maandag 3 mei 2021

Báo Trung Quốc: Số công ty Hoa Kỳ coi Việt Nam là lựa chọn cung ứng hàng đầu tăng gấp đôi, xu hướng có thể sẽ tiếp tục trong năm 2021 + Bloomberg: Indonesia tăng tốc trong cuộc đua FDI với Việt Nam và Singapore, đặc biệt muốn thu hút các nhà sản xuất pin và xe điện

 

Báo Trung Quốc: Số công ty Hoa Kỳ coi Việt Nam là lựa chọn cung ứng hàng đầu tăng gấp đôi, xu hướng có thể sẽ tiếp tục trong năm 2021

Báo Trung Quốc: Số công ty Hoa Kỳ coi Việt Nam là lựa chọn cung ứng hàng đầu tăng gấp đôi, xu hướng có thể sẽ tiếp tục trong năm 2021
Ảnh: Bloomberg

Các công ty Mỹ và châu Âu đang dần giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường và nguồn cung ứng từ Trung Quốc. Được coi là một trong số những phương án thay thế cho Trung Quốc trong khu vực, Việt Nam duy trì được vị trí của mình trong suốt năm 2020 đầy biến động, South China Morning Post nhận định.

Mặc dù Trung Quốc đã phục hồi tương đối mạnh mẽ sau đại dịch, và kiểm soát dịch nhanh hơn nhiều so với phương Tây, thì xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc trong dài hạn cũng đang tiếp tục, theo một cuộc khảo sát được thực hiện với hơn 700 công ty trên khắp thế giới vào tháng Ba.

Vào năm 2019, 96% các công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ và 100% các công ty có trụ sở tại châu Âu đã bình chọn Trung Quốc là một trong ba quốc gia cung ứng hàng đầu của họ, nhưng niềm tin của các công ty Hoa Kỳ và châu Âu với Trung Quốc đã lần lượt giảm xuống còn 77% và 80% trong quý đầu tiên của năm nay, theo Qima, một nhà cung cấp các giải pháp chuỗi cung ứng, bên thực hiện cuộc khảo sát.

Vốn đã bị ảnh hưởng bởi Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc như một thị trường và nguồn cung ứng đối với những người mua phương Tây lại tiếp tục chịu thêm một cú hích nữa vào đầu năm 2020, sau đợt bùng phát Covid-19 và các đợt phong tỏa.

Song, ngay cả khi các công ty Hoa Kỳ và châu Âu đang giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, thì Trung Quốc vẫn là điểm đến hàng đầu về nguồn cung ứng. Đối với các doanh nghiệp bên ngoài Trung Quốc nói chung, hơn 85% số công ty được hỏi đã liệt kê Trung Quốc là một trong ba thị trường tìm nguồn cung ứng hàng đầu cho đồ điện tử và đồ chơi.

Báo cáo cho biết: "Điều này cho thấy rằng, bất chấp nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung ứng, các công ty Âu - Mỹ vẫn tiếp tục coi Trung Quốc là một trong những đối tác sản xuất quan trọng nhất của họ, và mong muốn duy trì kết nối kinh doanh với các nhà cung cấp Trung Quốc".

Cần lưu ý rằng, niềm tin này cũng nhờ có việc kiểm soát hiệu quả của Trung Quốc đối với đại dịch. Bên cạnh đó, các yếu tố khác bao gồm "lịch sử hợp tác lâu dài", "thành tích tốt về chất lượng so với các địa phương khác" và "tiến bộ của Trung Quốc trong việc tuân thủ đạo đức so với các khu vực đang phát triển" cũng cộng điểm cho Trung Quốc trong lòng các công ty.

Được coi là một trong những lựa chọn thay thế cho Trung Quốc trong khu vực, Việt Nam đã duy trì được vị trí của mình trong suốt năm 2020 đầy biến động. Vào đầu năm 2021, Việt Nam được 25% số công ty được hỏi trên toàn cầu vinh danh là thị trường cung ứng hàng đầu. 

Trước Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, một số công ty Trung Quốc, đặc biệt trong ngành dệt may, đã chuyển đến các nước Đông Nam Á như Việt Nam, và nhiều nhà sản xuất từ ​​các ngành khác nhau đã chuyển đến Việt Nam kể từ khi chiến tranh thương mại bắt đầu.

Trong khi đó, Ấn Độ, vốn được coi là cường quốc dệt may và hiện đang chật vật với Covid-19, cũng được cho là một trong những đối tác cung ứng hàng đầu cho ít nhất một phần ba số công ty được hỏi trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả kính mắt, đồ trang sức, phụ kiện thời trang và giày dép.

Việt Nam đặc biệt phổ biến với các doanh nghiệp có trụ sở tại Hoa Kỳ, vì tỷ lệ công ty Hoa Kỳ coi Việt Nam là một trong ba khu vực cung ứng hàng đầu của họ đã tăng gần gấp đôi trong bốn năm qua, đạt 43% vào đầu năm 2021.

Và ở châu Âu, 25% số công ty được hỏi đã liệt kê Việt Nam nằm trong số ba quốc gia có nguồn cung ứng hàng đầu của họ trong quý đầu tiên, thấp hơn 15 điểm phần trăm so với năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn 11% vào năm 2019.

Trong số tất cả các công ty đã chuyển sang các nhà cung cấp ở nơi khác vào năm ngoái, để tránh ảnh hưởng đại dịch và các rủi ro khác, gần một phần ba cho biết Việt Nam nằm trong số các lựa chọn hàng đầu của họ. Đối với các công ty Mỹ, con số này thậm chí còn cao hơn 40%.

Và xu hướng đó có vẻ sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2021. Trong số những công ty được hỏi có ý định tìm kiếm các nhà cung cấp mới trong 12 tháng tới, 38% công ty Hoa Kỳ và 28% công ty châu Âu được khảo sát cho biết có kế hoạch chuyển một số nguồn cung ứng của họ sang Việt Nam, hoặc mua thêm từ các nhà cung cấp hiện có ở đó.

Đồng thời, các doanh nghiệp không đổ về Trung Quốc một cách ồ ạt. Chỉ 6% và 11% các thương hiệu có trụ sở tại Hoa Kỳ và EU nói rằng họ đã tìm nguồn cung ứng ở Trung Quốc.

Các công ty Hoa Kỳ cũng tỏ ra mâu thuẫn về nguồn cung ứng của Trung Quốc trong tương lai. Trong khi khoảng một phần ba trong số họ có kế hoạch mua nhiều hơn từ các nhà cung cấp Trung Quốc vào năm 2021, thì cũng nhiều công ty có kế hoạch ngừng mua hàng từ Trung Quốc hoàn toàn.

Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt giữa kế hoạch và hành động. Trong cuộc khảo sát của Qima, 73% số công ty được hỏi trên toàn cầu cho biết họ có kế hoạch tìm kiếm các nhà cung cấp mới vào năm 2020, nhưng chỉ 38% trong số họ thực sự thực hiện được các kế hoạch đó. Đối với các thương hiệu có trụ sở tại Hoa Kỳ, 93% trong số họ đã công bố kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng vào đầu năm 2020, nhưng chỉ 49% thực hiện được.

Thái Quỳnh

Theo Nhịp sống kinh tế


https://cafef.vn/bao-trung-quoc-so-cong-ty-hoa-ky-coi-viet-nam-la-lua-chon-cung-ung-hang-dau-tang-gap-doi-xu-huong-co-the-se-tiep-tuc-trong-nam-2021-20210503073626132.chn?fbclid=IwAR3eRIobYkWphYCqW8FCLxx5JQiKH7hbtImWEsh1HmR7Uuy0Xronqh8kk3M


Bloomberg: Indonesia tăng tốc trong cuộc đua FDI với Việt Nam và Singapore, đặc biệt muốn thu hút các nhà sản xuất pin và xe điện

Bloomberg: Indonesia tăng tốc trong cuộc đua FDI với Việt Nam và Singapore, đặc biệt muốn thu hút các nhà sản xuất pin và xe điện

Để cạnh tranh với Việt Nam và Singapore, Indonesia đang đưa ra các biện pháp khuyến khích theo kiểu "đo ni đóng giày" cho nhà đầu tư, và có khả năng sắp tới sẽ là các chương trình cho phép đền bù carbon.

Theo Bloomberg, các biện pháp thu hút đầu tư trước đó đã gò bó trong các quy định bị chỉ trích là lỗi thời, chồng chéo hoặc thậm chí mâu thuẫn. Với những cải cách hiện đang diễn ra mạnh mẽ sau khi thông qua Luật omnibus (về tạo việc làm) vào cuối năm ngoái, chính phủ có thể điều chỉnh lợi ích cho các công ty muốn đầu tư vào Indonesia - miễn là họ sẽ chi "rất lớn" sẽ phát triển đáng kể các ngành công nghiệp ở địa phương, Nurul Ichwan tại Ban điều phối đầu tư Indonesia cho biết.

Ông này nói trong một cuộc phỏng vấn: "Việt Nam và Singapore có chương trình khuyến khích tương tự nhau, nhưng chúng tôi sẽ giành được các dự án cho mình với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, thị trường khổng lồ, hiệu quả kinh tế và sự lãnh đạo của Indonesia".

Cạnh tranh đầu tư nước ngoài đang nóng lên trong khu vực Đông Nam Á, với việc Việt Nam, Thái Lan và Philippines đều tăng cường ưu đãi hoặc cắt giảm thuế suất cho doanh nghiệp , Bloomberg nhận định. Giống như các nước láng giềng, Indonesia cũng rất muốn thúc đẩy đầu tư khi động cơ tăng trưởng đến từ tiêu dùng truyền thống của họ đã chậm lại trong bối cảnh đại dịch.

Tổng thống Joko Widodo đã thúc đẩy một cuộc cải cách các quy định liên quan đến việc làm và đầu tư vào năm ngoái, nhằm thu hút vốn cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Mới đây, ông đã bổ nhiệm Bahlil Lahadalia, người đứng đầu Ban Đầu tư, lãnh đạo Bộ Đầu tư mới được thành lập, có quyền ban hành các quy định khuyến khích đầu tư. Chiến lược của Bộ sẽ vẫn phù hợp với Chiến lược của Ban Điều phối Đầu tư.

Chiến dịch đang cho thấy những thành công bước đầu, với tổng vốn đầu tư tăng 2% lên 826 nghìn tỷ rupiah (tương đương 57,2 tỷ USD) vào năm 2020, ngay cả khi nền kinh tế Indonesia trải qua cuộc suy thoái đầu tiên sau hơn hai thập kỷ. Chính phủ đặt mục tiêu thu hút 900 nghìn tỷ rupiah đầu tư trong năm nay.

Indonesia cũng đang xem xét việc xây dựng chương trình đền bù carbon (carbon offset) - cho phép các nhà đầu tư bù đắp lượng khí thải của họ. Ban Đầu tư đang lên danh sách các vùng đất than bùn - nơi có thể lưu trữ một lượng lớn carbon, cùng với các hồ nhân tạo trong các khu vực từng dùng để khai thác để đặt các tấm pin mặt trời nổi, Ichwan nói.

Động thái này nhằm thu hút các công ty sản xuất pin và xe điện muốn đầu tư vào chuỗi cung ứng niken của Indonesia, nhưng đang gặp khó khăn trước việc các nhà máy chế biến ở địa phương phụ thuộc vào than để sản xuất năng lượng. Chính phủ đã cố gắng thu hút các công ty như Công ty TNHH Công nghệ Amperex Đương đại của Trung Quốc, Công ty TNHH LG Chem của Hàn Quốc và Công ty Tesla Inc. của Mỹ thành lập cửa hàng.

Ichwan nói: "Trong tương lai, lượng niken mà chúng tôi có sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, nếu chúng tôi không đảm bảo việc sản xuất thân thiện với môi trường. Chúng tôi phải đi theo con đường này, đó là điều khó tránh đối với Indonesia".

Thái Quỳnh

Theo Nhịp sống kinh tế/Bloomberg

https://www.blogger.com/blog/post/edit/7311202983334728511/5262072640757433347


Geen opmerkingen:

Een reactie posten