vrijdag 7 mei 2021

Vac-xin ngừa Covid-19 của Trung Quốc: Nhiều nước còn nghi ngại

 

Vac-xin ngừa Covid-19 của Trung Quốc: Nhiều nước còn nghi ngại

Ảnh minh họa : Vac-xin Trung Quốc Sinovac chuyển đến Philippines. Ảnh chụp ngày 28/02/2021.
Ảnh minh họa : Vac-xin Trung Quốc Sinovac chuyển đến Philippines. Ảnh chụp ngày 28/02/2021. REUTERS - ELOISA LOPEZ

Cơ quan Dược phẩm châu Âu EMA ngày 04/05/2021 vừa thông báo sẽ khởi động thủ tục “xem xét liên tục” vac-xin ngừa Covid-19 do hãng Trung Quốc Sinovac sản xuất, mở đường cho khả năng loại vac-xin này được cấp phép trong Liên Hiệp Châu Âu. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đang chuẩn bị xét cấp phép cho vac-xin của hai hãng Trung Quốc Sinovac và Sinopharm.

Nhân đây, chúng ta thử tìm hiểu về mức độ hiệu quả của những vac-xin được sản xuất tại quốc gia mà từ đó đại dịch Covid-19 đã lan ra khắp thế giới. 

Sinovac Biotech là một hãng chuyên về vac-xin ngừa cúm, viêm gan A, B và bệnh quai bị. Khác với vac-xin như Pfizer hay AstraZeneca ( sử dụng các công nghệ ARN messager hay adénovirus ), loại vac-xin ngừa Covid-19 do Sinovac sản xuất sử dụng kỹ thuật “cổ điển” hơn, tức là đưa vào cơ thể chúng ta một virus đã bị vô hiệu hóa để giúp tạo ra những kháng thể chống virus gây bệnh Covid-19.

Tuy tác dụng này đã được một số nghiên cứu xác nhận, nhưng Cơ quan Dược phẩm châu Âu sẽ tiếp tục tiến trình xem xét cho đến khi nào có đủ thông tin để hãng Sinovac có thể đệ trình yêu cầu chính thức cấp phép cho sử dụng trong Liên Hiệp Châu Âu. 

Đã được cấp phép ở khoảng 30 nước

Vac-xin của Sinovac đã được cấp phép khẩn cấp ở khoảng 30 quốc gia. Theo thống kê của hãng tin AFP, vac-xin của hãng này đang được sử dụng ở ít nhất 22 quốc gia và vùng lãnh thổ ( trên tổng số 209 quốc gia và vùng lãnh thổ đã bắt đầu chích ngừa cho dân), trong đó có nhiều nước châu Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á. Còn các vac-xin của hãng Sinopharm thì đã được sử dụng ở ít nhất 42 quốc gia, trong đó có cả Hungary, một quốc gia thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, mặc dù khối này chưa cấp phép cho bất kỳ thuốc tiêm ngừa nào của Trung Quốc.  

Vào tháng trước, Sinovac thông báo là hơn 200 triệu liều vac-xin của họ đã được giao ở hơn 20 quốc gia, tính luôn cả Trung Quốc. Trước đó vào đầu tháng, hãng này cũng thông báo đã đưa vào hoạt động một dây chuyền sản xuất thứ ba và khẳng định kể từ nay họ có thể sản xuất mỗi năm 2 tỷ liều.

Hiệu quả của vac-xin Trung Quốc ra sao ?

Về mặt chính thức, Sinovac và Sinopharm vẫn bảo đảm là vac-xin của họ đạt mức hiệu quả là 79%. Vấn đề là cho tới nay phía Trung Quốc vẫn chưa công bố những kết quả của thử nghiệm giai đoạn 3, tức là thử nghiệm trên hàng chục ngàn người. Trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng trên toàn thế giới, gần 15.000 đã được chích vac-xin CoronaVac của Sinovac.

Không chỉ là một trong những nước đầu tiên trên thế giới khởi động chiến dịch chích ngừa Covid-19, Chilê, với 19 triệu dân, còn là một trong những quốc gia tiến xa nhất ở châu Mỹ Latinh về tiêm phòng virus corona, chủ yếu là sử dụng vac-xin của Sinovac ( 86,9% ), còn vac-xin Pfizer/BioNTech chỉ chiếm 13,1%.

Theo kết quả nghiên cứu đầu tiên được chính phủ Chilê công bố vào giữa tháng 4 vừa qua, loại vac-xin CoronaVac của hãng Sinovac đã chứng tỏ hiệu quả 67% trong việc ngăn ngừa các ca nhiễm có triệu chứng và 80% trong việc ngăn ngừa tử vong. Khi trình bày kết quả nói trên, bộ trưởng Y Tế Chilê Enrique Paris lúc đó đã khẳng định những con số nói trên “sẽ làm an tâm mọi người dân”. 

Theo hãng Sinovac, các cuộc thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn ở Brazil đã chứng tỏ mức độ hiệu quả ngăn ngừa các triệu chứng nặng nhất của Covid-19 là 80% và hiệu quả ngăn ngừa tử vong là 100%. Nhưng đó là tuyên bố của hãng sản xuất, còn phía Brazil thì lại nói hiệu quả của vac-xin Trung Quốc chỉ là ...51%. 

Chính Trung Quốc lại nói hiệu quả không cao!

Vấn đề là ngay chính một nhân vật được mệnh danh là “ngài Covid-19” của Trung Quốc lại tỏ ý nghi ngờ về hiệu quả của vac-xin made in China.

Trong một cuộc họp báo tại Thành Đô ngày 10/04, ông George Gao, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Trung Quốc đã nhìn nhận rằng hiệu quả của các vac-xin Trung Quốc “ chưa được cao” và có thể cần “một số cải tiến”. Không chỉ nhìn nhận là vac-xin Trung Quốc ít hiệu quả, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Trung Quốc còn nói là, để tăng hiệu quả, chắc có lẽ phải pha trộn các thuốc tiêm ngừa của Trung Quốc với các vac-xin sử dụng công nghệ ARN messager ( như Pfizer/BioNTech ), mà đây lại là công nghệ của phương Tây!

Thông tin này sau đó đã bị kiểm duyệt. Cụ thể là sau khi thấy cả nước Trung Quốc bàn tán xôn xao về lời thú nhận của ông George Gao, chính quyền Bắc Kinh bèn ngăn chận trên các mạng xã hội toàn bộ những từ khóa liên quan đến tuyên bố nói trên.

Nhiều nước còn nghi ngại

Cho nên, thật dễ hiểu là còn khá nhiều nước nghi ngại về vac-xin made in China. Chẳng hạn như Singapore đã mua ( đúng hơn là bị ép mua ) thuốc tiêm ngừa của Trung Quốc, nhưng cho tới nay vẫn từ chối sử dụng. 

Tại Philippines, hôm 04/05 vừa qua, tổng thống Rodrigo Duterte, 76 tuổi, đã chích liều đầu tiên với một vac-xin của hãng Trung Quốc Sinopharm. Thật ra, loại vac-xin này ít được sử dụng ở Philippines, vì các chương trình tiêm phòng ở nước này dựa trên một vac-xin khác của Trung Quốc là Sinovac, Sputnik V và AstraZeneca. Nhưng theo hãng tin AFP, tâm lý nghi ngại các thuốc tiêm ngừa nói chung là rất phổ biến ở Philippines. Một nghiên cứu gần đây cho thấy có đến 60% dân số không muốn được chích ngừa Covid-19. Tỷ lệ những người nghi ngại đối với các loại vac-xin Trung Quốc còn cao hơn, một phần là do tâm lý bài Trung Quốc trong công luận Philippines.    

Còn Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, vốn sử dụng rất nhiều vac-xin của Sinopharm, gần đây đã cho biết rất có thể phải chích thêm liều thứ 3 cho “bảo đảm”, bởi vì họ thấy là ở một số người đã được chích ngừa, phản ứng miễn dịch còn yếu và như vậy phải tiêm mũi thứ ba để tạo thêm kháng thể.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đang có tham vọng trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về vac-xin, cho nên họ đã ký hiệp định với hãng Trung Quốc Sinopharm để sản xuất vac-xin của hãng này dưới một nhãn hiệu khác là HayatVax ( "hayat" tiếng Ả Rập có nghĩa là “cuộc sống” ). Họ đã đầu tư rất nhiều tiền xây một nhà máy nhằm sản xuất với số lượng lớn, để phân phối trước hết cho các nước Ả Rập. Nhưng có lẽ họ đã tính toán sai lầm khi đặt cược vào một loại vac-xin có vẻ ít hiệu quả và khó được chấp nhận ở nhiều nước. 

Vac-xin ngừa Covid-19 của Trung Quốc: Nhiều nước còn nghi ngại (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten