Miến Điện: ASEAN lên án bạo lực cảnh sát, Hội Đồng Bảo An sẽ họp
Đăng ngày:
Khủng hoảng chính trị tại Miến Điện là chủ đề nghị sự của cuộc họp giữa ngoại trưởng các nước ASEAN với một đại diện của tập đoàn quân sự ngày 02/03/2021. Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc cũng muốn tổ chức nhiều cuộc thảo luận tại Hội Đồng Bảo An về các vụ cảnh sát Miến Điện bắn đạn thật vào người biểu tình.
Một quan chức ngoại giao cho AFP biết, bộ trưởng các nước ASEAN có thể sẽ « yêu cầu tập đoàn quân sự Miến Điện ngừng sử dụng vũ lực, tấn công người biểu tình » và « đối thoại với tất cả các chính đảng, kể cả với đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ (LND) của bà Aung San Suu Kyi ».
Đây là hướng được Singapore, nhà đầu tư lớn nhất của ASEAN vào Miến Điện, cũng như Indonesia, nền dân chủ lớn nhất trong khu vực, ủng hộ. Phát biểu tại Quốc Hội Singapore ngày 01/03, ngoại trưởng Vivian Balakrishnan bày tỏ sự « kinh hoàng vì cảnh sát sử dụng bạo lực chết người nhắm vào người dân ». Bà cũng kêu gọi « chính quyền quân sự Miến Điện kềm chế », nhanh chóng « trở lại con đường chuyển tiếp dân sự ». Trước đó, ngoại trưởng Indonesia đã đến Thái Lan hội đàm với đồng nhiệm nước chủ nhà và một đại diện ngoại giao của tập đoàn quân sự Miến Điện.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia được AFP trích dẫn, ASEAN khó có thể can thiệp vì tổ chức này vẫn tôn trọng nguyên tắc không can thiệp chuyện nội bộ của nước thành viên. Ngoài ra, một số nước có chính quyền được cho là « độc tài », như Thái Lan và Cam Bốt, có thể sẽ ngăn cản mọi sự can thiệp.
Trong khi đó, theo các nguồn tin ngoại giao được AFP trích dẫn, 15 thành viên Hội Đồng Bảo LHQ, kể cả Trung Quốc, sẽ họp lại trong tuần này để bàn về tình hình Miến Điện.
Cảnh sát Miến Điện vẫn bắn đạn thật vào người biểu tình
Chính quyền quân sự Miến Điện đã yêu cầu cảnh sát không dùng đạn thật bắn vào người biểu tình sau ngày Chủ Nhật 28/02 đẫm máu với 18 người chết. Tuy nhiên, theo AFP, ngày 02/03 vẫn có 3 người biểu tình bị thương nặng vì đạn thật tại thành phố Kalay (tây bắc) và khoảng 20 người khác bị thương.
Lựu đạn gây choáng và hơi cay tiếp tục được cảnh sát sử dụng để trấn áp người biểu tình tại thành phố Rangun. Người biểu tình đội mũ bảo hiểm, dựng rào chắn ở nhiều nơi để ngăn cảnh sát đến bắt. Các cuộc biểu tình có quy mô lớn diễn ra gần như hàng ngày ở thành phố nhỏ Dawei, đông nam Miến Điện. Tối 01/03, nhiều nhà báo Miến Điện đã bị cảnh sát bắt giam, trong đó có một phóng viên của Democratic Voice of Burma (DVB), một trong những cơ quan ngôn luận nổi tiếng ở Miến Điện.
Miến Điện: ASEAN lên án bạo lực cảnh sát, Hội Đồng Bảo An sẽ họp (rfi.fr)
Giới trẻ Miến Điện thách thức tập đoàn quân sự
Đăng ngày:
Bốn tuần sau cuộc đảo chính ngày 01/02, và bất chấp các vụ đàn áp đẫm máu làm gần 20 người chết, tính đến ngày 28/02/2021, làn sóng bất phục tùng dân sự, biểu tình phản đối quân đội Miến Điện đảo chính vẫn tiếp diễn. Cũng như tại Hồng Kông và Thái Lan, giới trẻ Miến Điện - một thế hệ « siêu kết nối » - là những người trên tuyến đầu phong trào phản kháng.
Lo sợ mất các đặc quyền, giới quân nhân Miến Điện bám lấy quyền lực khi bắt giữ các nhà lãnh đạo dân cử, và tìm cách kết tội bà Aung San Suu Kyi là « tàng trữ trái phép các bộ thiết bị điện đàm », cũng như « vi phạm luật về phòng chống thiên tai ».
Chỉ có điều, khi tiến hành đảo chính, tập đoàn quân sự Miến Điện đã đánh giá thấp tầm mức làn sóng phản đối. Trên mạng xã hội, ngoài đường phố, phong trào phản kháng không ngừng lan rộng. « Một dân tộc 54 triệu người chống lại 500 ngàn quân nhân », là hình ảnh ví von mà ông Aung Kyaw Moe, giám đốc Trung tâm Hội nhập Xã hội, đưa ra với nguyệt san Le Monde Diplomatique.
Cả nước sôi sục với khẩu hiệu « Đoàn kết chống độc tài ». Phong trào phản kháng quy tụ đủ mọi thành phần xã hội, từ công chức, nhân viên ngân hàng, y bác sĩ, luật sư, cho đến cả những thành viên các sắc tộc thiểu số. Nhưng chính giới trẻ, sinh viên học sinh Miến Điện là những người xông lên tuyến đầu.
Một tương lai tốt đẹp hơn, chính là một trong những động cơ chính thôi thúc giới trẻ Miến Điện xuống đường. Họ là những người trong độ tuổi 20-30, giống như ở Hồng Kông hay Thái Lan, được nuôi dưỡng trong một môi trường mở rộng dân chủ, yêu thích văn hóa pop đến từ phương Tây, lớn lên cùng với sự phát triển của các mạng xã hội như Facebook hay Twitter…
Theo quan sát của bà Alexandra de Mersan, Viện INALCO, với RFI, cũng giống như nước Thái Lan láng giềng, giới trẻ tại xứ Đông Nam Á này từ lâu được mô tả là phi chính trị, thích tiêu thụ, nhưng nay lại tỏ ra « tinh quái, táo bạo và xấc xược », « ít vâng lời hơn và có phần khiêu khích hơn », không còn sợ hãi khi phải đòi hỏi các quyền của mình.
Đối với họ, cuộc đảo chính ngày 01/02 đã đánh cắp hương vị « dân chủ » ngắn ngủi mà họ được hưởng thụ trong mười năm qua, kể từ khi tập đoàn quân sự, dưới thời thống chế Thein Sein, quyết định hé mở cánh cửa Miến Điện ra bên ngoài.
Khao khát tự do, nhưng cũng lo sợ bị trấn áp thô bạo. Chính vì lý do này mà giới trẻ Miến Điện dần dần thay đổi chiến thuật theo tiến triển của phong trào. Facebook và Twitter là những công cụ chính của phong trào bất tuân dân sự cả trên mạng lẫn ngoài đường phố. Khi mạng xã hội bị cúp, và để tránh kiểm duyệt, họ tìm đến VPN (mạng Internet riêng ảo) giống như ở Việt Nam hay Trung Quốc.
Khác với những phong trào đấu tranh của cha anh, giới trẻ Miến Điện ngày nay hiểu rằng mô hình đấu tranh truyền thống khó thể thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Những người trẻ tuổi này đã cho thấy rõ sự sáng tạo của họ trong suốt 4 tuần biểu tình, từ tọa kháng ôn hòa, trang phục sặc sỡ như đi trẩy hội, hay dùng xe ô tô cũ mở nắp ca-pô ghi dòng chữ « Xe hỏng máy » chắn ngay giữa đường…
Nhà xã hội học Chloé Baills, trường EPHE tại Pháp, nhận định, việc giới trẻ Miến Điện lấy cảm hứng từ phim ảnh Mỹ (Hunger Games, Spiderman) cho thấy « có một thiện chí thật sự muốn chứng tỏ rằng họ là một phần của một nền văn hóa toàn cầu hóa. Giới trẻ Miến Điện từ chối quay trở về với thời kỳ đen tối của chế độ độc tài khép kín với phần còn lại trên thế giới, như những gì đã xảy ra trong quá khứ ».
Sự tức giận ở giới trẻ là hiển nhiên. Bất chấp nỗi sợ quân đội, nỗi khát khao tự do và nhất là khát khao dân chủ đang mang lại cho giới trẻ Miến Điện một xung lực cần thiết để tiếp tục phong trào phản kháng !
Giới trẻ Miến Điện thách thức tập đoàn quân sự (rfi.fr)
Người Miến Điện quyết đấu đến cùng chống độc tài quân sự
Đăng ngày:
Thế giới vẫn chưa thể ra khỏi đại dịch Covid-19, các nước từ châu Âu, sang châu Mỹ vẫn loay hoay đối phó với khủng hoảng kép : dịch bệnh và kinh tế, trong khi đó người dân ngày thêm bất bình với chính quyền. Người Miến Điện vẫn kiên trì xuống đường chống chế độ độc tài quân sự đến cùng, bất chấp đe dọa sẽ có đổ máu. Liên Hiệp Châu Âu trả đũa ngoại giao Nga. Đó là những tin tức thời sự nổi bật trên các trang báo Pháp ra hôm nay.
Trước hết đến với trang báo Le Monde. Cuộc đảo chính tại Miến Điện vẫn được tờ báo chú ý theo dõi đặc biệt với bài viết mang tựa đề : « Nỗi phẫn nộ không dập tắt được của người Miến Điện ». Le Monde cho thấy tình hình Miến Điện suốt cả tháng nay vẫn sôi sục. Bất chấp đe dọa của tập đoàn quân sự, lên nắm quyền từ sau cuộc đảo chính hôm 01/2, hàng trăm nghìn người dân vẫn tuần hành liên tiếp những ngày qua ở hầu hết các thành phố lớn của đất nước đòi trả lại cho họ nền dân chủ.
Dù đã có 2 người biểu tình ở Mandalay chết vì đạn của cảnh sát, mặc cho chính quyền quân sự hứa suông sẽ cho tổ chức bầu cử lại « tự do và công bằng », người Miến Điện vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh chống chế độ quân sự đến cùng.
Ở bên ngoài, Le Monde cho hay, hàng loạt nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Anh, Đức, Pháp đều lên án mạnh mẽ chính quyền sử dụng vũ lực với người biểu tình. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng yêu cầu chính quyền quân sự Miến Điện chấm dứt ngay việc trấn áp người biểu tình bằng vũ lực. Trong khi đó chính quyền quân sự phản ứng lại bằng tố cáo các nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Miến Điện giờ đây không còn là công việc của người Miến Điện mà là hồ sơ lớn được quốc tế quan tâm.
Algeri : Phong trào phản kháng hồi sinh
Trong khi đó nhật báo Liberation đặc biệt chú ý đến những biến động chính trị xã hội tại Algeri bắt đầu bùng phát trở lại. Tờ báo ghi nhận, « sau một năm tạm nghỉ, thứ Hai này người Algeri trở lại phong trào phản kháng chính quyền trên khắp các thành phố lớn. Đây là dấu hiệu cho thấy sự thất bại của chính phủ của tổng thống Tebboune », được bầu lên sau khi nhà độc tài Bouteflika bị dân chúng phẫn nộ lật đổ năm 2019. Chính quyền Algeri thực sự lúng túng, bất lực trước sự phản kháng của đường phố, khi người dân thấy không có sự thay đổi thực sự nào từ một năm nay.
Châu Âu đáp trả Nga bằng trừng phạt có mục tiêu mờ nhạt
Một chủ đề quốc tế khác về quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Nga cũng liên quan đến các cuộc biểu tình chống chính quyền được Le Figaro chú ý qua bài viết « Đối mặt với Nga, Liên Hiệp Châu Âu đưa ra các trừng phạt tối thiểu ».
Le Figaro cho biết, từ sau chuyến đi thất bại của lãnh đạo ngoại giao châu Âu, Josep Borrell, đến Matxcơva mới đây, ngoại trưởng 27 nước thành viên hôm qua (22/02) đã họp tại Bruxelles xem xét các biện pháp đáp trả Nga. Trên nguyên tắc, các nước thành viên đồng ý trừng phạt thêm Nga vì vụ bỏ tù nhà đối lập Alexei Navalny. Tuy nhiên, Le Figaro nhận thấy các trừng phạt mới với Nga cũng chỉ mang tính tượng trưng, nhắm vào 4 quan chức Nga được cho đã can dự chính vào việc bắt giữ, kết án tù đối với Navalny.
Tờ báo cho biết thêm cũng tại cuộc họp này, các ngoại trưởng Liên Âu đã chuẩn bị mở đường cho các trừng phạt giới tướng lĩnh Miến Điện làm đảo chính vừa qua. Các trừng phạt vẫn như thông lệ là cấm nhập cảnh, phong tỏa tài sản với những đối tượng bị nhắm tới. Không có chuyện động chạm tới các thỏa thuận thương mại đã có giữa châu Âu và Miến Điện. Cùng ngày hôm qua, châu Âu cũng thông báo danh sách 19 quan chức chính quyền Maduro ở Venezuela bị trừng phạt với hình thức tương tự.
Rõ ràng là các biện pháp trừng phạt chỉ mang tính tượng trưng chính trị, không có hiệu quả. Đối với nước lớn như Nga, đôi khi trừng phạt lại phản tác dụng, khi mà các nước châu Âu vẫn thừa nhận là có lợi ích với Nga và « cần phải giữ các tiếp xúc, đối thoại với Matxcơva, vì châu Âu vẫn cần Nga trong nhiều hồ sơ xung đột quốc tế », như ngoại trưởng Đức, Heiko Maas đã nhấn mạnh.
Trừng phạt kiểu châu Âu có hiệu quả ?
Cũng nhân việc ngoại giao châu Âu đưa ra một loạt các trừng phạt nhắm vào một số cá nhân ở nhiều nước khác nhau vì vi phạm nhân quyền, nhật báo La Croix đặt vấn đề tranh luận : « Những trừng phạt nhắm cụ thể vào các lãnh đạo có hiệu quả không ? ».
Tờ báo đưa ý kiến của 2 chuyên gia. Ông Olivier Dorgans, luật sư chuyên về các trừng phạt kinh tế của văn phòng luật Hughes Hubbard, cho rằng các trừng phạt kinh tế nhắm vào cá nhân cụ thể là có hiệu quả, vì nó trực tiếp đánh vào tài sản của cá nhân hay tổ chức, dù việc thực hiện còn nhiều trở ngại. Với châu Âu, đó là trở ngại của quy định nhất trí hoàn toàn của 27 thành viên. Thí dụ như Pháp và các nước Bắc Âu luôn thống nhất với Đức, nhưng Đức lại là nước xuất khẩu rất lớn nên luôn thận trọng trong việc trừng phạt, nhất là khi các đối tượng là kiều dân Trung Quốc.
Trong khi đó chuyên gia Clara Portela, nhà nghiên cứu Viện An Ninh Liên Âu cho rằng hiệu quả hay không phụ thuộc vào mục tiêu của trừng phạt. Việc đưa các cá nhân hay thực thể vào danh sách đen thì không thể mang lại kết quả. Trừng phạt có mục tiêu cụ thể là cách để nói rằng « chúng tôi không có vấn đề với các nước, mà chỉ có vấn đề với các cá nhân ». Nhưng đây là điều rất khó xác định. Trừng phạt có mục tiệu chỉ có hiệu quả như một cảnh cáo. Chuyên gia Portela nhấn mạnh, trong bối cảnh đàn áp biểu tình dân chủ như ở Belarus hay Nga, trừng phạt cá nhân có trách nhiệm không thể có hiệu quả, trong ngắn hạn. Các đối tượng bị trừng phạt không bao giờ thay đổi thái độ. Đó chỉ là cách để bảo vệ những người đối lập chính trị, chứng tỏ có quan tâm đến họ. Các trừng phạt như vậy cũng có thể được sử dụng sau đó trong thương lượng. Nói tóm lại, theo chuyên gia, trừng phạt chỉ là một công cụ để phối hợp với các hành động khác, cần thực hiện trong khuôn khổ chính sách nhất quán và phải hợp tác với các tác nhân khác thì mới có hiệu quả.
Covid 19 làm mất uy tín của chính giới
Chuyển qua chủ đề xử lý khủng hoảng dịch Covid 19. Trang nhất báo Le Monde chạy tựa lớn : « Châu Âu : Các lãnh đạo đối mặt với tâm trạng chán nản của dư luận ».
Tờ báo ghi nhận một thực tế là hơn một năm vật lộn chống chọi với dịch Covid-19, ở nhiều nước châu Âu như Pháp, Đức, Anh hay Ý, giờ đây xuất hiện ngày càng nhiều tâm lý ngờ vực chính phủ, thể hiện tâm trạng chán nản của dư luận, theo một thăm dò về niềm tin vào chính trị được thực hiện ở các quốc gia nêu trên.
Theo Le Monde, từ khi đại dịch đổ vào châu lục, đã hơn một năm nay, chính phủ các nước cố gắng hết sức để chống chọi cùng lúc cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế, đưa ra hết các biện pháp có thể. Nhưng theo một cuộc thăm dò dư luận do Viện OpinionWay tiến hành thì tâm trạng của người dân các nước Pháp, Đức, Anh và Ý hiện hết sức chán chường, đặc biệt là cách xử lý khủng hoảng dịch của các chính phủ. Họ chỉ trích các chính phủ nhiều hơn, đồng thời tỏ lo lắng về các hậu quả kinh tế trong tương lai.
Trong số đó, dân Pháp có tâm lý ngờ vực chính trị đông hơn hẳn so với các láng giềng : 41% người được hỏi cho biết họ thực sự chán nản chính phủ, 34% tỏ lo âu với tình hình hiện nay. Chỉ có 37% người Pháp cho rằng chính phủ đã xử lý tốt đại dịch.
Trong khi đó ở Đức, đang bị làn sóng dịch thứ hai dữ dội, số người tử vong lên đến 40 nghìn, nhưng uy tín của thủ tướng Angela Merkel cũng như niềm tin vào thể chế chính quyền trong dân chúng không bị ảnh hưởng mấy. 56% người Đức khẳng định chính phủ đã hành động đúng trong khủng hoảng dịch, và 52% người Ý vẫn tin vào chính phủ, một tỷ lệ tương tự được ghi nhận ở Anh.
Ngờ vực chính trị như là một đặc thù của Pháp. Theo Le Monde, số liệu điều tra này là một lời cảnh báo với chính quyền của tổng thống Emmanuel Macron, khi mà chỉ còn hơn một năm nữa đến kỳ bầu cử tổng thống Pháp.
Mối lo tiền ảo thành tiền thật
Đến với nhật báo Công giáo La Croix trong hồ sơ chính « sự đột phá của đồng bitcoin », như tựa lớn trang nhất tờ báo. La Croix quan tâm đến việc đồng tiền ảo được tạo ra cách đây 12 năm nhằm né tránh hệ thống tài chính truyền thống, giờ đây Bitcoin đang hấp dẫn đông đảo các nhà đầu tư lớn khiến nhiều quốc gia lo ngại.
Tờ báo ghi nhận : Từ lâu nay vẫn bị coi là « đồng tiền phạm pháp » nhằm tránh né sự kiểm soát, giờ tiền ảo Bitcoin ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, kể cả các ngân hàng lớn. Điều đó đã đẩy giá trị của đồng tiền ảo tăng chóng mặt trong thời gian ngắn gần đây. Nhưng quả thực, theo tờ báo, khó có thể xác định được tính chất của Bitcoin, chỉ là một sáng tạo công nghệ hay là đồng tiền thực sự.
Rất nhiều câu hỏi đang được đặt ra trong sự đột phá của đồng tiền ảo, khi mà Bitcoin không chỉ lớn về giá trị mà còn ngày xâm nhập sâu rộng vào thị trường tài chính thế giới. Hiện có 100 triệu người trên thế giới sở hữu đồng Bitcoin. Gần đây liên tục có các tập đoàn công nghiệp tài chính đầu tư lớn vào Bitcoin, trong khi mà đồng tiền ảo này vẫn nằm ngoài sự kiểm soát hay điều tiết của hệ thống tài chính truyền thống của thế giới.
Bên cạnh đó, trên trang khoa học, La Croix cũng chú ý đến một trong những tiến bộ của công nghệ đang là thời thượng là trí thông minh nhân tạo (AI). Tờ báo lo lắng trí tuệ nhân tạo giờ đang có khả năng tạo ra những cỗ máy ngày càng giống với con người, sẽ làm đảo lộn mối quan hệ của con người và đâu sẽ là hệ quả cho tương lai không xa của con người ?
Người Miến Điện quyết đấu đến cùng chống độc tài quân sự (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten