zaterdag 13 oktober 2018

Viện Viễn Đông Bác Cổ, EFEO và kho sách quý hiếm về Việt Nam + Lục Vân Tiên có tranh minh họa, 120 năm bị bỏ quên tại Pháp

Viện Viễn Đông Bác Cổ, EFEO và kho sách quý hiếm về Việt Nam

Viện Viễn Đông Bác Cổ, EFEO và kho sách quý hiếm về Việt Nam
 
Một số tranh khắc trong bộ sưu tầm của nhà nghiên cứu Maurice Durand, EFEO, Paris.RFI / Tiếng Việt

    Ngay năm 1886, khi vừa được bổ nhiệm làm tổng công sứ Trung-Bắc Kỳ, Paul Bert đã có ý tưởng thành lập Bắc Kỳ Hàn Lâm Viện (Académie tonkinoise) nhằm tạo bầu không khí hữu hảo và kiềm chế sự chống đối của người dân Bắc Kỳ vừa bị đặt dưới chế độ bảo hộ Pháp.

    Dù bị thất bại « ngay trong trứng nước », nhưng kế hoạch trên trở thành cơ sở cho các sáng lập viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ (Ecole française d’Extrême-Orient, EFEO), thuộc Viện Hàn Lâm Văn Khắc và Văn Chương Pháp (Académie des Inscriptions et Belles-Lettres).
    Hơn một thế kỷ vì châu Á
    Ban tiếng Việt đài RFI đã có dịp trao đổi với chị Magali Morel, cán bộ thư viện phụ trách kho sách Đông Nam Á, về sự ra đời của Viện Viễn Đông Bác Cổ :
    « Ban đầu, người ta muốn lập một Hội Nghiên cứu Khảo cổ châu Á. Giám đốc đầu tiên của Viện Viễn Đông Bác Cổ, Louis Finot, muốn thành lập một ngôi trường Pháp, theo mẫu trường đã được thành lập ở Roma hay Athens. Thời gian đầu, ông muốn trường tập trung nghiên cứu về Ấn Độ, nhưng kế hoạch không thành. Lúc đó Paul Doumer đang làm toàn quyền Đông Dương lại bị dự án này cuốn hút và cuối cùng, Viện Viễn Đông Bác Cổ được thành lập ở Hà Nội ».
    Tiền thân của Viện là Hội Nghiên cứu Khảo cổ Đông Dương (Mission archéologique d’Indo-Chine) được thành lập tại Sài Gòn năm 1898 với hai nhiệm vụ chính : khuyến khích các nhà nghiên cứu Pháp đến thực địa tại châu Á và phụ trách thống kê cũng như bảo quản di sản văn hóa Đông Dương.
    Năm 1900, theo quyết định của toàn quyền Paul Doumer, tên gọi và cơ cấu của hội được thay đổi, trở thành Viện Viễn Đông Bác Cổ. Theo nhận xét của bán nguyệt san La Quinzaine coloniale (n° 101, 10/03/1901), quyết định này đánh dấu tính thường trực và đề cao vai trò quan trọng của Viện trong việc « nghiên cứu và phổ biến kiến thức về lịch sử các công trình và chữ tượng hình của các dân tộc Đông Dương mà quá khứ còn xa xưa hơn lịch sử của chúng ta vẫn chưa tiết lộ hết những bí mật ».
    Từ năm 1902, trụ sở của Viện được chuyển ra Hà Nội với các nhiệm vụ chính : thăm dò khảo cổ học, sưu tập bản thảo, bảo tồn các công trình, thống kê nhân chủng học các tộc người, nghiên cứu di sản ngôn ngữ, lịch sử các nền văn minh phương Đông, từ Ấn Độ đến Nhật bản.
    Để hỗ trợ cho kế hoạch nghiên cứu khoa học đầy tham vọng này, một thư viện và một viện bảo tàng (sau này trở thành Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) được thành lập. Thư viện ở Hà Nội trở thành kho dữ liệu quan trọng của các nhà nghiên cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ.
    Bìa cuốn sách Mối quan hệ của phái đoàn các Cha dòng Tên với Vương quốc Nam Kỳ, xuất bản năm 1631, EFEO, Paris.RFI / Tiếng Việt
    Ngày 27/11/1909, trong bài diễn văn nhân dịp khai mạc phiên họp của Hội đồng Tối cao, toàn quyền Đông Dương Antony Klobukowski đã cho biết về kho sách quý giá này : « Thư viện của Viện Viễn Đông Bác Cổ ngày càng phong phú hơn nhờ 100 tập sách do Quốc Sử Quán (triều Nguyễn) in ấn và được Hoàng đế An Nam trao tặng. Ngoài ra, còn có rất nhiều tác phẩm đến từ Trung Quốc và các bản sao chép tác phẩm quý hiếm của Việt Nam nhờ các vị quan hay nho sĩ cho mượn. Vì vậy, có thể nói đây là thư viện về nghiên cứu Đông phương đầy đủ nhất thế giới ».
    Trong suốt thế kỷ XX, kho sách của thư viện ngày càng thêm phong phú về số lượng và chất lượng nhờ đặt mua, trao đổi và được di tặng. Trong cuốn Một thế kỷ vì châu Á. Viện Viễn Đông Bác Cổ, 1898-2000, tác giả Catherine Clémentin-Ojha Manguin cho biết, sau hiệp định Geneve 1954, một phần kho sách, được đóng thành 500 kiện, đã rời Hà Nội vào cuối tháng Bẩy cùng năm để sang Phnom Penh (Cam Bốt), Vientiane (Lào) và một chi nhánh mới của Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Sài Gòn. Trung tâm tại Hà Nội tiếp tục hoạt động đến 1957 để sao chụp các bộ sưu tập sách của thư viện, chủ yếu là các bản viết tay, nhằm phục vụ cho các trung tâm khác và trụ sở ở Paris, như lời giải thích của chị Magali Morel :
    « Kho sách Việt Nam gốc hiện đang được bảo quản tại Nhà Châu Á (Maison de l’Asie) ở Paris đến từ thư viện được thành lập ở Hà Nội. Các bộ sưu tập được thu thập tại đó, liên quan rất nhiều đến Đông Dương. Sau đó, chúng được chuyển đi sau loạt sự kiện trong những năm 1950 tại Việt Nam.
    Những bộ sưu tập này được phân chia sang các nước thuộc Đông Dương cũ là Việt Nam, Cam Bốt, Lào, nhưng cũng có cả Thái Lan. Rất nhiều kiện sách (318 kiện) được gửi từ Việt Nam đến Cam Bốt, rồi từ Cam Bốt đến Pondichéry và cuối cùng đến Paris trong những năm 1950.
    Trung tâm của kho sách Đông Dương, đặc biệt là của Việt Nam, ban đầu chính là các bộ sưu tập tài liệu được hình thành ở Đông Dương vào đầu thế kỷ XX ».
    Kho sách cổ với tác phẩm có từ thế kỷ XVII
    Một trong những tài liệu quý hiếm giúp thư viện của Viện Viễn Đông Bác Cổ Paris trở thành một trong những trung tâm quan trọng trong giới nghiên cứu về Đông Dương và Việt Nam là bộ sưu tầm 20.000 ván khắc Hán Nôm. Đây là kho tài liệu quan trọng giúp tái dựng cổ sử Việt Nam.
    Ngoài ra, còn phải kể đến bộ sưu tập tranh dân gian Việt Nam với khoảng 400 bức tranh do nhà nghiên cứu Maurice Durand thu thập. Được bảo quản trong điều kiện tốt, bộ sưu tập đa dạng và phong phú về nhiều đề tài khác nhau : cuộc sống thường nhật, các ngành nghề nhỏ, chúc tụng và những tấm bùa hộ mệnh, tôn giáo và tín ngưỡng, lịch sử, văn học, giáo dục, tục ngữ, ngạn ngữ… 
    Cuối cùng, còn có hơn 3.000 đầu sách về Việt Nam, trong đó có rất nhiều sách cổ, trên tổng số gần 33.000 tác phẩm thuộc kho Đông Nam Á. RFI đã có dịp được ngắm hai tác phẩm cổ liên quan đến Việt Nam, được in năm 1631 và 1646, hiện không còn phục vụ độc giả.  
    Bìa cuốn sách Lịch sử Vương quốc Bắc Kỳ, xuất bản năm 1646, EFEO, Paris.RFI / Tiếng Việt
    « Tôi mang ra đây mấy cuốn sách cổ để giới thiệu. Cuốn sách nhỏ này có từ thế kỷ XVII, có tựa đề Relations de la nouvelle mission des Pères de la Compagnie de Jésus au Royaume de la Cochinchine (tạm dịch : Mối quan hệ của phái đoàn các Cha dòng Tên với Vương quốc Nam Kỳ). Tác phẩm được dịch từ tiếng Ý và là một trong số những cuốn sách cổ nhất của bộ sưu tập được thu thập ở Hà Nội. Hầu hết bộ sưu tầm được hình thành từ những cuốn hồi ký du lịch hay những cuốn sách của các nhà truyền đạo miêu tả Nam Kỳ thời kỳ đó.
    Còn đây là một cuốn khác, Histoire du Royaume de Tonquin (Lịch sử Vương quốc Bắc Kỳ), cũng là một tác phẩm có từ thế kỷ XVII. Chúng tôi có nhiều tác phẩm về những tiếp xúc đầu tiên của phương Tây với Đông Dương và Việt Nam. Tiếp theo, còn có những kho sách liên quan đến nghiên cứu Đông Dương từ lúc Viện Viễn Đông Bác Cổ được thành lập ở châu Á, trong đó có rất nhiều nghiên cứu khảo cổ, nhân chủng học và triết học đáng quý ».
    Viện Viễn Đông Bác Cổ nằm trong quần thể Nhà Châu Á (Maison de l’Asie), tọa lạc trong quận 16 nổi tiếng của Paris, ngay gần Trocadéro và quảng trường Nhân Quyền (Parvis des droits de l’homme) nhìn ra tháp Eiffel. Đây cũng là trụ sở của nhiều trung tâm nghiên cứu về châu Á khác thuộc các trường Nghiên cứu nâng cao về Khoa học Xã hội (EHESS) và trường Cao Đẳng Thực Hành (EPHE), như trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Trung Hoa hiện đại và đương đại, Đông Nam Á (CASE) và Tây Tạng, cũng như thư viện của những cơ sở này.
    Dù độc giả đến đây có thể tra cứu được các kho sách của cả ba trường trên (EFEO, EPHE và EHESS), nhưng số lượng người đọc không nhiều so với các thư viện khác. Chị Magali Morel giải thích :
    « Vì Viện Viễn Đông Bác Cổ là một cơ quan chuyên biệt. Chúng tôi đón sinh viên cao học, các nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực trọng điểm, rất đặc biệt. Hiện chúng tôi đang cố trao đổi nhiều hơn nữa với bên ngoài vì cần phải tiếp nhận những công nghệ mới và trao đổi với mạng xã hội… Đây cũng là dự án mà chúng tôi đang làm để mở rộng hơn một chút và có thể để lập một địa điểm năng động hơn. Đúng là chúng tôi là một cơ quan chuyên biệt, nhưng dù sao cũng mở rộng với tất cả ».
    Ngoài trụ sở tại Paris, Viện Viễn Đông Bác Cổ có mặt tại Pondichéry, Ấn Độ. Trong khu vực Đông Nam Á có các trung tâm hoặc chi nhánh ở Lào, Việt Nam, Cam Bốt, Thái Lan và Indonesia. Riêng Miến Điện mới chỉ có một đại diện. Cuối cùng, Viện Viễn Đông Bác Cổ cũng có mặt ở Nhật Bản và mới đây một văn phòng đã được mở ở Trung Quốc.
    Phòng đọc thư viện của EFEO, Paris.RFI / Tiếng Việt

    Cùng chủ đề
    • TẠP CHÍ VĂN HÓA

      Kho sách Việt Nam tại Thư viện Quốc gia Pháp - BNF
    • TẠP CHÍ VĂN HÓA

      Lục Vân Tiên có tranh minh họa, 120 năm bị bỏ quên tại Pháp
    http://vi.rfi.fr/viet-nam/20161202-vien-vien-dong-bac-co-efeo-va-kho-sach-quy-hiem-ve-viet-nam

    Lục Vân Tiên có tranh minh họa, 120 năm bị bỏ quên tại Pháp

    Lục Vân Tiên có tranh minh họa, 120 năm bị bỏ quên tại Pháp
     
    Bìa hai tập Lục Vân Tiên cổ tích truyện có tranh minh họa, EFEO, Paris.RFI / Tiếng Việt

       Từ năm 1895 đến 1897, đại úy pháo binh Hải Quân Pháp Eugène Gibert giữ chức phó đô đốc pháo binh tại Huế, « trung tâm chính trị và tri thức của người An Nam ». Tại đây, vị sĩ quan Pháp được tiếp xúc trực tiếp và rất ấn tượng với truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), một tác phẩm ca ngợi phẩm chất đạo đức và nét đẹp của Khổng Giáo cũng như văn hóa dân gian Nam Bộ.

      Vừa là một tác phẩm văn học uyên bác, vừa là một câu chuyện dân gian truyền miệng được viết theo lối thơ lục bát, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu từ lâu đã được xếp vào hàng tuyệt tác văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học chữ Nôm. Ngay từ năm 1864, Lục Vân Tiên đã được dịch sang tiếng Pháp. Đến năm 1883, dịch giả Abel des Michels chuyển ngữ sang tiếng Pháp với tên gọi Lục Vân Tiên cổ tích truyện (Histoire de Lục Vân Tiên). Chính bản dịch này đã khích lệ Eugène Gibert tìm cách minh họa cho chuyện tình bi tráng của chàng thư sinh Lục Vân Tiên với vị hôn thê chung trình Nguyệt Nga, cũng như tinh thần coi trọng tình nghĩa giữa người với người và tinh thần nghĩa hiệp.
      Được lưu trữ tại Viện Hàn Lâm Văn Khắc và Văn Chương thuộc Viện Pháp (Académie des Inscriptions et Belles-Lettres, Institut de France), bản thảo Lục Vân Tiên cổ tích truyện có tranh minh họa (1889) là tác phẩm đầu tiên có tranh minh họa toàn bộ Lục Vân Tiên. Nổi bật với những nét vẽ tỉ mỉ, sống động và nhiều mầu sắc rực rỡ, mỗi bản vẽ được chia thành ba hàng với những hình ảnh miêu tả cảnh sinh hoạt đời thường. Khối chính giữa của hàng thứ hai là những câu thơ lục bát chữ Nôm, được viết từ trái sang phải, từ trên xuống dưới.
      Lục Vân Tiên cổ tích truyện có tranh minh họa đã được hai nhà nghiên cứu người Pháp Pascal Bourdeaux (trường Cao Đẳng Thực Hành, EPHE) và Olivier Tessier (Viện Viễn Đông Bác Cổ, EFEO) biên tập và được Viện Viễn Đông Bác Cổ phát hành vào tháng 04/2016 (*).
      Ban tiếng Việt đài phát thanh quốc tế Pháp, RFI, đã có cơ hội trao đổi với nhà nghiên cứu Pascal Bourdeaux về sự kiện này.
      Bìa minh họa Lục Vân Tiên cổ tích truyện, EFEO, Paris.RFI / Tiếng Việt
       RFI : Thưa nhà nghiên cứu Pascal Bourdeaux, có thể nói Lục Vân Tiên cổ tích truyện có minh họa là bản thảo minh họa màu đẹp nhất và sống động nhất của tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu. Và cũng có thể nói là bản thân bản thảo này đã là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Vậy tại sao phải chờ đến gần 120 năm sau, độc giả mới được chiêm ngưỡng tác phẩm này ?
      Pascal Bourdeaux : Để trả lời câu hỏi này, có thể nói là « Có trời mà biết ! ». Cũng phải nói là có một cơ hội rất đặc biệt khi một người Việt Nam đến Pháp, được mời đến Viện Hàn Lâm Văn Khắc và Văn Chương Pháp để có thể tìm lại bản thảo này, đúng là được « ngủ » khoảng 100 năm trong kho tài liệu cũ của Viện này. Người đó là giáo sư Phan Huy Lê, được mời đến Paris và đoàn đi theo giáo sư đã rất may mắn tìm được tài liệu này. Cô phụ trách thư viện của Viện đã mở « fond » và đã cho xem một số tài liệu rất quý và rất cũ của Việt Nam, và trong đó có bản thảo này mà chưa ai biết.
      Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần phải công bố bản thảo này. Và vì đúng thời điểm đó, Viện Viễn Đông Bác Cổ mở văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi quyết định biến công việc này thành biểu tượng cho hoạt động nghiên cứu và hợp tác trong ngành khoa học xã hội-nhân văn. Nói một cách khác, việc xuất bản và công bố tác phẩm này là bước đầu tiên của quá trình hợp tác và nghiên cứu, mà chúng tôi hy vọng là bền lâu, giữa Pháp và Việt Nam, đặc biệt là với miền nam Việt Nam.
      RFI : Ông có thể cho biết một chút về nguồn gốc tác phẩm minh họa Lục Vân Tiên này của tác giả Nguyễn Đình Chiểu ?
      Pascal Bourdeaux : Vào khoảng năm 1895-1897, một nho sĩ của Triều đình Huế, tên là Lê Đúi (Đức) Trạch, còn gọi là Thó, đã minh họa Lục Vân Tiên cổ tích truyện theo yêu cầu của một người Pháp, một sĩ quan Hải Quân đang làm nhiệm vụ tại Huế. Ông khám phá ra Lục Vân Tiên nhờ bản dịch sang tiếng Pháp năm 1883 của Abel des Michels. Eugène Gibert rất mê truyện thơ này và đã đề xuất với « thư lại chế họa đồ thức » (một viên chức làm việc trong một cơ quan chuyên vẽ đồ bản trong cung đình Huế) tự do thể hiện tác phẩm theo cảm nhận của họa sĩ. Khi tác phẩm hoàn thành, những bức tranh mà chúng ta thấy là sự thể hiện theo đúng phong cách Việt Nam, một sáng tạo của một nghệ sĩ người Việt theo yêu cầu của một người Pháp.
      Một trong những điểm đặc biệt là không phải chỉ có một mà có hai họa sĩ vẽ minh họa tác phẩm này. Lo ngại họa sĩ đầu tiên, Lê Đức Trạch, không hoàn thành được toàn bộ khối lượng công việc, nên Eugène Gibert đã đề xuất một họa sĩ khác tiếp tục công việc. Có thể nói, đó là một kiểu cạnh tranh giữa hai họa sĩ. Thế nhưng, Lê Đức Trạch là người hoàn thành công việc. Trong tác phẩm, chúng ta có thể chiêm ngưỡng được 5 bản vẽ, xuất hiện ở phần cuối tác phẩm, do nghệ sĩ thứ hai thực hiện. Đây là yếu tố quan trọng cho phép so sánh công việc của hai họa sĩ.
      Một trang trong tập I, Lục Vân Tiên cổ tích truyện, EFEO, Paris.RFI / Tiếng Việt
       RFI : Xuất phát từ bản thảo bằng chữ Nôm, tác phẩm Lục Vân Tiên cổ tích truyện do Viện Viễn Đông Bác Cổ phát hành, lại được in thành ba thứ tiếng (Việt, Anh, Pháp), ông có thể giải thích một chút quá trình biên tập và phát hành tác phẩm đã được thực hiện như thế nào ?
      Pascal Bourdeaux : Toàn bộ công việc mất khoảng 5 năm, tính từ lúc phát hiện ra bản thảo vào tháng 09/2011 đến lúc phát hành vào tháng 04/2016. Chúng tôi làm việc dựa trên bản chữ Nôm được chép trên các bản vẽ và bản dịch sang tiếng Pháp và chữ quốc ngữ mà Eugène Gibert đã sử dụng, có nghĩa là bản dịch của Abel des Michels năm 1883. Thực ra, trước bản dịch của Abel des Michels đã có hai bản dịch khác và tính đến nay có 8 bản dịch sang tiếng Pháp. Điều này thật đặc biệt !
      Chúng tôi cố gắng tôn trọng bản gốc của Abel des Michels nhưng có sửa một số lỗi vì chữ quốc ngữ trong bản dịch thời kỳ đó, lại có nhiều phương ngữ miền nam Việt Nam vào thế kỷ XIX, vẫn chưa đồng nhất như hiện nay. 
      Nhận thấy giá trị thẩm mỹ và thị giác của bản thảo, chúng tôi quyết định dịch sang cả tiếng Anh để những người không biết tiếng Pháp hay tiếng Việt có thể thưởng thức. Việc dịch sang tiếng Anh được dựa trên văn bản tiếng Pháp. Dĩ nhiên, việc này sẽ đặt câu hỏi về tính khoa học, nhưng chúng tôi đã giải thích rõ nguyện vọng là đưa ra một bản tiếng Anh sát với bản gốc nhất. Vì vậy, chúng tôi chú giải các bản dịch tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Pháp, cũng như thêm vào các lời giải thích.
      RFI : Có thể nói là Viện Viễn Đông Bác Cổ luôn có những tiêu chí rất cao về chất lượng của một ấn phẩm, vừa về nội dung và kỹ thuật. Đây có phải là một trong số những lý do mà tác phẩm Lục Vân Tiên được xuất bản tại EFEO ?
      Pascal Bourdeaux : Đúng vậy, điều mà chúng tôi muốn là làm chủ công việc nghiên cứu và quá trình kỹ thuật. Bản thảo đẹp đến nỗi buộc chúng tôi cố gắng làm mọi việc một cách chính xác, tỉ mỉ để sao phóng như bản gốc (fac-similé). Chúng tôi mong là khi cầm tác phẩm trong tay, độc giả tưởng như đang được cầm bản gốc. Chính vì vậy, kỹ thuật hiệu chỉnh mầu và tất cả công việc liên quan đến kỹ thuật chụp ảnh, khắc hình chuyên nghiệp đã cho phép chúng tôi gần như giữ nguyên mầu sắc của bản thảo.
      Phải nói đây là một điều may mắn, vì trong vòng một thế kỷ, không một ai động đến tác phẩm này. Vì thế, mọi sắc tố, mầu sắc vẫn còn nguyên vẹn. Sau đó, chúng tôi đã in theo gần đúng khổ của bản thảo, chỉ lệch 5%. Cuối cùng, chúng tôi đã làm việc với một nhà in chuyên về các loại tác phẩm như vậy để có được tác phẩm hoàn thiện nhất và giống với bản thảo gốc nhất.
      ***
      Để thay lời kết, trong lời nói đầu (tập II) của Lục Vân Tiên, giáo sư sử học Phan Huy Lê nhận xét : « Đây là truyện nôm đầu tiên của Việt Nam được minh họa đầy đủ đến như vậy (…). Tôi có cảm nhận bước đầu là những tranh vẽ này mang ảnh hưởng hay có nguồn gốc từ tranh dân gian Việt Nam, nhất là dòng tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh). Vấn đề cần nghiên cứu so sánh cụ thể nhưng rõ ràng đây là một nguồn tư liệu quý mở ra khả năng nghiên cứu nghệ thuật minh họa sách với nguồn gốc và phong cách nghệ thuật của nó (…) ».

      (*) Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên cổ tích truyện (có tranh minh họa) - Histoire de Lục Vân Tiên - The Story of Lục Vân Tiên, Paris, EFEO, 2016, 2 tập.
      http://vi.rfi.fr/viet-nam/20161111-luc-van-tien-co-tranh-minh-hoa-120-nam-bi-bo-quen-tai-phap

      Cùng chủ đề
      • TẠP CHÍ VĂN HÓA

        “Nam Quốc Sơn Hà”: Chân lý chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam
      • TẠP CHÍ KHOA HỌC

        Di sản văn chương báo chí chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX bị đe dọa
      Các lưu trữ
      1. 1
      2. 2
      3. 3
      4. ...
      5. trang sau >
      6. trang cuối >
      7.                 

      Geen opmerkingen:

      Een reactie posten