Nhiếp ảnh gia Pháp và sứ mệnh mới ở VN
- 3 tháng 9 2016
Một nhiếp ảnh gia người Pháp sống và làm việc tại Hội An, nói ông đã tiếp xúc với người của 42 dân tộc thiểu số trong 5 năm qua và lên kế hoạch gặp đủ 54 cộng đồng người dân tộc tại Việt Nam.
Sau khi tiếp xúc rất nhiều nét văn hóa khác nhau, và đặc biệt là những nhóm người dân tộc còn rất ít người, Rehahn Croquevielle nói ông càng cảm thấy thôi thúc ghi chép đầy đủ hơn.Trả lời chương trình radio Newsday của BBC, tác giả nói ông cảm thấy nhu cầu khẩn thiết để hình thành ‘Bộ Sưu tập Di sản Quí giá’ bởi một số bộ tộc đang mất dần các nét văn hóa dân tộc của họ.
Rehahn Croquevielle: Việt Nam là đất nước có những nét tương phản rõ rệt thể hiện qua sự khác biệt vùng miền. Chỉ cần đi khoảng 100km là người ta có thể cảm thấy như mình vừa di chuyển từ nước này sang nước khác.
Tôi đã sống tại Việt Nam được bốn năm qua và tôi nghĩ có lẽ tôi phải ở đây suốt cả đời thì mới khám phá được hết Việt Nam.
BBC: Ông có thể nói về một số nền văn hóa dân tộc hay truyền thống mà ông xem là sẽ bị mai một.
Tôi đã gặp 42 cộng đồng người dân tộc rồi. Cách đây 3 năm tôi đã đi Mai Châu, cách Hà Nội khoảng 2 giờ chạy xe. Tôi gặp người dân tộc Thái và họ mặc trang phục dân tộc và cuối năm ngoái tôi có quay lại đây thì gần như chẳng ai trong cộng đồng ở đây còn mặc trang phục này nữa. Tức là 2-3 năm đã làm thay đổi tới như vậy.
Toàn cầu và thay đổi
BBC: Ông là người nước ngoài và ông muốn thấy Việt Nam giữ nguyên trạng như xưa nhưng quá trình toàn cầu hóa có nghĩa là người ta cũng phải thay đổi theo thời gian như mua quần áo phương Tây rẻ tiền hơn.Rehahn Croquevielle: Tôi cũng nghĩ đó là việc thường xảy ra và nếu tôi trong hoàn cảnh vậy thì tôi cũng sẽ làm như vậy. Nhưng vấn đề là ở chỗ ngay trong lễ hội của họ mà họ cũng không có trang phục dân tộc và họ cũng không biết may trang phục đó thế nào nữa.
Rồi còn cả vấn đề ngôn ngữ nữa, có khi trong những làng chỉ còn vài người nói được ngôn ngữ sắc tộc đó. Và giới trẻ trong cộng đồng dân tộc họ không quan tâm nữa. Tôi biết là họ cần nói tiếng Việt và một chút tiếng Anh, nhưng thứ tiếng của họ đang mất dần.
Và rồi họ nói là người ông của gia đình là một người Pháp, và bố em bé này và em đều có mắt màu xanh
Nhưng tôi biết là cũng có các tổ chức nước ngoài giúp đỡ một số nhóm người dân tộc để họ có thể may quần áo dân tộc.
Mắt xanh ấn tượng
BBC: Tôi muốn nói về một số bức ảnh trong đó có bức bé gái có đôi mắt xanh rất ấn tượng. Ông có thể nói về bức hình này?Rehahn Croquevielle: Tôi tới thăm cộng đồng người Chăm, hiện có khoảng 150.000 dân và có một ai đó bảo tôi là có một cô bé mắt xanh đấy, thế là tôi tò mò và tìm tới gia đình này. Thế rồi họ cũng ngại và họ hỏi là tại sao tôi lại chụp hình thế là tôi cất máy ảnh đi.
Và rồi họ nói là người ông của gia đình là một người Pháp, và bố em bé này và em đều có mắt màu xanh. Và rồi chúng tôi dần dần quen biết nhau và coi nhau như những người trong gia đình và rồi tôi mua vé máy bay cho họ tới thăm tôi ở Hội An, đó là lần đầu tiên họ đi máy bay và tôi tới thăm gia đình hai lần trong năm.
BBC: Một bức hình nữa là hình bé gái đứng cùng với con voi.
Rehahn Croquevielle: Bé này là người dân tộc M’Nông ở Tây Nguyên. Và người dân tại đây yêu quý động vật và họ coi con vật cũng ngang bằng với con người, họ là một trong các nhóm người dân tộc duy nhất có thể thuần dưỡng voi rừng vì họ nể trọng voi.
Em bé này là Kim Luan, 6 tuổi, và chỉ có bé mới tới gần được con voi này. Người ta bảo tôi là không thể tới gần được con voi này vì nó gần như là voi hoang.
BBC: Ngoài việc ghi lại những khoảnh khắc thì ông còn ghi chép những nền văn hóa và truyền thống đang bị mai một đi, điều đó có làm cho ông cảm thấy buồn?
Rehahn Croquevielle: Cũng hơi buồn. Ngay cả khi tôi biết là có nhiều nguyên nhân mang tới những thay đổi như văn hóa phương Tây, du lịch, internet … thì tôi hy vọng là sẽ lưu trữ được những nét văn hóa này trước khi chúng bị biến mất. Do đó tôi hy vọng là có thể lưu trữ được các hình ảnh của 54 dân tộc trước khi quá muộn.
http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2016/09/160902_french_photographer_and_vietnam
Geen opmerkingen:
Een reactie posten