woensdag 3 juli 2013

Doanh nghiệp Trung Quốc lại ồ ạt thuê đất ở Bến Tre

Doanh nghiệp Trung Quốc lại ồ ạt thuê đất ở Bến Tre

(Đời sống) - UBND tỉnh Bến Tre cho biết đến thời điểm này đã xác định được 10 doanh nghiệp (DN) nước ngoài thuê đất của dân trái pháp luật với tổng diện tích hơn 82ha, 8/10 DN là của Trung Quốc.

Đây chưa phải là con số cuối cùng vì các địa phương vẫn tiếp tục xác minh.

Tờ Tuổi trẻ đưa tin, các DN nước ngoài này thuê đất từ nhiều năm nay, có nơi đã thuê tới năm năm nhưng mãi đến nay cơ quan chức năng mới phát hiện. Đáng chú ý, các hợp đồng thuê đất được UBND các xã và Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre công chứng, chứng thực dù việc làm đó vi phạm pháp luật.

Hầu hết là đến từ Trung Quốc

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre, 10 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuê đất của dân trái pháp luật đều đã được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó có ba DN nuôi trồng thủy sản và bảy DN sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa. Trong số này có đến 8 DN của Trung Quốc, 2 DN còn lại của Nga và Indonesia.

trung-quoc-thue-dat-trai-phep-o-ben-tre-Phunutoday.vn.jpg
Nhóm người Trung Quốc đến Công ty TNHH Trung Hàn (xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) ngày 27/6 . Ảnh: TTO.
Mở màn “chiến dịch” âm thầm thuê đất của dân không thông qua UBND tỉnh Bến Tre là Công ty TNHH Trung Lâm (Trung Quốc), ông Li Qiu Sheng (quốc tịch Trung Quốc, đại diện công ty) đã trực tiếp liên hệ thuê 2.000m2 đất của một hộ dân ở xã Mỹ Thạnh An, TP. Bến Tre trong thời hạn 10 năm (2008-2018) để sản xuất. Hợp đồng thuê đất được Sở Tư pháp Bến Tre công chứng.

Tiếp đó, tháng 11/2008, Công ty TNHH Trung Nhạc (Trung Quốc) được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án sản xuất thạch dừa, lập tức thuê 2.700m2 đất và nhà xưởng của một hộ dân ở xã Bình Phú, TP Bến Tre thời hạn 10 năm.

Phong trào thuê đất của dân rộ lên trong giai đoạn năm 2010-2012, với thêm 8 DN khác.

Hai DN nước ngoài thuê nhiều đất nhất tại tỉnh Bến Tre là Công ty TNHH nuôi trồng thủy sản Simmy (Đài Loan, Trung Quốc) và Công ty TNHH một thành viên nuôi trồng thủy sản Việt - Nga (Nga). Cả hai DN đều thuê đất tại xã Đại Hòa Lộc và Thạnh Phước, huyện Bình Đại với tổng diện tích lên đến 76ha.

“Qua mặt” tỉnh

Theo UBND tỉnh Bến Tre, hầu hết hợp đồng cho thuê đất đều được phòng công chứng Sở Tư pháp và UBND các xã chứng thực, thừa nhận.

Ngày 6/3, Giám đốc Sở Tư pháp Bến Tre Phan Tuấn Thanh ký văn bản thừa nhận: “Việc công chứng, chứng thực các hợp đồng thuê đất giữa cá nhân, hộ gia đình với tổ chức, cá nhân nước ngoài là không đúng theo quy định của pháp luật về đất đai”.

Từ việc thừa nhận làm sai, Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre cho biết đã họp nội bộ để rút kinh nghiệm và có văn bản chấn chỉnh việc công chứng, chứng thực, đồng thời sẽ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan khắc phục hậu quả.

Lãnh đạo một số xã chứng thực hợp đồng cho DN nước ngoài thuê đất trái pháp luật trả lời là do người Việt của DN nước ngoài đứng ra thuê nên xã phải ký. Còn các trường hợp người nước ngoài đứng ra thuê thì xã chỉ họ lên Sở Tư pháp công chứng.

Trong khi đó, những người dân cho thuê đất cũng nói rằng họ không rõ quy định của pháp luật, thấy người ta thuê giá chấp nhận được thì cho thuê, lại thấy xã, Sở Tư pháp công chứng, chứng thực nên nghĩ là đúng pháp luật mới được xác nhận, nên cứ vậy cho thuê.

Ông Cao Văn Trọng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sau khi kiểm tra xong mới bàn cách giải quyết. Trước mắt, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp mời các DN nước ngoài và người dân đến giải thích, hủy hợp đồng mà sở đã công chứng.

Trường hợp người dân đồng ý, tỉnh sẽ làm thủ tục thu hồi đất, bồi thường cho dân rồi cho DN nước ngoài thuê theo quy định của pháp luật. Còn nếu dân không đồng ý, tỉnh sẽ tìm đất khác cho DN thuê.

“Trước mắt tỉnh sẽ hủy hợp đồng của một DN Trung Quốc và một DN Indonesia”, ông Trọng nói.

Hồi tháng 2/2013 vừa qua, dư luận cả nước cũng xôn xao khi hay tin người Trung Quốc về xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, Long An thuê đất lập trang trại, xây tường cao bao quanh.

Và dư luận chú ý nhất là vụ việc phát hiện có người Trung Quốc xuất hiện tại ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, Long An để trồng lúa “lạ”, với diện tích hơn 1,4h, giá thuê đất là 30 triệu đồng/ha/mùa. Rồi các ban ngành từ chức năng tới các nhà khoa học rối rít kiểm tra, xác minh vụ việc. Kết quả đây là một giống lúa lai được trông thử nghiệm để nhân giống. Người Trung Quốc là Tiến sĩ trường Đại học Tứ Xuyên, Trung Quốc được trên thuê để hướng dẫn người làm chăm sóc lúa.

Còn trước đó, là các vụ việc người Trung Quốc thuê mặt nước tại vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) nuôi cá, thuê đất rừng…
Luật đất đai quy định hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không phải là đất thuê chỉ được phép cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người VN định cư ở nước ngoài đầu tư tại VN thuê quyền sử dụng đất (khoản 4, điều 113).

Ngoài ra, luật cũng quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài có dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt thì được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần hoặc hằng năm để thực hiện dự án đầu tư (khoản 1, điều 73).

Về cơ quan có thẩm quyền quyết định việc cho DN nước ngoài thuê đất, điều 37 Luật đất đai quy định đó là UBND tỉnh.
  • P.V (tổng hợp)
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten