Covid-19 : Làm sao Ấn Độ lại thiếu ô-xy trầm trọng
Đăng ngày:
Số lượng ca nhiễm Covid19 bùng nổ ở Ấn Độ, đất nước rộng lớn này nhanh chóng rơi vào tình trạng khan hiếm cạn kiệt nguồn dưỡng khí ô-xy để cứu sống người bệnh. Tuy nhiên trước đó hơn một tuần, chính quyền vẫn quả quyết hoàn toàn đủ khả năng cung cấp ô-xy cho các bệnh viện. Nhưng chỉ trong vài ngày tình hình đã trở thành nên tồi tệ.
Liên tiếp trong những ngày qua, số ca nhiễm Covid mới mỗi ngày đều ở trên 300 nghìn. Ấn Độ không chỉ phải vật lộn với làn sóng dịch Covid-19 dữ dội chưa từng thấy mà đồng thời phải đối mặt với tình trạng khan hiếm ô-xy trầm trọng trong các bệnh viện, một nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân Covid-19 tử vong ngay trước cửa phòng cấp cứu.
Những ngày qua, truyền thông quốc tế liên tục đăng tải những hình ảnh cho thấy chính quyền và người dân Ấn Độ đang tuyệt vọng lao vào cuộc chạy đua tìm kiếm nguồn dưỡng khí sống còn cho các bệnh nhân Covid.
Nhiều bệnh viện ở bang Uttar Pradesh ở phía bắc đất nước, đã phải đề biển thông báo trước cửa là họ hết ô-xy không thể tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona.
Khắp các vùng trong cả nước cũng lao vào cuộc chiến sinh tồn để có nguồn dưỡng khí quý giá. New Delhi đã tố các bang lân cận Haryana và Uttar Pradesh đã chặn hay chuyển hướng các xe tải chuyển ô-xy đến thủ đô.
Thế nhưng chỉ cách đây hơn một tuần, các cơ quan y tế Ấn Độ vẫn quả quyết hoàn toàn kiểm soát được tình hình. Ấn Độ chỉ tiêu thụ khoảng 60% sản lượng ô-xy hàng ngày, từ khoảng 7.200 tấn, phục vụ điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng. Chính phủ cho biết vẫn có nguồn dự trữ quốc gia 55 nghìn tấn khí ô-xy.
Nhưng tất cả đã thay đổi trong vài ngày khi mà virus lây lan với tốc độ nhanh hơn dự tính của chính quyền. Nhu cầu ô-xy mỗi ngày tăng lên 8.000 tấn, cả nước nhanh chóng rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn dưỡng khí, đến mức Tòa Án Tối cao phải yêu cầu chính phủ của thủ tướng Narendra Modi có ngay kế hoạch khẩn cấp đối phó với tình trạng cạn kiệt ô-xy.
Theo tính toán của trang mạng Ấn Độ Scroll.in, « dự trữ quốc gia ô-xy sẽ cạn chỉ trong vòng 2 tháng nếu được sử dụng để bù vào lượng thiếu hụt giữa sản xuất và nhu cầu sử dụng như hiện nay ». Tính toán này chỉ có giá trị nếu như Ấn Độ có phép màu ổn định ngay được số lượng ca nhiễm mới mỗi ngày và số bệnh nhân phải nhập viện.
Cơ sở hạ tầng vận tải không đáp ứng
Nhưng « sản xuất chỉ là một phần của vấn đề, vận chuyển ô-xy từ nhà máy đến giường bệnh lại là một thách thức còn lớn hơn », ông Saket Tiku, giám đốc hiệp hội các nhà sản xuất khí Ấn Độ nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo The India Express.
Trước hết, một số khu vực bị dịch nặng nhất như Delhi, Bihar hay Madhya Pradesh, thì khả năng sản xuất ô-xy lại rất ít. Các địa phương này phụ thuộc vào các nhà máy ở cách xa hàng nghìn km để được cung cấp ô-xy hàng ngày.
Cả đất nước Ấn Độ chỉ có 1.172 xe tải chuyên dụng để vận chuyển ô-xy hóa lỏng. Số lượng này đáp ứng hoàn toàn đủ cho nhu cầu sủ dụng trước khi có đại dịch với khoảng từ 300 đến 400 tấn ô-xy dùng trong y tế. Nhưng nhu cầu này đột nhiên tăng vọt, khiến các nhà sản xuất không kịp trở tay.
Chính phủ bắt đầu cho chuyển nhiều xe chở các loại khí khác sang vận chuyển ô-xy. Nhưng việc này cần phải có thời gian. Trong khi đó thời gian với các bệnh viện lúc này cũng quý không kém gì ô-xy.
Từ hôm 22/04, những chuyến tầu có tên gọi « Ô-xy tốc hành » vận chuyển các bồn chứa ô-xy hóa lỏng, để đẩy nhanh tốc độ vận tải ô-xy cũng như tránh tình trạng ùn tắc đường bộ. Quân đội cũng được huy động vào vận chuyển, đưa các xe tải đến các địa điểm sản xuất khí ô-xy
Trong nỗi tuyệt vọng, một số bang đưa ra những giải pháp triệt để hơn. Chẳng hạn như cho xây dựng các bệnh viện dã chiến trong tỉnh Maharashtra ngay cạnh 6 cơ sở sản xuất ô-xy. Các trung tâm chăm sóc bệnh nhân tạm thời này sẽ được liên hệ trực tiếp với các nhà máy để được cung cấp nguồn dưỡng khí, theo bộ Y Tế của bang miền tây Ấn Độ này.
Nhưng ngay cả khi ô-xy tới được nơi cần dùng, thì vẫn chưa hết vấn đề. Tất cả các bệnh viện trong nước không có được trang thiết bị cần thiết đề tích trữ nguồn ô-xy mà họ cần dùng trong ngày.
Chính phủ bị chỉ trích phản ứng chậm
Chính phủ Ấn Độ bị chỉ trích dữ dội vì đã không dự tính trước được các vấn đề nảy sinh. Ngay trong là sóng dịch đầu tiên, Ấn Độ cũng đã từng rơi vào tình trạng khan hiếm ô-xy. Vào lúc đó, chính quyền đã thông báo một chương trình đầy tham vọng chế tạo các máy tạo ô-xy nhỏ đặt ngay tại các biệnh viện. Nhưng việc cấp hợp đồng để dựng các tổ máy như vậy kéo dài. Trong tổng số 160 tổ máy sản xuất ô-xy được dự trù đến giờ mới có 33 máy được dựng, tuần trước chính phủ Ấn Độ thừa nhận.
Các cơ sở nhưng vậy nếu như có kế hoạch cũng không đủ để ứng phó với tình trạng khan hiếm ô-xy như hiện nay. Chính quyền Narendra Modi đã phải cầu viện đến các nước khác để được cung cấp ô-xy.
Tuần này Anh sẽ chuyển qua đường hàng không 9 container các trang thiết bị y tế thiết yếu cho Ấn Độ, trong đó có 495 máy tạo ô-xy, 120 máy trợ thở. Bộ Quốc Phòng Ấn Độ cũng thông báo nhập của Đức 23 tổ máy cơ động chế tạo ô-xy. Pháp cũng gửi viện trợ 8 bộ tạo ô-xy và nhiều container ô-xy hóa lỏng, có khả năng cung cấp điều trị 10 nghìn bệnh nhân mỗi ngày. Nga cũng đã gửi lô hàng viện trợ cho Ấn Độ, trong đó chủ yếu là các thiết bị chế ô-xy và máy trợ thở.
Covid-19 : Làm sao Ấn Độ lại thiếu ô-xy trầm trọng (rfi.fr)
Covid-19: Lò thiêu tử thi ở New Delhi bị quá tải
Đăng ngày:
Hôm qua, 29/04/2021, Ấn Độ lại phá kỷ lục thế giới với 379.000 ca nhiễm Covid-19 trong vòng 24 giờ, và có thêm 3 600 ca tử vong. Tại New Delhi, thành phố bị dịch nặng nhất Ấn Độ, các lò thiêu nay không đủ chỗ để hỏa thiêu người người chết do virus corona.
Thông tín viên Sébastien Farcis từ New Delhi tường trình :
“Khoảng 15 xe cứu thương chờ nhiều tiếng đồng hồ tại bãi đậu xe của lò thiêu Sarai Kale Khan, phía nam New Delhi. Trong những xe đó, nhiều tử thi được quấn kín trong túi nhựa trắng.
Một trong những tài xế, Vikas Kumar Gupta, mắt quầng thâm, kể lại : « Bây giờ chúng tôi không còn chở bệnh nhân trong xe cứu thương nữa. Người ta chỉ nhờ chúng tôi chở những người chết đến đây. Chúng tôi làm việc liên tục 24/24, tôi hầu như không có thời gian gặp gia đình”.
Mukesh Kashyap vừa đến nơi trên một những chiếc xe này. Có vẻ suy sụp tinh thần, mắt đỏ ngầu, ông đến để hỏa táng người vợ 38 tuổi, vừa qua đời cách đó vài tiếng vì Covid-19.
Ông nói: « Chúng tôi không tìm được khí ô-xy. Tôi đã đến các bệnh viện tư lớn nhất Holy family, Fortis, Apollo, nhưng cuối cùng chỉ có một bệnh viện nhỏ bán cho tôi một bình ô-xy chỉ xài đủ một tiếng với giá 55 euro. Khi vợ tôi được thở ô-xy thì bà ấy khỏe lại, nhưng sau đó bệnh tình vẫn như vậy. Chúng tôi đã cố tìm một giường bệnh cho vợ tôi, nhưng bà ấy đã ngất đi trong xe. Các bác sĩ không thể cứu vợ tôi được.»
Lò thiêu này không đáp ứng nổi nhu cầu. Trong vòng hai tuần, số người chết được hỏa thiêu mỗi ngày đã tăng gấp 5 lần. Các gia đình không thể chờ lâu như thế. Cho nên, chính quyền thành phố đã phải tăng gấp ba khả năng của lò thiêu, bằng cách xây các lò củi trên bãi cỏ bên ngoài tòa nhà chính.
Một người thợ cho biết: “ Có 40 người thợ làm chung với tôi. Chúng tôi đã bắt đầu làm từ 20 ngày qua và liên tục xây lò ngay khi tìm ra chỗ trống.” Tổng cộng có 50 lò mới được xây bằng gạch và xi măng đặt dưới các cây.
Theo lời Sunil Kumar, một quan chức của chính quyền thành phố, chưa bao giờ có nhiều người được hỏa thiêu như thế. Ông nói: “ Có đến 90% người chết là do Covid-19. Rất khó mà theo kịp mức độ gia tăng này, bởi vì chúng tôi không có đủ củi để đốt. Do lệnh phong tỏa nên tìm các vật liệu khác cũng khó. Tuy vậy, nhờ những người thợ làm việc cật lực, cơ sở này vẫn hoạt động tốt."
Geen opmerkingen:
Een reactie posten