zaterdag 13 oktober 2018

Hội họa Việt Nam tại bảo tàng Nghệ thuật châu Á Cernuschi, Paris + Paris, người Việt và tranh Lê Tài Điển

Hội họa Việt Nam tại bảo tàng Nghệ thuật châu Á Cernuschi, Paris

Hội họa Việt Nam tại bảo tàng Nghệ thuật châu Á Cernuschi, Paris
 
Bộ sưu tập hội họa Việt Nam mới được tặng cho bảo tàng Nghệ thuật châu Á Cernuschi, Paris, tháng 07/2018.RFI / Tiếng Việt

    Một đám trẻ bụ bẫm đang tắm trong tác phẩm tranh lụa « Tắm ao » (Baignade, 1962) của Mai Thứ (1906-1980), một thiếu nữ e dè rửa chân bên rặng chuối, một cụ bà gầy gò còng lưng gỡ lưới cá… là một số những tác phẩm mới được đưa vào bảo tàng Cernuschi, chuyên về nghệ thuật châu Á tại Paris, và được triển lãm đến hết ngày 04/11/2018.

    Năm 2017, Bộ sưu tập Việt Nam của bảo tàng Cernuschi thêm phong phú hơn nhờ một loạt những tác phẩm quan trọng được tặng hoặc mua lại. Loạt tranh đầu tiên gồm 13 tác phẩm của nhiều họa sĩ trường Mỹ Thuật Nam Kỳ trong giai đoạn 1930-1940, do ông Marcel Schneyder, con trai của ông bà Thérèse và René Schneyder, công chức cao cấp Pháp ở Đông Dương (1924-1951), trao tặng để công chúng có thể thưởng lãm. Ngoài ra, bảo tàng còn nhận được bốn chiếc bình cổ, gây ấn tượng vì kích thước, chất lượng và sự độc đáo trong họa tiết trang trí.
    Cuối cùng phải kể đến nhiều tác phẩm của họa sĩ Mai Thứ, được người con gái là bà Mai Lan Phương, tặng cho bảo tàng. Khi trả lời RFI tiếng Việt, bà Anne Fort, quản thủ Di sản, phụ trách bộ sưu tập Việt Nam của bảo tàng Cernuschi, đánh giá những tác phẩm của họa sĩ Mai Thứ mang ý nghĩa rất lớn đối với bảo tàng :
    « Năm ngoái (2017), chúng tôi may mắn được con gái của họa sĩ Mai Thứ tặng rất nhiều tranh. Họa sĩ Mai Thứ sống ở Pháp từ những năm 1940, ông sống bằng nghệ thuật và rất nổi tiếng, nhưng lại không có bất kỳ tác phẩm nào của ông được xếp là tài sản của công chúng. Vì thế, chúng tôi rất vui vì năm nay (2018) có thể giới thiệu cho công chúng tác phẩm « Tắm ao » (Baignade) của Mai Thứ. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên của họa sĩ nổi tiếng này được xếp là tài sản của công chúng.
    Năm ngoái, ngoài tác phẩm của họa sĩ Mai Thứ được tặng cho bảo tàng, chúng tôi còn có một bộ sưu tập gồm rất nhiều tranh vẽ, hai sản phẩm gốm và một tác phẩm sơn mài, của ông Marcel Schneyder. Ông là con trai của René Schneyder, một công chức cao cấp Pháp làm việc ở Nam Kỳ. Vì tính chất công việc, ông René Schneyder đã làm quen với nhiều nghệ sĩ và hay thăm trường nghệ thuật ứng dụng Nam Kỳ. Nhờ đó mà ông đã hình thành được bộ sưu tập của mình ».
    Giới thiệu tác phẩm của học sinh trường Nghệ thuật Gia Định
    Cho đến nay, tác phẩm của học sinh các trường nghệ thuật ứng dụng Nam Kỳ hoàn toàn vắng bóng trong các bộ sưu tập của bảo tàng Pháp. Những tác phẩm được ông Marcel Schneyder tặng bảo tàng Cernuschi giúp công chúng hình dung ra được quá trình đào tạo nghệ thuật tranh sơn mài tại trường Thủ Dầu Một (thành lập năm 1901), những tác phẩm gốm sứ của trường Biên Hòa (thành lập năm 1903) và nghệ thuật khắc, vẽ của trường Gia Định (thành lập năm 1913). Bà Anne Fort giới thiệu về bộ sưu tập mới nhận :
    « Ở đây chúng tôi trưng bày một chiếc bình lớn của trường Biên Hòa. Đây là trường nghệ thuật ứng dụng, được thành lập năm 1903, dưới sự bảo trợ của Pháp, với mục đích khuyến khích nghệ thuật dân gian tinh túy vì người Pháp nhận thấy là các nghệ nhân Việt Nam có tay nghề rất cao, đồng thời phía Pháp cũng muốn đổi mới hình dạng mà vẫn giữ được nguyên chất lượng. Vì thế, họ sáng tạo ra một phong cách mới.
    Ở đây, ta có thể thấy phong cách lai giữa hình dạng một chiếc bình lớn, có thể là để đựng gậy hoặc dù, có nghĩa là hoàn toàn nhằm mục đích sử dụng hàng ngày theo kiểu phương Tây, còn cách trang trí lại là hàng loạt các con sư tử xung quanh cổ chiếc bình, làm người ta liên tưởng đến Trung Quốc đời nhà Hán hoặc nhà Đường, từ thế kỷ II đến thế kỷ VII hoặc VIII. Phần còn lại ở bề ngoài chiếc bình, ở phía dưới, là những họa tiết trang trí nổi, theo kiểu cổ của Trung Quốc, khoảng thế kỷ I trước Công nguyên.
    Có thể nói, tác phẩm tổng hợp hình dạng của chiếc bình Việt, được Tây hóa, kỹ thuật và vật liệu đất là của Việt Nam, nhưng họa tiết trang trí lại được pha trộn giữa hai thời kỳ khác nhau của Trung Quốc ».
    Vẫn theo bà Anne Fort, quản thủ di sản, phụ trách bộ sưu tập Việt Nam, một điều thú vị là hầu hết các nghiên cứu khoa học thường tập trung vào trường Mỹ Thuật Đông Dương ở Hà Nội, còn trường Gia Định, một cơ sở đào tạo quan trọng ở miền Nam, lại không được biết đến. Từ một trường đào tạo nghệ thuật ứng dụng để làm việc trong ngành địa bạ, vẽ bản đồ hoặc văn phòng kiến trúc sư, trường Gia Định đã thay đổi trong những năm 1926-1927 để trở thành một trường đào tạo thực thụ các nghệ sĩ, dù không nhiều bằng trường Mỹ Thuật ở Hà Nội.
    « Chúng tôi muốn triển lãm tranh của họa sĩ Trần Duy Liêm. Chúng tôi biết là ông đã tiếp tục sự nghiệp họa sĩ. Ông tốt nghiệp trường Gia Định, ông tiếp tục giảng dạy và tham gia nhiều triển lãm quốc tế ở Sài Gòn.
    Một đặc điểm của học sinh trường Gia Định là họ ký tên lên tác phẩm của mình. Thế nhưng, chúng tôi lại có rất ít thông tin, thậm chí là không có chút thông tin nào về những họa sĩ này. Chúng tôi nhận được món quà gần 540 bản chuyên khảo về Đông Dương. Và qua những tác phẩm này, người ta có thể thấy được phong cảnh, hoạt động của con người có giá trị hình họa rất quan trọng, như cảnh hái trầu, hái thuốc lá, cách đánh cá, vận chuyển nước mắm như thế nào... ».
    1.800 đồ vật của nghệ thuật Việt Nam tại bảo tàng Cernuschi
    Những món quà nhận được trong năm 2017 đã làm phong phú thêm bộ sưu tập Việt Nam của bảo tàng Cernuschi, hiện có hơn 1.800 tác phẩm, chiếm gần 10% số tác phẩm của bảo tàng :
    « Năm ngoái, khi chúng tôi nhận được những bức tranh do một số họa sĩ trường Gia Định vẽ, tình trạng của những tác phẩm này rất xấu vì chúng chỉ được bảo quản trong một chiếc túi bảo vệ rất bình thường. Chắc là trước đây, chúng được treo trên tường, sau đó bị mối mọt gặm nhấm và bị nắng nóng tác động. Vì thế, tất cả mép của những bức tranh này bị thiếu, một số tranh bị thủng, có thể là do mối mọt ăn mất giấy.
    Cả mùa xuân 2018, chúng tôi đã phục hồi, trùng tu những tác phẩm này nhờ tay nghề của những người thợ phục hồi giấy đầy kinh nghiệm. Chúng tôi đã lót thêm phần bị thiếu, sau đó là đóng khung. Nhờ công việc này, tình trạng cho các bức tranh đã được khôi phục ».
    Bà Anne Fort cho rằng Bộ sưu tập Việt Nam của bảo tàng Cernuschi không có quy mô lớn nhưng khá hiếm vì rất ít cơ sở ở Pháp quan tâm thật sự đến Việt Nam, đặc biệt là Việt Nam ở thế kỷ XX. Dĩ nhiên phải nhắc đến bộ sưu tập khảo cổ rất lớn của bảo tàng Guimet, nhưng bảo tàng Cernuschi cũng có những tác phẩm thú vị về Việt Nam.
    « Ở Paris nói riêng và ở Pháp nói chung, một điều may mắn là còn có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật được bảo quản ở nhà dân. Vì thường những người này có cha mẹ hoặc ông bà từng sống ở Đông Dương. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ hoặc nghỉ hưu, họ trở về Pháp và trong hành lý trở về thường có những tác phẩm hội họa, tranh vẽ, đồ gốm, đồ đồng, sơn mài... Hiện vẫn còn rất rất nhiều đồ vật được mang ra bán đấu giá. Những kho báu này thường được người châu Á mua lại.
    Đối với các cơ quan Pháp, điều quan trọng là phải giữ được dấu tích mọi trao đổi giữa Pháp và Việt Nam vì đây là cách duy nhất để bảo vệ mối liên hệ này, dù từng rất đau xót, vì phần lớn các trường nghệ thuật ngày nay ở Việt Nam được thành lập trong quá khứ theo mong muốn của phía Pháp. Dù sao người Pháp cũng muốn phát triển nghệ thuật và khả năng tiếp cận nghệ thuật hiện đại, mới mẻ, tạo ra được những tác phẩm lý thú kết hợp giữa nghệ thuật phương Tây và phương Đông ».
    Những tác phẩm hội họa Việt Nam mới được đưa vào bảo tàng Cernuschi còn được giới thiệu đến công chúng ngày 04/11/2018, song song với một số buổi giới thiệu và thảo luận.
    Bà Anne Fort không che dấu sự ngạc nhiên về số lượng « like » trên mạng xã hội khi bảo tàng Cernuschi thông báo tổ chức triển lãm những tác phẩm Việt Nam, như kiểu một sự kiện được trông đợi từ lâu. Dù đó là những người gốc Việt hoặc không phải gốc Việt, nhưng họ đã từng sống ở Việt Nam, hoặc có người thân sống ở Việt Nam. Sự kiện này đã tác động đến họ và thôi thúc họ đến xem những tác phẩm mới này.
    http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180727-hoi-hoa-viet-nam-tai-bao-tang-nghe-thuat-chau-a-cernuschi-paris

    Paris, người Việt và tranh Lê Tài Điển

    media
    Để tìm những ký hiệu ngôn ngữ gắn bó với con người, tôi thường hình dung những chữ phù hợp với phong cách nghệ thuật của một vài nghệ sĩ,
    ví dụ với Lê Thị Lựu là niềm âu yếm, dịu dàng; Vũ Cao Đàm là những mãnh liệt thầm kín; tranh Nguyễn Trung chứa đựng khát vọng dục tình... nhưng chưa bao giờ nghĩ đến một ký hiệu cho tranh Lê Tài Điển bởi hội họa của ông với tôi là bí mật, dù đã quen nhau rất lâu và cùng sống trên đất Pháp. Có một chữ gần ông nhất là ít : nói ít, viết ít, vẽ ít...
    Play
    Current Time 0:00
    /
    Duration Time 0:04
    Loaded: 0%
    Progress: 0%
    0:00
    Fullscreen
    00:00
    Mute
    Ở người hoạ sĩ vẽ ít ấy, tranh Lê Tài Điển chia làm hai vùng : 
    Một vùng dễ hiểu chứa đựng những màu sắc, đường nét tươi sáng, rất trừu tượng, trẻ trung, mạnh bạo, dứt khoát vươn lên như muốn phá vỡ bức thành cổ của phục hưng hay ấn tượng, để xây dựng họa hình mới, tác phẩm mở, vào muôn vàn ngõ rẽ khác biệt.
     
    Những bức tranh trong sáng của ông còn rọi về tuổi trẻ của chúng tôi, lớp người sang Pháp thập niên 60-70, xuất dương du học hay tập nghề, một niềm tin vào "tương lai xán lạn".
     
    Mầu xanh lơ trên bầu trời không gợn mây hay những mảnh lam biếc đầy hấp lực, biểu dương lý tưởng tự do, mà chúng tôi vừa tập tễnh tiếp xúc trên đường tha hương sách vở. Cái mầu xanh ấy, màu xanh mà ngày nay, bất cứ chính trị gia nào cũng dành làm "nền" cho các bài diễn văn của mình, thời ấy còn là hiếm. Những vạch sơn vững chãi đầy nam tính trên tranh ông, là sự tự tin, đôi khi thái quá, và cũng là niềm kiêu hãnh của một tuổi trẻ muốn chinh phục thế giới bên ngoài.
     
    Đó là phần lạc quan, dễ hiểu, trong tranh Lê Tài Điển, phần họa hình ánh sáng.
     
    Nhưng Lê Tài Điển còn một vùng tối. Phần sâu kín, âm u, bi quan, và bí mật.
     
    Nụ cười xé hai của ông luôn luôn gợi cảm giác đớn đau, một thứ phũ phàng của định mệnh, một khối u trong tâm hồn, một bệnh chứng di căn không có cách gì lành trong con người. Người Việt.
     
    Ông không dùng ký hiệu ngôn ngữ bình thường để giao tiếp. Tất cả dường như đã cất kỹ vào kho, khuất trong nội tạng, thỉnh thoảng hé ra một chút, loé lên trong ánh mắt, phẫn nộ như một tia lửa, bùng lên rồi biến mất, để lại cho người nhận chút hoài bão, sững sờ, tê dại.
     
    Ở Lê Tài Điển là sự truyền chân cảm, rất ít, rất nhanh và thật vội, như sợ người ta biết được, nhận được và hiểu được bí mật của mình.
     
    Bí mật ấy là một vũ trụ u ám, phải chú ý lắm mới có thể bắt gặp.
     
    Trong một buổi triển lãm tranh ông tại Paris, đã khá lâu, tôi không còn nhớ rõ ngày tháng. Kỷ niệm mạnh nhất để lại cho người xem là những gam màu tối, vô thể, vô hình, chứa đựng những khối u, tan nát, vỡ vụn.
     
    Dường như ông muốn vẽ cái đau đớn, cô độc của chính mình trong cuộc đời nghệ sĩ những đêm say lạc ngủ quên trên con tàu từ Paris ra ngoại ô, đến cuối đường lại quay trở lại.
     
    Thân xác đi, ở, nhập, vào toa tầu những đêm đông lạnh và buồn ấy, đến sáng.
     
    Còn tranh đã nhúng hồn và máu trong những con tầu say.
     
    Tranh ông thể hiện con đường rầy ngoại ô Paris-Sartrouville, lạnh lội những đêm đông mưa dầm giá buốt, những căn nhà xiêu vẹo cạnh đường rầy đuổi nhau trên khung kính toa tầu, những mảnh đời nhờ nhờ đen như mầu da những người sống bên cạnh lộ.
     
    Tranh ông ngoặc những nét sần sùi thô nhám trên những khung cửa lõm vào mình immeuble HLM (Habitation à loyer modéré - nhà cho thuê rẻ tiền) tối om và ẩm ướt, những gờ thang máy bẩn thỉu hỏng quanh năm, những cửa kính vỡ, toác hoác đón gió lùa, những bức tường bôi bác vết nhơ, những đứa trẻ bơ vơ, lạc, loạn trong xì ke ma tuý...
     
    Tranh ông thể hiện chái sau những quán ăn Tàu, Việt, Paris khu mười ba, mười tám, những xưởng may quần áo lậu, hậu trường thiếu vệ sinh, thuê người trái phép, bóc lột nhân công, cả một hệ thống bí mật giấu trong những gói rác, đổ vội trong đêm khuya sau khi thực khách cuối cùng rời tiệm.
     
    Tranh ông phản ảnh niềm tuyệt vọng ẩn trong những giấc mơ của người dân nhược tiểu, hăm hở đến kinh đô ánh sáng để tìm "tương lai tươi sáng", lại chỉ gặp được định mệnh đắng cay, tàn khốc.
     
    Tranh ông thể hiện niềm tuyệt vọng chung của người nhập cư từ những nước nghèo tìm đến Paris, mong hưởng chút bơ thừa, sữa cặn, của một xã hội thừa ánh sáng, thiếu nhân tình.
     
    Và cũng từ Paris, nẩy sinh niềm tuyệt vọng riêng của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc, sự lưu lạc của một kẻ sống dưới ánh sáng, mà vẫn tưởng mình là bóng tối.
     
    Ông vẽ những thất lạc của con người trong đêm, như con tàu, cứ lao đi, đi mãi, mà không biết dừng lại ở một chốn nào...
     
    Sự lưu lạc của ông cũng là sự lưu lạc của chúng tôi, hậu duệ của bọn người đầu thai nhầm thế kỷ. Paris, dĩ nhiên huy hoàng và mỹ lệ, dưới vạn ánh đèn. Nhưng có mấy ai biết Paris còn là  một vũ trụ đen sâu đầy cạm bẫy của bóng đêm và bất hạnh, của những thất bại không ngừng, của những thờ ơ và lãnh đạm, của những kỳ thị hoang vu, của những chuyện chẳng lành đến từ quê cũ, của những hổ thẹn của một dân tộc đội sổ về quyền làm người...
     
    Paris càng sáng càng vui càng tự do bao nhiêu, thì lũ đầu thai nhầm thế kỷ chúng tôi càng cảm thấy lạc loài sinh nhầm tổ quốc, có lúc tự nhủ giá mình là người Lào, người Thái...
     
    Tranh Lê Tài Điển nói lên được cái "trót lỡ" ấy, cái trót lỡ đầu thai nhầm thế kỷ ấy, mà chúng tôi phải gánh như cây thánh giá trên mình, đeo nó bước đi trong kinh thành ánh sáng, nơi mọi người hoan hỷ, chỉ riêng bọn chúng tôi héo hắt với thập tự trong tim, bởi bao nhiêu "thành công" nghề nghiệp cũng không xoá được nỗi bất lực toàn diện, bó tay, không thể rút độc tài ra khỏi guồng máy thống trị, rút tham nhũng ra khỏi dân mình, rút bất công ra khỏi số phận những đứa trẻ bụi đời trên khắp nẻo Sài Gòn Hà Nội, rút ê chề khỏi thân thể những cô gái bán mình sang Hồng Kông, Hàn Quốc...
     
    Sống trên đất Pháp từ lâu, quá lâu, gần ba phần tư cuộc đời, đã là một nửa người Pháp, đã có thể trở thành người Pháp, nhưng tại sao nửa kia vẫn muốn, vẫn nhận, vẫn là người mình, mặc dầu khó ai biết rõ mình là ai, là người gì, ngoài tấm thẻ căn cước và tờ hộ tịch. Người ta bảo đó là người Pháp gốc Việt, người Mỹ gốc Việt, nhưng có ai rõ người là gì và gốc là gì? Điểm rõ nhất là sự xuất huyết nội tâm cả người lẫn gốc mỗi khi được tin về nước mình, từ thuở thuyền nhân vượt biển.
     
    Ở những thuyền nhân sống sót đến Paris, lại một kỳ vọng mới cho tương lai. Bao nhiêu thế hệ đã qua, đến Pháp, hết lớp này lớp khác, mỗi lần đều mang một khát vọng mới: và nếu ai đó có thành công về kinh tế xã hội, cũng không khoả lấp được niềm tuyệt vọng của một dân tộc.
     
    Một dân tộc không thiếu nhân tài, có nền văn hoá lâu đời, nhưng bao nhiêu thập niên đã trôi qua, không thể ngóc mình lên khỏi nấc thang chót về quyền làm người, cũng là nấc thang xác định nền văn minh của một nước. Đó là một cái nhục mà chúng tôi phải chịu, và chúng tôi có trách nhiệm.
     
    Cái nhục ấy, chúng tôi, những kẻ đầu thai nhầm thế kỷ phải chịu trách nhiệm và mang trong người như một ung nhọt nội tâm, chưa có thuốc chữa và cũng không thể ngỏ cùng ai. Mà nói thế nào? Ngoài niềm tuyệt vọng dấu kín trong lòng, rồi một phút nào đó, bí mật trào qua nét bút.
     
    Tranh Lê Tài Điển mang những nét bí mật như thế.
     
    Một họa sĩ bảo: "Có những khuôn mặt dễ bắt, có những khuôn mặt khó bắt". Chữ bắt của ông thật tài tình, mà không chỉ với tranh, dường như với bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng vậy, đều có những đối tượng khó bắt và những đối tượng dễ bắt.
     
    Lê Tài Điển là một khuôn mặt khó bắt. Khuôn mặt ở đây cũng là toàn bộ con người và nghệ thuật. Nhìn một bức tranh "tươi" của ông, với màu xanh hy vọng, sắc thắm, nhiều ánh sáng, đường nét dứt khoát không lưỡng lự, các gam màu ăn khớp trong mật độ hài hoà, vẫn thấy như có cái gì không ổn, "không đúng", chưa phải ông, chưa phải chúng tôi, không phải.
     
    Trong tim của mắt, có sự từ chối những gì quá sáng, quá vui, nơi Lê Tài Điển. Ngược lại, chỉ khi nhìn những nét vá víu, ngượng nghịu, như quẹt vội, như bút ráp, những nét âm u, vô hình thức, chưa phải là hình, một thứ ánh sáng chưa thoát khỏi bóng đêm, một tương lai chưa đến đã vỡ, một kết hợp chưa thành đã vữa, đó mới thực là Lê Tài Điển.
     
    Bởi tranh ông cũng là hiện thân cái mâu thuẫn, cái đen tối trong tâm hồn chúng tôi, những người Việt sống ở chốn này: ánh mắt nào cũng muốn lừ lên một chút phẫn nộ, uất ức cái gì đó, rồi lại dịu xuống chịu đựng, đợi chờ. Ai cũng muốn làm một cái gì đó cho đất nước, nhưng rồi vẫn ngồi trơ đó, bó tay, hoặc hồ hởi đi về, ngậm ân huệ mà nuốt trôi nhân cách.
     
    Lê Tài Điển vẽ được cái bãi rác ấy trong tim chúng tôi. Vẽ được cái vùng phân tranh, bất phân thắng bại, nhưng không ai nhường ai, trong thâm tâm người Việt, đã có hoà bình gần một phần ba thế kỷ. Ông vẽ những đen tối cạnh tranh, của một cộng đồng chưa từng hội ngộ, chưa từng đoàn kết, nhưng đã lên ngôi những nghi ngờ, những đố kỵ, những đổ vỡ, những tàn tạ.
     
    Paris, những ngày tuyết tháng 2/2012
    Thụy Khuê
    http://vi.rfi.fr/viet-nam/20120504-paris-nguoi-viet-va-tranh-le-tai-dien
    Lê Tài Điển: Nghệ sĩ tạo hình nhiều trải nghiệm
     09/03/2011
    Than, nghiên cứu hình
    Những hoạ sĩ Việt Nam sống tại Paris có thể chia thành nhiều thời kỳ, thời của Lê Phổ, Mai Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm từ cuối thập niên 30, đến thời Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị thập niên 40, thập niên 50 có Vĩnh Ấn, Võ Lăng …cho đến thập niên 60 thì có Nguyễn Cầm, Lê Tài Điển và đầu thập niên 80 có Thái Tuấn qua đoàn tụ cùng gia đình. Đó là kể qua về những hoạ sĩ nổi tiếng mà nay kiểm lại, đã mất gần hết. Chỉ còn Võ Lăng, Nguyễn Cầm và Lê Tài Điển.
    Cho nên lần qua Paris bày tranh cùng Nguyễn Đình Thuần tại galerie Annam Héritage quận 7 (từ 28.10 đến 6.11.2010), tôi nói phải gặp và viết về Lê Tài Điển, người bạn cùng thời và quen thân nhau từ lâu. Từ thời còn gọi tên Tây của Điển là Aristique, quê ở Mỹ Tho, sinh ngày 31tháng 8 năm 1937, gia đình có quốc tịch Pháp, năm 1962 nhân có Mai Lan Phương, họa sĩ tốt nghiệp Đại Học Mỹ thuật Trang Trí ở Paris về thay hoạ sĩ Tôn Thất Đào, làm giám đốc trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1962-1963), có mời người bạn là Lê Ngọc Huệ, tốt nghiệp điêu khắc Đại Học Mỹ Thuật Montpellier về dạy điêu khắc. Điển cùng về để học điêu khắc với Lê Ngọc Huệ, một người thầy dạy điêu khắc trẻ, đã đem luồng khí mới về cho truờng, đã đào tạo những điêu khắc gia tài ba như Lê Thành Nhơn, Mai Chửng… Năm 1964 Điển trở lại Pháp, học tiếp tại trường Mỹ thuật Paris, làm việc tại xưởng vẽ của hoạ sĩ Raymond Legueult… Thời gian sau đó Điển về làm việc tại nhà in Sài Gòn Ấn Quán của Trương Vĩnh Lễ, gần cạnh nhà tôi ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Tân Định. Trông coi phần mỹ thuật, sau này có giới thiệu anh Thái Tuấn vào làm. Lê Tài Điển là thành viên Hội họa sĩ Trẻ Việt Nam và đứng tên trong phần thực hiện tờ Thời Tập 1974 do Viên Linh làm chủ bút (Thời Tập có ghi: xuất bản dưới sự bảo trợ của Hội Hoạ Sĩ Trẻ VN), đến nay vẫn gắn bó cùng bạn: làm nơi liên lạc phát hành tại Pháp của tạp chí Khởi Hành (1) cùng chị Vũ Lan Phương. Luôn nhớ những lần gặp Điển ở Paris, từ năm 1991 có Nguyễn Trung từ Sài Gòn qua bày tranh tại Nhà Việt Nam thời Bạch Thái Quốc trông coi, lúc ấy hội họa Sài Gòn bắt đầu có chút khởi sắc trở lại sau thời kỳ đổi mới. Nhiều đêm Nguyễn Trung và tôi về Sartrouville uống rượu ở nhà Nguyễn Cầm. Cầm làm hiệu trưởng trường Mỹ Thuật Sartrouville và Điển dạy ở đó rất nhiều năm. Chúng tôi ra ngủ lại ở trường có phòng rộng, có cả anh Thái Tuấn từ Orléans lên … không còn gì ồn ào hơn những lúc tranh luận cùng nhau khi tạt qua chuyện văn chương nghệ thuật, vốn ít khi bàn đến, anh Thái Tuấn vẫn nói …tới cùng nhất. Điển và Kiệt Tấn hay về thăm Thái Tuấn ở Orléans nay anh không còn nữa (anh mất tại Sài Gòn ngày 26.9.2007). Tôi biết bạn buồn khi xa cố tri, cũng như nơi này tôi không còn Ngọc Dũng, thỉnh thoảng buổi chiều anh nhắn qua uống ly whisky tự tay anh pha chế …Những họa sĩ đàn anh tài hoa, những người bạn vong niên thân yêu, đáng kính.
    Không đề, sơn dầu trên bố 100cm x 100cm
    Không đề, sơn dầu trên bố 100cm x 100cm


    Năm 1971 triển lãm tranh, tượng và thủ ấn họa của Lê Tài Điển tại Alliance francaise, Sài Gòn cho thấy một không khí mới từ những André Lhote (2), Henri Moore (3), đã ảnh hưởng rất lớn đến hội họa và điêu khắc hiện đại thế kỷ 20 mà anh hấp thụ để hoà nhập cùng tâm hồn phương Đông lan toả ra từ một họa sĩ phóng khoáng, tự do của Miền Nam. Thời kỳ này anh làm nhiều thủ ấn họa (estampe) mới lạ. Tranh sơn dầu thì từ có hình chuyển sang trừu tượng với những mãng vuông đỏ, vàng nâu và mãng đen mạnh. Tượng thì chưa thoát nổi quả trứng tròn của Brâncuşi (4) và những lỗ hổng (trou) của tượng đồng Henri Moore… Anh làm nhiều với nhiều trải nghiệm từ đời sống và những sinh hoạt nghệ thuật tạo hình của Paris, cái nôi của nghệ thuật một thời, cho đến nay vẫn còn giữ gìn vốn văn hoá, sinh hoạt nghệ thuật in đậm nét nhất. Chúng tôi đã lang thang những ngày cùng nhau ở khu Montparnasse, trên đồi Montmartre …place du Tertre, nơi tập trung những họa sĩ tứ xứ ngồi vẽ khách du lịch. Điển đã chỉ quán rượu nơi buổi chiều đã ngồi cùng Ngọc Dũng (đã mất 7.2000 tại Virginia) cũng như khi lái xe, đã chỉ những quán cà phê Le Dôme, La Coupole, La Rotonde… nơi các hoạ sĩ Picasso, Modigliani, Chagall, Foujita … cả nhà thơ Apollinaire, Mayakowski thường ngồi những năm đầu thế kỷ mười chín, để nhìn thấy một Paris đầy suơng khói thơ mộng:
    Tháng 7 năm 1994, anh triển lãm chung cùng Nguyễn Lâm, Nguyễn Cầm, Thái Tuấn, Hồ Hữu Thủ, Philippe Franchini tại Galerie Bellint, Paris là một cuộc hội ngộ đẹp với chủ đề mang tên “Racines” (Cội nguồn). Thế giới nghệ thuật của Lê Tài Điển nghiên nhiều về đời sống tâm linh, thời gian sau này còn tìm về đạo Phật như một an lạc cho tâm hồn. Anh sống và làm việc chân thành hết mình, kiến thức rộng, luôn tìm kiếm sáng tạo, cả trong những đồ án trang trí mà anh thực hiện … Anh như một tấm guơng lớn phản chiếu toàn thân, một hiện hữu mang cả khổ đau và hạnh phúc. Lê tài Điển, hay sự vương giả và nhuần nhuyễn, có thể mượn lời của Philippe Franchini, một nhà điêu khắc (chuyên làm sắt hàn –fer forgé), chủ nhân galerie La Dolce Vita trong khách sạn Continental Sài Gòn, một thời đã cho chúng tôi có nơi bày tranh tượng sang trọng, ấm cúng … đã viết về anh:
    Lê Tài Điển: Nghệ sĩ tạo hình nhiều trải nghiệm
    Lê Tài Điển: Nghệ sĩ tạo hình nhiều trải nghiệm
    “Nghệ sĩ sáng tác phong phú, chắc chắn chưa trải hết tài năng điêu khắc của mình, nhưng điều chính yếu phải chăng đã được thể hiện trong bàn tay diệu kỳ của đức Phật đang nắm một hình bầu dục, trình bày như một đôi cánh vinh quang vươn lên? Bàn tay ấy dường như còn diễn tả một kiếm tìm sâu lắng cùng một hy vọng hồi sinh … Lão Tử đã viết:
    “Ôi mọi vật trùng trùng
    Đều trở về cội rễ
    Trở về cội rễ là Tịnh
    Ấy gọi là Phục Mạng
    Phục Mạng gọi là Thường “

    (Ngô Kim Khôi dịch)
    Ôi vạn vật trùng trùng đều trở về cội rễ. Trở về cõi không. Phải chăng Lê Tài Điển, nhà nghệ sĩ tạo hình nhiều trải nghiệm, sống cả quảng đời thăng trầm, lang bạt giang hồ giữa phố thị Paris đã có thể ngồi trầm ngâm bên chai chát đỏ nhìn lại một chặng đường dài đã hiến dâng cái Tâm mình cho nghệ thuật, để có thể thấy ra: Khổ đau - Hạnh Phúc không khác.
    Virginia ,Féb.28.2010
    Đinh Cường
    [1]Khởi Hành, chủ nhiệm chủ bút Viên Linh. Thư ký toà soạn Nguyễn tà Cúc -Midway City –California.
    [2]Sinh năm1885 Bordeaux, mất năm 1962 Paris, hoạ sĩ, lý thuyết gia viết nhiều sách hội họa.
    [3]Điêu khắc gia Anh, sinh 1898 Castleford mất 1986 tại East Herfordshire .
    [4]Điêu khắc gia Roumani, sinh năm 1876 tại Gori, Valachie mất tại Paris 1957. Tác giả tượng nổi tiếng Chiếc HônBuổi khai thiên lập địa bằng đá cẩm thạch hình một quả trứng nhẵn bóng - Viện bảo tàng Mỹ Thuật Philadelphia.

    https://www.voatiengviet.com/a/nghe-si-tao-hinh-le-tai-dien-03-09-2011-117668798/916964.html

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten