựa trên 92 cuộc phỏng vấn các nhà báo, luật sư, các quan chức chính quyền, tổ chức ACLU và HRW đã đưa ra kết luận trên đây trong bản báo cáo vừa được công bố ngày 28/07/2014. Cả hai tổ chức nói trên ghi nhận : vì mục đích chống khủng bố, các chương trình theo dõi của Cơ quan NSA đã vi phạm quyền tự do thông tin, tự do báo chí, cũng như quyền được trợ giúp về phương diện pháp lý.
Công việc của các phóng viên, của các luật sư là « cốt lõi của nền dân chủ » tại Hoa Kỳ. Do vậy, theo báo cáo nói trên, khi « công việc của giới chí hay các giới luật sư bị tác động, nền dân chủ của Mỹ qua đó cũng bị ảnh hưởng theo ».
Để thực hiện báo cáo vừa cho công bố hôm nay ACLU và Human Rights Watch đã phỏng vấn 46 phóng viên thuộc nhiều phương tiện truyền thông. Trong đó có cả những người đã được trao tặng giải thưởng Pulitzer, một giải thưởng cao quý của ngành báo chí.
Những người được hỏi ý kiến cho biết, từ sau những tiết lộ của Snowden, nhiều nguồn cung cấp thông tin cho các phóng viên đã thận trọng hơn và cân nhắc rất kỹ trước khi liên lạc với các nhà báo, kể cả khi đề cập đến những hồ sơ không nằm trong danh sách « nhạy cảm ». Một số nguồn cung cấp thông tin cho các phương tiện truyền thông chỉ chấp nhận nói chuyện qua các kênh điện thoại được bảo mật tối đa, hay tránh mọi trao đổi qua internet.
Theo lời phóng viên báo New York Times, dưới chính quyền Obama tới nay đã có tất cả 8 vụ bị kiện ra tòa án hình sự vì đã tiết lộ cho báo chí những thông tin mật.
Ngoài ra, HRW và ACLU cũng đã phỏng vấn 42 luật sư. Số này cho biết phải sử dụng nhiều phương tiện trao đổi khác nhau, tránh để bị theo dõi và tránh để bị ảnh hưởng đến công việc. Một trong những tác giả của báo cáo về tình trạng tự do báo chí Mỹ tiếc rằng Hoa Kỳ luôn tự nhận là một đất nước tự do, thế nhưng các chương trình của Cơ quan An ninh Quốc gia NSA thì lại đe dọa những giá trị cơ bản đó.

 http://vi.rfi.fr/quoc-te/20140728-nsa-de-doa-tu-do-bao-chi-my/


Geen opmerkingen:

Een reactie posten