donderdag 7 februari 2013

Việt Nam sẵn sàng tư hữu hóa các doanh nghiệp Nhà nước

Thứ tư 06 Tháng Hai 2013

Việt Nam sẵn sàng tư hữu hóa các doanh nghiệp Nhà nước

Nhà máy sản xuất thép Quế Võ, ngoại thành Hà Nội (Reuters)
Nhà máy sản xuất thép Quế Võ, ngoại thành Hà Nội (Reuters)

Minh Anh
Tình hình cải cách kinh tế của Việt Nam được tờ báo Pháp Les Echos quan tâm đến. Trong bối cảnh các vụ tai tiếng xảy ra xung quanh các tập đoàn Nhà nước, chính phủ Việt Nam tuyên bố « sẵn sàng tư hữu hóa một số doanh nghiệp Nhà nước » nhằm tạo nhiều thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Báo Les Echos nhận xét : « Một bước ngoặt trong chính sách kinh tế của Việt Nam ». Hà Nội đang hoàn thiện một dự thảo luật, dự định từ đây cho đến năm 2015 sẽ tư hữu hóa lãnh vực công. Ông Trương Chí Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chính, người đề xuất ý tưởng này cho rằng dự thảo luật cho phép tháo gỡ những bộ phận doanh nghiệp không quan trọng.
Tuy nhiên, chính phủ vẫn đóng vai trò cổ đông chính trong các doanh nghiệp Nhà nước được cho là chiến lược. Ông nói : « Tái cấu trúc lại lãnh vực công là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình thực hiện hiện đại hóa nền kinh tế đất nước ».
Les Echos cho rằng đây cũng là một quá trình tự nhiên cho một nền kinh tế kế hoạch hóa truyền thống muốn hướng đến một nền kinh tế thị trường thực thụ. Tại Việt Nam, lãnh vực công hiện nay chiếm đến 37% tổng thu nhập nội địa và tiêu tốn đến đến hơn một nửa nguồn đầu tư của Nhà nước, nhưng cũng là nguồn gốc của 53% các khoản tín dụng xấu do các ngân hàng nắm giữ. Bộ Tài chính cho rằng đây chính là một trong những điểm quan trọng nhất chính phủ Việt Nam cần phải giải quyết.
Tờ báo nhắc lại, vào tháng mười năm vừa qua, lãnh đạo Việt Nam, đã phải công khai xin lỗi về những sai phạm, về nạn tham nhũng và công tác quản lý yếu kém của các tập đoàn Nhà nước. Kể từ ngày đó, các vụ tai tiếng liên quan đến việc nhiều nhà lãnh đạo các tập đoàn Nhà nước biển thủ công quỹ xảy ra, thúc đẩy chính phủ phải hành động khẩn cấp.
Ông Trương Chí Trung nhấn mạnh rằng kế hoạch tư hữu hóa trong lãnh vực công dù rất đau xót, nhưng cũng là dịp « tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước ».
Les Echos cho rằng cải cách của Việt Nam không khác với những gì mà Trung Quốc đã thực hiện trong những năm 1990. Chương trình cải cách đó một phần cho phép các doanh nghiệp thua lỗ thoát ra khỏi các khoản nợ xấu. Mặt khác, chính phủ vẫn quyết định giữ vai trò chủ chốt trong các lãnh vực mũi nhọn như năng lượng, viễn thông, ngành đường sắt và hàng không, truyền thông, không gian và tài chính.
Riêng trong lãnh vực lắp ráp xe ô-tô, chính phủ kêu gọi đầu tư cho công nghệ mới từ nước ngoài, nhưng phần đông dưới hình thức liên doanh. Kết quả là chưa đầy 20 năm sau, chiến lược đó dường như đã đâm hoa kết trái.
Sihanouk, « vị vua cha của dân tộc Cam Bốt »
Nhìn sang nước láng giềng của Việt Nam, báo Le Monde có bài viết đề tựa « Tại Phnom Penh, chuyến đi cuối cùng của Sihanouk, ‘người cha già dân tộc’ ». Theo nhận định của tờ báo, bất chấp những sai lầm chính trị của đức vua Sihanouk lúc tại vị dẫn đến thảm họa diệt chủng Pol Pốt, trong con mắt của người dân Cam Bốt, ông vẫn là một vị vua đáng kính nhất, gần gũi với dân nhất.
« Không thể đoán trước, kỳ khôi và thích pha trò » là nhận xét của Le Monde về tính cách của Norodom Sihanouk, quốc vương Cam Bốt. Ngay đến lúc lâm chung, ông cũng thể hiện tính độc đáo của mình. Theo những lời trăn trối, ông kiên quyết từ chối tiến hành tang lễ theo truyền thống.
Nghĩa là, khi tẩm liệm, người khuất bóng, được đeo một chiếc mặt nạ mạ vàng và phải được đặt trong áo quan ở tư thế hài nhi còn trong bụng mẹ. Một tập tục theo triết lý Phật giáo, tượng trưng cho sự hóa kiếp. Quốc vương Sihanouk trước lúc băng hà đã liệt kê các bước thực hiện tang lễ cho ông, đồng thời nêu rõ ước nguyện muốn thi thể mình được đặt trong tư thế nằm.
Ngoài việc mô tả lại quang cảnh long trọng và hoành tráng của lễ hỏa táng quốc vương, báo Le Monde còn lưu ý đến các nhận xét của giới ngoại giao về sự kiện. Nếu như đối với người dân thủ đô, sự ra đi của quốc vương là một sự mất mát lớn, thì đối với nhà lãnh đạo đất nước, thủ tướng Hun Sen đây cũng là cơ hội để thu về các lợi ích chính trị. Theo nhận định của một nhà ngoại giao « bằng cách này hay cách khác, thủ tướng đang nắm trọn trong tay định mệnh của quốc gia : ông ta đã đặt chân lên chiếc cần đạp, và ông ấy đang điều khiển ».
Dù đã nắm quyền lãnh đạo đất nước từ hơn 25 năm nay, ông Hun Sen vẫn luôn khao khát muốn khoác trên vai chiếc vỏ bọc là đứa con tinh thần của vị vua quá cố. Theo Le Monde, lý do của sự khao khát đó là rất rõ ràng : trên phương diện chính trị, sự nổi danh của người quá cố - từng là hoàng tử, thủ tướng, quốc vương, lãnh đạo đối lập lưu vong là điểm lợi cần phải khai thác triệt để.
Ngược lại, tình cảm mà dân chúng dành cho cựu hoàng là giống nhau : Sihanouk là hiện thân của một nước Cam Bốt thái hòa, một đất nước của những năm 1960. Đối với đại bộ phận người dân Cam Bốt, cựu hoàng Sihanouk là « một vị vua rất gần gũi với dân chúng, hoàn toàn không giống như quốc vương Thái Lan, rất xa rời quần chúng ».
Ai cũng biết rằng chính cá tính không thể nào kiểm soát được của ông đã dẫn đến nhiều sai lầm chính trị. Le Monde nhắc lại rằng từng được Khmer Đỏ đưa lên làm vua bù nhìn để rồi sau đó bị chính họ giam lỏng ngay tại hoàng cung.
Vậy mà, ông đã quyết định liên kết với họ ngay sau khi quân đội Việt Nam tràn sang vào năm 1979 để truy quét quân diệt chủng. Bất chấp việc chính quân Pol Pốt đã giết chết năm trong số 14 người con của mình. Điều lạ là ngay cả giới trẻ những người chẳng biết gì về thời cai trị của ông, nhưng vẫn rất ngưỡng mộ và kính nể cựu hoàng.
Khi Bình Nhưỡng mơ ước dội bom Hoa Kỳ
Cũng tại châu Á, trang web tờ Liberation lại quan tâm đến Bắc Triều Tiên. Trong bài viết đề tựa « Khi Bình Nhưỡng mơ được dội bom Hoa Kỳ », Liberation cho hay vào ngày hôm qua một đoạn phim video kỳ lạ, ngắn chừng 3,36’đã được đưa lên mạng Youtube, ca ngợi chương trình không gian của đất nước và tỏ ý khiêu khích Hoa Kỳ.
Theo bài viết trên trang mạng của tờ Liberation, đoạn vidéo mô tả ước mơ của cậu thanh niên Bắc Triều Tiên được lái con tàu vũ trụ đi vòng quanh hành tinh xanh, dưới nền nhạc của bài hát « We are the World », nhạc phẩm nổi tiếng do Lionel Richie và Michael Jackson viết vào năm 1985. Đáng chú ý là con tàu trong đoạn video cùng kiểu với tên lửa được phóng thành công hôm 12/12/2012 vừa qua.
Chiếc tàu đó bay qua nhiều quốc gia trong đó có nước Triều Tiên đã được hợp nhất và được đám đông vui mừng ca tụng. Nhất là, đoạn video phô bày hình ảnh một thành phố của Mỹ, tương tự như là New York, với lá quốc kỳ đang bay phấp phới đang chìm đắm trong biển lửa và dưới làn mưa tên lửa. Trong các cảnh đó, người xem sẽ thấy các nhà cao ốc là mục tiêu các vụ tấn công, những vụ nổ, những cảnh tàn phá.
Những cảnh này gợi nhắc lại vụ tấn công khủng bố tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới 11/9/2001. Ở cuối đoạn phim, cậu thanh niên đó đưa ra kết luận rằng giấc mơ của cậu « chắc chắn rồi cũng sẽ thành hiện thực ». « Bất chấp các thủ đoạn của bọn đế quốc nhằm cô lập và đè bẹp chúng ta… nhưng không ai có thể ngăn cản dân tộc ta tiến đến thắng lợi cuối cùng ».
Theo giải thích của trang mạng Kotaku hôm qua, thứ ba 05/02/2013, đoạn phim của Bắc Triều Tiên đã sử dụng nhiều hình ảnh từ trò chơi điện tử « Call of Duty Modern Warfare 3 ». Còn theo trang mạng LiveLeak của Mỹ, các hình ảnh trên đã được trang mạng chính thức của Bắc Triều Tiên Uriminzokkiri, trang mạng chuyên cung cấp các thông tin của chế độ Bình Nhưỡng tải về hôm thứ bảy 02/2 vừa qua.
Tuy nhiên, Liberation nhận thấy rằng điều đáng ngạc nhiên là đoạn video tuyên truyền đó đã vay mượn các chủ đề, câu chuyện và văn hóa của Mỹ, mà Bình Nhưỡng luôn cho là đáng ghê tởm.
Cuối cùng, bài viết mỉa mai nhận định trái ngược với những gì phô bày trong đoạn phim, cho đến giờ Bắc Triều Tiên còn chưa có đến một con tàu vũ trụ để đưa vào quỹ đạo. Làm thế nào mà Bình Nhưỡng có thể dội bom Hoa Kỳ trong khi ngay cả chiếc tên lửa Ngân hà – 3 vẫn chưa có khẳ năng đạt đến lãnh thổ Mỹ ?

Châu Âu và Hoa Kỳ đàm phán thỏa thuận tự do mậu dịch

Trở lại lãnh vực kinh tế, Le Monde chạy hàng tựa thông báo : « Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ sẵn sàng đàm phán một thỏa thuận tự do mậu dịch ». Tuy nhiên, tờ báo cũng lưu ý là đàm phán có thể sẽ rất căng thẳng trong một số lãnh vực như nông nghiệp, công nghệ sinh học hay các dòng sản phẩm văn hóa.
Theo Le Monde, từ hai tháng nay, các thảo luận đã được thúc đẩy dưới sự chủ trì của ông Michael Froman, một trong những cố vấn về an ninh quốc gia của Nhà Trắng. Về phía châu Âu, đứng đầu là thủ tướng Anh David Cameron và thủ tướng Đức Angela Merkel.
Theo đó, từ đây cho đến cuối tháng 6 năm nay, hai bên sẽ tiến hành vòng đàm phán, nhằm đạt một thỏa thuận sớm lắm là trong vòng hai năm nữa. Đối với châu Âu, thỏa thuận sẽ phải đề cập đến nhiều lãnh vực : từ hàng rào thuế quan, dịch vụ, đầu tư, các rào cản trao đổi mậu dịch, sở hữu trí tuệ, xâm nhập thị trường công. Mục tiêu của thỏa thuận còn nhằm kích thích tăng trưởng, vào lúc mà châu Âu đang phải áp đặt các chính sách khắc khổ chưa từng có để vượt qua khủng hoảng nợ.
Về phía Mỹ, thỏa thuận kinh tế này cho thấy hy vọng cải thiện phần nào quan hệ thương mại giữa Mỹ và châu Âu, đang bị xuống cấp trầm trọng từ đầu thế kỷ này.
Tuy nhiên, Le Monde cũng nhận thấy rằng đàm phán có thể sẽ rất khó khăn. Một số lãnh vực như nông nghiệp, công nghệ sinh học hay các loại sản phẩm văn hóa có nguy cơ gây nhiều căng thẳng. Hoa Kỳ vẫn đòi hỏi đảm bảo sự nhất quán có thể các quy định giữa hai bên bờ Đại Tây Dương, nhất là trong lãnh vực y tế.
Về phần mình, châu Âu vẫn kiên quyết giữ vững lập trường trên các hồ sơ « không dỡ bỏ lệnh cấm trên các sản phẩm OGM, gà nhuộm chất chlore hay nhân bản ».
Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu tạo ra đến một nửa của cải cho thế giới và thực hiện đến 1/3 lượng trao đổi hàng hóa. Vì thế đối với cả hai bên, một thỏa thuận thương mại có quy mô lớn sẽ là một tín hiệu thuận lợi cho các nước mới trỗi dậy.
Thỏa thuận trên cũng nhằm một mục tiêu : nhắc nhở các nước đó rằng hai khu vực này vẫn là những tác nhân chính không thể nào phủ nhận được, dù sau khi có sự ngăn cản bởi vòng đàm phán Doha về tự do mậu dịch ngay trong lòng Tổ chức Thương mại Thế giới.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130206-viet-nam-san-sang-tu-huu-hoa-cac-doanh-nghiep-nha-nuoc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten