vrijdag 4 september 2020

Tiếp cận ‘‘Một Sức khoẻ Duy nhất’’: Công cụ tối ưu ngăn ngừa dịch bệnh

 

Tiếp cận ‘‘Một Sức khoẻ Duy nhất’’: Công cụ tối ưu ngăn ngừa dịch bệnh

Một biểu tượng của tiếp cận One Health - Một Sức khỏe Duy nhất (thống nhất ba lĩnh vực Sức khỏe con người, Sức khỏe thú vật, Sức khỏe môi trường)
Một biểu tượng của tiếp cận One Health - Một Sức khỏe Duy nhất (thống nhất ba lĩnh vực Sức khỏe con người, Sức khỏe thú vật, Sức khỏe môi trường) © wikipedia
Trọng Thành
10 phút

Đại dịch Covid-19 khiến toàn hành tinh chao đảo từ hơn nửa năm nay. Hàng loạt các nền kinh tế hàng đầu thế giới với các công nghệ, kỹ thuật phương tiện hùng hậu, rơi vào suy thoái. Vì sao xã hội loài người lại lúng túng đến như vậy trước con virus nhỏ bé ? 

Nhiều nhà khoa học nhấn mạnh: việc thiếu một tiếp cận phù hợp để đối phó với dịch bệnh từ gốc là nguyên nhân trực tiếp. Trong thời gian gần đây, giới khoa học và vận động chính sách ngày càng nói nhiều hơn đến tiếp cận « One Health » (hay Une seule santé / Một Sức khỏe Duy nhất), như một phương tiện « tối ưu » cho phép ngăn ngừa các đại dịch trong tương lai. Mục Theo dòng thời sự của RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này. 

*** 

1 - Tiếp cận « One Health » là gì ?

Khái niệm « One Health » (hay Một Sức khỏe Duy nhất) cho đến nay còn rất ít được đại chúng biết đến, cũng như rất ít được đưa vào chính sách của các quốc gia. Tiếp cận « One Health » ra đời gần 20 năm về trước trong bối cảnh đại dịch viêm phổi cấp SRAS, bùng lên tại Trung Quốc. Năm 2004, Tổ chức Bảo vệ Thiên nhiên (Wildlife Conservation Society) đặt những nền móng đầu tiên cho tiếp cận này, trong một hội thảo quốc tế, với cương lĩnh « Các nguyên tắc Manhattan ». 

Cuối những năm 2010, tiếp cận này chính thức được ba định chế quốc tế xác định thông qua một thỏa thuận. Ba định chế là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Thế giới về Sức khỏe Động Vật (OIE) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO) (« L’approche ‘'One Health’’, un outil pour prévenir les prochaines pandémies », Le Monde, ngày 24/08/2020). 

Một cội nguồn của tiếp cận « Một Sức khỏe Duy nhất » là khái niệm « Một nền y học », do nhà dịch tễ học người Mỹ Calvin Schwab, khởi xướng năm 1984. Khái niệm Một nền y học nhấn mạnh đến những mối liên hệ qua lại mật thiết giữa y học về người và y học về động vật (thú y). 

Theo một thống kê, trên tổng số 1.407 mầm bệnh lây nhiễm đến người, có khoảng 58% có nguồn gốc từ động vật, trong đó một phần tư có khả năng biến thành dịch và đại dịch, như các virus Influenza, Ebola hay các loài virus corona. Hơn 73% các bệnh truyền nhiễm mới nổi lên có nguồn gốc động vật ( « Le concept « One Health » doit s’imposer pour permettre l’anticipation des pandémies », The Conversation,  ngày 24/06/2020, của nhà dịch tễ học Eric Muraille - Đại học ULB Bỉ và nhà vi sinh học Jacques Godfrod, đại học University of Tromsø, Na Uy).

Đối với Viện nghiên cứu Nông nghiệp, Lương thực và Môi trường Pháp (INRAE), trong một kế hoạch hành động công bố đầu năm 2020, mục tiêu số một của tiếp cận Một Sức khoẻ Duy nhất là chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa việc môi trường, đa dạng sinh học bị suy thoái, hủy hoại và sự xuất hiện các bệnh lây nhiễm có nguồn gốc động vật (trên Science et Avenir, ngày 14/07/2020). 

2 - Vì sao tiếp cận này lại quan trọng để ngăn ngừa các đại dịch ? 

Bài viết trên Le Monde dẫn lại ý kiến của giám đốc điều hành của Chương trình Môi trường LHQ (PNUE), bà Inger Andersen, theo đó, để phòng ngừa được các đại dịch, « cần phải thừa nhận mối liên hệ mật thiết giữa sức khỏe con người, sức khỏe động vật và sức khỏe môi trường » và « có phản ứng kịp thời » khi phát hiện các dấu hiệu bất ổn.

Cuộc khủng hoảng y tế hiện nay phơi bày ra ánh sáng các tương tác mật thiết giữa thế giới tự nhiên hoang dã, việc đa dạng sinh học bị hủy  hoại với sức khỏe cộng đồng.  Virus corona gây bệnh Covid-19 là một virus có nguồn gốc động vật hoang dã, như đa số virus gây bệnh dịch khác. Mà, từ hàng chục năm nay, tần suất xuất hiện các dịch bệnh, đặc biệt các dịch có nguồn gốc từ động vật, tăng vọt. Hoạt động công nghiệp hóa, dân cư tăng mạnh, các hoạt động gây tổn hại cho đa dạng sinh thái, gây biến đổi môi trường nói chung (đặc biệt là phá rừng), là các tác nhân làm gia tăng xuất hiện và tái xuất hiện các dịch bệnh có nguồn gốc động vật. 

Nhóm phụ trách mạng y khoa nổi tiếng The Lancet,  trong một bài viết hồi tháng 5/2020, khẳng định tiếp cận « Một Sức khỏe Duy nhất là điều kiện căn bản để bảo đảm một tương lai an lành, bền vững cho hành tinh » và đạị dịch Covid-19 kinh hoàng đang diễn ra lại càng cho thấy giá trị của tiếp cận mới này. Báo cáo mới đây của Tổ chức Môi trường của LHQ (PNUE) và Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) (có trụ sở tại Nairobi) khẳng định One Health là « giải pháp tối ưu » để đối phó với nguy cơ bệnh có nguồn gốc động vật truyền sang người. 

3 - Những ví dụ thành công cụ thể của tiếp cận này ? 

Bài tổng thuật trên Le Monde cho biết trên thực tế, còn rất ít tổng kết về những gì đã làm được trong lĩnh vực tiếp cận « Một Sức khoẻ Duy nhất ». Trong báo cáo nói trên, Tổ chức Môi trường của LHQ (PNUE) và Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) đã nêu ra một số ví dụ về thành công đáng kể của tiếp cận này, đặc biệt trong việc chống bệnh dại tại Serengeti, ở Tanzania, châu Phi, hay hiểu được cơ chế của việc lây truyền bệnh sốt thung lũng Rift, ảnh hưởng đặc biệt đến khu vực miền đông châu Phi. 

Một bài báo trên tạp chí Veterinary Science cho biết kết quả hợp tác, giữa các bác sĩ, bác sĩ thú y, nhà sinh học, nhà sinh thái, các định chế về y tế công, trong việc xác định nguồn gốc của bệnh sán máng (bilharziose), xuất hiện năm 2013, tại đảo Corse, một căn bệnh vốn thường gặp tại các xứ nhiệt đới, cận nhiệt đới. 

Theo nhà sinh học Delphine Destoumieux-Garzon, giám đốc nghiên cứu tại CNRS, cho đến nay, tiếp cận Một Sức khoẻ Duy nhất «  tập trung nhiều nhất » vào việc các bệnh có nguồn gốc động vật được truyền sang xã hội con người thông qua loài muỗi. Trong ba mắt xích của tiếp cận « Một Sức khoẻ Duy nhất » (ba mắt xích Sức khoẻ động vật - Sức khoẻ người và Sức khoẻ môi trường), thì Sức khoẻ môi trường được nghiên cứu ít hơn cả. Quan hệ giữa Sức khỏe người và Sức khỏe động vật tương đối dễ xác định hơn.  

Nhưng bất luận việc sơ kết các thành công thế nào, theo bà Coralie Martin, nhà ký sinh học (Iserm và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Pháp), tiếp cận One Health vẫn là một tiếp cận bổ ích, cho phép « thúc đẩy các trao đổi và có được cái nhìn tổng thể về vấn đề dịch bệnh ». 

4 - Các trở lực chính đối với tiếp cận này là gì ? 

Các chuyên ngành khoa học bị xét lẻ, thiếu phối hợp là nguyên nhân chính. « Đối tượng cản trở chính đối với sự phát triển của tiếp cận One Health đã được xác định rõ : đó là các ranh giới (cứng nhắc) giữa các chuyên ngành khoa học rất khó vượt qua » (theo Le Monde 24/08/2020). Theo nhà sinh học Pháp Delphine Destoumieux-Garzon, cho đến nay, trong lĩnh vực này, «  ngành y vẫn ở vị thế thống trị so với các khoa học khác. Trong giới nghiên cứu, tính liên ngành đang không được xem trọng. Điều quan trọng trước hết là phải trở thành một ‘‘chuyên gia lớn’’ (trong một lĩnh vực riêng). Tuy nhiên, điều này cũng đang thay đổi, đặc biệt đối với thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ ». 

Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), Jimmy Smith, hồi đầu tháng 7, đã nhiều lần nhấn mạnh đến mệnh lệnh phải vượt qua các rào cản giữa các chuyên ngành khoa học, để xây dựng một tiếp cận liên ngành về « One Heath / Một Sức khỏe Duy nhất ». Ông giải thích : để đối phó với các đại dịch, phải phối hợp mật thiết với nhau, từ các làng mạc hẻo lánh đến các định chế quốc tế, phối hợp xuyên biên giới, và cũng như phối hợp các chuyên ngành khoa học ». 

Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế ILRI và Tổ chức Môi trường LHQ kêu gọi lập ra « một hệ thống toàn cầu cảnh báo sớm, để có thể nhận dạng và ngăn chặn bệnh trước khi chúng trở thành dịch ». Để làm được việc này « phải có sự phối hợp của giới thú y, giới quản lý y tế, giới bác sĩ, và giới môi trường, để tiếp nhận và kịp thời phân tích các thông tin từ thực địa, ngay sau khi thu nhận được ». Việc nhận dạng các mầm bệnh và hiểu được chúng lưu truyền ở đâu, vì sao, sẽ mang lại những thông tin tối cần thiết cho việc ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Tuy nhiên, theo nhà sinh học Delphine Destoumieux-Garzon, phương pháp làm việc chuẩn mực, căn bản nói trên hiện nay « đang bị coi thường và không được đầu tư ». 

Bên cạnh việc vượt qua các rào cản giữa  ngành khoa học chuyên môn, trên thực tế, để tiếp cận Một Sức khỏe Duy nhất được thực thi rộng rãi, giới chính trị phải vào cuộc. Giám đốc nghiên cứu về sinh học CNRS, Delphine Destoumieux-Garzon, nêu ví dụ, nếu muốn ngừng các hoạt động chăn nuôi theo lối công nghiệp, có nguy cơ gây dịch, thì bộ Nông Nghiệp phải đối thoại với bộ Y Tế chẳng hạn. Và việc nghiên cứu về tình trạng môi trường thiên nhiên bị hủy hoại không chỉ liên quan đến các ngành khoa học tự nhiên, mà cả các ngành khoa học về xã hội, kinh tế, văn hoá và chính trị…. 

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Le Monde, nghị sĩ Pháp Loïc Dombreval (đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước), nguyên là bác sĩ thú y, cho biết ông sẽ tổ chức một hội nghị tại Quốc Hội Pháp, vào tháng 10 tới, nhằm thảo luận về một mô hình chuyên gia chính phủ liên ngành về  tiếp cận Một Sức khoẻ Duy nhất, tương tự như mô hình GIEC - nhóm chuyên gia liên chính phủ quốc tế về Biến đổi khí hậu.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200903-ti%E1%BA%BFp-c%E1%BA%ADn-m%E1%BB%99t-s%E1%BB%A9c-kho%E1%BA%BB-duy-nh%E1%BA%A5t-c%C3%B4ng-c%E1%BB%A5-t%E1%BB%91i-%C6%B0u-ng%C4%83n-ng%E1%BB%ABa-d%E1%BB%8Bch-b%E1%BB%87nh

Geen opmerkingen:

Een reactie posten